Giáo dục Mầm non : Thiếu cả giáo viên và lớp học trên toàn quốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi theo Nghị quyết số 42-NQ/TW để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10/2024...
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi toàn quốc đạt 93,1%.
CẦN HƠN 32.000 TỶ ĐỒNG ĐỂ PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON
Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt tỷ lệ 99,8% (còn khoảng 300.000 trẻ mẫu giáo chưa được ra lớp tương ứng 6,9% trẻ mẫu giáo). Hiện có 32/63 tỉnh đã huy động đạt từ 95% trở lên.
Dự báo dân số độ tuổi của Tổng Cục thống kê cho hay, đến năm 2030 chỉ có 7/63 tỉnh tăng dân số trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (trên 176.000 trẻ); các tỉnh còn lại đều có xu hướng giảm.
Căn cứ vào số liệu dự báo dân số độ tuổi của Tổng Cục thống kê, đồng thời theo dự báo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non của các tỉnh, thành phố đã ban hành, đến năm 2030, số lớp mẫu giáo có xu hướng giảm chung. Tuy nhiên, theo dự báo có một số tỉnh tăng dân số nên sẽ tăng lớp mẫu giáo cục bộ ở một số địa phương, dự báo tăng 1.831 lớp.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng biên chế sẽ còn đến năm 2026 là 54.935 chỉ tiêu (trong đó: 28.413 chỉ tiêu chưa dùng và 26.522 chỉ tiêu Bộ Chính trị chưa giao theo Quyết định số 72).
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và việc tuyển dụng giáo viên mầm non ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu do áp lực công việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp.
Còn số liệu phòng học cho thấy đến năm 2030 thiếu 39.018 phòng học. Trong đó, số phòng học tăng thêm do thiếu và do tăng quy mô lớp là 6.078 phòng (thiếu 4.247 phòng, tăng lớp 1.831 phòng); xây dựng thay thế phòng học chưa đạt chuẩn (bán kiên cố) 32.940 phòng; đầu tư mới 256 bộ đồ chơi ngoài trời cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập tăng thêm giai đoạn đến 2030; mua sắm thêm 6.078 bộ thiết bị, đồ dùng dạy học trong lớp cho các lớp thiếu phòng học và tăng lớp.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu kinh phí dự báo cần 32.126 tỷ đồng (bình quân 6.425,2 tỷ đồng/năm).
Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu về nguồn lực thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, Bộ Giáo dục Đào tạo đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và Dự thảo Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết.
PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON ĐÁP ỨNG YÊU CẦU “CHẤT LƯỢNG, CÔNG BẰNG, HÒA NHẬP”
Theo báo cáo chuyên đề, định hướng phát triển giáo dục mầm non sẽ đáp ứng được yêu cầu “chất lượng, công bằng, hòa nhập”, qua đó, đặt nền móng quan trọng trong phát triển nhân lực.
Mục tiêu phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 là đổi mới chương trình giáo dục mầm non tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em; tăng cơ hội tiếp cận giám dục mầm non chất lượng; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
Bộ giáo dục và Đào tạo đề xuất, kiến nghị với Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về 2 vấn đề. Thứ nhất là kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi.
Thứ hai là kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường điều kiện để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong vay vốn tín dụng, ưu tiên cho thuê tài sản công, các phương thức xã hội hoá, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Đặc biệt, xây dựng chính sách đặc thù để kết nối nguồn lực xã hội hoá để đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và hàng năm, kế hoạch phẩn bổ ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nội dung phát triển giáo dục mầm non để đảm bảo các nhiệm vụ, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo và các Bộ, ngành rà soát, tham mưu trình Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo dục mầm non phù hợp với thực tiễn và mục tiêu đổi mới phát triển giáo dục mầm non…