“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây và cũng là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Tổng số các vụ việc phòng vệ thương mại nước này điều tra đối với hàng hóa Việt Nam khoảng 60 vụ. Từ đầu năm 2024, trung bình cứ mỗi tháng Hoa Kỳ khởi xướng một vụ, chưa kể rà soát hàng năm, Hoa Kỳ cũng rà soát khoảng 20 vụ.
Các vụ việc phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ tăng nhanh trong thời gian qua chứng tỏ Việt Nam luôn là đối tác tiềm tàng, tầm ngắm của Hoa Kỳ trong phòng vệ thương mại khi nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần luôn có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất có thể.
Khuyến nghị đầu tiên tại thị trường Hoa Kỳ là doanh nghiệp của Việt Nam hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (điều tra trợ cấp) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (điều tra về thiệt hại). Tiếp đến, khi xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tìm hiểu trước quy định pháp luật, thực tiễn điều tra của Hoa Kỳ thông qua các buổi hội thảo, đào tạo của Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) để có thể hình dung là quy trình điều tra, thủ tục, yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu những mặt hàng Hoa Kỳ đã điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để xem xét, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế khiến hàng hóa sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại.
Với mục tiêu “phòng hơn chống”, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn chủ động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, thăm dò thông tin từ phía luật sư (các công ty Luật như BakerHostetler, Squire Patton Boggs, Steptoe), chính quyền, hiệp hội Hoa Kỳ để có thể đánh giá, phân tích, đưa ra những cảnh báo với doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thương vụ cũng sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan trong nước (Cục Phòng vệ thương mại), các Hiệp hội của Việt Nam để làm việc với phía Hoa Kỳ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nói chung và trợ cấp nói riêng, cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội trong thời gian tới”.
“Tính đến nay, Australia đã khởi xướng 19 vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó 13 vụ việc chống bán phá giá, 5 vụ chống trợ cấp. Các mặt hàng bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng kim loại (nhôm, thép). Số lượng các vụ việc ngày càng gia tăng kể từ năm 2016 đến nay, cao nhất là năm 2020 với 7 vụ việc.
Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc Australia điều tra với hàng hóa Việt Nam đều có kết quả khá tích cực, do biên độ phá giá và trợ cấp không đáng kể hoặc không gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của Australia. Gần đây nhất, Chính phủ Australia thông báo điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với thanh cốt thép cuộn vòng cán nóng từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.
Đáng lưu ý, trong các vụ điều tra chống bán phá giá gần đây, Australia thường đưa ra bản câu hỏi điều tra về tình hình thị trường của Việt Nam không khác nhiều so với các vụ điều tra chống trợ cấp. Các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác và nộp bản trả lời đúng thời hạn quy định. Thương vụ cũng thường xuyên cập nhật và thông báo về Cục Phòng vệ thương mại, Vụ châu Á – châu Phi.
Với trường hợp nhôm định hình nhập khẩu của Việt Nam vào Australia, Thương vụ phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại đã có trả lời cụ thể. Vụ việc có liên quan tới quy trình rà soát và quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Australia. Do đó, chúng tôi lưu ý, ngay sau khi có quyết định không phải chịu áp thuế phòng vệ thương mại của Australia, chúng ta cần lưu ý và cập nhật thông tin thường xuyên.
Australia có một Ban rà soát chống bán phá giá, rà soát độc lập các quyết định của Bộ trưởng hoặc ủy viên của Ủy ban chống bán phá giá trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các bên liên quan. Ban rà soát chống bán phá giá của Australia sẽ đưa ra quyết định ủng hộ hay hủy bỏ quyết định của ủy viên Ủy ban chống bán phá giá hoặc kiến nghị Bộ trưởng chấp nhận hoặc thay thế quyết định mới. Nếu các bên liên quan không thỏa mãn với quyết định của Bộ trưởng hoặc ủy viên Ủy ban chống bán phá giá của Australia thì có thể gửi hồ sơ đề nghị lên Ủy ban chống bán phá giá trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định ban hành”.
“Tính đến thời điểm này, Canada đã khởi xướng điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gồm: 12 vụ việc chống bán phá giá, 5 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc phòng vệ, trong đó có một vụ chống bán phá giá mới phát sinh vào tháng 3/2024. Trong số 19 vụ việc liên quan đến Việt Nam, có 8 vụ vẫn đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc đang bị tiến hành điều tra, điều tra lại để gia hạn.
Canada đang tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà doanh nghiệp Việt Nam cũng có thế mạnh như khung xe đầu kéo, khung xe container và tháp gió (turbin gió). Gần đây, Thương vụ cũng nhận được các thông tin rằng sẽ có cuộc điều tra mới liên quan đến sản phẩm nội thất văn phòng bọc vải của Việt Nam và nguy cơ Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) sẽ tiến hành điều tra sản phẩm tháp điện gió và tấm năng lượng mặt trời xuất khẩu từ Việt Nam.
Lưu ý rằng khi bị vào tầm ngắm, các sản phẩm đều bị điều tra cả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Vì vậy, Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến mặt hàng mình sản xuất kể cả của các nước khác và khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.
Để giúp các doanh nghiệp chủ động phòng tránh bị cáo buộc bán phá giá, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Thương vụ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều sự kiện phổ biến Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiểu về nguyên tắc xuất xứ và cách thức khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất… và vận động Chính phủ Canada tài trợ cho dự án phát triển cơ sở dữ liệu các sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thỏa mãn tiêu chuẩn xuất xứ để khai thác hiệu quả và bền vững các Hiệp định Thương mại tự do.
Ngoài ra, những thay đổi pháp luật trong lĩnh vực phòng vệ thương mại của Canada gần đây đòi hỏi Việt Nam cần lưu ý. Theo đó, Canada có một số thay đổi đối với các biện pháp chống bán phá giá và đối kháng; đồng thời có bước chuẩn bị lập pháp để đối phó với tình trạng nhập khẩu ồ ạt trong thời gian ngắn. Chẳng hạn như tăng từ 15% trở lên khối lượng nhập khẩu hàng hóa bán phá giá hoặc trợ cấp từ nước đang bị điều tra…
Mới đây, Canada cũng thay đổi thời hạn thông báo cho nước xuất khẩu về quyết định khởi xướng điều tra vụ việc. Quy định được sửa lại theo hướng chỉ thông báo 7 ngày (trước đây là 30 ngày) đối với khiếu nại liên quan đến bán phá giá và 20 ngày đối với khiếu nại liên quan đến trợ cấp”.
“Việt Nam có khoảng 40 mặt hàng, ngành hàng xuất khẩu sang thị trường Philippines, trong đó có những mặt hàng, ngành hàng quan trọng như nông sản, thủy sản, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị… Đặc biệt, mặt hàng gạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines.
Về lý thuyết tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Philippines đều có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm cả điều tra chống bán phá giá, điều tra chống trợ cấp và tự vệ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các nhóm mặt hàng của Việt Nam bị các cơ quan của Philippines điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm: xi măng, gạch ốp lát, gạo và kính nổi; thép và hạt nhựa.
Từ các vụ việc nêu trên có thể thấy Philippines mặc dù có sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng thực tế áp dụng thường thiếu căn cứ ban đầu chắc chắn cho việc khởi xướng điều tra, như việc đánh giá mức độ tổn thương của ngành công nghiệp trong nước không xuất phát từ nhà sản xuất (trường hợp ngành gạo, không do Hiệp hội nông dân đề nghị mà do Bộ Nông nghiệp khởi xướng, hay trường hợp gạch men chỉ căn cứ theo yêu cầu của một nhà sản xuất chiếm thị phần không đủ) khiến cho quy trình điều tra và kết luận của Ủy ban thuế không đủ căn cứ về mức độ thiệt hại, tính đúng đắn, khách quan và tuân thủ thông lệ quốc tế.
Mặc dù Philippines chưa tiến hành vụ việc nào liên quan tới điều tra chống trợ cấp, tuy nhiên, nguy cơ điều tra chống trợ cấp của Philippines đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không phải là không có. Vì vậy, một mặt, Thương vụ Việt Nam tại Philippines sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Philippines để nắm bắt, cập nhật tình hình khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có thuế trợ cấp; mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng cần lưu ý để kịp thời tham vấn với các cơ quan chuyên môn, liên hệ với thương vụ để có thêm thông tin cụ thể về các vụ việc phòng vệ thương mại, tránh bị động và bị thiệt hại bởi các biện pháp phòng vệ thương mại bị áp dụng.
Một điểm đáng lưu ý, cơ quan thực thi pháp luật phòng vệ thương mại của Philippines, bao gồm: Bộ Công Thương và Ủy ban thuế là những cơ quan độc lập, và trong nhiều trường hợp có những quyết định khác nhau, dẫn đến thời gian áp dụng và mức thuế khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để trong quá trình các cơ quan này điều tra phòng vệ thương mại thì phải phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cả hai cơ quan”.
“Trong nhiệm kỳ chính phủ mới, Indonesia tiếp tục có những chính sách phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhiều biện pháp sẽ được sử dụng thường xuyên với các sản phẩm dệt, quần áo may sẵn, gạch ốp lát, điện tử, giày dép, hóa chất, sắt thép, nhựa… Những mặt hàng này ở Indonesia có lực lượng lao động lớn, sức cạnh tranh kém hơn so với các sản phẩm cùng loại đến từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia… Do đó, dự kiến Indonesia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ với Trung Quốc, mà còn với cả Việt Nam vì lý do chính trị lẫn kinh tế.
Hơn nữa, Việt Nam hiện đang nổi lên là trung tâm sản xuất lớn, có sức cạnh tranh cao nên nước này áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để giảm sức hút của hàng hóa Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp thuộc những nhóm hàng trên cần theo dõi sát thông tin thị trường, chủ động tìm hiểu quy định liên quan đến phòng vệ thương mại của Indonesia. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, trang bị những kiến thức về quy định phòng vệ thương mại của thế giới nói chung và Indonesia nói riêng để có kịch bản ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Chúng ta có thể nhìn từ kinh nghiệm của Indonesia. Từ năm 1995 - 2021 nước này phải đối phó với 404 vụ việc phòng vệ thương mại từ 34 nước. Để ứng phó với các nước phát triển có năng lực sâu hơn về phòng vệ thương mại, Indonesia đã tạo dựng sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp liên quan trong quá trình điều tra để đảm bảo các cơ quan khởi xướng điều tra tính toán mức thuế phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO.
Ngoài ra, để khắc phục khó khăn về ngôn ngữ địa phương sử dụng trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại, nước này tạo sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao, tùy viên thương mại của Indonesia tại nước khởi xướng điều tra, đặc biệt tại những nước không sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, để đảm bảo tất cả các tài liệu được chuyển ngữ phù hợp trong thời gian ngắn nhất, vì quản lý thời gian hiệu quả trong điều tra phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng.
Mặt khác, Indonesia cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của mình tại các nước để theo dõi, bám sát thị trường và có phản ứng nhanh chóng. Sau khi nhận được tài liệu vụ việc, cơ quan phòng vệ thương mại Indonesia nhanh chóng làm việc với tất cả các bộ, ngành, đôn đốc hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp liên quan cung cấp số liệu trước thời hạn yêu cầu.
Đặc biệt, nước này kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp thông qua khiếu kiện lên Ủy ban xử lý tranh chấp của WTO, kênh ngoại giao nếu phán quyết không tuân theo WTO gây tổn hại to lớn tới ngành hàng của họ”.
“Phòng vệ thương mại ở Ấn Độ có một số vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý. Đó là nước này chủ yếu sử dụng các biện pháp chống bán phá giá với hàng nhập khẩu. Trong số 521 vụ đã được khởi xướng, thì có đến 320 vụ việc nhằm vào Trung Quốc. Với Việt Nam, Ấn Độ đã có 22 vụ chống bán phá giá.
Thời gian gần đây, Ấn Độ áp dụng nhiều hơn và bất thường các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hoá từ Việt Nam. Nguyên nhân kể từ năm 2000, do căng thẳng chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực biên giới nên Ấn Độ đã sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ấn Độ rất nghiêm ngặt trong việc chống hàng Trung Quốc.
Ấn Độ áp dụng mọi biện pháp phòng vệ thương mại với nhôm, thép nhập khẩu nhiều, vì nước này có tham vọng trở thành một trong hai cường quốc sản xuất thép trên thế giới nên đẩy mạnh sản xuất thép trong nước. Bên cạnh đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Ấn Độ tăng rất mạnh, cho dù trong 6 năm qua, Ấn Độ đã áp dụng nhiều biện pháp. Ngoài ra, có hiện tượng thép của Trung Quốc thông qua một số nước để nhập khẩu vào Ấn Độ dẫn tới các chính sách hạn chế nhập khẩu của nước này bị vô hiệu hóa.
Hơn nữa, Ấn Độ có hệ thống luật sư “sống bằng nghề” phục vụ các vụ việc phòng vệ thương mại. Nhiều khi Chính phủ Ấn Độ không muốn khởi kiện, nhưng đội ngũ luật sư liên hệ với nhà sản xuất trong nước và đưa đơn khởi xướng. Do đó, nếu phía Ấn Độ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, doanh nghiệp cần hợp tác với cơ quan điều tra, còn nếu chỉ sử dụng những bằng chứng sẵn có thì rất bất lợi cho chúng ta. Trong trường hợp phải thuê luật sư cũng cần hết sức thận trọng, vì họ vừa là nguyên đơn vụ này nhưng lại là bị đơn cho vụ kiện khác. Nếu thuê luật sư cần cập nhật thông tin phù hợp, tránh cung cấp hết thông tin cho họ để họ dùng thông tin đó đưa cho doanh nghiệp khác của Ấn Độ khởi kiện tiếp doanh nghiệp Việt Nam”.
VnEconomy 07/10/2024 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
10:00 07/10/2024