Ông đánh giá như thế nào về sức bền, tinh thần chịu khó và vượt khó của doanh nhân Việt, nhất là các doanh nhân trẻ hiện nay?
Sự bền bỉ và tinh thần vượt khó đã là một truyền thống và là một thế mạnh của các thế hệ doanh nhân Việt Nam, trong đó có các doanh nhân trẻ. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, các doanh nhân Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức về trình độ hội nhập, khả năng cạnh tranh trong kinh doanh quốc tế.
Dù luôn đối mặt với các khó khăn, nhiều trở ngại nhưng các thế hệ doanh nhân Việt, nhìn về tổng thể, vẫn rất kiên trì, bền bỉ, biến hóa và bản lĩnh để vượt qua tất cả các khúc quanh khắc nghiệt, từ đó, đưa đoàn tàu kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ và khẳng định vị thế của doanh nhân qua các giá trị thực tế đóng góp cho đất nước.
Dự báo năm 2024, kinh tế thế giới vẫn ở giai đoạn suy thoái. Như vậy, làm thế nào để các doanh nhân trẻ Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để phát triển, thưa ông?
Nền kinh tế thế giới đã “rung lắc” liên tục trong thời gian từ năm 2020 đến nay. Đó là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế không phải chỉ ở suy giảm theo chu kỳ mà đang ở một khúc quanh chiến lược, đổi mới mang tính cấu trúc và có tính bước ngoặt, có thể đổi đường ray mới để đi về tương lai.
Chúng ta từng chứng kiến nước Nhật bứt phá hóa rồng khi kinh tế thế giới bước vào khúc quanh của cuộc khủng hoảng dầu mỏ của những năm 70 (thế kỷ XX), Trung Quốc và Hàn Quốc vượt qua khúc quanh của khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 90 (thế kỷ XX), khủng hoảng hậu dotcom và sự kiện 11/9 đầu những năm 2000 để trở thành những động cơ tăng trưởng của thế giới.
Sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay và vị thế “ngôi sao đang lên” của Việt Nam mở ra những cơ hội rất lớn và chưa bao giờ Việt Nam có một cơ hội lớn như vậy để chuyển mình, cất cánh, vươn lên. Trong tiến trình hội nhập 20 năm qua, đây là giai đoạn bản lề để chuyển từ “hội” sang “nhập”, từ tâm thế đi “dự hội” để học hỏi, góp mặt sang tâm thế “nhập cuộc” trên các đường đua quốc tế. Trong khúc quanh này, các doanh nhân trẻ hiện nay có nhiều lợi thế về sức trẻ, khả năng tiếp thu cái mới, trình độ quốc tế được đào tạo tốt hơn...
Để nắm lấy vận hội này, các doanh nhân trẻ phải chủ động và tỉnh thức để học hỏi nhiều hơn, để nâng tầm chính mình. Từ đó, các doanh nhân trẻ phải tái tư duy lại về tương lai, về doanh nghiệp của mình để có thể tự đổi mới các mô hình kinh doanh, hướng đến các mô hình có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thông qua sức sáng tạo và đổi mới, chứ không chỉ dựa trên các lợi thế của nhân công, quan hệ hay tài nguyên.
Việt Nam đặt mục tiêu trọng tâm và chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Xin ông cho biết doanh nghiệp hiện nay đang vận dụng mô hình kinh tế mới như thế nào?
Sau mỗi khúc quanh của nền kinh tế, đoàn tàu kinh tế thế giới sẽ được “bẻ ghi” sang một đường ray mới. Quốc gia và doanh nghiệp nào bắt nhịp đúng và có sự sẵn sàng cao sẽ bứt phá để tiến lên như tôi đã chia sẻ sự vươn lên của các quốc gia Nhật Bản những năm 1970 (thế kỷ XX), hay Trung Quốc và Hàn Quốc trong những năm 2000...
Xu hướng hiện nay và cho 2 thập kỷ sắp đến là nền kinh tế thế giới đi về hướng phát triển bền vững, nên các xu hướng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... dựa trên nền tảng là sự sáng tạo ra giá trị thông qua công nghệ mới, cách giao tiếp và làm việc mới sẽ là dòng chủ lưu. Đây cũng là luật chơi mới mà các nước phát triển đặt ra để tái định hình lại lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu sau 20 năm toàn cầu hóa mà người hưởng lợi nhiều hơn là các nước đang phát triển với nhân công rẻ.
Trong xu hướng mới này, Việt Nam muốn bứt phá, một mặt, chúng ta cần tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất, gia công theo xu hướng “bền vững và xanh hơn” để khai thác các cơ hội; mặt khác, chúng ta cần dấn thân đột phá vào các mô hình kinh doanh mới, các sáng tạo mới với giá trị gia tăng cao hơn, không chỉ hội nhập về sản xuất và thương mại, mà cần hội nhập cả về sáng tạo, công nghệ, các hệ sinh thái của kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và sáng tạo...
Chủ tịch UBND TP.HCM có chia sẻ “Tinh thần doanh nhân phải là tinh thần chiến binh” và tinh thần này được thể hiện qua slogan “Dấn thân - Đổi mới - Đột phá - Vươn tầm”. Tinh thần này mang ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Là đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM là nơi đầu tiên cảm nhận về “gió ngược”, về sự lạnh đi của nền kinh tế thế giới, về sự rung lắc của các đường ray dựa trên các mô hình kinh tế cũ, sự chật chội của chính sách cũ... TP.HCM và cả nước cũng đang cảm nhận rõ bẫy thu nhập trung bình ở phía trước.
Để vượt qua khúc quanh chiến lược này, đi vào những nền kinh tế mới của thế giới, Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM tự thấy mình cần phải tiếp tục phát huy tinh thần “Dấn thân” như những chiến binh, dám xông pha vào vùng đất mới. Chúng tôi phải cùng nhau mạnh mẽ hơn nữa để tự “Đổi mới” chính mình cả về tư duy, tâm thế và trình độ, làm tiền đề để kiến tạo nên những “Đột phá” mới mang tính chiến lược về kinh doanh dựa trên tri thức, sáng tạo, công nghệ và sự hợp tác. Từ đó, các doanh nhân trẻ TP.HCM nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung có thể cùng nhau “Vươn tầm” hoạt động của mình cao hơn về tầm vóc và xa hơn về sức vươn thị trường để có thể đóng góp một cách thiết thực và chiến lược hơn nữa cho sự phát triển vươn tầm của TP.HCM và cả nước.
Trong thời đại công nghệ 4.0, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân trẻ có gì khác so với thế hệ trước đây?
Các thế hệ doanh nhân trẻ trước đây đã dấn thân và đột phá để dẫn dắt đoàn tàu kinh tế Việt Nam đi xuyên qua khúc quanh của những năm 80 (thế kỷ XX) và năm 2000, đã đổi kịp đường ray sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế thành công, đưa Việt Nam đến vị thế hôm nay.
Trách nhiệm đặt trên vai của thế hệ doanh nhân trẻ hôm nay là đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua khúc quanh này của nền kinh tế thế giới và bứt phá vươn lên trong nền kinh tế sáng tạo, kinh tế xanh dựa trên tri thức, công nghệ.
Doanh nhân trẻ hôm nay được thừa hưởng từ các thế hệ trước những nền tảng kinh tế và vị thế đất nước tốt hơn, được dẫn dắt, truyền lửa dấn thân, được trao truyền các kinh nghiệm đột phá của các thế hệ trước, đó là những lợi thế xuất phát vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, cuộc chơi của sáng tạo cũng đòi hỏi về trình độ, bản lĩnh và khả năng hợp tác cao hơn rất nhiều so với trước đây, thế hệ chúng tôi đang căng não để tìm lời giải cho bài toán này.
TP.HCM dẫn đầu cả nước về phong trào khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ, nhiều hoài bão. Bên cạnh những thuận lợi như: tiếp cận công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, bán hàng, quản trị; khả năng học hỏi nhanh từ các mô hình thành công trên thế giới,… các doanh nhân trẻ còn có một lợi thế khác vô cùng lớn là kho kinh nghiệm, sự dìu dắt, hỗ trợ của các thế hệ đi trước vẫn rất tràn trề tinh thần dấn thân và đột phá.
Tuy nhiên, chúng tôi phải tỉnh thức để “Learn - Unlearn – Relearn” trong hành trình tìm đường đi tới, vì ngày nay thế giới thay đổi rất nhanh, sự biến hóa của các bài toán kinh doanh cũng phức tạp hơn mỗi ngày. Vì lẽ đó, kinh tế sáng tạo đòi hỏi tỉnh thức hơn rất nhiều so với trước đây. Để “ứng với vạn biến” của thị trường thì “điều bất biến” làm kim chỉ nam sẽ vẫn luôn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ, sự khiêm tốn học hỏi mỗi ngày, sự tỉnh thức để lấy thực tế làm cơ sở hành động sáng suốt và một tấm lòng tử tế để làm nghề lâu dài, đóng góp và trao truyền giá trị cho cộng đồng, xã hội.
VnEconomy 08/02/2024 09:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
09:00 08/02/2024