Giảm phí trước bạ 50% có tiếp tục kịp thời vực dậy thị trường ô tô Việt?
Sau khi khép lại năm 2022 với doanh số bán hàng đạt mức kỷ lục hơn 500.000 xe đầy ấn tượng, thị trường ô tô Việt Nam bất ngờ chững lại và bắt đầu có dấu hiệu lao dốc dần từ đầu năm 2023 vì nhiều lý do chủ quan và khách quan.
Thị trường “ngóng chờ”
Tháng 4 và tháng 5/2023 vừa qua, sức tiêu thụ ô tô của toàn thị trường tiếp tục giảm sâu. Để kích cầu tăng doanh số, các hãng sản xuất và các đại lý đã phải liên tục đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để nâng doanh số nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Do đó, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được kì vọng sẽ là "bài thuốc" tăng cường để vực dậy sức mua thị trường ô tô. Nhưng liệu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ nếu tiếp tục được áp dụng có đủ sức để “cứu” thị trường ô tô trong nước thoát khỏi tình trạng ảm đạm hiện tại không là câu hỏi nhiều người quan tâm ở thời điểm hiện tại.
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 5/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4 trước đó và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số 20.726 xe bán ra toàn thị trường, có 14.483 xe du lịch, 6.096 xe thương mại và 147 xe chuyên dụng.
Doanh số xe du lịch giảm 8%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng giảm 16% so với tháng liền kề trước đó.
Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.079 xe, giảm 9% so với tháng trước đó; doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.647 xe, giảm 5% so với tháng 4.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 36% so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, xe ô tô du lịch giảm 41%, xe thương mại giảm 12% và xe chuyên dụng giảm 63% so với năm 2022.
Đến hết tháng 5/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đã giảm 43%, trong khi xe nhập khẩu giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình tiêu thụ ô tô trong nước liên tục sụt giảm, các hiệp hội sản xuất ô tô, cơ khí, địa phương đã đồng loạt có kiến nghị lên Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.
VAMA và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cùng các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn cũng đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong đơn kiến nghị được gửi tới các bộ ngành, VAMA chỉ ra từ cuối quý 4/2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp. Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của doanh nghiệp, chi phí tài chính tăng cao. Dẫn chứng là doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2023 giảm tới 60% so với tháng trước và 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, VAMI cho rằng khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi thì nguy cơ suy thoái ngày càng hiện hữu, làm ảnh hưởng tâm lý tiêu dùng, xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao.
Các hiệp hội cho rằng để giải quyết tình hình hiện tại thì việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảm đạm. Hai chính sách kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.
Đặc biệt, theo dự báo của VAMA, với tình hình hiện tại, từ nay đến cuối năm thị trường sẽ vẫn tiếp tục đi xuống dù các hãng xe, đại lý có nhiều chương trình giảm giá, kích cầu.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (Nghị định) theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 30/5/2023, trình Chính phủ trước ngày 15/6/2023. Đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định như kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 97/TTr-BTC nêu trên.
Trước đó, ngày 31/5, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 97/TTr-BTC gửi Thường trực Chính phủ về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã báo cáo trước đó.
Trường hợp Thường trực Chính phủ quyết định thực hiện, thì Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (để thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Theo ghi nhận của PV AutoNews, ngay sau khi có thông tin sắp được giảm phí trước bạ 50%, dù chưa được triển khai nhưng tình hình kinh doanh tại nhiều đại lý ô tô bước đầu đã có tín hiệu khả quan khi lượng đặt cọc tăng nhẹ. Sở dĩ nhu cầu của người mua tăng nhẹ là bởi khách hàng đặt cọc ngay từ thời điểm này có thể hưởng ưu đãi kép khi chính sách giảm lệ phí trước bạ chính thức có hiệu lực.
Một số đại lý cũng đã xác nhận nếu khách hàng đặt cọc xe trong tháng 6 sẽ được hưởng nguyên các ưu đãi mà đại lý đang triển khai.
Năm 2022, chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho ô tô nội địa từng giúp thị trường xe tại Việt Nam phục hồi sau thời gian ảm đạm vì những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thậm chí, thị trường ôtô Việt Nam đã vượt lên mạnh mẽ và xác lập một kỷ lục mới về doanh số hơn 500.000 xe được bán ra trong năm.
Trước những tác động của việc giảm lệ phí trước bạ 50%, nhiều người kì vọng đây sẽ là yếu tố được kỳ vọng kích thích sức mua của khách hàng, qua đó vực dậy doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023.
Nút thắt của thị trường sẽ được tháo gỡ?
Năm 2020 khi thị trường ô tô Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định. Trong lần đầu tiên được triển khai, chính sách này có hiệu lực từ ngày 29/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Năm 2021, khi các doanh nghiệp ô tô vẫn đang vật lộn với khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ một lần nữa được ban hành thông qua Nghị định 103, có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.
Trong hai lần được áp dụng nêu trên, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số trở lại.
Trong khi đó, từ đầu năm 2023 đến nay, lượng xe ô tô tiêu thụ toàn thị trường giảm sút không nhỏ trong 2 tháng liên tiếp (tháng 4 và tháng 5/2023), giới chuyên gia trong ngành lý giải rằng nguyên nhân đến từ nhiều phía. Trước hết là việc kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải tìm các giải pháp thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua giảm. Bên cạnh đó là tâm lý chờ Chính phủ có chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cũng khiến sức mua chậm lại phần nào.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô trong nước, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tư pháp về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian áp dụng 6 tháng, kể từ ngày 1/7 đến hết năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì theo phân tích của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).
Theo nhận định của các chuyên gia, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ nếu được triển khai từ tháng 7 sắp tới sẽ có tác dụng khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, kích thích nhu cầu mua xe ô tô của người dân, khiến số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh, bù đắp cho phần giảm thu lệ phí trước bạ.
Bên cạnh đó, khi sức mua tăng, đồng thời sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe ô tô đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Từ đó, sẽ là động lực góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Nhưng cũng theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi thực thi chính sách giảm 50% thuế trước bên cạnh mặt tích cực là kích cầu trong nước thì cũng cần phải tính toán kỹ đến việc những tác động đến cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với các nước, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư.