Ông cho biết một số thông tin về thị trường carbon tự nguyện hiện nay? Thị trường này có những tiêu chuẩn nào, thưa ông?
Bản chất hình thành thị trường carbon tự nguyện (VCM) xuất phát từ những năm 1990 khi cần phải thực hiện theo yêu cầu đề ra tại Nghị định thư Kyoto. Kể từ đó, VCM phát triển nhanh chóng, dẫn đến cơ chế của nó bị thay đổi từ quốc gia này sang quốc gia khác và làm phân tán thị trường.
Do chưa có một bộ tiêu chuẩn dành riêng được áp dụng cho tất cả các bên nên các tiêu chuẩn được thể hiện với tính tương thích và linh hoạt, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn, sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như tính bền vững của dự án. Theo đó, bên cung cấp – các nhà phát triển dự án sẽ gặp khó khăn lựa chọn các phương án khác nhau trong việc xác minh tín chỉ carbon. Còn người mua đôi lúc sẽ gặp rủi ro, làm cho thị trường khá phức tạp và tốc độ diễn ra chậm, tính đến tháng 9/2024.
Hiện nay có rất nhiều tiêu chuẩn để áp dụng cho VCM. Đơn cử, đối với các dự án theo phương pháp truyền thống thì VERRA, Gold Standard là những đơn vị hàng đầu. Với tiêu chuẩn đối với các dự án có công nghệ hiện đại, có thể kể đến Puro Earth, hay tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp thực hiện bù trù tín chỉ carbon phù hợp với mục tiêu khí hậu dài hạn như VCMI, SBTi, hoặc tiêu chuẩn Climate Neutral – trung hòa khí hậu dành cho các loại tín chỉ doanh nghiệp muốn sử dụng cho mục tiêu khí hậu. Các tiêu chuẩn này được áp dụng rất đa dạng, thực tế đang liên tục thay đổi và phát triển.
Hiện nay, những dự án nào được xác định là dự án tạo ra chứng chỉ đền bù carbon mà doanh nghiệp có thể tham gia? Theo ông, ngoài vấn đề đền bù carbon, các dự án đó còn mang lại thêm những lợi ích gì?
Carbon offset có thể được sinh ra từ nhiều hoạt động như giảm phát thải khí nhà kính hoặc tăng lưu trữ carbon. Các hoạt động này được thực hiện dưới dạng dự án riêng biệt.
Một dự án carbon offset có thể là phát triển dự án năng lượng tái tạo (loại bỏ phát thải năng lượng hóa thạch từ việc sử dụng năng lượng truyền thống), lưu trữ trực tiếp khí nhà kính có độ độc hại cao như CH4 (Methane), N2O (Nitrous Oxide), SF6… Ngoài ra, đó có thể là dự án giảm phá rừng, phương pháp này có thể tránh được lượng phát thải carbon trong cây rừng cũng như thẩm thấu lượng carbon tăng thêm trong quá trình cây phát triển.
Những dự án này có thể được tăng từ mức vài trăm tấn CO2 đến hàng triệu tấn CO2 hàng năm. Trong hầu hết trường hợp, các dự án carbon offset sẽ mang lại cả lợi ích về môi trường và lợi ích xã hội, vượt xa hơn việc giảm phát thải khí nhà kính.
Như vậy, tùy thuộc vào từng loại dự án mà lợi ích tổng hợp sẽ bao gồm cả việc tăng cơ hội việc làm cho cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống, cải thiện tiếp cận năng lượng, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ sức khỏe và giáo dục cộng đồng…
Trên thị trường, một số người mua tín chỉ carbon sẽ tìm kiếm những dự án sản sinh ra những lợi ích lớn.
Vậy theo ông, loại doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào nên tham gia đền bù carbon?
Doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, đền bù carbon có một số đặc tính riêng như có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng trên các sàn giao dịch và sẽ phục vụ nhanh cho yêu cầu giảm phát thải cấp bách đối với doanh nghiệp. Do đó, đền bù carbon phù hợp hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tự giảm phát thải, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, da giày hoặc xuất khẩu nông sản như cà phê, hồ tiêu, quế hồi… Các thị trường mà các doanh nghiệp hướng đến thường là những thị trường lớn, có tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Đền bù carbon có thể được mua bán và trao đổi trong thị trường bắt buộc, nhưng phần lớn chúng được mua bán và trao đổi tại thị trường tự nguyện.
Ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp khi tham gia đền bù carbon? Các doanh nghiệp cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Điều cần lưu ý với đền bù carbon đó là doanh nghiệp luôn có cơ hội mua tín chỉ trong vòng đời tạo ra chúng. Tuy nhiên, có hai cách để đảm bảo mua được các tín chỉ đền bù đáp ứng được đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp phát thải.
Thứ nhất, doanh nghiệp có thể mua bằng các hợp đồng ERPAs (emission reduction purchage agreements – hợp đồng mua bán giảm khí thải). Ví dụ như Ngân hàng Thế giới là bên mua tín chỉ đền bù từ 15,3 triệu ha rừng của Việt Nam.
Thứ hai, doanh nghiệp có thể mua tín chỉ đền bù bằng cách mua từ nhà bán lẻ (retailer), từ nhà môi giới (brockers), hoặc mua trên các sàn giao dịch (exchanges).
Lời khuyên tốt nhất là hãy thông qua nhà bán lẻ để thực hiện giao dịch cho dù giá tín chỉ đền bù có thể cao hơn so với các hình thức còn lại nhưng đảm bảo được tính pháp lý và một tín chỉ đền bù tương đương với một tấn CO2 phát thải thực ra ngoài khí quyển.
Hiện nay, thị trường carbon được phân thành hai loại là thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Ở thị trường bắt buộc, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện giảm phát thải theo ngưỡng được cơ quan quản lý đề ra, có thể mua bán, trao đổi lượng hạn ngạch thông qua hình thức đấu thầu và có thể thông qua cơ chế vay mượn giữa các doanh nghiệp.
Tại thị trường tự nguyện, các doanh nghiệp tự nguyện thực hiện giảm phát thải và có thể mua tín chỉ carbon (carbon credit) - chứng nhận cho việc giảm phát thải tương đương một tấn khí nhà kính – để đạt được mục tiêu giảm phát thải đề ra.
Hiện nay, thị trường tuân thủ có tổng giá trị lớn hơn nhiều so với thị trường tự nguyện, nhưng sẽ được xem là kém hấp dẫn hơn, theo nhận xét của Ngân hàng Thế giới. Tổ chức này dự báo, nhu cầu toàn cầu đối với tín chỉ carbon tự nguyện có thể tăng 15 lần hoặc hơn vào năm 2030, thậm chí lên tới 100 lần vào năm 2050.
Thị trường này có thể cán mốc 50 tỷ USD vào năm 2030 tùy theo các kịch bản và các yếu tố thúc đẩy, trong đó chứng chỉ về đền bù carbon (carbon offset) đóng vai trò quan trọng khi phần lớn được mua bán và trao đổi tại thị trường tự nguyện.
VnEconomy 20/11/2024 08:34
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
08:34 20/11/2024