Nhìn lại nửa chặng đường năm 2024, ông nhận thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào, thưa ông?
Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy 6 tháng đầu năm 2024 có 119.612 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này cao hơn tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (110.316 doanh nghiệp), dù cao hơn không đáng kể nhưng cũng cho thấy tín hiệu khả quan hơn về tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng như sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp dần cải thiện.
Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm áp đảo, trên 95% tổng số doanh nghiệp trên cả nước và đóng góp đáng kể cho GDP, tạo công ăn việc làm, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội. Những tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ nhất, về chuyển đổi số và áp dụng công nghệ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu chú trọng hơn vào chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất, giúp cải thiện hiệu quả và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Thứ hai, về mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp thành công trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa sang các nước trong khu vực và thế giới nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thứ ba, hiệu ứng tích cực từ những hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức. Các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các nguồn vốn, đào tạo kỹ năng quản lý và tư vấn phát triển kinh doanh.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn hiện hữu, thể hiện ở số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh (17,3%) cũng như số “làn sóng” doanh nghiệp rút lui vẫn gia tăng (10,3%) so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là những con số đáng suy ngẫm. Để giải quyết các khó khăn này, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước và các tổ chức nhằm nâng cao năng lực quản lý, chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là giải pháp giúp nâng cao số lượng và chất lượng doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung và hộ kinh doanh nói riêng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Hộ kinh doanh hiện hoạt động trong khu vực phi chính thức, nhỏ lẻ, manh mún, cơ chế quản lý chưa rõ ràng, khung pháp lý phát triển chưa đầy đủ và còn nhiều khoảng trống. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh chịu nhiều bất lợi, khó tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 không đưa đối tượng này vào chính sách hỗ trợ.
Về lợi ích khi trở thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh có thể dễ dàng hơn khi tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính. Điều này giúp họ có đủ nguồn lực để mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng suất. Doanh nghiệp cũng có tư cách pháp nhân rõ ràng hơn so với hộ kinh doanh, do đó, dễ dàng xây dựng uy tín và niềm tin với khách hàng, đối tác và nhà cung cấp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh và phát triển thị trường mới.
Về tác động với nền kinh tế, khi các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và mở rộng quy mô, thu nhập và lợi nhuận của họ tăng lên, đồng nghĩa với việc đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước cũng tăng theo. Cùng với đó, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động, từ đó cải thiện đời sống xã hội.
Doanh nghiệp lớn thường có khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng hoạt động xuất khẩu, giúp cải thiện cán cân thương mại và tạo ra nguồn ngoại tệ cho đất nước. Với nguồn lực và khả năng đầu tư, các doanh nghiệp lớn có thể nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, từ đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Như vậy, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng để nâng cao cả về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp. Điều này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các hộ kinh doanh, mà còn đóng góp lớn vào tiến trình phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Cơ quan thuế đang số hóa công tác quản lý thuế nhằm tránh thất thu, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với những hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp, thưa ông?
Trong thực tế, có những hộ kinh doanh có quy mô, doanh thu lớn hơn nhiều lần doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng vẫn “núp bóng” dưới hình thức hộ kinh doanh. Bởi hộ kinh doanh chỉ cần nộp thuế khoán, tự kê khai đóng thuế nên chưa phản ánh sát mức doanh thu thực tế và dễ trốn thuế.
Theo tôi, việc cơ quan thuế ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý giúp nâng cao hiệu quả giám sát và thu thập thông tin từ các hộ kinh doanh. Hệ thống “bản đồ số hộ kinh doanh” cung cấp dữ liệu chi tiết về địa điểm, quy mô và ngành nghề của từng hộ kinh doanh, giúp cơ quan thuế có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về hoạt động của hộ kinh doanh trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử khi nộp thuế theo phương pháp kê khai. Điều này không chỉ giúp minh bạch hóa các giao dịch mà còn giảm thiểu tình trạng gian lận thuế. Hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế dễ dàng theo dõi và đối chiếu các giao dịch, từ đó xác định được doanh thu thực tế của các hộ kinh doanh. Hơn nữa, phương pháp kê khai giúp xác định chính xác hơn mức thu nhập và nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh. Việc này yêu cầu hộ kinh doanh phải cung cấp các thông tin chi tiết về doanh thu và chi phí, giảm thiểu việc khai gian lận.
Về công tác kiểm tra và giám sát của cơ quan thuế cũng được thực hiện chặt chẽ hơn nhờ ứng dụng công nghệ. Hệ thống quản lý thuế điện tử giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thuế. Rõ ràng, việc cơ quan thuế tăng cường quản lý và giám sát hộ kinh doanh thông qua số hóa và các biện pháp kỹ thuật số mang lại những chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý thuế hộ kinh doanh. Tiến trình cải cách quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá nhân được đẩy mạnh hơn, nhằm giảm dần sự khác biệt giữa chính sách thuế của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Bằng việc quản lý thuế hộ kinh doanh sâu sát và lấp dần những lỗ hổng trước đó, có ý kiến cho rằng đây là động lực để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Các hộ kinh doanh cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kê khai và nộp thuế, đồng thời đối mặt với nguy cơ bị phát hiện và xử phạt nếu cố tình gian lận. Việc sử dụng hóa đơn điện tử và phương pháp kê khai giúp giảm thiểu tình trạng gian lận và tăng cường sự minh bạch, khắc phục lỗ hổng quản lý thuế hộ kinh doanh.
Khi việc trốn thuế trở nên khó khăn hơn, hộ kinh doanh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc tiếp tục hoạt động dưới hình thức hiện tại hay chuyển đổi lên doanh nghiệp. Lợi ích của việc trở thành doanh nghiệp như đề cập ở trên như: tiếp cận nguồn vốn, tăng uy tín, mở rộng thị trường, hưởng chính sách hỗ trợ, có thể vượt trội so với những khó khăn ban đầu.
Khi việc trốn thuế trở nên khó khăn hơn sẽ thúc đẩy các hộ kinh doanh tính toán lại và có thể chuyển đổi lên thành doanh nghiệp để tận dụng các lợi ích về tài chính và phát triển bền vững hơn.
Theo ông, những yếu tố nào đang cản trở tiến trình nâng cấp hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp?
Mặc dù có nhiều lợi ích khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhưng vẫn có nhiều yếu tố cản trở quá trình này.
Một là, nhiều hộ kinh doanh thiếu thông tin đầy đủ về quy trình chuyển đổi và những lợi ích mà việc này mang lại. Họ có thể sợ rằng thủ tục pháp lý phức tạp, tốn thời gian và chi phí cao.
Hai là, ngại thay đổi và rủi ro, bởi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp đòi hỏi sự thay đổi trong cách thức quản lý và vận hành.
Ba là, chuyển đổi thành doanh nghiệp thường đi kèm với chi phí cao hơn. Nhiều hộ kinh doanh có quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế có thể không đủ khả năng chi trả cho những chi phí này.
Bốn là, hộ kinh doanh thường do một hoặc vài cá nhân quản lý, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp. Việc chuyển đổi đòi hỏi họ phải cải thiện nâng cao khả năng quản trị, đây có thể là một thách thức lớn.
Năm là, một số hộ kinh doanh lo ngại về việc phải nộp thuế nhiều hơn khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Dù thực tế có thể khác, song tâm lý sợ phải đóng góp thuế cao hơn vẫn là một rào cản đáng kể. Bên cạnh đó, khi trở thành doanh nghiệp, các hoạt động kinh doanh sẽ phải minh bạch hơn và chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Sáu là, thiếu các chương trình hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi từ phía Nhà nước và các tổ chức có liên quan cũng là một yếu tố cản trở. Các hộ kinh doanh cần được hỗ trợ trong việc hiểu rõ quy trình, lợi ích và các bước cần thiết để chuyển đổi thành công.
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ cạn dư địa, chưa thể giảm ngay lãi suất tiền vay, một số đề xuất hỗ trợ chính sách tài khóa từng được áp dụng những năm trước được ban hành. Ông đánh giá ra sao về các chính sách này?
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ gặp nhiều hạn chế, việc sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh là một giải pháp cần thiết và hợp lý. Các chính sách tài khóa được áp dụng những năm trước, chẳng hạn như giảm thuế, hoãn thuế và hỗ trợ tài chính trực tiếp, chứng minh hiệu quả trong việc giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cụ thể, việc giảm thuế suất và giãn, hoãn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất ước tính gần 84.000 tỷ đồng đến cuối năm tại Nghị định số 64/2024/NĐ-CP ngày 17/6/2024 giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh có thêm nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động và đầu tư phát triển, từ đó giúp cải thiện dòng tiền và giảm bớt áp lực tài chính ngắn hạn.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tài chính trực tiếp thông qua các gói hỗ trợ tài chính, như trợ cấp tiền mặt hoặc khoản vay ưu đãi, giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh có nguồn lực hạn chế.
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần phải làm gì, thưa ông?
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ và các tổ chức liên quan, bao gồm việc cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và các chương trình hỗ trợ tài chính. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch để các hộ kinh doanh có thể tự tin chuyển đổi và phát triển bền vững.
Trước mắt, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, một số chính sách nên được xem xét ban hành. Trong đó, việc áp dụng các chính sách tài khóa phù hợp có thể giúp giảm bớt khó khăn tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thứ nhất, tiếp tục giảm và giãn thuế. Tôi đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh trong một thời gian nhất định để giảm gánh nặng tài chính; đồng thời, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp bắt buộc khác như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị tài chính.
Thứ hai, cải thiện tiếp cận vốn. Cần tăng cường các chương trình vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh với lãi suất thấp hơn và điều kiện vay vốn dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phát triển các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp để cung cấp nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thông qua việc hỗ trợ chi phí chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, bao gồm chi phí phần mềm, hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực.
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tiếp cận thị trường và ban hành thêm chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
VnEconomy 02/07/2024 14:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2024 phát hành ngày 01/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
14:00 02/07/2024