Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 1
Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 2

“Tôi tin rằng bảo vệ môi trường và tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp Thái tại Việt Nam như SCG, ThaiBev, và Bangkok Bank. Chúng tôi là một nhóm có mong muốn kiến tạo nền kinh tế tuần hoàn tại Thái Lan và Việt Nam, và đó là lý do chúng tôi tham dự sự kiện này.

Hiện Việt Nam có những điều luật để bảo vệ môi trường rất sát sao với những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nên khi các doanh nghiệp Thái đến đây, họ đều mang những công nghệ tốt nhất có tính thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo năng suất.

Doanh nghiệp Thái thuộc những nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chúng tôi hỗ trợ toàn bộ các doanh nghiệp Thái đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam, và đến giờ, các dự án điện mặt trời và năng lượng xanh đã đem lại tổng công suất 834 Megawatts và công suất trong tương lai sẽ được gia tăng hơn nữa, có thể lên tới hàng nghìn Megawatts. 

Bên cạnh đó, Bangkok bank đã hỗ trợ đầu tư xanh và bền vững tại Việt Nam, bao gồm: Khoản vay Xanh loại B đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương, được chứng nhận bởi Sáng kiến Trái phiếu khí hậu.

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc khi đặt ra mục tiêu bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã ký thỏa thuận vì một mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và kế hoạch hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đó, và với con đường này, tôi tin mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được”.

Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 3

“Năm nay đánh dấu cột mốc vừa tròn 10 năm TBC-Ball có mặt tại Việt Nam. Hiện, chúng tôi vẫn rất thành công trong việc cung cấp nhiều loại sản phẩm khác nhau cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, như vỏ lon bia, lon nước ngọt, nước tăng lực và nhiều loại nước giải khát khác. 

Trên thực tế, nhu cầu về bao bì đựng đồ uống bằng nhôm phát triển nhanh chóng bởi người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về sự thuận tiện và khả năng tái chế của lon nhôm, lối sống xanh và nhu cầu tái chế đang dần trở thành xu hướng toàn cầu.

Chiến lược của chúng tôi trong những năm tới là tiếp tục truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm lon nhôm, đây là sản phẩm rất tốt, có thể nói là tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây cũng chính là trọng tâm của chúng tôi trong những năm tới, đó là tập trung vào phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Chúng tôi muốn nói rõ hơn về bản chất của các loại lon nhôm nói chung, khi tái chế các sản phẩm lon nhôm thì năng lượng chỉ tiêu tốn bằng 5% so với việc dùng nhôm hoàn toàn mới. Khi tái chế nhôm, đặc tính tốt nhất của nhôm không thay đổi, chính vì vậy việc tái chế được thực hiện nhiều lần, và gần như được thực hiện vĩnh viễn. Chính vì “tính chất vĩnh viễn” đó nên vòng đời sản phẩm được quay vòng khép kín liên tục.

Cách đây 2 tuần, chúng tôi đã ký kết một biên bản ghi nhớ để thực hiện một dự án thu thập các vỏ lon đã qua sử dụng, đây là dự án có sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau. Dự án này cũng là ví dụ để minh hoạt cho nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Chính phủ Việt Nam trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn từ lớn tới nhỏ tại Việt Nam.

Tại TBC-Ball Việt Nam, cam kết về môi trường luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình sản xuất và vấn đề sức khỏe con người luôn được ưu tiên nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, khách hàng cũng như cộng đồng”.

Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 4

“Central Group là một trong những doanh nghiệp vinh dự được đồng hành cùng “Hội nghị Khởi động kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” vừa được tổ chức ngày 28/6 vừa qua tại Hà Nội.

Tại sự kiện này, chúng tôi đã chia sẻ các sáng kiến và mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste” – mô hình kinh tế tuần hoàn đã được Central Group áp dụng thành công tại Thái Lan. Mô hình “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste” là sáng kiến phát triển bền vững ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề môi trường ở Đảo Koh Samui –Thái Lan dựa trên nguyên tắc Kiến tạo giá trị chia sẻ. Thông qua việc hỗ trợ trang bị những nền tảng kiến thức về việc quản lý nguồn thải trên khuôn khổ vận hành hiện tại, dự án đã kết nối và nhận sự tham gia của đội ngũ nhân viên, khách hàng, chính quyền địa phương và cộng đồng.

Hạng mục trọng tâm của sáng kiến là phân loại chất thải tại nguồn; qua đó tận dụng tối đa giá trị từ chất thải, bao gồm sản xuất phân bón sinh học cho các nông hộ trong cộng đồng và các sản phẩm phụ từ khí sinh học thay thế cho khí hóa lỏng (LPG) hiện được sử dụng làm nhiên liệu đốt trong các trường học và cao đẳng.

“Từ mô hình “Không rác thải tại Samui – Samui Zero Waste” đã thành công tại Thái Lan, sẽ là tiền đề để Central Retail  tham khảo để có thể triển khai mô hình này tại Việt Nam – qua đây không chỉ giúp truyền đạt thông điệp tiết giảm trong cách tiêu thụ thực phẩm, giảm phát thải thực phẩm từ khâu vận hành siêu thị (phát thải từ vỏ bắp cải, các loại rau quả hư hỏng… có thể sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi), truyền thông điệp đến khách hàng của chúng tôi mà còn đến từng người dân Việt Nam.

Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là hành động cụ thể hóa tầm nhìn “đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”. Với mô hình này chúng tôi mong mỏi đóng góp nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc chung tay giảm thiểu rác thải, hướng tới một môi trường xanh hơn cho kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Với từng hành động nhỏ mỗi ngày, chúng ta sẽ cùng chung tay bảo vệ môi trường”.

Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 5

“Chúng tôi hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa, nhìn chung doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Ví dụ, khi giá dầu xuống thấp, kéo theo giá nhựa nguyên sinh xuống thấp thì nhựa tái chế ít được sử dụng, vì nguyên nhân này nên có hiện tượng đốt rác thải nhựa khiến môi trường bị ô nhiễm, hoặc rác thải nhựa không được thu gom cũng gây ra nhiều tác hại.

Chính vì vậy, chúng tôi tích cực tham gia đóng góp các ý tưởng, đề xuất để xây dựng chính sách thuận lợi giúp ngành công nghiệp tái chế Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.

Hiện nay các doanh nghiệp tái chế nhìn chung chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng, chính quyền. Nhưng các chính sách đang xây dựng và có thể sắp triển khai từ năm 2024 thì rất tốt, ví như chính sách mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất. Chúng tôi đang hy vọng chính sách này thì các doanh nghiệp sản xuất không chỉ chịu trách nhiệm khi sản xuất sản phẩm ra bán cho người tiêu dùng, mà doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm sau sản phẩm tiêu dùng thải, bỏ.

Luật Bảo vệ môi trường mới cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải thu gom tái chế vỏ bao bì, sản phẩm của mình, nếu họ không có khả năng thì họ sẽ thuê các doanh nghiệp tái chế như chúng tôi. Nếu họ không thể làm được như vậy, Luật cũng quy định họ phải đóng một khoản tiền vào quỹ bảo vệ môi trường cho Việt Nam, từ khoản tiền này thì quỹ sẽ chi trả cho doanh nghiệp tái chế. Đó là hy vọng lớn nhất của doanh nghiệp như chúng tôi.

Trong nỗ lực xây dựng “Mô hình kinh tế tuần hoàn”, “The Plastic Reborn - Hồi sinh rác thải nhựa” là chương trình được chúng tôi đặt rất nhiều tâm huyết với  mục tiêu đến năm 2025 thu gom và tái chế 50.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm, giảm phát thải 160 triệu kg carbon đồng thời thông qua chương trình để tuyên truyền, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, thu gom tái chế rác thải nhựa tại Thành phố Hà Nội và mở rộng các tỉnh thành trên toàn quốc”.

Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 6

“CP Foods là công ty nông nghiệp và thực phẩm lớn nhất Thái Lan, thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand Group, với hơn 100 hoạt động. Tại Việt Nam, CP Foods có đại diện là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, cũng chiếm vị thế cao tại thị trường trong cả ba lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (Feed), trang trại (Farm) và chế biến thực phẩm (Food). 

Với phương châm “Thực phẩm bền vững, tiếp thị có trách nhiệm, phúc lợi động vật, nhân quyền, học tập, tạo tác động xã hội”, CPF đang hỗ trợ thực hiện 17 mục tiêu bền vững của Liên hợp quốc tại các quốc gia Đông Nam Á.

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đổi mới tạo tính bền vững trong hành động từ nay đến năm 2030. Trong đó đề ra các mục tiêu: 40% doanh thu từ các sản phẩm có lượng carbon thấp; giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp trên mỗi đơn vị sản xuất vào năm 2025 so với năm 2015; không lãng phí thực phẩm trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 100% bao bì sản phẩm có thể tái chế, tái sự dụng và có thể phân hủy.

CPF đang thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong “chuỗi giá trị nông nghiệp” với hàng loạt giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối. Tại miền Bắc Việt Nam, CP Việt Nam đã liên kết và hỗ trợ một số người mù về công nghệ sản xuất vỏ trấu để cung cấp chất đốt cho Nhà máy thức ăn chăn nuôi CP Hải Dương.

Một hướng đi nữa là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, áp dụng công nghệ tự động trong các nhà máy thức ăn chăn nuôi và sản xuất thực phẩm -  sử dụng ống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.

CPF mong muốn được đóng góp vào phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam thông qua việc góp phần vào sản xuất kinh tế tuần hoàn. CP đảm bảo áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để có những sản phẩm an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường và giảm hao tổn sức lao động của công nhân”.

Cần trợ lực cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam - Ảnh 7

VnEconomy 07/07/2022 06:00

06:00 07/07/2022