Cam kết phát thải ròng bằng “0” song hành cùng kỷ nguyên xe điện
Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi ngành giao thông phải “thay áo” với mục tiêu nâng tỷ lệ xe điện bán mới lên 100%…
Hàng loạt quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Philippines đưa những mục tiêu rất lớn về phát triển xe điện. Cụ thể, Thái Lan đặt mục tiêu 50% ô tô sản xuất và phân phối từ năm 2030 xe điện; tới năm 2035 sẽ đạt 100% xe điện hoá. Tại Philippines, xe điện chiếm 21% tổng số phương tiện năm 2030 và 50% vào năm 2040…
Tại Việt Nam, chia sẻ tại toạ đàm "Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam" được tổ chức ngày 21/12, ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, thời điểm vàng 100% xe mới bán ra là xe điện hoá cho Việt Nam vào năm 2045, cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước với mục tiêu trở thành nước phát triển. Đồng thời, hiện thực hoá mục tiêu Việt Nam trở thành nước trung hoà cacbon vào năm 2050.
THIẾU TRẠM SẠC, CHI PHÍ ĐẮT ĐỎ
Ông Nguyễn Đức Tuyên, Giảng viên Bộ môn Hệ thống điện, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ rõ 147 quốc gia cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có Việt Nam tại hội nghị COP26 vừa qua đặt ra gánh nặng rất lớn cho ngành giao thông vận tải, khi các phương tiện giao thông tiêu tốn nhiều nhiên liệu hóa thạch.
Giai đoạn 2014-2020, mỗi năm trung bình có 5,14 triệu xe máy, 255 nghìn chiếc ô tô con được đăng ký mới. Giao thông tiêu thụ năng lượng lớn, chiếm 21% tổng tiêu thụ năng lượng năm 2014 và tăng 4,9% trong giai đoạn 2014-2019, nhanh hơn tốc độ tăng toàn ngành năng lượng ở mức 3,4%. Tổng phát thải 33,2 triệu tấn, chiếm 19,3% phát thải từ lĩnh vực năng lượng.
“Cần đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu bởi nếu không có điện khí hóa giao thông, những tuyên bố về COP26 rất khó có thể thực hiện được”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần hợp lý hóa về mặt kinh tế để thấy rằng xe điện sẽ có lợi ích về mặt kinh tế hơn hẳn so với xe xăng và xe dầu là một cách tự nhiên mà không cần ép buộc, người dân sẽ có xu hướng lựa chọn xe điện. Chi phí sản xuất xe điện hiện cao hơn khoảng 45% so với xe động cơ đốt trong, do đó, giá xe đắt hơn 38-50% so với các loại xe thông thường nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tại toạ đàm, việc thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc ngoài khoảng 200 trạm sạc của VinFast, hiện có chính là hai rào cản lớn trong việc gia tăng việc sử dụng xe điện. Trong đó, sự tăng trưởng cơ sở hạ tầng sạc xe yếu tố cốt lõi để sự phát triển xe điện đồng bộ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tuyên cho rằng, chi phí sản xuất xe điện sẽ rẻ dần khi ngày càng nhiều người sử dụng. Các tiêu chuẩn sạc đang cố gắng dung hòa giữa các hãng khác nhau để có tiêu chuẩn chung nhất, tận dụng tất cả các trạm xe điện ở các vị trí khác nhau, giải toả nỗi lo cho người dùng.
CẦN CHÍNH SÁCH TOÀN DIỆN HỖ TRỢ NGƯỜI TIÊU DÙNG, NHÀ SẢN XUẤT
Theo kịch bản của VAMA, 100% xe điện vào năm 2050, lộ trình chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn khởi đầu từ năm 2021 – 2030; giai đoạn tăng trưởng nhanh từ năm 2030 – 2040. Sau đó, tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2040 – 2045 và hợp nhất ngành công nghiệp từ năm 2045 – 2050.
Để kích cầu thị trường trong khi doanh số tiêu thụ xe điện hiện khá nhỏ giọt, ông Đào Công Quyết cho rằng, thời gian khởi đầu đến năm 2030, cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại thuế phí liên quan cho từng dòng xe điện hoá. Về trạm sạc, phải đưa ra tiêu chuẩn hỗ trợ phát triển mạnh lưới sạc nhanh, sạc tại nhà. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhà máy, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển… với doanh nghiệp sản xuất.
“Thuế đánh vào phát thải cao sẽ nâng cao nhận thức của người dân. Thậm chí nếu cần sẽ có những khu vực vận hành riêng cho xe điện giống như xe buýt BRT hiện nay đang vận hành cho xe buýt”.
Ông Nguyễn Đức Tuyên, Giảng viên Bộ môn Hệ thống điện, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo chia sẻ của ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Chính phủ đang hoàn thiện để ban hành Nghị định giảm đến 50% lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt trong khoảng thời gian nhất định, khoảng 3 năm khi sử dụng xe thuần điện. Bộ Giao thông vận tải đang có chính sách biến những hạn chế thành thuận lợi cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng thuận lợi hơn.
Đồng ý quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Tuyên đề nghị, về mặt chính sách, với người tiêu dùng, cần hỗ trợ trực tiếp vào giá mua xe, thuế, chi phí sạc, trạm sạc ở tại nhà.
Với nhà sản xuất và phân phối, cần hỗ trợ công nghệ phụ trợ hay hoàn thiện các hệ thống tiêu chuẩn, quy định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực xe điện. Hỗ trợ đưa thị trường những loại xe điện mới.
Đồng thời, đánh giá ảnh hưởng của xe điện vào lưới điện cần phải nghiên cứu cụ thể. Ngoài ra, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cũng vô cùng quan trọng.