"Sau hai năm đại dịch, đây là giai đoạn chúng ta bắt đầu mở cửa trở lại, vì vậy cần những nỗ lực để thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế để bù đắp những đình trệ trong thời gian dịch bệnh.
Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi hết sức lớn trong môi trường kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế, đặc biệt là quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn, đảm bảo sự ổn định hơn. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam như một địa điểm thu hút đầu tư và địa điểm chế tạo mới của khu vực và thế giới.
Đây là thời điểm Việt Nam phải tận dụng cơ hội này cộng với các lợi thế sẵn có, đó là nước ta nằm trong trung tâm kinh tế có quá trình phục hồi rất nhanh, cũng như có khả năng kết nối mạng lưới FDI đã ký kết.
Việt Nam hiện có sự chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án đáp ứng ba tiêu chí quan trọng: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Xác định được cơ hội như vậy, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục triển khai chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Theo đó, ba biện pháp sau đây sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Một là, cùng các bộ, ngành, địa phương thiết kế, triển khai các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp, địa phương với các đối tác nước ngoài, các đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ chú trọng đến công tác tham mưu trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, để tham mưu trúng và đúng cho các địa phương, doanh nghiệp cả về lĩnh vực cũng như đối tác hợp tác, đảm bảo mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, hiệu quả và thực chất.
Hai là, chúng tôi sẽ bám sát định hướng mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm sáng tạo, trên cơ sở đó tái định hướng lại các lĩnh vực hợp tác giữa các nước, các đối tác với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam theo đúng định hướng, đó là không chỉ phục hồi mà phải phục hồi xanh, bền vững và toàn diện, tạo ra lợi ích lan tỏa cho cả xã hội.
Tất nhiên, trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi bền vững sẽ đặt ra rất nhiều những khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các địa phương. Cái khó khăn đầu tiên vẫn là dịch bệnh Covid-19, dù chúng ta đã kiểm soát tốt nhưng vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Tác động tiêu cực của dịch bệnh tới đời sống người dân, doanh nghiệp vẫn còn.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang chứng kiến những bất ổn rất lớn tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Ukraine, tác động đến bức tranh kinh tế thế giới và của Việt Nam. Nó thể hiện qua giá chi phí xăng dầu liên tục tăng cao, khiến việc phục hồi diễn ra chậm hơn.
Ba là, cần nhìn nhận rằng, việc chuyển đổi sang kinh tế xanh, bền vững là không hề dễ dàng, do năng lực, trình độ của chúng ta còn hạn chế so với thế giới. Ở cấp độ địa phương, không phải địa phương nào cũng sẵn sàng về hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực để tham gia ngay vào quá trình chuyển đổi".
"Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức của thiên tai, dịch bệnh, nhất là hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giành được những thành tựu rất đáng phấn khởi; năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 20 nước trên thế giới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Với phương châm: “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”; Thanh Hóa cam kết luôn đồng hành, là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh; tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút FDI, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chiến lược phát triển của tỉnh.
Đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong phạm vi của tỉnh, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh, dứt điểm; còn đối với các vấn đề liên quan đến các cơ quan Trung ương, tỉnh sẽ tiếp thu và cùng đồng hành để có kiến nghị kịp thời.
Tỉnh Thanh Hóa cũng rất mong các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư; sử dụng đất được giao tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, khai thác tốt thị trường nội địa và xuất khẩu; đồng thời, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động trong doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động để doanh nghiệp và tỉnh tiếp tục đồng hành và phát triển bền vững".
"KOICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam) hiện đang xúc tiến hợp tác xây dựng thành phố thông minh với Đà Nẵng, Huế và Tam Kỳ, là những thành phố tiêu biểu ở miền Trung.
Dựa trên nhu cầu của từng thành phố. Hiện Hệ thống quản lý thiên tai tích hợp đang được phát triển tại Đà Nẵng, du lịch thông minh gắn với việc thành lập cơ sở du lịch văn hóa ở Thành phố Huế và phát triển nền tảng dữ liệu thành phố thông minh được thúc đẩy trong thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Mặt khác, trong thời gian tới, KOICA sẽ đặc biệt quan tâm và dành các khoản hỗ trợ đến lĩnh vực năng lượng hóa rác thải W2E (Waste to Energy) trong hạng mục phát triển thành phố thông minh. Theo thông tin, chúng tôi được biết Việt Nam đang có kế hoạch thực hiện phân loại bắt buộc rác thải sinh hoạt từ năm 2025, chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để hỗ trợ W2E nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Hiện tại, chúng tôi đang xúc tiến một dự án liên kết ODA - đầu tư với các công ty tư nhân tại tỉnh Thái Nguyên, miền Bắc Việt Nam. Trong mô hình này, chính quyền địa phương ban hành các quy định cần thiết để phân loại rác thải, thu gom, vận chuyển và phân loại rác thải được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA, tiến tới giai đoạn hai hệ thống W2E được hình thành và vận hành bởi một công ty tư nhân do một công ty tư nhân đầu tư.
Đối với W2E, tôi cho rằng phương thức hợp tác công tư (PPP) kết nối ODA và đầu tư tư nhân này sẽ đem lại hiệu quả tốt".
"Sau khi Chính phủ quyết định chuyển hướng ứng phó linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, tỉnh Nghệ An đã tiên phong thực hiện chủ trương này. Chúng tôi khẩn trương phục hồi phát triển kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và xúc tiến thu hút đầu tư với các dự án FDI.
Đương nhiên, mục tiêu phục hồi kinh tế là phải nhanh nhưng cũng phải đảm bảo chiến lược phát triển xanh mà chính phủ đã đề ra cũng như nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ.
Nghệ An có những bước đi rất cụ thể. Tỉnh đã tiến hành rà soát, cập nhật để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh các nguồn lực phát triển kinh tế, từ tài nguyên thiên nhiên đến nguồn lực lao động và hạ tầng. Hiện nay, quy hoạch tỉnh đang được xây dựng, tích hợp, dự kiến trong khoảng tháng 8 này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là cơ sở để tỉnh phát triển kinh tế trong thời gian tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghệ An ưu tiên thu hút các nguồn vốn FDI trong các lĩnh vực: điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ số và sản xuất, chế tạo, lắp ráp. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng khai thác thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp, cây dược liệu và các chế phẩm từ nguồn dược liệu này.
Chúng tôi cũng tập trung khai thác thế mạnh về nguồn lực lao động. Chúng tôi đang xây dựng chiến lược đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực vừa phục vụ cho các tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư tại Nghệ An, vừa tạo điều kiện cho người lao động có thể xuất khẩu lao động.
Với nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính, quy trình thẩm định dự án, đến nay môi trường đầu tư của Nghệ An đã được cải thiện rất nhiều, tỉnh đã và đang thu hút rất tốt các doanh nghiệp nước ngoài như Tập đoàn Goertek, Tập đoàn Ju Teng... và các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WSA của Thái Lan,... nhờ đó đã tạo ra hạ tầng tương đối đồng bộ cho các nhà đầu tư thứ cấp vào Nghệ An.
Đại diện doanh nghiệp Goertek, doanh nghiệp Everwin sau khi nhận được giấy phép tại Nghệ An đã phát biểu, họ không tin rằng chỉ trong 10 - 15 ngày đã có thể hoàn thành các thủ tục cho các dự án rất lớn để chính thức đầu tư vào Nghệ An...
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò và kêu gọi đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Vinh để trở thành cảng vận tải hành khách, hàng hóa với quy mô gấp 2 hoặc 2,5 lần hiện nay".
"Bốn năm qua, từ năm 2017 đến 2020, Quảng Ninh luôn giữ vị trí đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Đây là kết quả khẳng định thương hiệu hệ thống chính quyền Quảng Ninh hiệu lực, hiệu quả, luôn đồng hành kiến tạo vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Hiện Quảng Ninh định hướng tập trung phát triển công nghiệp dịch vụ, du lịch. Chúng tôi đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI) hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt là các Tập đoàn lớn như: Sam Sung, Huyndai Motor, Huyndai Heavy Industries, Posco, Kia Motor, LG, Shinhan Financial Group, CJ, Hanwha Group, YUSEN Logistic…
Đây là những doanh nghiệp Quảng Ninh mong muốn hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc có thế mạnh và tỉnh Quảng Ninh có lợi thế cạnh tranh vượt trội và có nhu cầu phát triển, như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (linh kiện điện tử, màn hình tivi, sản xuất chíp điện tử); năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; phát triển hạ tầng cảng biển và logistics; tài chính, ngân hàng…
Cùng với sự quyết tâm chính trị cao nhất, cam kết mạnh mẽ nhất của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh: “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, doanh nghiệp và nhân dân hưởng thụ thật” sẽ mở ra cơ hội mới, tương lai tốt đẹp về mối quan hệ hữu nghị, về đầu tư, hợp tác thương mại giữa các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư với Quảng Ninh".
VnEconomy 29/03/2022 09:00
09:00 29/03/2022