Số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển vỏn vẹn 1%, thấp nhất nhiều năm. Ông đánh giá thế nào về con số này?
Chúng tôi nhận định rằng khối lượng hàng container thông qua cảng biển 5 tháng đầu năm tăng trưởng chậm ảnh hưởng phần lớn bởi hàng nhập khẩu giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, lượng hàng hóa thông qua các cảng ở khu vực TP.HCM (khu vực có sản lượng hàng container chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước) đang ở mức giảm (-2,2%) nên khu vực Vũng Tàu và Hải Phòng mặc dù có mức tăng trưởng nhưng không quá cao (lần lượt +6,2% và 3,9%) đã phản ánh đúng mức độ tăng trưởng hàng container chậm qua cảng biển như đã nêu trên.
Tại các cảng thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn, sản lượng hàng container thông qua trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng trưởng 1,2% so với cùng kỳ 2021, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5 tháng đầu năm của năm 2021 so với cùng kỳ của năm 2020 (sản lượng thông qua 5 tháng đầu năm 2021 tăng 11,8% so với cùng kỳ 2020).
Chúng tôi cho rằng chỉ số 5 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với 2020 là do các thị trường tiêu dùng lớn (như châu Âu và châu Mỹ) đang bước vào giai đoạn nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch và niềm tin của người tiêu dùng khi đó đã có sự cải thiện mạnh mẽ. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2022 mức tiêu thụ tại các quốc gia này chững lại do lạm phát và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine khiến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Thêm vào đó, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam trong các tháng đầu năm nay chưa thực sự phục hồi, nên tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển so với cùng kỳ ở mức thấp 1%. Như vậy, con số tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển trong 5 tháng đầu năm 2022 là 1% phản ánh đúng với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới và Việt Nam.
Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc là một trong những nguyên nhân lớn gây ra tình trạng này.
Lượng hàng hóa lớn từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam phục vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bị đình trệ trong tháng 4 và tháng 5, do các cảng lớn tại nước này đang thực hiện các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng kẹt cảng tại Trung Quốc trở nên nghiêm trọng.
Thời gian tàu phải neo đậu chờ vào làm hàng tại các cảng Trung Quốc tăng cao khiến các hãng tàu buộc phải bỏ chuyến cập một số cảng trong hải trình để đảm bảo thời gian vận chuyển. Hơn nữa trong năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ, các ca Covid-19 tăng tại Việt Nam đã khiến Trung Quốc có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đặc biệt là hàng nông sản (hàng trái cây, gạo…), do vậy làm ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển nhất là các cảng ở phía Nam.
Không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, các cảng biển tại Trung Quốc còn có vai trò mắt xích quan trọng trong các tuyến hàng hải Á - Âu, các tuyến Xuyên Thái Bình Dương, dẫn đến tình trạng trì trệ chung ở hầu hết các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ. Điều này lại tiếp tục ảnh hưởng dây chuyền đến luồng hàng giữa Việt Nam và các thị trường đối tác trên.
Nguyên nhân lớn thứ hai đó là xung đột quân sự Nga – Ukraine đẩy giá xăng dầu, chi phí nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng vọt. Ngoài ra, chuỗi cung ứng vẫn chưa thực sự khắc phục được các hạn chế trước đó và vẫn dễ dàng bị gián đoạn, khiến giá cước vận tải biển liên tục tăng và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một nguyên nhân khác là việc thiếu container rỗng trong thời gian qua cũng khiến nhiều doanh nghiệp thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container sang vận chuyển bằng tàu hàng rời, khiến sản lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng chậm lại.
Số liệu tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm từ Tổng cục Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển lại giảm. Theo ông, điều này phản ánh thực tế gì của nền kinh tế?
Phân tích theo giai đoạn, biến động trong 2020-2021 bởi dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, do đó lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2021 tăng trưởng mạnh (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 tăng 22,6% so với 2020) cả về khối lượng hàng hóa, lượng hàng container lẫn giá trị. Đến năm 2022, trong bối cảnh bình thường mới, khôi phục kinh tế - xã hội, ngành du lịch được mở cửa trở lại, thói quen và nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ thay đổi cân bằng giữa cung và cầu. Đây cũng là yếu tố khiến tăng trưởng hàng hóa container qua cảng chậm.
Xét về giá trị, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng, như vậy hàng hóa của Việt Nam đang có xu hướng tăng giá trị. Đặc biệt, lượng hàng nhập khẩu thông qua cảng biển giảm 10% so với cùng kỳ, hàng xuất khẩu tăng cũng khẳng định rõ vị thế của Việt Nam trong chuỗi lưu thông hàng hóa quốc tế. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới với hàng hóa Việt Nam tăng do gián đoạn nguồn cung tại một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc trong giai đoạn áp dụng chính sách Zero-Covid.
Một lý do nữa là hiện nay Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 đã bước vào giai đoạn bình thường mới nên đã khôi phục các chuyến bay quốc tế cả về hành khách và vận chuyển hàng hóa. Theo đó, hàng hóa trước đây trong năm 2021 chuyển từ hàng không sang đi tàu biển thì năm nay một số mặt hàng có giá trị cao tiếp tục xuất khẩu bằng đường hàng không cũng là nguyên nhân lý giải việc giá trị xuất khẩu tăng nhưng hàng qua cảng biển giảm.
Tuy nhiên, nhập khẩu giảm mạnh cũng nên cân nhắc là tín hiệu của suy thoái kinh tế toàn cầu đang có xu hướng ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có hồi kết, chỉ số lạm phát toàn cầu tăng phi mã, khiến nhiều nước tăng trưởng chậm lại, người dân thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là tại các quốc gia là đối tác quốc tế lớn của Việt Nam như EU, Mỹ... Chính vì nhu cầu nhập khẩu của các đối tác lớn giảm nên các doanh nghiệp trong nước cũng chủ động giảm nhập khẩu nguyên liệu.
Với tình trạng thiếu hụt thùng rỗng, giá xăng dầu tăng cao, sự phục hồi của các nền kinh tế lớn đang suy giảm, ông dự báo thế nào về tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển những tháng cuối năm?
Theo khảo sát của chúng tôi thì các khách hàng, các doanh nghiệp Việt Nam đã có đơn đặt hàng đến hết năm, dự kiến lượng hàng xuất khẩu sẽ ổn định và tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022.
Tình hình các cảng lớn tại Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nới lỏng và dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch, do đó hoạt động khai thác cảng tại Việt Nam dự báo sẽ ổn định hơn. Các hãng tàu sẽ triển khai thêm các chuyến tàu tăng cường hoặc tuyến dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn phục hồi thị trường tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngành hàng hải toàn cầu cũng còn đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero-Covid, tình trạng tắc nghẽn tại cảng container lớn nhất thế giới (Trung Quốc) cần có thời gian để “giải tỏa”, các hãng tàu có thể sẽ duy trì việc bỏ cảng, giảm chuyến để giữ giá cước ở mức cao, duy trì lợi nhuận. Hơn thế nữa, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng kinh tế toàn cầu khiến tất cả các nước đang đối mặt tình trạng lạm phát và suy giảm. Điều này sẽ rất khó để đưa ra dự báo về triển vọng của vận tải biển, song nhiều khả năng thị trường khai thác cảng và vận tải biển toàn cầu sẽ tiếp tục biến động và trì hoãn trong vài tháng tới.
Với những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt, theo ông, làm thế nào để các doanh nghiệp tận dụng được hiệu quả kênh vận tải này? Trong bối cảnh đó, Tân Cảng Sài Gòn có những giải pháp gì để cùng Doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Với phương châm “mang cảng đến gần khách hàng”, Tân Cảng Sài Gòn cùng các giải pháp Hệ sinh thái Tân Cảng Sài Gòn đã, đang và sẽ góp phần đáng kể trong việc đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp. Với tiêu chí áp dụng vận tải đa phương thức, phát triển chuỗi cung ứng kết nối vùng tại các cơ sở cảng và logistics của Tân Cảng Sài Gòn, nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra 4 nhóm giải pháp chính như sau:
Nhóm giải pháp kết nối hệ thống: Tân Cảng Sài Gòn xây dựng các tuyến kết nối trọng điểm, giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp với lợi thế hệ thống các cơ sở cảng biển, ICD, …trải dài từ Bắc tới Nam (Ví dụ: tuyến kết nối Long Bình – Cái Mép, Tân cảng Hiệp Phước – Cái Mép…).
Nhóm giải pháp về ứng dụng chuyển đổi số hướng đến khách hàng: triển khai đề án hiện đại hóa cảng, đưa vào hoạt động hệ thống chăm sóc khách một cửa, ứng dụng công nghệ thông tin trong mô hình số hóa các thủ tục (lệnh giao hàng điện tử EDO, Cảng điện tử trên thiết bị di động Eport mobile...), nhằm tăng cường kiểm soát, tối ưu hóa quản lý và tự động hóa quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí trong các họat động khai thác cảng và logistics.
Nhóm giải pháp về dịch vụ: đẩy mạnh các giải pháp vận tải xanh, hướng đến phát triển bền vững cho doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Bắc được triển khai tại ICD Tân Cảng – Quế Võ cùng sự phối hợp của Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, với lợi thế tiết kiệm ít nhất 10% chi phí logistics so với vận tải đường bộ và giảm ô nhiễm môi trường.
Nhóm giải pháp về chính sách của Tân Cảng Sài Gòn: duy trì và cải tiến các chính sách đặc biệt cho khách hàng như chính sách khách hàng thân thiết (SNP LOYALTY), các chính sách cho khách hàng lạnh, khách hàng gạo tại các cơ sở.
VnEconomy 29/06/2022 06:00
06:00 29/06/2022