“Dưới góc nhìn lạc quan, trong 6 tháng cuối năm 2022, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI.
Cụ thể, thứ nhất, tình hình dịch bệnh Covid-19, đậu mùa khỉ… trên thế giới còn diễn biến phức tạp; tương lai của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và khiến cho giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như những tháng vừa qua.
Thứ hai, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung cầu nông sản như thịt lợn, lúa gạo, rau quả… ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…
Nhìn lại 6 tháng vừa qua, cung hàng hóa rất dồi dào, đặc biệt là lương thực thực phẩm trong khi nhóm thực phẩm và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 33,6% trong giỏ hàng hóa tính CPI. Trong đó, giá thịt lợn 6 tháng đầu năm 2022 so với bình quân 2021 giảm trên 20%. Dự báo giá thịt lợn tăng từ nay đến hết năm nay tác động không nhiều vì cung rất dồi dào.
Thứ ba, cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đề ra.
Tuy nhiên, thị trường giá cả ở Việt Nam vẫn tiềm ẩn những nhân tố làm tăng CPI.
Một là, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón… trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường. Nhớ lại thời điểm năm 2008, giá dầu chạm ngưỡng kỷ lục 145 USD/thùng nhưng sau đó quay đầu giảm. Thời điểm đó, lạm phát tăng rất cao, Việt Nam phải trả giá bằng việc tăng cung tiền, bung các gói kích thích để tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia đều dự báo rằng giá xăng dầu có thể ổn định đến cuối năm, tức dao động khoảng 90-120 USD/thùng. Tuy nhiên, tôi cho rằng rất khó định đoán giá xăng dầu.
Hai là, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp như đại dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan... sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Vì vậy, tôi cho rằng đạt được mục tiêu kiểm soát dưới 4% trong năm nay là rất khả thi. Có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3 – 3,9%”.
“Qua theo dõi tình hình thế giới cho thấy không một quốc gia nào thoát khỏi “bóng đen” lạm phát. Ở Mỹ, lạm phát lên tới 8,6%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát xấp xỉ 9%. Ngay như ở khu vực Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan, lạm phát cũng lên đến 7,1%. Nhìn vào cơ cấu lạm phát của từng quốc gia chẳng hạn như ở Mỹ thì lạm phát cơ bản là 6,1%; khu vực Euro zone lạm phát cơ bản ở mức 3,1%.
Theo đánh giá, nguyên nhân lạm phát cao trên thế giới chủ yếu đến từ chính sách tiền tệ. Tác động của chính sách tiền tệ luôn có độ trễ nhất định, thường là 6 tháng. Sở dĩ nhiều nước có tỷ lệ lạm phát cao là do trong dịch bệnh tung ra các gói hỗ trợ lớn nhằm kích thích kinh tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để kiểm soát lạm phát, các nước đều lựa chọn phương án thắt chặt chính sạch tiền tệ, liên tục tăng lãi suất.
Tại Việt Nam, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm khá thấp, chỉ ở mức 1,25%. Tuy nhiên, trước bối cảnh quốc tế chứa đựng nhiều ẩn số khó lường, để kiểm soát tốt lạm phát năm nay và tạo tiền đề cho nhiều năm tiếp theo, tôi cho rằng, trước tiên phải giữ được chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động.
Cùng với đó, quan trọng là cần có giải pháp đảm bảo nguồn cung, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. 6 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 nên cầu chưa lớn. Bắt đầu từ tháng 5/2022 trở lại đây, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát thì cầu tăng tương đối mạnh. Chính vì vậy, các cơ quản quản lý nhà nước đang chú trọng đến việc quản lý những mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cầu.
Theo đó, đầu tiên, giá xăng dầu chịu ảnh hưởng lớn bởi xăng dầu thế giới, diễn biến rất khó lường, khó dự đoán. Vì vậy, luôn luôn phải đảm bảo để không thiếu hụt nguồn cung. Tiếp đến cần cố gắng sử dụng quỹ bình ổn hợp lý trong mỗi kỳ điều hành. Ngoài ra, cần sử dụng công cụ thuế, chúng tôi đề xuất giảm nhiều loại thuế để bình ổn giá xăng. Còn đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như y tế giáo dục, phải có kế hoạch điều hành phù hợp, tránh tình trạng tăng giá đồng loạt, gây áp lực lên chỉ số CPI và ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng”.
“Kinh tế thế giới trong năm 2022 chắc chắn sẽ suy giảm, đáng nói là suy giảm trong bối cảnh lạm phát cao. Bên cạnh những tác động từ Covid-19, thế giới còn đối mặt với rủi ro từ căng thẳng Nga – Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn trầm trọng. Lạm phát lên cao nhất trong 40 năm qua. Hiện nay, ở nhiều nước công nghiệp phát triển, lạm phát lên tới 9 - 10% trong khi mục tiêu của họ chỉ 2%. Còn ở các nước Đông Âu thì lạm phát lên tới 15 - 20%. Đặc điểm khủng hoảng kinh tế thế giới 2022 đó chính là khủng hoảng đa chiều, bao gồm cả khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng tài chính.
Theo tôi, từ nay tới cuối năm có 2 kịch bản đối với kinh tế Việt Nam.
Kịch bản thứ nhất, kinh tế thế giới suy thoái, giá các loại hàng hóa giảm. Nếu kịch bản này xảy ra thì chúng ta có thuận lợi là nội tại nền kinh tế vẫn tương đối vững bởi vì CPI và lạm phát 6 tháng đầu năm thấp, đó là theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Kinh tế vĩ mô của chúng ta theo các con số được công bố tăng trưởng tương đối ổn định. Cung hàng hóa nói chung và cung lương thực, thực phẩm nói riêng khá dồi dào. Đây chính là dư địa để Việt Nam chuẩn bị kiềm chế lạm phát.
Kịch bản thứ hai là giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, giá xăng dầu tăng, giá lương thực tăng… Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất rất mạnh cũng tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá. Trong nước, nhiều loại nguyên vật liệu cũng tăng giá trong khi kinh tế vẫn trong giai đoạn phục hồi. Nếu kịch bản này xảy ra thì CPI bình quân sẽ tăng khá mạnh, vượt xa mức 4% mà Quốc hội đề ra. Tình huống này đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thế giới hiện nay đang thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng Việt Nam lại có xu hướng nới lỏng.
Ngoài ra, tôi đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với giá xăng dầu. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý, nên bỏ đi. Nhà nước cũng có thể học hỏi một số quốc gia có hỗ trợ giá xăng dầu cho người nghèo và các doanh nghiệp vận tải”.
“Có 3 yếu tố chính gây áp lực lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm.
Một là, kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế. Tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – một ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%. Do vậy, khi nguyên vật liệu đầu vào tăng là yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Hai là, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, đăc biệt xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Trong khi đó, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới. Xăng dầu có tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, dự báo trong năm 2022 giá xăng dầu tăng và “neo” ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá lương thực thế giới tăng cao, vượt dự báo của nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh hàng hóa quốc tế. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu.
Theo tính toán của các cơ quan quan chức năng khi giá nguyên, vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là tất yếu trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.
Như vậy, khả năng “nhập khẩu” lạm phát là hiển nhiên trong bối cảnh tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng... Từ giữa năm đến quý 3 sẽ là thời điểm căng thẳng của lạm phát vì ảnh hưởng từ lạm phát chung của thế giới cũng như tính lan tỏa đến kinh tế Việt Nam.
Ba là, tổng cầu lại tăng đột biến bởi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang lan tỏa vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.
Ngoài ra, một rủi ro khác là sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.
Trước những ảnh hưởng đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến, nhiều chuyên gia dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ cao hơn mức 4% Quốc hội đặt ra, dự kiến trong khoảng 4 - 4,5%”.
“Từ quan sát thực tế thị trường và tham vấn ý kiến một số chuyên gia, chúng tôi thấy có sự “vênh” nhau giữa giá cả thực tế và con số CPI tăng 2,44% trong 6 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê công bố. Nhất là với nhóm hàng thực phẩm, nhiều nơi tăng giá nhưng mà báo cáo vẫn nêu là giảm. Nếu chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,44% thì chắc là cũng không tác động nhiều đến đời sống người dân đâu.
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào con số mà Tổng cục thống kê đưa ra là CPI tăng 2,44% thì có gì đó rất hài lòng, vẫn đang thấp so với mục tiêu mà Quốc hội đưa ra. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không như vậy. Rất mong các cơ quan chức năng xem xét con số CPI 2,44% thực chất là thế nào.
Không chỉ người tiêu dùng mà người kinh doanh cũng rất lo lắng trước tình trạng “bão” giá. Giá cả tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì doanh số bán ra chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều mặt hàng tiểu thương còn không dám nhập về để bán. Đơn cử như trứng chẳng hạn, ở các chợ hiện nay tiểu thương bán 40.000đ đến 44.000 đồng/chục trứng.
Triển vọng 6 tháng cuối năm tôi thấy chưa có điều gì để yên tâm. Chiến tranh Nga – Ukraine chưa có hồi kết, dẫn đến giá các loại hàng hóa thế giới, nhất là năng lượng, khó lường”.
VnEconomy 12/07/2022 06:00
06:00 12/07/2022