Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự thảo), được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện, đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng TrisAI để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí.
Đồng thời tối thiểu 20% cơ quan báo chí áp dụng mô hình thu phí bạn đọc với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa, quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân; xây dựng 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực quốc gia và cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực địa phương tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng, các cơ quan báo chí lớn tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 50% tổng lưu lượng truy cập…
Hoạt động chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhờ quyết tâm chính trị và chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số được nâng lên cấp chiến lược. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra trong các nhiệm vụ trọng tâm “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, hỗ trợ 3 nền tảng (nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí) giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (dự thảo) cũng nhấn mạnh 6 quan điểm đối với báo chí Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, gồm: phát triển và quản lý tốt nội dung báo chí trên các nền tảng số, làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập chủ quyền trên không gian mạng, giữ vững vai trò dẫn dắt thông tin và định hướng dư luận xã hội; nền tảng là công nghệ là động lực đột phá; người đọc, người xem làm trung tâm; cải cách toàn diện, phát triển hệ sinh thái truyền thông số ở Việt Nam; phát triển mô hình truyền thông số, tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam với các nền tảng xuyên biên giới.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, không ít lần khẳng định chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo ông, chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới.
Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược chuyển đổi số mang tính gợi mở, gợi ý, và mỗi cơ quan báo chí sẽ triển khai theo nhu cầu tự thân của mình. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy là một trong những cơ quan báo chí bắt tay khá sớm vào việc xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và chuyển đổi số - tòa soạn số. TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, cho biết ngay sau khi chuyển đổi từ báo sang tạp chí theo Đề án quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025, Tạp chí đã và đang có bước chuyển đổi số mạnh mẽ, không ngừng cải tiến phương thức tác nghiệp và nội dung cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan tạp chí, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu tìm hiểu thông tin kinh tế của bạn đọc, nhất là những vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, với nhiều bài phân tích, phản biện chuyên sâu.
Đặc biệt, một trong những nội dung chủ đạo, chuyên biệt và cũng là trách nhiệm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy là lắng nghe, tìm tòi, phát hiện những khó khăn, rào cản về chính sách đã và đang tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp, những vấn đề thời sự, đang được dư luận quan tâm, có tác động tới doanh nghiệp, kinh tế và đời sống xã hội, thông qua đối thoại, phân tích, đánh giá từ các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, qua đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, bất cập ở cả cấp độ chính sách vĩ mô lẫn các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như đối thoại: “Giải pháp cấp bách về vốn để “giữ cánh” cho hàng không Việt”; “Giải pháp cấp bách và lâ̂u dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng”; “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”; “Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro”; “Nguy cơ xung đột kỹ thuật số toàn cầu – Giải pháp đảm bảo an ninh mạng cho Việt Nam”…
Các sản phẩm báo chí của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cũng được thể hiện trên đa nền tảng như Tạp chí in, Tạp chí điện tử VnEconomy, trên Fanpage, Youtube, Tiktok, LinkedIn… với sản phẩm báo chí chất lượng, chuyên sâu gắn chặt với thực tiễn doanh nghiệp, kinh tế và đời sống xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, nhất là lớp độc giả doanh nghiệp doanh nhân. “Tạp chí đã và tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức và ứng dụng công nghệ số đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả”, Tổng biên tập Chử Văn Lâm khẳng định.
Thời gian qua, thông tin trên các nền tảng mạng xã hội ở nhiều thời điểm đã “lấn át” thông tin báo chí chính thống. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội lại đang trở thành phương thức tiếp cận thông tin thường xuyên, phổ biến của đại đa số người dân, trong đó đặc biệt là người trẻ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết mỗi ngày trên mạng xã hội có khoảng 100 triệu thông tin và Bộ Thông tin và truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia và trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cũng hơn một lần cho rằng, báo chí cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền lan tỏa thông tin chính thống, “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, muốn vậy báo chí cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, tăng cường các thông tin chính thống, tích cực, chủ động để lấn át các thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Phương thức tiếp cận thông tin của độc giả, khán thính giả đã hoàn toàn thay đổi, theo những xu hướng mới và hiện đại, do vậy cách truyền tải, phát hành thông tin báo chí chính thống cũng không thể theo các phương thức truyền thống, theo cách cũ. Tổng biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh cho biết trong hơn một năm qua, Báo Nhân dân đã bắt nhịp rất nhanh để có sự thay đổi. Cụ thể, báo đã chuyển sang quan niệm “digital first” – nghĩa là ưu tiên các nội dung lên nền tảng digital trước, thậm chí “social first” - theo đó, nhiều nội dung chưa thành tin đã được đẩy lên hệ thống mạng xã hội để tiếp cận với độc giả.
“Điều bất ngờ thú vị là Báo Nhân dân đã xuất hiện trên TikTok – một nền tảng dành cho thế hệ Z (13-18 tuổi). Thực tế khi xuất hiện trên TikTok, những vấn đề chính trị xã hội tưởng chừng rất chính thống, rất khô khan lại được được người xem rất quan tâm”, ông Minh chia sẻ. Tổng biên tập Báo Nhân dân cũng cho biết, hiện nay, có những video của Báo đưa lên các nền tảng mạng xã hội thu hút được 3-4 triệu lượt xem là rất bình thường.
Ông Đào Quang Bính, Tổng giám đốc, Tổng thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, chia sẻ với chủ trương và chiến lược về chuyển đổi số toàn diện Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã lập ra Ban Digital marketing nhằm đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các nội dung trên nền tảng số. Theo đó, ngoài việc truyền tải trên các kênh truyền thống như tạp chí in, online có sự đổi mới, hiện đại theo xu hướng thời cuộc, thì các nội dung này cũng được truyền tải trên đa nền tảng và đa kênh một cách phù hợp như Fanpage VnEconomy; Tiktok VnEconomy; LinkedIn VnEconomy; Youtube VnEconomy… Việc này giúp độc giả của báo đa dạng hóa các phương thức tiếp cận thông tin, qua đó làm lan tỏa rộng rãi các thông tin tích cực tới độc giả, người dùng, đặc biệt là người dùng trên các nền tảng mạng xã hội.
“Ngoài ra, để hướng đến phục vụ độc giả quốc tế, VnEconomy đã áp dụng công nghệ kỹ thuật xuất bản phiên bản online bằng tiếng Anh giới thiệu tóm tắt các tin bài quan trọng. Độc giả quan tâm các bài viết có thể đọc bằng 108 thứ tiếng phổ biến trên thế giới thông qua công cụ dịch. Đây là nguồn cung cấp thông tin phục vụ tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt đối ngoại kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, giao thương, mở cửa kinh tế của đất nước”, ông Đào Quang Bính nói và cho biết thêm một dự án chuyển đổi số trong phát hành báo in hợp tác với Công ty Phát hành báo chí Trung ương nghiên cứu phát triển một hạ tầng kỹ thuật để phát hành tạp chí dưới dạng PDF sẽ chính thức ra mắt độc giả vào ngày 12/10 trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu mạnh của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.
Theo ông Đào Quang Bính, việc phát hành báo chí giấy trên môi trường số sẽ mở ra hướng phát triển rất tốt cho các tạp chí in ở trong nước, giảm bớt chi phí in, phát hành nhanh chóng tới tất cả các độc giả ở mọi nơi qua một thao tác bấm nút. Đặc biệt là giúp độc giả, nhất là giới doanh nghiệp, thuận tiện trong việc tiếp cận, lưu trữ thông tin. “Với việc ra sản phẩm báo giấy (dưới dạng PDF) trên nền tảng số, độc giả sẽ nhận bản báo số này nhanh hơn 2 ngày so với bản giấy phát hành truyền thống, và chi phí đọc và sở hữu báo số cũng sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí đặt mua báo giấy. Chúng tôi coi đây là một công cụ chuyển đổi số hữu hiệu cho phát triển báo chí Việt Nam”, ông Bính chia sẻ.
VnEconomy 13/10/2022 09:00
09:00 13/10/2022