Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 1
Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 2

“Trong năm 2022, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức triển khai 24 Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các diễn đàn tập trung các chủ đề về chuyển đổi số, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu…

Mục đích ban đầu của Diễn đàn chỉ là thông tin kết nối cung cầu nông sản trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy do dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai đạt được  những kết quả của diễn đàn đã vượt mục tiêu ban đầu.

Ba kết quả nổi bật là:

Thứ nhất, thông tin đã được kết nối từ vùng sản xuất đến các đơn vị thu mua, phân phối sản phẩm gồm các doanh nghiệp thương mại, chế biến…

Thứ hai, thông qua Diễn đàn, các cơ quan quản lý từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã rút ra được bài học là phải luôn luôn bám sát vùng sản xuất và tổ chức sản xuất để gắn với từng thị trường. Các doanh nghiệp cũng hiểu được rằng muốn kinh doanh bền vững thì phải gắn chặt với vùng nguyên liệu, xây dựng vùng nguyên liệu, không thể đi mua sản phẩm trôi nổi để xuất khẩu được nữa. Vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có mã số để truy xuất nguồn gốc.

Thứ ba, người sản xuất hiểu rằng, họ không thể cứ sản xuất tự phát mà phải tuân thủ quy trình theo yêu cầu của từng thị trường.

Để đáp ứng mong đợi của các địa phương và doanh nghiệp, phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, quy mô của diễn đàn, không nên say sưa với chiến thắng của năm 2022. Trong năm 2023, Diễn đàn 970 cần vạch rõ kế hoạch tổ chức các diễn đàn định kỳ, trong đó có các diễn đàn cấp vùng, diễn đàn cấp tỉnh và diễn đàn kết nối cung cầu cho từng ngành hàng nông sản chủ lực. Có diễn đàn tổ chức trực tiếp tại thực địa, có diễn đàn tổ chức đột xuất để giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Đặc biệt, cần tổ chức các diễn đàn nhằm thông tin kết nối cung cầu đối với các thị trường chúng ta có thế mạnh, nhất là Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc.

Tại các diễn đàn trên, sự tham gia của tham tán thương mại ngành nông nghiệp là rất quan trọng, họ là sợi dây kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gặp gỡ, hiểu nhau hơn”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 3

“Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi đạt kết quả đáng khích lệ ở mức 500 tỷ USD, chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất nhập khẩu của cả nước.

Để thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Á - châu Phi năm 2023, Bộ Công Thương đã tập trung vào một số giải pháp.

Thứ nhất, để mở rộng thì trước hết phải giữ vững xuất khẩu như đang có. Muốn vậy phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của hàng hoá xuất khẩu, đảm bảo “xuất khẩu xanh”, xuất khẩu theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh yếu tố chất lượng hàng hoá, cần đảm bảo hàng hóa xuất khẩu được thông suốt: thủ tục xuất khẩu thông thoáng, thuận lợi về logistics, nắm vững, cập nhật chính sách nhập khẩu của nước sở tại…

Muốn giữ vững xuất khẩu như hiện có, đảm bảo “đầu vào cho xuất khẩu” cũng đóng vai trò then chốt. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cần đa dạng ở các thị trường, tránh phụ thuộc vào một hay một số thị trường nhất định.

Ngoài ra, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia thay đổi như thế nào để ứng phó với chính sách áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu vào EU (CBAM) áp dụng từ tháng 10/2023. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo Chính phủ và thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cũng là biện pháp quan trọng hỗ trợ xuất khẩu bên cạnh việc doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các quy định mới.

Thứ hai, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Nam Á, châu Phi,…

Đối với thị trường Trung Quốc: Định hướng 2023 và các năm tiếp theo là mở rộng thị trường Vân Nam. Quảng Tây và Vân Nam có dân số ngang nhau, khoảng 50 triệu dân, nhưng quy mô thương mại của Việt Nam với Vân Nam 2022 chỉ chiếm 10,8% quy mô thương mại Việt Nam với Quảng Tây (tức là 3,2 tỷ USD so với gần 30 tỷ USD). Việt Nam và Quảng Tây đã có quan hệ tốt. Nay chúng tôi đặt trọng tâm quan hệ thương mại với Vân Nam như một thị trường mới.

Đối với thị trường Nam Á, chúng tôi tiếp tục đặt sự quan tâm vào thị trường Ấn Độ với sức mua và nhu cầu thị trường lớn (1,4 tỷ dân). Hàng năm, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 560 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 8 tỷ USD, chỉ chiếm 1,4%. Song song đó là thị trường Bangladesh, Pakistan như là bàn đạp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Ngoài ra, thị trường châu Phi cũng cần chú trọng phát triển. Dư địa còn rất lớn vì ta mới chiếm 0,6% thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD của châu Phi mỗi năm. Trong châu Phi, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thị trường Nam Phi. Quan hệ với Nam Phi, không chỉ có xuất khẩu mà là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), như thị trường Hàn Quốc để đạt mốc 100 tỷ USD vào năm 2023 như lãnh đạo cấp cấp cao hai nước đề ra.

Đặc biệt tập trung tổng kết kinh nghiệm của các nước tận dụng các FTA để đưa ra các kiến nghị cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến khi FTA với Isarael được ký kết trong năm 2023, chúng tôi sẽ có kế hoạch thực thi hiệu quả và phối hợp với các đơn vị, cơ quan khởi động đàm phán FTA với Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để mở ra cơ hội hợp tác cho khu vực Trung Đông”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 4

“Đầu năm 2023, ngay khi Trung Quốc thông báo mở cửa thị trường trở lại sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19, đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bật tăng và lập tức tác động đến kết quả xuất khẩu rau quả. Tháng 1/2023, xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, thị trường đang dần mở cửa, giảm bớt kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu tốt hơn. Ngoài ra, những khó khăn về logistics, về vận chuyển cũng đã dần được tháo gỡ, giá cước càng ngày càng giảm, càng rẻ cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Các mặt hàng rau quả xuất khẩu mới được mở cửa ở nhiều thị trường trong năm 2022 cũng như tác động tích cực từ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết, thực thi chắc chắn tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. Chúng tôi dự báo năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2022 (năm 2022 đạt 3,4 tỷ USD)”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 5

“Năm 2022 là một năm đầy biến động, từ chính trị thế giới, lạm phát tăng cao, đến kinh tế toàn cầu biến động khiến cho hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng trầm trọng, đặc biệt là ngành sản xuất, chế biến gỗ. Nhưng trong khó khăn, ngành gỗ đã cho thấy sự nỗ lực để vươn lên của ngành là lớn như thế nào.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022 đạt 16,923 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,01 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đó là những con số đáng khích lệ.

Tuy nhiên, trong tháng 1/2023, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, những khó khăn về thị trường và sự suy giảm xuất khẩu vẫn còn tiếp diễn. Ngành gỗ hy vọng phải sang đến quý 2/2023 mới giải quyết được lượng sản phẩm tồn kho và xuất khẩu khôi phục trở lại.

Hiện tại, chúng ta đang hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu gồm 4 cấp độ, đó là: cấp độ hàng hóa; cấp độ sản xuất có giới hạn; cấp độ sản xuất và dịch vụ tiên tiến; cấp độ đổi mới sáng tạo. Trong 4 cấp độ này, các doanh nghiệp gỗ đang hướng đến cấp độ 4. Nhưng trong thời điểm kinh tế lạm phát và chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn sắp tới, các doanh nghiệp cố gắng hoàn thành cấp độ 1 để vực dậy sản xuất và xuất khẩu.

Ngành gỗ Việt Nam cũng cần tận dụng tối đa các lợi thế, cũng như biến chúng thành giá trị gia tăng của ngành. Trong năm 2023, mục tiêu đặt ra là xuất khẩu gỗ đạt 17,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ về chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự quyết tâm đưa sản phẩm gỗ Việt Nam trở lại với thị trường thế giới, khẳng định giá trị và sức nặng của ngành gỗ trong năm nay”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 6

“Năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu giày dép trong tháng 1/2023 đạt 1,6 tỷ USD, giảm 17,7%; xuất khẩu vali, túi xách giảm 18%... Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn hy vọng cuối năm 2023 thị trường sẽ hồi phục dần.

Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chưa nhìn thấy những cửa sáng, tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu. Một số thương hiệu lớn trên thế giới hiện đang phải đối mặt với số giày tồn kho khổng lồ, có thương hiệu tồn kho lên tới hơn 500 triệu Euro. Chính điều này khiến các doanh nghiệp da giày Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.

Rất may mắn cho công ty chúng tôi đến thời điểm này vẫn không bị vướng về thị trường và khách hàng. Khi một số thị trường lớn truyền thống gặp khó, chúng tôi đã tìm đến một số thị trường tại châu Á, trong đó có thị trường Trung Đông nhằm duy trì đủ đơn hàng để công ty vẫn có thể hoạt động bình thường.

Hơn 25 năm làm hàng xuất khẩu, thương hiệu giày dép Vento đã xác định được thị trường phù hợp với sản phẩm của mình. Tôi cho rằng, khi đã chọn được sản phẩm phù hợp với thị trường, với chất lượng đảm bảo, đặc biệt với giá thành rất cạnh tranh, thì dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, công ty vẫn không bị ảnh hưởng vì thiếu đơn hàng, công nhân vẫn có đủ việc làm, thậm chí còn phải tăng ca sản xuất. Đây là cách đi riêng của Vento.

Để xây dựng thương hiệu của mình, công ty đã đầu tư thời gian, nghiên cứu, khảo sát thị trường nhằm tìm sản phẩm phù hợp. Có rất nhiều quy trình làm thương hiệu, nhưng phần lớn các doanh nghiệp sản xuất giầy dép của Việt Nam chỉ làm tới công đoạn FOB, tức là bán ra khỏi cảng của họ là “dừng lại”, các quy trình làm thương hiệu tiếp theo các doanh nghiệp “bỏ ngang” không làm.

Nếu không làm hết quy trình thương hiệu thì sẽ không biết khả năng sản phẩm của doanh nghiệp có được thị trường đánh giá cao hay không, sản phẩm có đạt chuẩn chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, giá, tương tác khách hàng… hay không thì doanh nghiệp Việt lại không đi đến cùng.

Tất cả các chuẩn này, các doanh nghiệp giày dép Việt Nam còn đang thiếu rất nhiều mà thị trường thế giới yêu cầu. Riêng với Vento, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển chúng tôi luôn bám sát các mục tiêu đã đề ra, chuẩn chỉ từ những khâu nhỏ nhất để tạo ra một sản phẩm mang tính cạnh tranh cao nhất, chính điều này đã đưa Vento vượt qua “cơn bão” thị trường lớn giảm cầu”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 7

“Xung đột giữa Nga - Ukraine, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế các nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp cùng lúc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn “leo thang”... Hơn nữa, 3 năm qua, các doanh nghiệp đều chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 nên sức chống chịu giảm dần.

Ngoài ra, xu hướng hiện nay của một số nhà nhập khẩu là đơn đặt hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, đơn giá bị ép khiến giá xuất giảm...

Tuy vậy, chúng ta vẫn nhìn thấy những dấu hiệu lạc quan trong năm 2023 nhờ duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là một số thị trường FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0% trong năm nay.

Song, để ổn định sản xuất trong giai đoạn khó khăn này, trước tiên cần cắt giảm những chi phí không cần thiết, triệt để tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực, tập trung đào tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động, bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp để chống chọi trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài.

Mặt khác, tận dụng cũng như phát triển thêm những lợi thế ở trong nước. Bởi động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số… Đây sẽ là những điểm cộng để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển thêm các thị trường mới.

Với riêng May 10, chúng tôi đã sớm quan tâm đến ứng dụng tự động hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nhân công lao động. Ở bất kỳ khâu nào hiện nay May 10 đều có các máy móc thiết bị và phần mềm hỗ trợ hiện đại.

Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình vận hành sản xuất. Mới đây, May 10 đã quyết định hợp tác cùng GreenYellow Việt Nam triển khai dự án điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng, xí nghiệp may Bỉm Sơn (Thanh Hóa). May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ trong bảo vệ môi trường, giảm khí thải cacbon, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng chính là mục tiêu May 10 hướng tới”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 8

“Mặc dù tới quý cuối năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã rơi xuống mức thấp nhất năm với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021 trước tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm, nhưng so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc – là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong những tháng đầu năm 2023, việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với Covid-19 chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho đơn hàng thủy sản, vì dịch bệnh vẫn còn là quan ngại của nhiều người dân và phân khúc nhà hàng chưa thể mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, một vài tháng tới thị trường này sẽ thích ứng và bùng phát mạnh nhu cầu trong các phân khúc tiêu thụ.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 537 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021. Các chuyên gia và các thương gia đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Hoa Kỳ trong năm 2023, hai loài cá này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định. Trong khi đó, lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết – loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ. Đặc biệt, vào mùa Chay (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 4), nhu cầu sẽ tăng và sẽ phải bù đắp thiếu hụt bằng các loài khác như cá tra, cá rô phi, cá minh thái. Những kỳ vọng đó có thể mang lại niềm tin về khả năng hồi phục cho các doanh nghiệp cá tra năm 2023”.

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 9

VnEconomy 14/02/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7-2023 phát hành ngày 13-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giữ vững thị trường xuất khẩu - Ảnh 10

08:00 14/02/2023