Cổ phiếu blue-chips trượt dốc, VN-Index lùi lại kiểm định mốc 1220 điểm
Áp lực chốt lời ngắn hạn sáng nay khôgn mạnh nhưng dòng tiền thận trọng khiến cầu suy yếu nhất là với nhóm blue-chips. Diễn biến điều chỉnh diện rộng ở nhóm này khiến VN-Index mất điểm liên tục và chốt phiên sáng ở giá thấp nhất trong khi thanh khoản sụt giảm...
Áp lực chốt lời ngắn hạn sáng nay khôgn mạnh nhưng dòng tiền thận trọng khiến cầu suy yếu nhất là với nhóm blue-chips. Diễn biến điều chỉnh diện rộng ở nhóm này khiến VN-Index mất điểm liên tục và chốt phiên sáng ở giá thấp nhất trong khi thanh khoản sụt giảm.
VN30-Index đang giảm 0,54% so với tham chiếu và chỉ có 8 mã tăng/19 mã giảm và toàn bộ 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều thuộc rổ này. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa hàng đầu, tới 7 mã giảm, trong đó ảnh hưởng tệ nhất là GAS giảm 1,58%, HPG giảm 1,55%, FPT giảm 1,31%, TCB giảm 1,18%. 3 cổ phiếu còn xanh nhưng khá yếu là VCB tăng 0,91%, VIC tăng 0,74%, VNM tăng 0,41%.
Sau 2 phiên tăng khá tốt vừa qua, nhu cầu chốt lời thực tế cũng không gia tăng, nhưng bên mua thận trọng hơn đáng kể. Sáng nay thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE sụt giảm nhẹ 3% so với sáng hôm qua, đạt 5.390 tỷ đồng, rổ VN30 giảm giao dịch hơn 4%. Mức thay đổi này cũng chưa phải là nhiều nhưng đà giảm giá lại diễn ra ở diện rộng cho thấy yếu tố tâm lý khá đồng nhất. VN-Index chốt phiên sáng giảm 0,45% với 119 mã tăng/254 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu đi ngược dòng vẫn khá nhiều, nhưng chủ đạo là các cổ phiếu được đầu cơ riêng lẻ, thanh khoản thấp. Sàn HoSE hiện đang có 41 cổ phiếu tăng hơn 1% thì chỉ 2 mã đạt mức khớp lệnh quá 100 tỷ đồng là PDR tăng 1,71% với 167,3 tỷ, DBC tăng 1,62% với 154,6 tỷ. Nhóm thanh khoản trung bình có CSV tăng 6,16%, NHA tăng 3,63%, NTL tăng 2,41%, TCH tăng 1,87%, NAB tăng 1,65%... Một số cổ phiếu thanh khoản lẻ tẻ thì rất mạnh là RDP, QCG, SAV, APG, HCD, TV2 nhưng không có nhiều nhà đầu tư tham gia.
Hiện tại thị trường không có dòng tiền thật sự ấn tượng nên diễn biến hàng ngày dao động thay đổi thường xuyên. Về cơ bản tâm lý đầu cơ ngắn hạn vẫn đang chi phối vì nhịp phục hồi hiện tại vẫn được xem là ngắn hạn, chưa chắc chắn thị trường đã tạo đáy. Dòng tiền thận trọng thường chờ đợi tín hiệu kiểm định đáy để xác nhận trước khi giải ngân mạnh hơn.
Nhóm blue-chips sáng nay chịu áp lực bán cũng không phải là lớn nhưng cũng có 9 cổ phiếu giảm quá 1%. Hiệu ứng dãn biên độ theo hướng giảm nhưng thanh khoản nhỏ là do lực cầu suy yếu. Số ít bị bán thật sự áp đảo là HPG giảm 1,55% thanh khoản 267,4 tỷ đồng; FPT giảm 1,31% với 236,4 tỷ; MSN giảm 1,6% với 166 tỷ; TCB giảm 1,18% với 116 tỷ; SSI giảm 1,72% với 107,7 tỷ.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, hiệu ứng thanh khoản thấp có vẻ đang kẽo dãn biên độ giảm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ dễ dàng hơn. Sàn này đang có tới 100 cổ phiếu giảm hơn 1%, tập trung tới 42% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Tuy vậy đại đa số là thanh khoản rất nhỏ, chỉ một phần ba đạt giao dịch từ 20 tỷ đồng trở lên. GEG giảm 6,38%, VDS giảm 2,95%, VSC giảm 2,37%, NGK giảm 2,36%, POW giảm 2,21%, VCI giảm 2,18%, BSI giảm 2,16%, VCG giảm 2,15%, HSG giảm 2,14%, GEX giảm 2,09%, FTS giảm 2,05%... là những mã chịu tác động mạnh của hiệu ứng này. Nhiều mã nói trên đã ở trong nhịp tăng ngắn hạn khá ấn tượng và nhu cầu chốt lời dễ xuất hiện hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay không tăng quy mô bán ra, nhưng giảm mua khiến vị thế ròng trên HoSE là -213,7 tỷ đồng, nhỉnh hơn sáng hôm qua (-179,8 tỷ). Phần lớn mức bán ròng này tập trung ở HPG với -102,1 tỷ, còn lại chỉ vài cổ phiếu bị bán đáng chú ý như TCB -39,7 tỷ, FPT -20,8 tỷ, HSG -19,7 tỷ. Bên mua cũng chỉ có VNM +56,2 tỷ là đáng kể, còn lại vài mã quanh 10 tỷ như VCB, DGW, PDR, CTG.
Để mất 5,49 điểm sáng nay, VN-Index lùi xuống ngưỡng 1.224,79 điểm. Đây chưa phải là mức lùi sát nhất ngưỡng tâm lý 1220 điểm. Chiều qua chỉ số còn có một lần kiểm định ngưỡng này khi xuống tới 1.221,16 điểm. Những biến động lên xuống trong phiên vẫn ở biên độ hẹp và thanh khoản không đột biến, cho thấy thị trường chỉ đang phản ứng bình thường với cung cầu ngắn hạn tại một thời điểm.