Giao dịch lình xình, thanh khoản bất ngờ sụt giảm mạnh
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay chỉ đạt chưa tới 8.200 tỷ đồng, giảm tới 38% so với sáng hôm qua. Sau phiên xả bất ngờ có vẻ tâm lý thận trọng đã quay lại khiến dòng tiền ngần ngại giải ngân. Thị trường không xấu, nhưng giao dịch chán nản...
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay chỉ đạt chưa tới 8.200 tỷ đồng, giảm tới 38% so với sáng hôm qua. Sau phiên xả bất ngờ có vẻ tâm lý thận trọng đã quay lại khiến dòng tiền ngần ngại giải ngân. Thị trường không xấu, nhưng giao dịch chán nản.
Vn-Index kết phiên sáng tăng nhẹ 4,45 điểm tương đương +0,35%. VN30-Index tăng 0,3%, Midcap tăng 0,5%, Smallcap tăng 0,57%. Độ rộng sàn HoSE vẫn tốt với 228 mã tăng/142 mã giảm, nhưng đại đa số cổ phiếu dao động hẹp.
Toàn sàn này hiện chỉ có 80 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm khoảng 30,5% tổng giá trị khớp của sàn. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chiếm ưu thế, rổ VN30 có duy nhất STB là đáng kể khi tăng 3,72% với thanh khoản 370,6 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường. HSG, TCM, HDG, HHV, GEX, VCG là số ít mã còn lại giao dịch được quá 100 tỷ đồng và giá tăng hơn 1%.
Thanh khoản HoSE hiện mới đạt hơn 7.600 tỷ đồng, cũng giảm gần 28% so với sáng hôm qua. Gần như toàn bộ mức giảm này là do nhóm blue-chips. Cụ thể, rổ VN30 hiện chỉ khớp được 2.838 tỷ đồng, giảm 44% tương đương con số tuyệt đối -2.204 tỷ đồng. Trong khi đó, mức giảm tuyệt đối của cả sàn HoSE là 2.951 tỷ đồng.
Dòng tiền hạn chế ở các blue-chips là lý do khiến VN-Index dập dình đi ngang rất khó chịu. Tuy chỉ số tăng nhưng ngoài 4 cổ phiếu blue-chips là STB, BCM, SAB và BVH, số còn lại của rổ VN30 tăng rất nhẹ. Cả 4 cổ phiếu nói trên không mã nào lọt vào Top 15 vốn hóa thị trường. VCB, BID, HPG, GAS, FPT, CTG là các cổ phiếu lớn nhất thị trường vẫn đang xanh nhưng mức tăng quá kém để có thể tạo bùng nổ.
Một điểm cũng khá bất ngờ là trong bối cảnh VN-Index vẫn được neo giữ tốt, lẽ ra cổ phiếu vừa và nhỏ phải bùng nổ hơn thì trái lại, dòng tiền cũng không hoạt động mạnh. Tuy số mã có giá tăng mạnh cũng khá nhiều nhưng chủ yếu là thanh khoản rất nhỏ. Trong 80 mã đang tăng hơn 1% thì chỉ 22 mã khớp được từ 20 tỷ đồng trở lên. Điều này cho thấy dòng tiền đang co cụm và rời bỏ nhiều mã khác khiến khả năng lựa chọn được các cổ phiếu mạnh trở nên khó hơn.
Điểm tốt là thị trường không chịu sức ép giảm giá rõ rệt. Trạng thái giằng co trong biên độ hẹp chủ yếu do cầu yếu hơn là do cung mạnh. Cụ thể, trong 142 mã đang đỏ, có 30 mã giảm quá 1% thì thanh khoản hầu như không đáng kể (chiếm khoảng 4% sàn). VNM, NLG, BCG là các cổ phiếu có thanh khoản tương đối lớn và giá giảm khá mạnh. Số còn lại chủ yếu là giằng co gần tham chiếu. Nếu lực cầu tốt hơn, giá hoàn toàn có thể chuyển trạng thái sang trung tính hoặc tăng.
Dĩ nhiên việc chờ đợi lực cầu hưng phấn hơn cũng không phải dễ dàng lúc này. Phiên hôm qua thị trường đã khá hưng phấn, thậm chí chớm vượt đỉnh nhưng rồi lại bị xả dồn dập. Thị trường lình xình bên bán có thể chờ đợi, nhưng nếu giá tăng mạnh, khối lượng chốt lời có thể bất ngờ gia tăng. Lúc này cả bên mua lẫn bên bán đều chờ đợi một diễn biến mở biên độ.
Mức tăng hơn 4 điểm sáng nay tiếp tục đưa VN-Index tới gần hơn khả năng đột phá tạo đỉnh mới. Nhóm blue-chips vốn hóa lớn nhất sáng nay yếu nhưng cũng vẫn còn tăng giá. Chỉ cần nhóm này mạnh thêm là chỉ số vượt đỉnh thành công. Thanh khoản cần phải tăng trong tình huống này.
Nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường độ bán ròng trở lại, rút ròng trên HoSE khoảng 235,8 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tuần. Các mã bị xả nhiều là FPT -93,2 tỷ, MWG -42,3 tỷ, KDH -41,9 tỷ, TCB -23,4 tỷ, VNM -21,4 tỷ. Phía mua chỉ có PNJ với 43,1 tỷ là đáng kể.