Ông đánh giá như thế nào về những kết quả giảm nghèo được thể hiện trong Báo cáo nghèo đa chiều 2021 vừa được công bố và những khuyến nghị quan trọng từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) để đạt được mục tiêu giảm nghèo ở mọi khía cạnh tại Việt Nam?
Những đánh giá của UNDP trong báo cáo này tương đối khách quan, đã chỉ ra những khuyến cáo về một số vấn đề mà Việt Nam cần nhìn nhận để tiếp tục hoạch định chính sách trong giai đoạn tới đây. Có nhiều vấn đề đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt tại các nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, đề án đã được phê duyệt.
Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã đề cập đến những giải pháp để giảm nghèo đa chiều tại Việt Nam như trong báo cáo. Tuy nhiên, cũng còn một số khuyến nghị trong báo cáo cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn, nhất là các mô hình giảm nghèo và kinh nghiệm quốc tế. Ủy ban sẽ cùng với các bộ, ngành nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ trong giai đoạn tới xây dựng các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo ở Việt Nam bền vững hơn, theo hướng hỗ trợ tích cực cho người dân tự lực vươn lên và phát huy những tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng cộng đồng và từng người dân.
Trong những khuyến nghị mà báo cáo đưa ra, theo ông đâu là giải pháp phù hợp mà Việt Nam sẽ học hỏi được?
Chúng tôi cho rằng các khuyến nghị của báo cáo đều có những tác dụng, nhưng trong thời kỳ hiện nay, một trong những yếu tố hết sức quan trọng đó là nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vì chỉ khi nào người dân có được nhận thức đầy đủ, có được năng lực tự thân, biết được thế mạnh của mình là gì, cần phát huy gì, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, để tự mình vươn lên, đó là điều hết sức quan trọng.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được triển khai rất rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt ở Việt Nam chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt và thực hiện. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh việc này, như vậy các dịch vụ xã hội chúng ta có thể số hóa đưa đến người dân một cách nhanh chóng để họ tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác nhất, qua đó góp phần vào việc giảm nghèo bền vững.
Thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam là rất ấn tượng dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Dù vậy, báo cáo này cũng đề cập tính dễ bị tổn thương và tình trạng bất bình đẳng vẫn là những thách thức đáng kể trong công tác giảm nghèo, thậm chí có thể tăng nguy cơ tái nghèo?
Chúng tôi cho rằng đánh giá về nguy cơ tái nghèo, hay tỷ lệ hộ nghèo cao có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong chiến lược giảm nghèo cũng như an sinh xã hội tất cả các quốc gia đều đặt ra những giải pháp. Riêng đối với Việt Nam, chính sách an sinh xã hội và chính sách giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ chính trị xuyên suốt rất nhiều nhiệm kỳ, được thể hiện trong các Văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các chương trình hành động của Chính phủ. Như vậy có thể nói, đây là một chính sách xuyên suốt chứ không phải chỉ trong một giai đoạn hay khi xảy ra vấn đề nghèo đói, đó là những công việc của chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Thực tế, dù ở quốc gia nào hay ở Việt Nam đều có nguy cơ, đó là do những tác động ảnh hưởng khách quan lẫn chủ quan. Như ở nước ta, tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là rất lớn, tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng là một minh chứng trong 3 năm vừa qua. Đó là những nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng đến kết quả giảm nghèo, chúng ta đã rất cố gắng nhưng chỉ cần một tác động như vậy thì có thể làm cho những kết quả giảm nghèo bị xóa bỏ, thậm chí phải làm lại từ đầu.
Tiếp đó là do những thay đổi về tiêu chí bởi những cam kết quốc tế, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo có thể tăng lên. Song, đây không phải yếu tố do chính sách không đầy đủ mà chúng ta muốn đời sống bà con được nâng lên cao hơn nữa, nên đó cũng là những yếu tố khách quan. Về chủ quan, có những nơi, những lúc có thể đã có chính sách nhưng triển khai chưa đến, chưa chính xác, chưa bao phủ được hết tất cả các đối tượng. Dù vậy, đó chỉ là những hạn chế rất nhỏ mà chúng ta có thể đánh giá và khắc phục được.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các giải pháp mà Ủy ban Dân tộc cùng phối hợp với các đơn vị trong thời gian tới sẽ thực hiện là gì, thưa ông?
Trước hết về các Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay Ủy ban Dân tộc chủ trì Chương trình mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong các giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu này, ở từng dự án hợp phần cũng đã có những giải pháp rất cụ thể. Nguồn lực thế nào, quản lý điều hành, công tác giám sát, kiểm tra ra sao, sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân thế nào, đặc biệt là vai trò của người dân trong từng dự án đã được triển khai rất cụ thể.
Chúng tôi là cơ quan điều phối, được phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai chương trình này. Trong quá trình tổ chức triển khai, chúng tôi sẽ bám sát vào các mục tiêu của dự án, đề án đã đặt ra để triển khai đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cần có những đánh giá giữa kỳ, từng năm để rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời tìm ra những thiếu sót, hạn chế để bổ sung chính sách phù hợp hơn.
Tuy vậy, chỉ khi nào người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin, sẵn sàng tham gia thì chính sách mới có hiệu quả. Có thể chính sách của Nhà nước rất đúng, nguồn lực đầy đủ, nhưng khi truyền thông không đầy đủ thì người dân lại hiểu rằng đây là sự ban phát, hay trông chờ toàn bộ vào Nhà nước và các tổ chức mà không tự vươn lên để thoát nghèo.
Với những khó khăn do tác động khách quan về thời tiết, dịch bệnh, đây là những yếu tố bất ngờ chúng ta không thể lường trước được, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nơi nào mà chính sách không thể chuẩn bị sẵn để theo kịp được, lúc đó chúng ta sẽ phải hoạch định chính sách mới.
VnEconomy 17/08/2022 07:00
07:00 17/08/2022