“Sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp lại phải hứng chịu với những đợt “leo thang” của đà tăng giá xăng dầu và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 vinh danh những danh hiệu có khả năng thích ứng, trụ vững và tăng trưởng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng như nền kinh tế mở cửa hoạt động trở lại thông qua đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong nước, ngân hàng trung ương các nước đồng loạt nâng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát…, các ngân hàng thương mại Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vừa đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước duy trì sự ổn định giá trị đồng tiền và tỷ giá, góp phần cải thiện kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu thông qua huy động các nguồn vốn trong nước cho đầu tư phát triển, đổi mới chính sách cho vay và cơ cấu tín dụng theo hướng căn cứ chủ yếu vào tính khả thi và hiệu quả của từng dự án, từng lĩnh vực ngành nghề để quyết định cho vay…
Trong quá trình này, nhiều ngân hàng thương mại đã nỗ lực không ngừng trong việc liên tục đổi mới, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân tốt nhất, cạnh tranh nhất cho khách hàng, hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ đó, nhiều ngân hàng đã đạt kết quả kinh doanh vượt trội như tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng sản phẩm dịch vụ, năng lực lãnh đạo, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cam kết bảo vệ môi trường và chuyển đổi số trong doanh nghiệp”.
“Theo tôi, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 là một bước tiến dài. Có doanh nghiệp tăng doanh số và sản lượng đến 300%. Tuy nhiên, về tổng thể so với yêu cầu đặt ra thì vẫn chưa đạt - phần lớn các doanh nghiệp chỉ đạt 20 - 40% kế hoạch cả năm.
Như vậy, so với mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế cả năm đưa GDP tăng trưởng 6,5 - 7% thì ngành xây dựng (một chuyên ngành đóng góp khoảng 12% tổng GDP của cả nước) chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung lại có 6 yếu tố chính.
Thứ nhất, biến động giá cả vật liệu quá lớn. Chính vì tình trạng giá cả vật liệu biến động mạnh nhưng Nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hiện nay hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công đang lâm vào tình trạng sống dở, chết dở.
Thứ hai, thủ tục pháp lý đầu tư dự án bất động sản chưa được tháo gỡ, do đó, số dự án mới chưa đủ để cung cấp công ăn việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng.
Thứ ba, việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn.
Thứ tư, sức ép về tài chính rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị nợ đọng, thậm chí nợ đọng kéo dài nhiều năm. Trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ. Hạn chế về room tín dụng cho vay của ngân hàng càng làm các nhà thầu thêm điêu đứng về tài chính.
Thứ năm, thủ tục pháp lý về giao nhận thầu còn nhiều rắc rối phức tạp, nhà thầu mất nhiều thời gian, nhiều chi phí rải đường.
Thứ sáu, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn chồng chéo giữa các ngành liên quan khiến các doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian. Qua đó, có thể thấy rằng trong tiêu chí để xét Thương hiệu mạnh ngành xây dựng, tiêu chí hiệu quả của doanh nghiệp là rất cần thiết. Hiệu quả chính là tín nhiệm của doanh nghiệp. Vì ở lĩnh vực xây dựng, vấn đề nợ đọng, chi phí lãi vay rất nhức nhối.
Tôi muốn nói rằng Thương hiệu mạnh không phải cứ là doanh nghiệp to nhất mà cần là doanh nghiệp uy tín nhất. Bởi những đơn vị thực hiện đúng tiến độ, đúng chất lượng… sẽ tạo dựng được công trình tốt cho đối tác, cho người tiêu dùng, cho xã hội”.
“Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số. Doanh nghiệp công nghệ số được xác định là lực lượng tiên phong cho quá trình này. Hiện tại, chúng ta đang có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Để đáp ứng được nhu cầu trong nước và phục vụ thị trường quốc tế, Việt Nam cần có 75.000 doanh nghiệp vào năm 2025, và 100.000 doanh nghiệp vào năm 2030 trong lĩnh vực này.
Công nghệ số hiện tại đã là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp 7-8% tăng trưởng GDP hàng năm, và đang được kỳ vọng đóng góp 20% tăng trưởng GDP vào năm 2030. Trong mỗi lĩnh vực hẹp của ngành, Việt Nam đều có những doanh nghiệp công nghệ số không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn nổi danh trên thị trường quốc tế, hay những startup tỷ Đô. Các doanh nghiệp công nghệ số, thương hiệu công nghệ số Việt Nam rất cần sự ghi nhận, đánh giá, cũng như những chương trình cộng hưởng truyền thông để đưa những thương hiệu tiến nhanh hơn, xa hơn nữa.
Chương trình Top các Thương hiệu mạnh Việt Nam do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức được đánh giá là một trong những chương trình lâu đời, uy tín. Chương trình đang được Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đổi mới liên tục, ngày càng hoàn thiện hơn, cập nhật hơn. Với sự tham vấn chuyên môn từ các chuyên gia, lãnh đạo các hiệp hội chuyên ngành. Sự cầu thị này không chỉ đem lại chất lượng cao cho chương trình, mà còn phản ánh được chính xác sự vận động trong từng ngành công nghiệp.
Tôi kỳ vọng, Ban Tổ chức sẽ có thể bổ sung thêm các hạng mục vinh danh dành cho đa dạng các lĩnh vực hơn, và dành cho các doanh nghiệp mới nổi lên, có tiềm năng, có sự phát triển vượt bậc. Đồng thời, Ban Tổ chức cần tăng cường thiết kế các hoạt động giao lưu, kết nối trong cộng đồng các thương hiệu mạnh Việt Nam. Sự kết hợp giữa các Thương hiệu mạnh có thể sẽ tạo ra nhiều điều kỳ diệu. Ít nhất, trong giai đoạn hiện nay, các thương hiệu công nghệ số mạnh có thể hợp tác, hỗ trợ các thương hiệu khác đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Xa hơn là tạo ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, các mô hình kinh doanh mới cho các Thương hiệu mạnh khác, đóng góp vào sự tăng trưởng nhanh, bền vững cho nền kinh tế!”.
“Đây là năm thứ 19, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sự kiện thường niên nhằm công bố Top các Thương hiệu mạnh Việt Nam trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông lâm thủy hải sản; bán lẻ - tiêu dùng; xây dựng – vật liệu xây dựng; bất động sản; công nghệ số - kinh tế số…
Với việc đưa ra bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động và quản trị của doanh nghiệp như ROE, ROA, số việc làm tạo ra, chuyển đổi số và chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững… nhiều doanh nghiệp đã cho thấy sự phục hồi và phát triển ấn tượng ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ cũng như những tháng đầu năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Nhờ đó, sức mạnh thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trở lại nhanh chóng sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, bên cạnh những thương hiệu có sự tăng trưởng ổn định như Vietcombank, VPBank, FPT, Hòa Phát… đã có những thương hiệu mới nổi lên với tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng lên tới vài trăm phần trăm, dần “bước chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn trong các ngành/lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao như sản xuất chế tạo, vật liệu xây dựng, kinh tế số…
Với nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì, cùng với triển vọng thị trường đang phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên đa dạng, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển doanh nghiệp cũng như thương hiệu thông qua việc xây dựng và phát triển các giá trị cốt lõi cho sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khách hàng, thích ứng với dòng chảy thế giới dựa trên các công cụ quản trị hiện đại và minh bạch”.
VnEconomy 13/10/2022 07:00
07:00 13/10/2022