Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng nhờ lạm phát suy yếu, giá dầu lao dốc vì lượng tồn kho lớn
Kỳ vọng gia tăng về lãi suất giảm cũng đưa thị trường chứng khoán toàn cầu tăng lên mức cao nhất 2 tháng...
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (15/11), duy trì lực tăng của phiên trước, sau khi đón nhận thêm số liệu lạm phát tích cực. Trong khi đó, giá dầu thô giảm mạnh vì một báo cáo hàng tuần cho thấy lượng tồn kho của Mỹ tăng mạnh hơn so với dự báo.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,16%, đạt 4.502,88 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 163,51 điểm, tương đương tăng 0,47%, đạt 34.991,21 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,07%, đạt 14.103,84 điểm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát giá bán buôn hàng hoá - giảm 0,5% trong tháng 10, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Không phải số liệu kinh tế nào công bố trong ngày thứ Tư cũng là con số khả quan, như doanh thu bán lẻ tháng 10 cũng giảm lần đầu tiên trong 7 tháng, dù mức giảm không nhiều như dự báo. Nhà đầu tư coi tin xấu là tin tốt, cho rằng đây là dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế, cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và sớm dịch chuyển sang nới lỏng. Mặt khác, mức giảm của doanh thu bán lẻ không lớn, nên thị trường tin tưởng Fed sẽ đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”.
Sau khi sụt mạnh xuống dưới mốc 4,5% vào phiên trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản lên mức 4,537% trong phiên này. Mấy tháng qua, lợi suất trái phiếu tăng là nguồn áp lực giảm mạnh đối với giá cổ phiếu. Tuy nhiên, phiên tăng này của giá cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra ngay cả khi lợi suất tăng.
“Kỳ vọng lãi suất đang là yếu tố chính chi phối thị trường. Diễn biến tăng của giá cổ phiếu ngày hôm nay là nhờ số liệu PPI giảm mạnh. Nhưng lợi suất trái phiếu tăng là vì doanh thu bán lẻ tuy giảm nhưng vẫn còn cao hơn so với kỳ vọng”, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capital Advisors nhận định với hãng tin CNBC.
Hôm thứ Ba, S&P 500 và Nasdaq có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 4. Động lực của phiên tăng đó là báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đi ngang so với tháng trước, thay vì tăng nhẹ như dự báo trước đó của giới phân tích.
Kỳ vọng gia tăng về lãi suất giảm cũng đưa thị trường chứng khoán toàn cầu tăng lên mức cao nhất 2 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Chỉ số MSCI All-Country World Index chốt phiên tăng 0,6%, đạt cao nhất kể từ giữa tháng 9.
“Thời tiết tốt có vẻ như đã trở lại. Thị trường đang bắt đầu phản ánh khả năng giảm lãi suất ở Mỹ và cả châu Âu. Tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ duy trì đà tăng này sang năm 2024, và giá trái phiếu cũng sẽ tăng vì bức tranh quan hệ quốc tế vẫn còn nhiều căng thẳng ở Ukraine, Trung Đông và trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung”, ông Carlo Franchini - trưởng bộ phận khách hàng tổ chức thuộc ngân hàng Banca Ifigest - nhận định với hãng tin Reuters.
Ngoài các số liệu kinh tế vĩ mô, mối quan tâm của giới đầu tư ở Phố Wall ở thời điểm hiện tại còn hướng tới nỗ lực của các nghị sỹ Quốc hội Mỹ nhằm ngăn một vụ Chính phủ đóng cửa. Hôm thứ Ba, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời và dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện để bỏ phiếu. Nếu Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden để ký thành luật. Nếu dự luật không được phê chuẩn, Chính phủ Mỹ sẽ rơi vào cảnh đóng cửa vào cuối tuần này vì hết ngân sách.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,29 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 81,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,6 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 76,66 USD/thùng.
Số liệu về mức tồn kho dầu của Mỹ đã gây áp lực mất giá lên “vàng đen”. Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, lên mức 421,9 triệu thùng. Mức tăng này vượt xa dự báo trước đó của Reuters là tăng 1,8 triệu thùng.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ giữ ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày thiết lập trong tháng 10.
“Nguồn cung dầu lớn của Mỹ đang là một trở ngại đối với giá dầu, và Mỹ là một trở ngại đối với OPEC+”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nói với Reuters, nhưng không cho rằng Saudi Arabia có thể giảm sản lượng khai thác dầu hơn nữa để hỗ trợ giá dầu.
Đầu tháng này, Saudi Arabia và Nga, hai thành viên chủ chốt của OPEC+, tuyên bố duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới hết năm nay. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối.
Hôm thứ Ba tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay - một động thái tương tự như OPEC trước đó - bất chấp các đánh giá cho rằng các nền kinh tế lớn của thế giới sẽ giảm tốc.
Trong khi kinh tế Trung Quốc đang ảm đạm, số liệu công bố ngày 15/11 cho thấy nền kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý 3 vừa qua, chấm dứt chuỗi 2 quý tăng trưởng liên tiếp.
Ở thời điểm này, giới đầu tư trên thị trường dầu đang lo nhiều hơn về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu, trong khi mối lo về sự gián đoạn nguồn cung do xung đột vũ trang ở Trung Đông dường như không còn là mối bận tâm của nhà đầu tư.