Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những quy định pháp luật liên quan tới phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam thời gian qua?
Chế định về khu công nghiệp đã có trên 32 năm. Cho đến nay, mặc dù chế định này vẫn chỉ dừng lại ở các nghị định của Chính phủ, nhưng các nội dung về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế, việc quản lý đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng hoàn thiện hơn, rõ ràng, minh bạch hơn đối với hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp của doanh nghiệp.
Phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế là một nội dung của quy hoạch vùng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 của Luật Quy hoạch. Nội dung phương hướng xác định dự kiến tổng diện tích, loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc vùng, xác định các khu kinh tế có vai trò quan trọng, có tính động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp là một nội dung của quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 của Luật Quy hoạch, trong đó phải xây dựng được danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...
Cùng với chế định về khu công nghiệp, đến nay đã có 407 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, tổng diện tích gần 125.000 ha, đầu tư vào khu công nghiệp có hơn 11.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt hơn 230 tỷ USD, và 10.200 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2,54 triệu tỷ đồng.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những quy định đang “cản trở” việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cụ thể, đó là gì, thưa ông?
Có rất nhiều trường hợp cho thấy việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đã gặp không ít vướng mắc liên quan tới các quy định. Chẳng hạn, để được áp dụng quy định pháp luật đối với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, như: (1) có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng, cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng, cửa.
(2) Có hệ thống camera quan sát được các vị trí tại cổng, cửa ra, vào và các vị trị lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh camera được kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng.
(3) Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của doanh nghiệp chế xuất để báo cáo quyết toán nhập - xuất - tồn kho về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan.
Rắc rối phát sinh từ khoản 1 điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong thực tiễn, bất kỳ một dự án đầu tư nước ngoài nào khi đăng ký mới đều không thể đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan nêu trên.
Nghị định 82/2018/NĐ-CP hết hiệu lực ngày 15/7/2022, được thay thế bằng Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, có hiệu lực từ ngày 15/7/2022. Điều 26 (Nghị định 35/2022/NĐ-CP) quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, theo đó: trường hợp thành lập doanh nghiệp chế xuất đồng thời với thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư nộp bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cùng với hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi nhận mục tiêu thành lập doanh nghiệp chế xuất tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo đó, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp chế xuất thuận lợi, minh bạch hơn nhiều so với quy định tại Nghị định 82, nhưng phải mất hơn 4 năm, vướng mắc về hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất mới được giải quyết.
Hay tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP, khu công nghiệp gồm có: khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghiệp hỗ trợ; khu công nghiệp chuyên ngành; khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp công nghệ cao; phân khu công nghiệp. Trong đó, khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp. Cộng sinh công nghiệp là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc trong các khu công nghiệp khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái chưa được luật hóa hoặc hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, về yếu tố sạch hơn, sẽ có tiêu chuẩn môi trường cao hơn tiêu chuẩn môi trường hiện đang có hiệu lực, chế tài kiểm tra và xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường riêng, ban hành và áp dụng riêng cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái? Doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sinh thái buộc phải có sự liên kết, hợp tác để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp, yếu tố cạnh tranh sẽ không tồn tại nữa? Nhà nước Việt Nam sẽ có ưu đãi hơn nhằm thu hút cho doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái khi phải áp dụng yếu tố sạch hơn?...
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Theo ông, những nút thắt liên quan chính sách nào sẽ được tháo gỡ để thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, thưa ông?
Tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là dự án đầu tư có sử dụng đất. Diện tích đất công nghiệp là phần diện tích đất trong khu công nghiệp dành cho nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh; được xác định trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Điều 79 Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, có 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Tại Khoản 22 Điều 79, Nhà nước thu hồi đất để: Thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu phi thuế quan trong khu kinh tế. Quy định này rõ ràng hơn, cụ thể hơn so với Điều 62 Luật Đất đai 2013. Nhà nước có căn cứ quy định tại luật để thu hồi đất cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án khu công nghiệp.
Để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt liên quan giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, theo ông, những công việc gì cần được triển khai ngay?
Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Về giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, tại Điều 236 Luật Đất đai (sửa đổi), Khoản 5 quy định: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại; Khoản 6 quy định: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp.
Do đó, cần sớm sửa đổi các quy định liên quan tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 470 Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam; sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tại Luật Trọng tài thương mại 2010, để phương thức giải quyết bằng trọng tài thương mại đối với tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai có thể sớm thực thi trong cuộc sống.
VnEconomy 08/02/2024 10:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 06-2024 phát hành ngày 05-02-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
10:00 08/02/2024