Đưa ngành hydrogen lên quy mô 45 tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh 1
Đưa ngành hydrogen lên quy mô 45 tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh 2

Năng lượng hydrogen được đánh giá là giải pháp tiềm năng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia trong tương lai. Hiện các quốc gia trên thế giới đang phát triển ngành này như thế nào, thưa ông?

Ngành công nghiệp hydrogen đang chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trên toàn cầu, dự kiến tăng từ 3 triệu tấn vào năm 2021 lên 110 triệu tấn vào năm 2050, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Điều này chủ yếu là do nhu cầu cấp bách về biến đổi khí hậu, giảm phát thải, khí nhà kính và nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt cũng như nhu cầu và khả năng khai thác ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch, thân thiện môi trường; chính phủ các nước trên thế giới cũng đã có những chính sách phù hợp, kịp thời nhằm khuyến khích, phát triển các nguồn năng lượng xanh như: tăng cường trợ cấp, ưu đãi thuế và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ngành năng lượng hydrogen.

Đã có hàng trăm tỷ USD được các quốc gia đổ vào các dự án sản xuất hydrogen, đặc biệt là hydrogen xanh; trong đó châu Âu dẫn đầu, tiếp theo là khu vực châu Á và Bắc Mỹ. Sự phân bố này cho thấy mức độ quan tâm đối với năng lượng hydrogen đang lan rộng trên toàn cầu nhằm hướng tới việc phát triển một nền kinh tế bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia.

Đưa ngành hydrogen lên quy mô 45 tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh 3

Các tiến bộ trong công nghệ sản xuất, cùng với quy mô sản xuất lớn hơn và sự tăng cường cạnh tranh trong ngành này đã giúp giảm chi phí sản xuất đáng kể, từ đó làm cho hydrogen xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và các hộ tiêu thụ

Công nghệ vận chuyển, lưu trữ hydrogen cũng đang phát triển, bao gồm sử dụng đường ống dẫn, tàu chở hydrogen và các trạm tiếp nhiên liệu. Các công nghệ này đang được nghiên cứu và phát triển, tiếp tục hoàn thiện để tạo điều kiện cho việc vận chuyển, lưu trữ hydrogen một cách an toàn và hiệu quả nhất có thể trong tương lai gần.

Một số quốc gia đang dẫn đầu trong việc sản xuất và sử dụng hydrogen, đặc biệt là hydrogen xanh, bao gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra chiến lược hydrogen xanh quốc gia vào năm 2017, đặt mục tiêu đạt 3,7 triệu tấn vào năm 2030 và 20 triệu tấn vào năm 2050. Châu Âu cũng đã đặt ra mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn hydrogen xanh vào năm 2024 và 10 triệu tấn vào năm 2030. Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đang nhanh chóng phát triển trong lĩnh vực này với các mục tiêu sản xuất lớn. Ngoài ra, các quốc gia khác như Hàn Quốc, Australia, Canada và Na Uy cũng đang triển khai các chương trình hydrogen xanh đầy tham vọng.

Đưa ngành hydrogen lên quy mô 45 tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh 4

Dù năng lượng hydrogen đang trở thành xu thế toàn cầu nhờ có nhiều ưu điểm và tiềm năng phát triển, nhưng có phải đây là ngành công nghiệp công nghệ cao, rất phức tạp với chi phí đầu tư lớn, thưa ông?

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hydrogen không chỉ xuất hiện trong những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ phức tạp như trước kia (công nghiệp tên lửa) mà đã được ứng dụng trong nhiều ngành dân dụng như điện, giao thông và công nghiệp khác như lọc dầu, phân bón, luyện kim…

Dù giá thành hydrogen còn cao, song theo xu thế, chi phí sản xuất hydrogen có dấu hiệu đi xuống và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nguồn năng lượng hiện có trong tương lai gần. Điều này tương tự như năng lượng mặt trời cách đây 15-20 năm khi giá thành sản xuất điện mặt trời rất cao, khoảng hơn 30 UScent/kWh, nhưng đến giờ đã giảm xuống chỉ còn 5-7 UScent/kwh thậm chí thấp hơn ở những vị trí, khu vực thuận lợi.

Về tổng thể, các nghiên cứu đã chỉ ra nhiên liệu hóa thạch là nguồn để sản xuất hydrogen rẻ nhất. Nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu đã tạo cơ hội phát triển công nghiệp hydrogen xanh, tuy nhiên nguồn điện từ năng lượng tái tạo còn cao đã kéo theo chi phí sản xuất hydrogen từ nguồn năng lượng này cũng ở mức khá cao, từ 5-6 USD/kg H2 và có khả năng giảm xuống 2 USD/kg H2 nhờ công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dựng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Do vậy, hydrogen có tiềm năng và chắc chắn sẽ trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế thế giới, đóng góp chủ lực vào việc giảm thiểu khí nhà kính.

Đưa ngành hydrogen lên quy mô 45 tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh 5

Vậy, việc phát triển ngành năng lượng hydrogen tại Việt Nam có khả thi không, thưa ông?

Tại Việt Nam, chúng ta đã đặt ra chiến lược phát triển năng lượng hydrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình, cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý. Đây là các cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển nguồn năng lượng mới này cho tương lai.

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam có lợi thế để phát triển hydrogen xanh vì có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là bờ biển dài với tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều dự án điện mặt trời và điện gió đã được đầu tư. Hiện nay, đã có những quốc gia trên thế giới mong muốn hợp tác sản xuất, khai thác, sử dụng hydrogen xanh tại Việt Nam cũng như xuất khẩu, do đó việc phát triển nguồn năng lượng này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Ở Việt Nam, hydrogen xám đã được sử dụng trong vai trò nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp, trong đó được sử dụng nhiều nhất trong lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép…

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng.

Để đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, hệ sinh thái hydrogen sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa. Hơn nữa, hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Đưa ngành hydrogen lên quy mô 45 tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh 6

VnEconomy 24/07/2024 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2024 phát hành ngày 22/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đưa ngành hydrogen lên quy mô 45 tỷ USD vào năm 2050 - Ảnh 7

09:00 24/07/2024