Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 1
Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 2

Nhìn lại kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2022 vừa qua, Bộ trưởng có hài lòng không?

Năm 2022, tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp ước tính 3%, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đem về kim ngạch 53,2 tỷ USD, vượt hơn 3 tỷ USD so với con số 50 tỷ USD Chính phủ giao. Tăng trưởng GDP nông nghiệp năm nay có thể nói là cao nhất trong 4 năm gần đây (năm 2021 là 2,74%; Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,54%/năm). Tuy nhiên, so với các lĩnh vực kinh tế khác, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp vẫn rất thấp.

Nếu chỉ tiếp cận ngành nông nghiệp qua con số tăng trưởng, thì sẽ không thấy hết được các vấn đề. Trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp có nhiều điểm sáng.

Một là, kết quả đạt được trong năm 2022 đã làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, đóng góp cho tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo vấn đề an ninh lương thực và các vấn đề xã hội. Năm 2022, do lạm phát ở châu Âu và nhiều khu vực khác tăng cao, khiến nhiều quốc gia khủng hoảng về an ninh lương thực. Bởi vậy, nhiều quốc gia tìm đến chúng ta trong nửa cuối năm 2022 để mong muốn sự hợp tác cùng sản xuất lương thực, thực phẩm.

Hai là, nhận thức rõ vai trò kiến tạo nền nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường nông, lâm, thủy sản, năm 2022, chúng ta đã mở cửa rất nhiều thị trường, đưa nhiều loại nông sản của Việt Nam sang các thị trường khó tính. Sản phẩm nông sản của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của tất cả các thị trường khó tính nhất.

Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 3

Thứ ba, “Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã bắt đầu lan tỏa, chuyển đổi ngành nông, lâm, ngư nghiệp từ tăng trưởng dựa trên đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Những mô hình nông nghiệp mới, cùng các sản phẩm OCOP xuất hiện ngày càng nhiều.

Thứ tư, tư duy của các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã bắt đầu thay đổi. Nhìn từ ngành hàng lúa gạo, trước khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đọc báo thấy thường hay phàn nàn rằng: giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất so với các đối thủ xuất khẩu gạo khác (Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia...). Nhưng năm 2022, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã cao nhất thế giới, vượt qua các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan.

Kết quả này là nhờ tỷ trọng gạo phẩm cấp cao, gạo đặc sản chất lượng thơm ngon của ta ngày càng nhiều. Đây là điều không thể đảo ngược, phải hướng tới thị trường cấp cao hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và người nông dân. Thông qua những doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường EU, thị trường Nhật Bản, ngành lúa gạo Việt Nam đã thoát ly sản lượng để hướng vào chất lượng.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhiều diễn đàn về thị trường nông sản, chúng ta không đồng nhất tất cả các thị trường mà tạo ra nhiều phân khúc sản phẩm.

Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 4

Trong các thị trường tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam thì thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Bộ trưởng đánh giá thế nào về thị trường ở nước này?

Trước đây chúng ta có thói quen sản xuất nông sản chất lượng thấp để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Bây giờ thị trường Trung Quốc đã khó tính hơn. Thành phần trung lưu ở Trung Quốc ngày càng nhiều lên, hiện đã có 500 triệu người Trung Quốc được xếp vào nhóm trung lưu, nên nhu cầu tiêu thụ nông sản chất lượng cao được họ đặt lên hàng đầu. Họ đặt ra hàng rào kỹ thuật, quy định về nông sản nhập khẩu đối với tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam chúng ta. Nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi, có thể chuyển đổi ban đầu khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ bền vững hơn, có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước của hai bên để chúng ta thoát dần dần ra khỏi sản xuất rủi ro.

Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 5

Bộ trưởng cũng đã nói nhiều đến vấn đề tri thức hóa nông dân. Vấn đề này được hiểu như thế nào?

Một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đang bấp bênh, lý do quan trọng là thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, chuẩn hóa quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân. Tôi cho rằng, tiền trong túi là tiền hữu hạn, còn tiền trong đầu mới là vô hạn. Đây là quá trình chúng ta giúp người nông dân hiểu biết hơn, nâng tầm lên.

Tri thức hóa người nông dân thành công đòi hỏi người nông dân phải sẵn lòng chuyên nghiệp hóa chính mình. Mọi sự hỗ trợ của Nhà nước đều là vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi. Do đó, bà con nông dân hãy thay đổi đi, rồi sẽ có chuyên gia, đoàn thể giúp đỡ; còn nếu cứ đóng cửa, cứ nghĩ mình giỏi rồi thì sẽ không cần nữa.

Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 6

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm. Vì sao chúng ta phải chuyển đổi, thưa Bộ trưởng?

Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ các vấn đề nội tại và các yếu tố khách quan, như: nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.

Để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là cần thiết. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn liền với bảo tồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong một năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các chuyên gia, tư vấn trong nước và quốc tế xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.

Sự thay đổi, chuyển đổi cần cân nhắc nhiều giữa mục tiêu dài hạn, lý tưởng cao đẹp cho một thế giới đẹp hơn, hành tinh xanh và bữa cơm hàng ngày của người dân thu nhập thấp.

Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 7

Bộ trưởng dự báo như thế nào về nông nghiệp trong năm 2023?

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản rất thuận lợi vào nửa đầu năm 2022, nhưng khó khăn đến vào cuối năm 2022. Nhiều chuyên gia quốc tế đã dự báo năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn nữa, vì lạm phát toàn cầu sẽ lan tỏa đến những nước chưa xảy ra lạm phát do quá trình lan truyền có độ trễ. Việc các ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay, khiến các doanh nghiệp ngành nông nghiệp thiếu vốn và rủi ro hơn.

Khó khăn còn do yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn. Bây giờ người tiêu dùng ở các nước đưa ra yêu cầu nông sản không chỉ đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, mà họ còn quan tâm rằng quá trình canh tác đó có tác động gây hại đến môi trường thiên nhiên hay không, có làm tăng biến đổi khí hậu hay không? Hải sản đánh bắt có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không?

Rất mừng là doanh nghiệp chúng ta đã bắt đầu thay đổi.

Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 8

VnEconomy 23/01/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyển đổi tăng trưởng nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị - Ảnh 9

06:00 23/01/2023