Ông có nhận xét gì về cơ cấu nhà đầu tư đang tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam?
Dựa vào cơ cấu nhà đầu tư mở mới tài khoản thì có thể đánh giá sơ bộ rằng, thời gian qua tham gia thị trường chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, còn nhà đầu tư tổ chức rất ít.
Nếu đi chi tiết hơn như mọi người vẫn chia gồm nhà đầu tư cá nhân F0 hay Fn thì chưa có thống kê, và cũng rất khó có thể thống kê được. Bởi lẽ, nhà đầu tư Fn cũng có thể mở thêm tài khoản, còn F0 sau một vài tháng học hỏi họ cũng chuyển sang Fn.
Theo ông, đợt tăng nóng của nhóm cổ phiếu đầu cơ thời gian qua đến từ nhóm nhà đầu tư nào?
Tôi quan sát, chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, tức bao gồm cả F0 và Fn. Riêng nhà đầu tư tổ chức tôi nghĩ chỉ chiếm khoảng vài phần trăm đối với cổ phiếu penny. Vì họ hiểu được bản chất của thị trường rằng, lên thì rất nhanh nhưng một khi đã xuống thì không thể kiểm soát, bán không ai mua.
Bên cạnh đó, cổ phiếu dạng này có thị giá và vốn hóa thường nhỏ hơn rất nhiều blue-chips. Nếu tổ chức lớn mà tham gia thì một khi giá giảm rất dễ bị “kẹp hàng” luôn gây rủi ro rất lớn cho họ và khách hàng của họ.
Với vai trò là nhà môi giới, tư vấn cổ phiếu, ông nhận thấy điều quan tâm nhất của F0 bây giờ là gì?
Điều quan tâm của các nhà đầu tư khi tham gia thị trường cổ phiếu đều là kiếm tiền.
Tuy nhiên, có những nhà đầu tư nói kiếm tiền, nhưng lại chọn mua cổ phiếu mà họ yêu thích. Và rất tiếc, cổ phiếu đó lại không tăng giá. Ví dụ, suốt 6 tháng qua, thị trường chứng khoán tăng liên tục, nhưng tài khoản của nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu ngân hàng lại bị giảm.
Tương tự, có nhà đầu tư mua cổ phiếu dựa vào phân tích, đánh giá doanh nghiệp tốt, vẽ đủ loại biểu đồ nhưng danh mục thì suốt ngày âm.
Nói vậy để thấy, muốn kiếm được tiền thì phải mua được cổ phiếu tăng giá chứ không hẳn là mua cổ phiếu tốt (trừ những người đầu tư giá trị, nhà đầu tư cần phân biệt được đầu tư doanh nghiệp hay đầu tư cổ phiếu, đầu tư cổ phiếu chỉ có lời thôi, còn đầu tư doanh nghiệp ngoài tiền ra thì còn có lợi thế kinh doanh, quyền sở hữu, thị trường, giá trị nội tại doanh nghiệp...). Người ta hay có câu: Không có cổ phiếu tốt hay cổ phiếu xấu, chỉ có cổ phiếu tăng giá hay giảm giá mà thôi.
Đối với F0, họ yêu tiền chứ không yêu doanh nghiệp, đặc biệt không nghiện phân tích báo cáo tài chính (vì chẳng ai giữ quá một năm). Do đó, mối quan tâm duy nhất của họ là tiền và phải kiếm tiền thật nhanh.
Mong muốn kiến tiền nhanh và thấy thị trường cũng như cổ phiếu đầu cơ tăng quá rất dễ bị FOMO (Fear Of Missing Out, là một hiệu ứng tâm lý mà những người mang nó thường sợ bỏ lỡ mất cơ hội) nên cũng hiếm khi đặt ra câu hỏi: công ty đó làm gì, triển vọng tương lai thế nào, tên gì cũng không biết luôn mà chỉ mong được phím “3 chữ cái”.
Nhìn chung, họ chỉ cần biết cổ phiếu họ mua sáng nay chiều có lời, hoặc mua xong một tiếng sau có lời. Vì thế, những hàng hóa đầu cơ thường có sức hút với nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư cá nhân, F0 bởi lẽ đó.
Ông vừa nhấn mạnh đến việc họ yêu tiền, nên chỉ cần xin “3 chữ cái”. Vậy phải chăng công việc của các chuyên viên tư vấn đang rất nhàn? Hoạt động tư vấn thời gian qua có thay đổi gì không thưa ông?
Thật ra, cả trước kia hay bây giờ thì mục tiêu cuối cùng của nhà đầu tư cũng là “3 chữ cái”. Có điều như đã nói, giờ khách hàng ít quan tâm đến các loại phân tích kỹ thuật nên tư vấn viên cũng không cần giải thích quá nhiều. Đồng thời, các chỉ số phân tích hồi xưa phải tính tay, thì nay đều được áp dụng công nghệ để khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng, đỡ phải suy nghĩ, phân tích với tích phân.
Trái lại, khối lượng công việc của tư vấn viên sẽ nhiều hơn. Bởi số lượng khách hàng mới ngày một nhiều lên, phải chăm sóc nhiều khách hàng hơn trước.
Về hoạt động tư vấn, chắc chắn có sự thay đổi. Ví dụ, trước kia mọi người muốn mở tài khoản thì phải lên trực tiếp công ty chứng khoán để đối chiếu thông tin cá nhân, ký xác nhận… nhưng giờ ở nhà cũng mở được nhờ công nghệ eKYC. Hay việc các công ty chứng khoán tận dụng tối đa kênh tư vấn trên các trang mạng xã hội như youtube, facebook, zalo…
Tuy nhiên, vấn đề tiêu cực cũng đang phát sinh mà các công ty chứng khoán chưa thể giải quyết, hoặc cố tình “nhắm mắt làm ngơ”. Đó là việc, ngoài ăn tiền từ môi giới, nhân viên công ty chứng khoán còn mở nhiều “room vip” thu đủ các loại phí, bán khoá học, bán mã, bán kèo ăn chia theo kiểu “thắng chia đôi, thua anh/chị chịu”. Thậm chí, họ còn nhận uỷ thác, điều này là vi phạm pháp luật, bởi hiện tại công ty chứng khoán cũng không có chức năng đó. Hay nhiều môi giới còn tự nhận cầm cố cổ phiếu nếu khách hàng có nhu cầu vay tiền.
Theo ông, tâm lý của nhà đầu tư có lặp lại thời 2007 hay không? Vì giờ khắp nơi, ai ai cũng nói về chứng khoán?
Tôi có quen người làm đạo diễn, MC, làm nghệ thuật… tức không liên quan gì đến lĩnh vực tài chính mà cũng đầu tư chứng khoán. Có ông chạy Grab đầu tư lời cả trăm phần trăm trong thời gian ngắn giờ còn mở cả lớp dạy đầu tư chứng khoán. Những người không có trình độ liên quan đến chứng khoán, nhưng họ vào đúng con sóng và kiếm lời rất lớn. Từ đó, họ nghĩ rằng nên bỏ việc đi đầu tư chứng khoán vì thấy kiếm tiền dễ quá.
Điều này cho thấy, tâm lý nhà đầu tư quả thật đang lặp lại thời 2007.
Tôi muốn lưu ý nhà đầu tư rằng, những tài sản thường tăng dựng đứng đều dễ rớt cắm đầu, “đi thang bộ xuống thang máy”. Khi các cổ phiếu bị hạn chế giao dịch chỉ được giao dịch ngày thứ 6, hay dòng penny, đầu cơ, trần liên tục… là lúc nhà đầu tư tỉnh táo, nếu quá mê thì xài một tỷ lệ nhỏ vốn có thể mất còn khi ăn được sẽ rất nhiều nên không cần tất tay làm gì.
Nhà đầu tư cá nhân thường ít tiền hơn các nhà đầu tư lớn và tỷ lệ đòn bẩy thường dùng là “tẹt ga” nên chỉ cần rớt một vài phiên thôi là các nhà đầu tư nhỏ lẻ sợ hãi nhắn tin gọi điện liên tục tìm chỗ dựa tinh thần. Do đó, ai có lời rồi thì nên rút vốn, để tiền lời chạy thôi.
Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng nhà đầu tư đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Vậy tại sao họ vẫn lao vào những mã đầu cơ kém chất lượng?
Công bằng mà nói, có người trình độ rất cao nhưng vẫn bị vướng vào cổ phiếu đầu cơ. Ví dụ, một ông tiến sĩ học thức đủ kiểu, trong 6 tháng vừa qua chỉ lời có 10%. Trong khi, một người F0 vớ vẩn thì lại có lợi nhuận gấp bằng mấy lần. Khi đó, cái ông tiến sĩ kia sẽ không thể chịu được việc mình bị thua kém, thành ra lại FOMO lao đầu vào mã đầu cơ.
Nhìn chung, đã vướng vào FOMO thì kể cả người nhiều kiến thức hay ít kiến thức; được cảnh báo hay không được cảnh báo đều bị hết. Do lòng tham con người thì khó khống chế, đặc biệt trên thị trường tài chính thì điều này còn khó vạn lần.
Tầng lớp trung lưu đang nhiều lên và nhu cầu đầu tư cũng tăng lên, nhưng các nhà đầu tư cá nhân vẫn tự đầu tư và chưa thật sự hào hứng với các sản phẩm của quỹ đầu tư. Phải chăng đây là đặc điểm của nhà đầu tư tại Việt Nam hay do các quỹ chưa có sản phẩm phù hợp?
Theo tôi bao gồm cả hai lý do nhưng chủ yếu do đặc thù trong nước.
Trên thế giới, người dân rất thích đầu tư vào các quỹ ETF thụ động vì sản phẩm của họ đa dạng. Danh mục đầu tư của quỹ cũng rất nhiều như chứng khoán, tiền ảo, vàng bất động sản… Hay có những quỹ dành cho giới nhà giàu (tư nhân), mà cái quỹ này thường đem lại lợi nhuận hơn nhiều lần so với các quỹ đầu tư đại chúng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các quỹ và các định chế tài chính khác chỉ có thể đầu tư vào chứng khoán hoặc chỉ có thể thêm bất động sản.
Đồng thời, năm ngoái tính từ mức đáy VN-Index tăng khoảng 70% và HNX-Index tăng khoảng 120% nhưng mức sinh lời của các quỹ đầu tư tại Việt Nam hầu như đều dưới tốc độ sinh lời của chỉ số. Nguyên nhân quỹ đầu tư đại chúng khó có tỷ suất sinh lời cao vì nhiều lý do như phí cao, mô hình quản lý quỹ còn hạn chế…
Hiểu đơn giản, nếu đầu tư vào các quỹ, các ETFs, tổ chức tài chính thì họ vẫn có lời, nhưng cảm thấy không như kỳ vọng, họ tin rằng mình có thể làm tốt hơn với nhiều cảm xúc hơn (ví dụ như các tổ chức hiếm khi nào dám mua cổ phiếu đầu cơ). Do vậy, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa mấy “mặn mà” với các quỹ đầu tư thụ động này và chủ yếu ưa thích việc tự mình “phiêu lưu” trên sàn.
VnEconomy 24/11/2021 06:00
06:00 24/11/2021