Bộ Tài chính: Ưu đãi 50% phí trước bạ giai đoạn hiện nay cũng khó kích cầu
Bộ Tài chính vừa tiếp tục có Tờ trình gửi Thường trực Chính phủ về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã báo cáo trước đó.
Những tác động nếu thực hiện tiếp ưu đãi LPTB
Bộ Tài chính tiếp tục giữ quan điểm về vấn đề chưa tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như trước đó.
Theo Bộ Tài chính, trong trường hợp Thường trực Chính phủ quyết định thực hiện thì Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (để thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Lý giải về đề nghị chưa thực hiện giảm, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân là bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng có các tồn tại, hạn chế. Theo đó, đầu tiên việc giảm 50% LPTB sẽ tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng tiêu thụ và đăng ký nên số thu LPTB, thuế GTGT và thuế TTĐB có thể tăng. Tuy nhiên, thực tế số thu thuế GTGT và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP HCM (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương). Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách năm 2023 của nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân tiếp theo đó là chính sách giảm 50% LPTB sẽ tác động đến cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam hiện là thành viên của WTO và đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Hiện nay chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể áp dụng ngắn hạn trong điều kiện năm 2021-2022 phần lớn các nước đều chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 và cũng có nhiều điều chỉnh chính sách đặc thù. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện trong năm 2023 thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc điều chỉnh chính sách này như một khoản trợ cấp của Chính phủ và có thể một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tiếp tục gửi các yêu cầu, khiếu nại.
Cũng theo Bộ Tài chính, mặc dù Việt Nam chưa nhận được khiếu kiện nào của các nước, nhưng đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng chính sách giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ các quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam. Tại Diễn đàn DN Việt Nam, các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam và Eurocharm đã đề xuất thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với cả ô tô nhập khẩu để đảm bảo cam kết quốc tế đã ký kết. Do đó, nếu thực hiện phương án này thì có thể ảnh hưởng lớn đến cân đối NSNN của các địa phương.
Khó phát huy tác dụng kích cầu thời điểm hiện tại
Theo Bộ Tài chính, thời điểm năm 2020 và năm 2022, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là do đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Do vậy, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân. Điều này khiến số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh, nên nguồn thu NSNN từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT đã bù đắp được phần giảm thu LPTB về mặt chính sách.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng đã khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nhu cầu mua xe của người dân được đánh giá là thấp hơn. Việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay dự báo khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng như giai đoạn trước. Việc tăng thu từ thuế TTĐB và thuế GTGT sẽ không thể đạt được như giai đoạn trước để có nguồn bù đắp cho việc giảm LPTB. Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu LPTB về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp để hỗ trợ DN, người dân, trong đó có DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, với tổng gói hỗ trợ khoảng khoảng 186.700 tỷ đồng (trong đó gói miễn, giảm thuế là 65.500 tỷ đồng và gói gia hạn thuế là 121.200 tỷ đồng).
Mặt khác, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị định gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn, với số tiền thuế dự kiến được gia hạn là 11.200 tỷ đồng.
Trước đó, với lí do doanh số thị trường ô tô sụt giảm mạnh, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm, sản xuất ô tô giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn báo cáo tháng bán hàng tháng 4/2023 trên toàn thị trường của VAMA mới đây, doanh số ô tô tiếp đà giảm sút. Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4 chỉ đạt 22.409 xe, gồm xe 15.748 du lịch, 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Các phân khúc đều có sự giảm mạnh so với tháng 3/2023, như xe du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51%.
Nếu chỉ tính riêng các thành viên VAMA thì doanh số bán hàng còn giảm mạnh hơn. Cụ thể, chỉ có 20.667 xe các loại được bán ra trong tháng 4/2023, giảm 46% so với tháng 4/2022 và giảm 21% so với tháng 3/2023.