Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 11). Nghị quyết này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, thưa Thứ trưởng?
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình và những yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và hợp tác phát triển mới.
Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước…
Nhằm thực hiện Nghị quyết 11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 96/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11. Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về Chương trình hành động này?
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 11, với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11; hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể và 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 11, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết, đồng thời thể hiện được vai trò kiến tạo, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 vào ngày 27/8 tại Lào Cai sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động.
Trong lần quán triệt Nghị quyết 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh về việc cần giải quyết tốt vấn đề liên ngành, liên vùng. Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11, việc xây dựng thể chế chính sách, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết vùng được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, nên được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Nghị quyết 11 đã chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được rất lớn về phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó, liên kết vùng còn yếu do chưa có thể chế liên kết vùng hiệu lực, hiệu quả.
Vì vậy, việc xây dựng thể chế phát triển liên kết vùng cho Trung du và miền núi Bắc Bộ để phát huy tiềm năng, lợi thế là hết sức quan trọng. Trong Nghị quyết số 96/NQ-CP, ngày 1/8/2022 của Chính phủ đã quy định rất rõ nội dung này.
Thứ nhất, là nâng cao nhận thức, tư duy về liên kết vùng để quán triệt các cấp, các ngành, các địa phương, huy động sức mạnh tập thể của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương thành sức mạnh chung của vùng.
Thứ hai, là phải xây dựng quy hoạch vùng chất lượng tốt, có tư duy tầm nhìn dài hạn và chiến lược, phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, sử dụng đất đai hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
Thứ ba, với một số lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các cơ chế, chính sách hài hòa giữa nguồn thu trung ương và địa phương, với nguyên tắc ngân sách trung ương vẫn là chủ đạo, nhưng các địa phương được để lại mức thu hợp lý để tái đầu tư cho công trình hạ tầng.
Theo Thứ trưởng, các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới tư duy thế nào để tạo ra các hành lang kinh tế mới, các cực tăng trưởng trong vùng này?
Một trong những hạn chế đã được chỉ ra là tư duy liên kết vùng chậm được đổi mới trong vùng. Do vậy, các cấp ủy Đảng các bộ, ngành và các địa phương trong vùng phải tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về liên kết vùng.
Tư duy ở đây là tư duy phát triển cho cấp vùng, tức là đặt lợi ích của vùng là cao nhất, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Để làm được điều này, các cấp, các ngành đều xác định mục tiêu chung của vùng đã được quy định rất rõ tại Nghị quyết, là đến năm 2030, Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc thay đổi tư duy, mỗi địa phương phải có chương trình hành động rất cụ thể, căn cứ vào quy hoạch vùng để xây dựng quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng.
Đặc biệt, khi xây dựng quy hoạch tỉnh, cần có sự liên kết, phối hợp với các địa phương khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện cũng đặc biệt quan trọng, cần vai trò điều phối hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch, triển khai các đề án, dự án, các cơ chế chính sách đặc thù cho sự phát triển của toàn vùng.
Mới đây Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2021-2030 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh và bền vững. Hội đồng điều phối sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động liên kết vùng như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng.
Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và thúc đẩy phát triển; đồng thời, tổ chức các hoạt động chung về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng.
Bên cạnh đó, thúc đẩy việc khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch vùng và hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan phục vụ phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp, liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc…
Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
VnEconomy 31/08/2022 06:00
06:00 31/08/2022