Nếu để nói về những thành tựu nổi bật mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2021, Bộ trưởng sẽ chọn lĩnh vực nào? Nhìn lại năm 2021 vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu chúng ta đăng ký với Chính phủ đều đạt được, có những chỉ tiêu đạt rất cao. Mặc dù trong năm, đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản phải gián đoạn hoạt động, nhưng tăng trưởng GDP của ngành vẫn đạt 2,85%, cao hơn năm 2020 (2,65%) và đạt mục tiêu Chính phủ giao. Đối với sản xuất lúa, năng suất lúa bình quân tăng 0,65-0,7 tạ/ha so với năm 2020, đưa đến tổng sản lượng lúa thu hoạch năm 2021 đạt trên 43,5 triệu tấn, tăng 800 nghìn tấn so với năm trước. Rất ít năm chúng ta tăng trưởng sản lượng lúa cao như vậy. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt được thành tích không ai ngờ tới, với trên 48,6 tỷ USD. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành là 41,25 tỷ USD. Đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD, khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đưa lên 44 tỷ USD. Kết thúc năm vừa qua, chúng ta đã vượt tới 4,6 tỷ USD so với con số Thủ tướng giao. Về xây dựng nông thôn mới, chúng ta cũng hoàn thành được mục tiêu Chính phủ giao là 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới khi kết thúc năm 2021. Còn những điều gì khiến Bộ trưởng chưa hài lòng, nhiều trăn trở trong năm 2021? Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với ngành nông nghiệp trong năm qua, đó là sự đứt gãy chuỗi giá trị các ngành hàng do các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội và phòng, chống dịch thiếu thống nhất. Nỗi ám ảnh thứ hai là “cơn bão” giá vật tư đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đều tăng cao. Thứ ba là thặng dư thương mại của ngành sụt giảm mạnh, do nhập khẩu tăng quá cao. Giá trị nhập khẩu vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản năm vừa qua lên tới 42,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, khiến xuất siêu của ngành chỉ còn 4,5 tỷ USD. Trong khi, thặng dư thương mại của ngành năm 2020 là 10,4 tỷ USD. Phần lớn vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như phân bón, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y chúng ta vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu. Cho thấy, chuỗi cung ứng của nền nông nghiệp thời gian qua chưa được chú trọng, vì chúng ta cắt khúc giữa sản xuất với thị trường. Bộ trưởng nhận định như thế nào về vai trò của thương lái trong chuỗi tiêu thụ nông sản? Mỗi khi giá nông sản xuống, thấy nhiều báo chí viết: thương lái ép giá. Mỗi khi ai nói thương lái ép giá thì tôi bức xúc lắm! Hôm trước ở Quốc hội, tôi hỏi một số phóng viên rằng: nếu thương lái họ ép giá được, thì sao họ không bán cam với giá 30.000 đồng như năm trước, mà lại phải hạ giá xuống 15.000 đồng. Bản chất đó là thị trường. Chúng ta phải nghĩ tại sao giá nó xuống? Là do cung vượt cầu. Một ông thương lái mỗi ngày giả sử mua 2 con lợn về mổ và bán. Nhưng đùng một cái, lượng cung tăng, chủ trại nằng nặc đề nghị ông thương lái đó mua 10 con lợn. Ông ấy mua cả 10 con, nhưng mỗi ngày vẫn chỉ bán được có 2 con, 8 con còn lại phải nuôi trong chuồng 4 ngày sau mới tiêu thụ hết, khi đó mất thêm chi phí thức ăn, nước uống, công chăm sóc… nên phải mua với giá thấp hơn mới đảm bảo có lãi. Trong một nền sản xuất nhỏ lẻ như thế này, vai trò của thương lái cực kỳ quan trọng. Không có doanh nghiệp nào đến tận ruộng của nông dân để mua lúa. Thương lái làm việc này. Họ chở phân bón, chở giống vô, rồi khi lúa chín thì chính họ đến thu mua và vận chuyển đi. Thương lái có kho của họ, nên doanh nghiệp không cần phải xây dựng kho lớn ở từng cánh đồng. Hết mùa lúa thì họ chuyển sang thu mua mía. Vòng quay của họ rất là năng động. Chính vì sự năng động đó mới làm giảm chi phí xuống. Thực sự đó là nền kinh tế chia sẻ. Tôi đang gợi ý các địa phương nên đưa thương lái vào trong một tổ chức của họ, ví dụ như câu lạc bộ thương lái để hoạt động thua mua nông sản có bài bản, có sự chia sẻ và liên kết, để nông dân, doanh nghiệp, và thương lái phải có trách nhiệm với nhau. Năm vừa qua, Bộ trưởng có nói rằng: xuất khẩu tăng, nhưng chưa vui. Vì sao vậy, thưa Bộ trưởng? Đi đến nhiều địa phương, nghe họ nói sao ông Bộ trưởng này kỳ vậy, xuất khẩu nông sản tăng thì phải vui chứ sao lại buồn. Tôi đã đi nhiều nước châu Âu và nhận ra rằng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát. Nghĩa là, chủ yếu do sự năng động của doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chúng ta chưa có đề án chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng loại thị trường. Đa phần sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sang thị trường nước ngoài là phục vụ người gốc Á sinh sống ở quốc gia đó, chứ chưa thâm nhập vững chắc vào các hệ thống phân phối lớn ở các quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham vấn các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tới mùa vụ chúng ta mới thu gom để xuất khẩu, mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hoá. Xu thế nguyên liệu xanh quyết định giá trị gia tăng. Tới đây, một doanh nghiệp sẽ xây dựng một trung tâm nông sản ở Móng Cái. Nếu chúng ta có khu bảo quản chuẩn mực ở cửa khẩu, thì mỗi khi dồn ứ xe hàng tại cửa khẩu, thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề. Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng liên minh Hiệp hội của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp logistics để phối hợp giảm chi phí trung gian. Chúng tôi đã bàn với các hãng hàng không Bambo Airways và Vietjet Air, cơ bản các doanh nghiệp đồng ý giảm chi phí vận chuyển cho nông sản xuất khẩu. Từ gần nửa năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng tuần tổ chức các phiên diễn đàn kết nối nông sản. Đây là cơ sở để năm 2022, chúng ta hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch về thông tin sản xuất, thông tin thị trường, thông tin phục vụ quản lý chuyên ngành gắn với tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hướng đến chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa các vùng nguyên liệu và các cơ sở chế biến, tiêu thụ. Khớp nối về mặt quy mô vùng nguyên liệu, thời vụ, truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản… Bộ đang triển khai đề án truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã vùng trồng trọt, chăn nuôi không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà cả cho tiêu dùng nội địa. Sẽ xây dựng các trung tâm bảo quản, kho lạnh để bảo quản nông sản từ trong nội địa ra đến biên giới, ở các cảng xuất khẩu. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo có cách tiếp cận quốc gia, có quy định mùa vụ sản xuất sao cho có lợi nhất. Ví dụ như thanh long, mùa nào ở Trung Quốc họ trồng thì mình né, mình sản xuất và thu hoạch vào vụ nào họ không thu hoạch để đạt được giá bán cao và không bị tồn ứ. Bộ trưởng cũng đã nói sẽ đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái. Xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về khát vọng này? Chúng tôi đang hướng đến nông nghiệp xanh thực hiện cam kết của Thủ tướng tại COP 26: Đưa phát thải về 0 vào năm 2050. Giờ đây, không phải sản xuất quyết định tiêu dùng, mà là tiêu dùng quyết định sản xuất. Chúng ta đang chuyển đổi từ nền nông nghiệp nâu, tức là nền nông nghiệp sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên, đất đai, lao động sang nền nông nghiệp ứng dụng nhiều khoa học công nghệ, tri thức… Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần hướng nền đến trở thành nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều doanh nghiệp mới, nhiều việc làm mới. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện và trình Chính phủ Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lần đầu tiên chúng ta tiếp cận phát triển nông nghiệp với tầm chiến lược và tầm dài hạn, chứ không chỉ tiếp cận ở tư duy ngắn hạn 5 năm như trước đây. Đây là vấn đề lớn, liên quan tới rất nhiều bộ ngành, tới xã hội rộng lớn hơn. Chiến lược đó không phải chỉ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cho hàng chục nghìn doanh nghiệp ngành nông nghiệp và hàng triệu hộ nông dân. VnEconomy 02/02/2022 13:00 13:00 02/02/2022