Đợt Covid-19 lần thứ tư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tạm dừng, thu hẹp hoạt động…đã tác động trực tiếp đến tình hình lao động, việc làm.
Theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021, có đến 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với tỷ lệ 87,2% của khảo sát năm 2020.
Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Trong đó, khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động, tỷ lệ này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.
Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư gây ảnh hưởng, thậm chí làm “tê liệt” đến những thị trường lao động sôi động bậc nhất cả nước như: TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội…
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 8 vừa qua thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 – 30% công suất. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế.
Thống kê chỉ riêng trong tháng 8, Hà Nội có 1.077 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có 244 doanh nghiệp giải thể; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Trung bình mỗi ngày trong tháng có hơn 33 doanh nghiệp rút lui gây ra hệ lụy là có hàng nghìn lao động phải đối mặt với nguy cơ ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập…
Còn theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tác động của đợt dịch Covid-19 thứ tư đến thị trường lao động cả nước là vô cùng lớn, đặc biệt đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía Nam sôi động nhất, thu hút nhân lực nhất của cả nước.
Dịch bệnh Covid-19 cũng đã tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong 3 nhóm ngành kinh tế. Trong đó, lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (8,9%), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (24,6%) và lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (30,6%).
Để tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ mới đây ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nguồn kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng/người.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn, đây là chính sách nhân văn, và cần thiết giúp cho người lao động và doanh nghiệp. “Chính sách này có ý nghĩa hơn khi theo quy định của pháp luật, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chỉ được chi cho 4 chế độ cụ thể là trợ cấp thất nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm; đào tạo nghề và hỗ trợ nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề để giúp người lao động có việc làm bền vững. Tuy nhiên, việc quy định hỗ trợ bằng tiền một lần cho người lao động là sự vận dụng ngoại lệ rất cần thiết, nhanh và kịp thời”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
Đồng quan điểm khi nhấn mạnh đây là chính sách nhân văn, song nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, vấn đề hiện nay là cần đặt ra tiêu chí thế nào là đối tượng gặp khó khăn, trình tự thủ tục cần hết sức đơn giản để người lao động sớm nhận được tiền. Việc hỗ trợ cũng nên được thực hiện nhanh, chậm nhất là hơn 1 tháng, thay vì đến hết năm 2021.
Đối với quy định miễn đóng 1% cho doanh nghiệp vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong một năm, ông Phạm Minh Huân đánh giá là rất tốt, song về lâu dài cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội để xem xét mức đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp. “Chính sách của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là số đông người lao động tham gia để hỗ trợ số ít bị thất nghiệp, chứ không phải thu tiền rồi giữ lại đó là không ổn, nhất là khi doanh nghiệp đang khó lại đóng bảo hiểm thất nghiệp mức cao khiến chi phí tăng lên”, ông Phạm Minh Huân nhìn nhận.
Còn dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam đánh giá cao những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nói rằng sẽ theo dõi thêm thông tin về điều kiện và thủ tục hưởng của gói hỗ trợ này trong thời gian tới để chia sẻ đến các doanh nghiệp kịp thời.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá, đây là chính sách kịp thời, hỗ trợ thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt là vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong nền kinh tế, thị trường lao động.
Tuy nhiên, theo ông Trung do đây là gói hỗ trợ cho số lượng lớn người lao động, nên cần xác định rõ các đối tượng thụ hưởng để ứng dụng công nghệ thông tin nhằm triển khai thật nhanh. Với nhóm thụ hưởng là người lao động, cần thống kê các trường hợp tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong doanh nghiệp được hưởng.
Đối với doanh nghiệp, ông Trung cho rằng, việc giảm đóng 1% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, góp phần tạo động lực để doanh nghiệp dành nguồn kinh phí phục hồi sản xuất, phòng chống dịch. Về hướng triển khai, theo ông Trung cần quy định các thủ tục để người lao động, doanh nghiệp được hưởng hết sức đơn giản, tránh yêu cầu nhiều văn bản, thủ tục qua nhiều cấp, song cũng cần có những quy định để tránh lợi dụng chính sách.
Để triển khai gói hỗ trợ này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung hôm 25/9 cũng cho biết, phương thức thực hiện “sẽ tiến hành một cách nhanh nhất”.
Đối với người lao động sẽ chuyển vào tài khoản, còn chưa có tài khoản, sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại mở tài khoản cho họ để chuyển thẳng. Trường hợp còn lại nữa, cũng không có tài khoản thì sẽ hỗ trợ từ bảo hiểm, nhưng số này sẽ rất ít.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 116 giao hỗ trợ người lao động trong 3 tháng, nhưng với tinh thần quyết tâm cao nhất, cố gắng sẽ rút ngắn thời gian tối đa chỉ còn 1,5 tháng. Tương tự, với người sử dụng lao động sẽ hỗ trợ trực tiếp một cách nhanh nhất.
13:53 29/09/2021