Bùng phát ổ dịch, doanh nghiệp du lịch Phú Quốc lo lắng cho kế hoạch thí điểm

Tường Bách
Chia sẻ

Cập nhật tới tối ngày 22/9, từ khi phát hiện trường hợp F0 trong cộng đồng vào chiều 20/9, Phú Quốc đã ghi nhận 57 người nhiễm SARS-CoV-2...

Hiện Phú Quốc đã cho kích hoạt tất cả các kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong tình huống có ca lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, tiếp tục theo dõi sát, quản lý chặt F2 tại nhà và tăng tần suất xét nghiệm để đảm bảo nếu những F1 này chuyển thành F0 thì F2 nâng lên thành F1 để đưa đi cách ly kịp thời.

Trước đó ngày 6/9, thành phố Phú Quốc đã thay đổi việc giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16/CT-TTg xuống Chỉ thị 15/CT-TTg và từ 0 giờ ngày 21/9 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 19/CT-TTg. Sau khi có ổ dịch mới, phường An Thới đã tạm thời áp dụng trở lại Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết phương án đón du khách trở lại của Phú Quốc sẽ không thay đổi. “Ổ dịch này không ảnh hưởng đến phương án đã được Chính phủ phê duyệt thí điểm mở cửa đón khách quốc tế tại Phú Quốc. Đây là thử thách đầu tiên của Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung trong việc thực hiện chủ trương thí điểm của Bộ Chính trị và Chính phủ,” ông Trung khẳng định.

“Chúng tôi cho rằng đây là cuộc diễn tập lớn đối với nguy cơ thách thức trong thời gian tới khi mở cửa đón khách. Do đó, Kiên Giang xác định quá trình mở cửa đón khách trở lại sắp tới phải thật cẩn trọng, chắc chắn từng bước,” ông Nguyễn Lưu Trung nói thêm.

Bùng phát ổ dịch, doanh nghiệp du lịch Phú Quốc lo lắng cho kế hoạch thí điểm  - Ảnh 1

Trước đó Phú Quốc kiểm soát tốt Covid-19, là "vùng xanh", được chọn là nơi thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế, khởi đầu phục hồi du lịch quốc gia sau hơn một năm khóa chặt "đường biên du lịch". Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Phú Quốc đang lên kế hoạch khởi động lại kinh doanh, cùng chính quyền xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho du khách. Háo hức là vậy, nên khi có ca nhiễm cộng đồng ít nhiều cũng khiến doanh nghiệp lo lắng.

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, dự kiến từ ngày 1 - 10/11 sẽ tổ chức diễn tập, chạy thử quy trình đón khách từ sân bay về khách sạn, trước khi chính thức đón khách quốc tế đến Phú Quốc sau ngày 10/11. Trong giai đoạn thí điểm, dự kiến chỉ áp dụng đối với khách đi du lịch thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, không áp dụng đối với người nhập cảnh với mục đích khác.

Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại… Theo đó, tỉnh Kiên Giang dự kiến chọn 7 doanh nghiệp ở Phú Quốc có quy mô 14 khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao với 8.000 phòng để phục vụ thí điểm đón khách quốc tế. Hiện cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp này đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19.

 
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, trong ngày hôm nay (23/9), Bộ VHTT&DL sẽ làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang để đánh giá việc chuẩn bị khởi động đón khách quốc tế và hướng giải quyết đề xuất của địa phương trước tình hình mới.

Trải qua thời gian dài “ngủ đông” vì dịch Covid-19, những người làm du lịch tâm huyết tại Phú Quốc đều nhớ nghề, nhớ du khách. Với những cơ hội và thách thức mới, họ đang tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trước khi đón khách.

Tại Saigon Phu Quoc Resort & Spa, 100% nhân viên đã được tiêm 1 liều vaccine, trong đó 50% nhân viên tiêm đủ 2 liều; dự kiến đầu tháng 10 tiêm đủ 2 mũi cho 100% người lao động của đơn vị. Giám đốc Saigon Phu Quoc Resort & Spa Trần Quốc Vượng cho biết, khu nghỉ dưỡng đã tiến hành phân luồng khách ở sảnh lễ tân, chuẩn bị xe đưa đón có màng ngăn giữa tài xế và khách; trang bị máy đo thân nhiệt, phun khử khuẩn; sắp xếp lại bản đồ trong khuôn viên resort, thay đổi giờ giấc làm phòng..., đảm bảo an toàn tối đa cho du khách.

Ông Trần Quốc Vượng chia sẻ: “Nếu có du khách trở lại, chúng tôi sẽ có doanh thu, đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên; cùng với đó là các dịch vụ khác đi kèm được kích hoạt, thị trường du lịch Phú Quốc sẽ sôi nổi trở lại. Tuy nhiên, cần phủ vaccine tuyệt đối cho người dân mới đảm bảo an toàn khi mở cửa đón du khách”.

Theo đại diện Fusion Hotel Group tại Phú Quốc, nên có chính sách, cơ chế cụ thể nếu khách hoặc nhân viên nhiễm bệnh, khẳng định sự hỗ trợ của chính quyền trong các trường hợp khẩn cấp. Doanh nghiệp đang chờ đợi một quy trình chi tiết, chuẩn hóa để vận dụng vào công tác điều hành tour.

“Khách đến theo chuyến bay charter, vậy nếu phát hiện khách mắc Covid-19 thì sẽ điều trị, cách ly và chi phí như thế nào vì họ không thể bay về nước? Cần tính toán thật kỹ để xây dựng một quy trình chuẩn hóa, từ Trung ương đến địa phương và đến tận cơ sở phục vụ thì mới tính đến chuyện cho khách vào. Nếu không khi phát sinh vấn đề sẽ gây rắc rối cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương và đặc biệt là du khách,” đại diện một doanh nghiệp lữ hành kiến nghị.

Doanh nghiệp đang chờ đợi một quy trình chi tiết, chuẩn hóa để vận dụng vào công tác điều hành tour.
Doanh nghiệp đang chờ đợi một quy trình chi tiết, chuẩn hóa để vận dụng vào công tác điều hành tour.

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp du lịch tại Phú Quốc đều cho rằng, điều quan trọng đầu tiên và trên hết khi muốn đón du khách quốc tế, là Phú Quốc phải phủ sóng vaccine, người dân phải tiêm đủ hai mũi đủ thời gian quy định, tạo được miễn dịch cộng đồng. Hiện nay, mới chỉ có khoảng 35% dân số trên đảo được tiêm mũi 1, vì thế yêu cầu này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Về lâu dài, muốn bảo vệ "vùng xanh" Phú Quốc rất cần thay đổi tư duy trong xử lý tình huống. Đó là mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp và cả kịch bản ứng phó với rủi ro. Lãnh đạo địa phương, lực lượng y tế phải cùng ngồi lại đánh giá năng lực xử lý trước diễn biến các ca nhiễm, cách thức điều trị, thậm chí cả phương án chữa trị cho các ca bệnh nặng... 

Theo người đứng đầu chính quyền đảo ngọc, Phú Quốc đã xây dựng các kịch bản phòng, chống Covid-19 với mức độ cao nhất là 650 ca mắc Covid-19. Lúc đó, địa phương huy động toàn lực của ngành y tế, các phòng khám đa khoa, trạm y tế, trạm xá quân, dân kết hợp để phòng, chống dịch. Các khách sạn và resort được tận dụng làm khu cách ly tập trung và điều trị bệnh nhân nhẹ.

Hiện, Phú Quốc có 2 nơi được Sở Y tế Kiên Giang quyết định cho cách ly tập trung có thu phí là khu nghỉ dưỡng của Vinpearl và Sungroup có sức chứa 3.000 người và có thể mở rộng thêm khi cần thiết.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con