Cơ hội nào cho xe máy điện "make in Việt Nam"?
Cho đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Vinfast với tuyên bố chỉ ưu tiên phát triển xe điện trong tương lai, các hãng xe lớn khác dường như vẫn khá thận trọng trong tiến trình nghiên cứu, sản xuất xe máy điện ngay tại Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều cơ hội để lựa chọn và trải nghiệm sản phẩm mới.
Anh Sơn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một công chức Nhà nước, vừa mua một chiếc xe máy điện liên doanh trị giá 22 triệu đồng dành tặng cho con gái mình, nhân dịp đầu năm học mới cho biết: “Trước đây tôi cũng đã từng mua xe máy điện “trôi nổi” rồi phải thất vọng sau khi sử dụng được 1-2 năm vì chất lượng quá tệ. Còn những mẫu xe điện hiện nay đã có sự cải tiến rõ rệt. Chưa biết có thể dùng được bao nhiêu năm nhưng chỉ cần xe chạy ổn định, không bị lỗi vặt, chết máy là yên tâm rồi”.
Mong muốn của anh Sơn cũng là mong muốn của không ít phụ huynh khi tìm mua cho con mình một chiếc xe máy điện hay xe đạp điện để phục vụ đi học. Thậm chí, nhiều người là nhân viên văn phòng, công chức, viên chức cũng thường xuyên sử dụng xe máy điện để đến cơ quan, công ty hàng ngày.
Theo phép tính ước lượng, đối với quãng đường 100km trong nội đô, một chiếc xe tay ga thông dụng tiêu tốn khoảng 2,5 lít xăng, tương đương 60.000 đồng. Còn đối với xe máy điện sẽ chỉ tốn khoảng 1,5 số điện, tương đương 4.500 đồng. Cùng với đó, giá trị một chiếc xe máy điện chỉ bằng ½ so với một chiếc xe tay ga. Lợi ích kinh tế khá rõ ràng.
Mặc dù vậy, vòng đời của một sản phẩm xe máy điện hiện nay còn khá ngắn, đặc biệt là hiện tượng “chai” pin, hỏng ắc-qui. Với thời gian sạc đầy từ 6-8 tiếng, nhiều gia đình lựa chọn sạc qua đêm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Những yếu tố này khiến “hao phí” khi sử dụng xe máy điện cao hơn xe chạy xăng thông thường.
Mặt khác, trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều lựa chọn và cơ hội trải nghiệm xe máy điện. Khảo sát tại một số đại lý kinh doanh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho thấy, xe máy điện mặc dù có nhiều mẫu mã nhưng đa số đều là hàng lắp ráp, liên doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Điều này khiến không ít khách hàng còn e dè về chất lượng sản phẩm, cũng như nguồn gốc xuất xứ của xe.
Kể từ khi Bộ Công an ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA, bắt buộc tất cả các dòng xe máy điện đều phải đăng ký biển số, đến nay, tình trạng xe máy điện, xe đạp điện “trôi nổi”, xe giá rẻ, chất lượng kém trên thị trường đã cơ bản được ngăn chặn.
Một kỹ sư tại đại lý xe điện Việt Thanh 127 Phạm Văn Đồng cho hay: “Các linh kiện đều là hàng “nội địa” Trung Quốc và lắp ráp tại Việt Nam, chất lượng cao hơn rất nhiều so với xe máy điện trôi nổi những năm trước đây. Sản phẩm có chứng từ kiểm định chất lượng xuất xưởng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thời gian bảo hành, danh sách linh kiện được bảo hành cũng dài hơn những mẫu xe điện cũ. Các mẫu xe máy điện thế hệ mới thường có giá từ 17-30 triệu đồng. Đây cũng là phân khúc được đa số khách hàng lựa chọn thời gian gần đây”.
Tuy nhiên, đối với phân khúc xe máy điện giá rẻ dưới 15 triệu đồng, khách hàng không có nhiều lựa chọn. Đây cũng là phân khúc tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất bởi vẫn còn tình trạng “trà trộn” xe máy điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với xe chính hãng.
Chị Hiền, đại diện cửa hàng xe điện trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) nói: “Các mẫu xe máy điện mới hiện nay đều có giá trên 15 triệu đồng. Những mẫu xe đời cũ cách đây một vài năm có giá từ 12-15 triệu đồng, nhưng hiện đều đã hết hàng. Khách hàng cũng có thể cân nhắc mua xe “chạy lướt” với giá dưới 10 triệu đồng, cộng thêm ắc-qui mới để có thể chạy quãng đường xa hơn”.
Hiện tại, Vinfast là hãng xe nội địa duy nhất sản xuất xe máy điện tại Việt Nam hiện nay. Với các sản phẩm trải đều các phân khúc, từ cấp thấp (Ludo: 12.900.000 đồng) đến cao cấp (Vento 2022: 56.350.000 đồng), khách hàng có thể yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm. So với xe liên doanh, xe máy điện nội địa có lợi thế về độ tin cậy, mẫu mã, chế độ hậu mãi…
Mặc dù vậy, để sở hữu một chiếc xe có thể chạy trên 100 km khi sạc đầy, khách hàng sẽ phải bỏ ra trên 40 triệu đồng, tương đương giá trị một chiếc xe tay ga tầm trung. Yếu tố giá cả khiến không ít người phải cân nhắc và mong đợi sẽ có thêm nhiều hãng xe để lựa chọn hơn trong thời gian tới.
Theo nghiên cứu của Research and Markets, giá trị thị trường xe máy tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 89,9 triệu USD năm 2020 lên tới con số hơn 10,2 tỷ USD đến năm 2030. Trong đó, thị trường xe máy điện được đánh giá là mảnh đất “màu mỡ” đang chờ được khai phá. Điều này cũng phù hợp với chủ trương và lộ trình sử dụng 100% xe điện vào năm 2050 mà Chính phủ đã đề ra.
Tại Ý đã có hẳn một nghị định hỗ trợ tài chính cho người mua sắm các phương tiện chạy bằng điện, trong đó có xe máy điện. Chính phủ nước này dự kiến phân bổ ngân sách khoảng 650 triệu Euro mỗi năm, kéo dài cho đến năm 2024. Tổng số tiền phân bổ có thể lên đến 8,7 tỷ Euro đến năm 2030. Trong đó, mỗi người dân sử dụng xe điện 2 bánh thân thiện với môi trường, không phát thải có thể được khấu trừ thuế lên đến 750 Euro.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời của Chính phủ thì mỗi nhà sản xuất cũng phải có chiến lược cho riêng mình. Bởi dù sớm hay muộn, các hãng xe đều phải chuyển hướng sang sản xuất xe điện. Những người “tiên phong”, một mặt phải chịu rủi ro đánh mất thị phần xe chạy xăng truyền thống, mặt khác lại có lợi thế lớn về thương hiệu xe điện. Áp dụng chiến lược như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực của những nhà sản xuất. Bài toán chi phí bước đầu đã được VinFast giải quyết.
Nhiều chuyên gia nhận định, ngay từ năm 2023, các hãng sẽ có động thái tích cực hơn trong việc sớm ra mắt các sản phẩm xe máy điện cho thị trường Việt. Càng có nhiều sản phẩm, mức giá sẽ càng cạnh tranh hơn và chất lượng ngày một nâng lên. Người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm, đánh giá và là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi.