Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp lo tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn còn kéo dài
Khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ 9% doanh nghiệp cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới…
Thông tin được đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội thảo chuyên đề 4: “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, sáng 17/12.
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi. Một số tín hiệu khả quan là trong 11 tháng năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 909.000 lao động, tăng 30,4% về số doanh nghiệp, và tăng 15,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo cho nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.
Theo báo cáo khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.
“Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý 1 năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động”, bà Lan Anh nhận định.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, VCCI kiến nghị cần ổn định kinh tế vĩ mô, có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới.
Cùng với đó, cần xem xét, thay đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, hướng dẫn và giám sát các địa phương trong xúc tiến đầu tư và phê duyệt các dự án FDI.
Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa; chính sách hỗ trợ tín dụng; an sinh xã hội (hỗ trợ doanh nghiệp ổn định quỹ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cũng như tăng cường hỗ trợ về an sinh xã hội cho người lao động…); trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Song song đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại để duy trì việc làm cho người lao động, linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo các phương án đào tạo được thực hiện phù hợp với nhu cầu vị trí làm việc của doanh nghiệp; cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động có cơ hội tham gia.
Hơn hết, cần điều chỉnh các chính sách thị trường lao động phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo thị trường lao động an ninh, linh hoạt và hiệu quả hơn; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý.
Đặc biệt, cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi, bởi như vậy doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thu hút và “giữ chân”được người lao động gắn bó lâu dài, tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. „Có thể coi đây là một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp“, bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh.
Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh thêm rằng, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế...
Mặc khác, cần phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hóa các gói dich vụ an sinh xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều bao trùm, bền vững; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro...