Bộ Giao thông vận tải yêu cầu khắc phục sơ hở, ngăn tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện...
Bộ Giao thông vận tải cho biết hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập bỏ lọt quy trình và tập trung ở các lỗi như: không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm về đèn phương tiện, kích thước thùng xe tải..., thực tập, báo cáo kết quả thực tập kiểm tra phương tiện không đúng quy định.
Do đó, để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót và nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện.
Tuy nhiên, "qua công tác thanh tra của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải và phản ánh trong thời gian vừa qua cho thấy, công tác kiểm định còn nhiều thiếu sót, đặc biệt tồn tại, vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
"Nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để xây dựng, thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phòng ngừa, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Cục Đăng kiểm cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tập trung kiểm tra hoạt động kiểm định của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông qua hệ thống giám sát trực tuyến tại Cục Đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm cũng được giao kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới; nghiên cứu xây dựng, thực hiện các giải pháp hiệu quả để kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.
Thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành hàng loạt quyết định xử lý kỷ luật trong công tác kiểm định xe cơ giới như tại 2 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-02D và 98-06D tại Bắc Giang sau vụ xe cũ nát đưa đón công nhân; hay đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới đối với đơn vị đăng kiểm xe cơ giới 62-03D tại Long An do đăng kiểm viên tiếp tay để xe quá tải, cơi nới thành thùng hoành hành...
Gần đây, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP. HCM, Phòng Cảnh sát hình sự xác lập hai chuyên án để điều tra về sai phạm của 9 Trung tâm Đăng kiểm tại TP. HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre. Qua điều tra, rất nhiều phương tiện không đủ điều kiện đăng kiểm về độ khói, khí thải; xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh; xe đã cơi nới thành thùng… nhưng vẫn được cấp kiểm định để lưu hành.