Được xem là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, đến nay hoạt động chuyển đổi số đang được Đà Nẵng triển khai và đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
Chuyển đổi số của Thành phố Đà Nẵng thực ra đã là một quá trình lâu dài vì từ năm 2003 đã có nghị quyết của Thành ủy về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, ban hành kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cho cả giai đoạn từ 2003-2010.
Đến 2010, thành phố cũng ban hành kiến trúc về chính phủ điện tử và được xem là khung kiến trúc định hình quá trình phát triển chính quyền điện tử của Thành phố Đà Nẵng. Do sự thay đổi về công nghệ cũng như một số mô hình đối với chính quyền điện tử, đến năm 2018 thành phố ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 để nhằm xác định lại một số các mục tiêu, kiến trúc làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử.
Cùng chủ trương Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị trong năm 2019 về một số chính sách để tiếp cận Cách mạng 4.0, Thành phố Đà Nẵng nhận thức vấn đề này và đã ban hành một số nội dung liên quan đối với công tác chuyển đổi số, trong đó ban hành Nghị quyết 05 và những mục tiêu được đặt ra về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ngoài ra, sau khi có Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" thì Đà Nẵng cũng đưa ra một số mục tiêu riêng của mình, trong đó việc phát triển kinh tế số cũng được hiểu theo nghĩa rộng, gồm các doanh nghiệp công nghệ số.
Thứ nhất, kinh tế số dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, trong đó lấy phần công nghệ và dữ liệu xem là các yếu tố đầu vào. Thứ hai, phát triển kinh tế số dựa trên các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ cũng như thực hiện trên môi trường số (mạng). Thứ ba, kinh tế số, trong đó chuyển đổi số đóng góp vào quá trình tăng năng suất lao động, ứng dụng công nghệ liên quan đến công nghệ số, công nghệ tự động, giảm chi phí đầu vào để phát triển doanh nghiệp.
Với các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 05 cũng giống như Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến 2030 tại Quyết định 2870 của Ủy ban Nhân dân thành phố, thì đây được xem là bộ khung để Đà Nẵng triển khai chuyển đổi số.
Cụ thể thì hoạt động chuyển đổi số của Đà Nẵng mang lại những lợi ích gì cho người dân thành phố, thưa ông?
Trong quá trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, Đà Nẵng lấy tổ chức và công dân làm chủ thể trung tâm để triển khai chuyển đổi số, trong đó làm sao công dân tiếp cận dịch vụ chính quyền được tốt hơn và tiếp cận các dịch vụ từ phía các doanh nghiệp, làm bệ đỡ cho phát triển kinh tế số, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển. Các doanh nghiệp khác sử dụng môi trường số để phát triển các dịch vụ nhằm tăng doanh thu, tăng năng suất lao động.
Với việc lấy tổ chức và công dân làm trung tâm, theo đó thành phố sẽ tập trung vào ba trụ cột chính.
Trụ cột thứ nhất là hạ tầng. Cụ thể, hạ tầng của thành phố hiện nay đối với môi trường truyền dẫn, trong đó gồm 600 km cáp quang để kết nối từ Ủy ban Nhân dân thành phố tới từng huyện, từng xã, và các tổ dịch vụ công nghệ số ở các địa phương. Đồng thời xây dựng trung tâm dữ liệu để bảo đảm hạ tầng tính toán và lưu trữ để phục vụ kết nối của người dân và phục vụ cho các ứng dụng của chính quyền của thành phố, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng trung tâm dữ liệu của thành phố, trong đó đặc biệt các doanh nghiệp startup có thể sử dụng các hạ tầng trung tâm dữ liệu này.
Trụ cột thứ hai là dữ liệu. Đối với Thành phố Đà Nẵng, trong quá trình triển khai chính quyền điện tử cũng giống như trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, việc thu thập các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu của người dân, trong đó cơ sở dữ liệu công dân của Thành phố Đà Nẵng thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ khẩu, giúp cho người dân nộp hồ sơ dịch vụ công.
Trụ cột thứ ba là các thiết bị thông minh. Các ứng dụng thông minh này để cung cấp dịch vụ cho người dân, trong đó hiện nay Đà Nẵng có gần 600 cơ sở dữ liệu và thông qua gần 600 cơ sở dữ liệu này để giúp người dân và du khách có thể tra cứu. Ví dụ người dân muốn biết được giá đất trên đường Trần Phú thì gõ vào đó “giá đất” – thông qua Zalo, Viber, sau đó ghi tên đường Trần Phú thì hệ thống sẽ trả lại cho người tra cứu về giá đất ở trên tuyến đường Trần Phú.
Tương tự hàng loạt các dịch vụ khác trong lĩnh vực du lịch – mũi nhọn của Đà Nẵng. Thành phố cung cấp các thông tin cho du khách khi sử dụng dịch vụ để du khách có cảm giác an toàn, ví dụ như về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, vận tải… để người dân, du khách có thể tra cứu thuận tiện bằng tin nhắn (SMS) hay qua Zalo…
Hơn một lần Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói rằng “chuyển đổi số là động lực để giải quyết các điểm nghẽn”, vậy Đà Nẵng đã, đang giải quyết các “điểm nghẽn” này như thế nào, thưa ông?
Chúng ta đều biết chuyển đổi số trên ba trụ cột chính bao gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Các điểm nghẽn cũng dựa trên ba trụ cột đó. Trong quá trình triển khai phát sinh những khó khăn, hạn chế thì cũng trên ba trụ cột này. Do vậy, giải quyết điểm nghẽn, liên quan đến vấn đề về chính quyền số, là làm sao đưa ra các dịch vụ công để tổ chức, người dân tiếp cận về hành chính công.
Thành phố Đà Nẵng hiện nay đã triển khai trên 95% dịch vụ công trực tuyến, do vậy hầu như mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Điểm nghẽn đối với việc tiếp cận dịch vụ công là một số bộ phận trong xã hội như người lớn tuổi, người tàn tật trong quá trình tiếp cận dịch vụ công có nhiều hạn chế.
Ngoài các dịch vụ công, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị sự nghiệp công, ví dụ như nước, các đơn vị liên quan về mặt quản lý hạ tầng… và ban hành quy trình đối với sự nghiệp công để những quy trình đó trong quá trình triển khai phục vụ người dân, thông qua đó có được các dữ liệu của người dân và làm giàu dữ liệu đó. Dữ liệu đó góp phần rất lớn vào việc chuyển đổi số của thành phố.
Đối với việc tiếp cận dịch vụ công, chúng tôi phối hợp với các đơn vị làm nhiệm vụ chuyển phát (như bưu điện Thành phố VNpost, Viettel) để làm đại lý dịch vụ công trực tuyến. Đại lý dịch vụ công, gồm cả bưu điện văn hóa xã, chính bưu điện văn hóa xã này giúp cho người dân vùng sâu vùng xa tiếp cận dịch vụ công. Bên cạnh đó cũng sử dụng các mô hình các điểm truy cập Internet làm đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Điểm nghẽn thứ hai về mặt kinh tế số. Đà Nẵng hiện có trên 700 doanh nghiệp công nghệ thông tin, do vậy làm sao để các doanh nghiệp này phát triển và đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế chung. Bằng việc giải quyết các điểm nghẽn này, Thành phố trong quá trình chuyển đổi số cũng xác định công nghiệp công nghệ thông tin là một trong những trụ cột để đóng góp vào kinh tế số, và đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP của thành phố.
Đà Nẵng hiện có khoảng 60% doanh nghiệp công nghệ số làm outsourcing (gia công thuê) nên làm sao phải cải tiến tỷ lệ từ outsourcing sang làm sản phẩm (product). Hay việc tăng năng suất lao động trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin để qua đó tối ưu hóa quy trình, gồm cả quản lý, quy trình tự động hóa trong sản xuất để tiết kiệm được chi phí đầu vào.
Với doanh nghiệp số, “điểm nghẽn” đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chúng tôi liên hệ với một số nhà cung cấp (như Misa) để cung cấp dịch vụ ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc sử dụng các hệ thống trên môi trường Cloud, đồng thời phối hợp một số đơn vị như Cục Thuế để chuyển từ hóa đơn thông thường thành hóa đơn điện tử giúp cho việc quản lý và ứng dụng số của các doanh nghiệp.
Những ví dụ trên chính là những “điểm nghẽn” mà Thành phố Đà Nẵng đã, đang giải quyết, và tôi cho rằng việc giải quyết này sẽ là một quá trình chứ không phải một sớm một chiều mà có thể làm ngay được.
VnEconomy 08/06/2022 14:00
11:51 08/06/2022