Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 1
Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 2

“Tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam thực sự nhận thức rõ vai trò then chốt của chính sách trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Điều đáng mừng là Chính phủ Việt Nam cũng hiểu được những thách thức thực tiễn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp và công nghệ khí hậu đang phải đối mặt, đặc biệt là trong việc tiếp cận tài chính, hiểu và vận hành theo các khung pháp lý hiện hành, cũng như trong quá trình chuyển đổi từ các hoạt động phát thải cao sang mô hình phát triển bền vững hơn.

Các chính sách xanh không chỉ là nền tảng thu hút đầu tư xanh, mà còn là chất xúc tác để đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa các giải pháp khí hậu. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu các chính sách sáng tạo như tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý và cắt giảm phát thải. AI có tiềm năng giúp giảm từ 5 - 10% lượng phát thải trong vài năm tới và việc thiết lập một môi trường chính sách phù hợp để hỗ trợ ứng dụng AI là một bước đi chiến lược, đúng đắn.

Một nỗ lực đáng chú ý khác của Chính phủ Việt Nam là xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, qua đó xác định rõ các doanh nghiệp đang  ở giai đoạn nào của hành trình phát triển và đang đối mặt với những khó khăn gì. Điều này sẽ giúp việc hỗ trợ được thiết kế trúng đích, từ giai đoạn ươm tạo đến khi trưởng thành. Đặc biệt, phần lớn lượng phát thải sẽ được cắt giảm nhờ công nghệ hiện đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Chính vì vậy, việc tập trung hỗ trợ các startup và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khí hậu là cực kỳ quan trọng, không chỉ để phát triển kinh tế xanh, mà còn góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đang thể hiện rõ nét vai trò tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Chính phủ không chỉ đồng hành cùng khu vực tư nhân mà còn chú trọng việc ứng phó với biến đổi khí hậu như là một nghĩa vụ toàn cầu. Những chính sách thông minh, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu rủi ro, gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy dòng vốn đổ vào các lĩnh vực xanh và bền vững của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các công cụ tài chính như quỹ giảm thiểu rủi ro (de-risking mechanisms) hay nguồn vốn đầu tư hỗn hợp (blended finance) sẽ là những giải pháp quan trọng đối với Việt Nam. Những giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu các rào cản đầu tư, mở ra cơ hội để khu vực tư nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực xanh. Nếu Việt Nam có thể kết hợp với các ưu đãi về thuế hoặc quy định rõ ràng thì cũng sẽ giúp doanh nghiệp thấy được tiềm năng thực sự trong đổi mới sáng tạo xanh.

Cuối cùng, chính sách chính là một phần trong một khuôn khổ dài hạn, gắn liền với các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đối với Việt Nam. Một hệ sinh thái ổn định, minh bạch và nhất quán sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khí hậu, các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như khu vực công và tư cùng đóng góp hiệu quả vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 3

“Việt Nam hiện đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng để đón nhận các cơ hội phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vươn lên trở thành một hình mẫu dẫn đầu trong khu vực. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế và tạo sự khác biệt so với các điểm đến đầu tư khác trên thế giới.

Tuy nhiên, quá trình phát triển bền vững đòi hỏi sự cam kết, nỗ lực và sự phối hợp mạnh mẽ từ nhiều phía. Những rào cản lớn nhất mà chúng ta đang đối mặt hiện nay bao gồm: năng lực quản lý địa phương còn hạn chế, thiếu cơ hội đào tạo, khó tiếp cận nguồn tài chính xanh, cùng với những vướng mắc trong chính sách.

Hiện nay, Deep C là một trong những doanh nghiệp tiên phong áp dụng tiêu chuẩn Khu công nghiệp sinh thái mới do UNIDO phát triển và Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã tích hợp tiêu chuẩn này vào hệ thống pháp luật. Với vai trò dẫn đầu, chúng tôi chưa từng xin hỗ trợ tài chính hay nhận ưu đãi nào. Tuy nhiên, nếu muốn có thêm nhiều nhà phát triển khác tiếp bước con đường này, việc thảo luận về các hình thức hỗ trợ từ khu vực công đối với khu vực tư là rất cần thiết, đặc biệt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng xanh.

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận một điều rằng phát triển hạ tầng bền vững thường tốn rất nhiều chi phí. Nếu muốn mở rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái, Việt Nam cần có những cơ chế hỗ trợ sáng tạo. Không nhất thiết phải là tiền mà nó có thể là thời gian, ví dụ như kéo dài thời hạn nhượng quyền sử dụng đất hoặc ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Nhiều cơ quan chức năng Việt Nam từng đặt câu hỏi: Làm sao để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo?, nhưng trên thực tế thì đây không phải nhiệm vụ đơn giản. Điều tiên quyết là phải tạo dựng môi trường thuận lợi. Một mức thuế cố định chưa đủ, thay vào đó thì cần có chính sách ưu đãi thông minh như thuế suất ưu đãi cho những ngành có tác động xã hội lớn, cơ chế khấu hao nhanh cho các khoản đầu tư xanh, chế độ thuế đặc biệt cho chuyên gia nước ngoài, hoặc hỗ trợ cho các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu và đóng vai trò chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần một lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của các ngành đổi mới sáng tạo. Khi đó, nhà đầu tư sẽ thực sự nhìn thấy tiềm năng dài hạn của Việt Nam trong hành trình phát triển xanh, phát triển bền vững”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 4

“Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, mở ra một Kỷ nguyên mới - nơi công nghệ, môi trường và con người phát triển hài hòa, cùng hướng tới một tương lai xanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn mang tính chiến lược, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để các quốc gia và doanh nghiệp tồn tại, phát triển và khẳng định vị thế trên bản đồ toàn cầu.

Nắm bắt xu thế tất yếu này, chúng tôi không chỉ lựa chọn trở thành người tham gia mà còn chủ động đóng vai trò người dẫn dắt tiến trình chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi xem chuyển đổi xanh là nền tảng cho phát triển bền vững, được hiện thực hóa thông qua việc sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải, hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường sống.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, định hướng này được cụ thể hóa bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng xanh, hạ tầng thông minh như các trung tâm dữ liệu tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo và tích hợp các giải pháp điện toán đám mây thân thiện với môi trường.

Thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, chúng tôi xác định ba nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung vào các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), mạng 5G, 6G… nhằm tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, xây dựng và triển khai hạ tầng công nghệ số hiện đại, bao gồm mạng 5G, trung tâm dữ liệu quy mô lớn và các nền tảng số quốc gia, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số toàn diện. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao thông qua đào tạo chuyên sâu và thu hút nhân tài trong nước và quốc tế, đảm bảo năng lực triển khai bền vững các chiến lược công nghệ.

Phát triển bền vững không chỉ là tầm nhìn dài hạn mà còn là chiến lược cốt lõi, được thể hiện bằng những hành động cụ thể và trách nhiệm rõ ràng với đất nước và với tương lai. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Chính phủ, các đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp, để biến những khát vọng hôm nay thành hiện thực của ngày mai trong hành trình chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 5

“Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cam kết và nỗ lực trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, cũng như tạo dựng một môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, thể hiện rõ thông qua các chính sách mang tính tiên phong, tiến bộ.

Đặc biệt, những nỗ lực này của Việt Nam không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ và vừa đến các tập đoàn lớn, chuyển đổi hoạt động theo hướng xanh hơn, mà còn giúp họ nhìn nhận quá trình chuyển đổi này như một cơ hội thực sự: cơ hội để tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và xây dựng một tương lai bền vững, linh hoạt hơn. Đây là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư, và Chính phủ Việt Nam xứng đáng được ghi nhận vì những thành tựu đã đạt được cho đến thời điểm hiện tại.

Điều quan trọng ngay lúc này là Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh đà chuyển đổi tích cực mà Việt Nam thiết lập. Trong đó, việc bảo đảm tính nhất quán trong chính sách, cùng với một khuôn khổ pháp lý minh bạch và dễ tiếp cận, sẽ là nền tảng giúp doanh nghiệp xác định rõ hướng đi, thích nghi hiệu quả và triển khai các bước chuyển đổi một cách bài bản, bền vững.

Song song với đó, rất cần những cơ chế tài chính mang tính khuyến khích, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu phát triển, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để vượt qua “thung lũng tử thần” - thời điểm mà họ khó có thể tiếp cận khách hàng đầu tiên hay chứng minh tính khả thi của sản phẩm trên thị trường.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang cung cấp các giải pháp hết sức cần thiết và cấp thiết như năng lượng sạch, giao thông xanh, nước sạch, phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội. Chính vì vậy, việc tiếp cận được nguồn vốn trong giai đoạn này đóng vai trò sống còn, quyết định khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Thời gian tới, chúng tôi rất mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam, với nhiều sáng kiến đầy hứa hẹn đang được triển khai thông qua Hội nghị Thượng đỉnh P4G. Trong đó có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, hoạt động lập bản đồ thị trường tăng trưởng xanh, cũng như khả năng ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 6

“Dù Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, nhưng việc thiếu một hệ thống phân loại chi tiết, đặc biệt là định nghĩa rõ ràng thế nào là “xanh” và “bền vững” vẫn là một cản trở lớn. 

Một rào cản khác liên quan đến công bố thông tin về tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Với hơn 90% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hiện nay chỉ các công ty niêm yết mới bắt buộc phải báo cáo các chỉ số ESG. Thêm vào đó, phần lớn dữ liệu ESG hiện tại vẫn ở mức cơ bản và thiếu xác minh từ bên thứ ba, khiến nhà đầu tư thiếu cơ sở tin cậy để đánh giá đúng năng lực phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Các tiêu chuẩn về phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để triển khai rộng rãi trong tương lai. Điều này khiến các tổ chức tài chính buộc phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tìm cách điều chỉnh sao cho phù hợp với thị trường nội địa. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trong nước hiện chưa đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đó, dẫn đến việc khó tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Để cải thiện chính sách tài chính nhằm thu hút cả đầu tư công và tư vào quá trình chuyển đổi xanh, một giải pháp quan trọng là đưa ra các yêu cầu rõ ràng đối với từng công cụ tín dụng, giúp các ngân hàng xây dựng khuôn khổ tín dụng xanh hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần thiết lập các mục tiêu cụ thể về tín dụng xanh cho từng ngân hàng, chẳng hạn như quy định tỷ lệ dư nợ xanh trên tổng danh mục cho vay.

Cùng với đó, nên xem xét cho phép hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với các lĩnh vực xanh, đồng thời áp dụng cơ chế khuyến khích như nâng trần tăng trưởng tín dụng tổng thể cho những ngân hàng vượt mục tiêu và hạ trần với những đơn vị không đạt yêu cầu. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các khoản dư nợ tín dụng xanh cũng có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng thị trường tài chính xanh.

Một hướng đi khác là cải thiện khung pháp lý dành cho các công cụ thị trường tài chính xanh. Hiện tại, tài liệu hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành chỉ mang tính chất tham khảo chứ chưa có giá trị pháp lý. Cần có thêm các ưu đãi tài chính cho việc phát hành trái phiếu phát triển bền vững như miễn/giảm thuế, lệ phí, và các lợi ích tài chính khác để khuyến khích cả nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xem xét thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Các mô hình hợp tác công - tư có thể giúp “kéo” thêm dòng vốn tư nhân tham gia. Nhu cầu tài chính cho chuyển đổi xanh là rất lớn và cách duy nhất để thành công là cùng nhau hành động”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 7

“Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao P4G là minh chứng rõ nét cho vai trò ngày càng nổi bật của đất nước trong các nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” hoàn toàn cộng hưởng với triết lý phát triển mà Tập đoàn TH kiên định theo đuổi ngay từ những ngày đầu thành lập.

Chúng tôi luôn tâm niệm rằng sự phát triển thực sự chỉ bền vững khi dựa trên nền tảng của “Mẹ Thiên nhiên”, tôn trọng quy luật của đất trời và lấy con người làm gốc. Chính vì thế, chúng tôi đã xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, khép kín và hoàn chỉnh, nơi những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn toàn cầu, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn được áp dụng một cách triệt để.

Việc làm chủ công nghệ và dữ liệu không chỉ giúp TH tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất, mà quan trọng hơn cả là tạo ra những sản phẩm sạch, hoàn toàn tự nhiên, đạt chuẩn quốc tế, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng và được thế giới đón nhận. Mô hình này đã giúp chúng tôi duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số ngay cả trong những giai đoạn khó khăn như khủng hoảng kinh tế hay đại dịch toàn cầu.

Quan trọng hơn, đây là mô hình góp phần định hình nên một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, một nền kinh tế xanh và tuần hoàn, trả lại màu xanh cho đất, cho thiên nhiên, sử dụng tài nguyên hiệu quả, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người nông dân. Nhờ đó, người nông dân không còn đứng ngoài mà trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị hiện đại.

Hiện nay, kinh tế xanh, kết hợp với đổi mới sáng tạo, không chỉ là xu hướng, mà thực sự mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài. Tuy nhiên, để xu thế này lan tỏa rộng rãi và phát huy hiệu quả sâu sắc, vai trò của hợp tác công – tư là vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, chúng ta cần những chính sách đồng bộ, mạnh mẽ và phù hợp để dẫn dắt doanh nghiệp, khích lệ những “cánh chim đầu đàn” tiên phong trong từng lĩnh vực.

Thứ hai, cần thúc đẩy việc xây dựng và chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp. Sự liên kết và chia sẻ kinh nghiệm chính là con đường ngắn nhất giúp công nghệ thâm nhập vào quy trình sản xuất, kinh doanh, tạo nên hệ sinh thái cùng học hỏi, cùng phát triển.

Thứ ba, phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống và thể trạng, tầm vóc con người. Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh và tuần hoàn không chỉ mang lại sản phẩm sạch, giàu dinh dưỡng mà còn là đầu tư chiến lược cho y tế dự phòng, cho sức khỏe cộng đồng, cho thế hệ tương lai và sự bền vững của quốc gia.

Tôi tin tưởng rằng với khát vọng vươn lên, với nền tảng đổi mới sáng tạo và sự chung tay của cả hệ sinh thái, Việt Nam sẽ nắm bắt thành công cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và mạnh mẽ bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 8

“Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi xanh thông qua những chính sách tiến bộ như Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, Luật Bảo vệ môi trường 2020 hay hệ thống về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chúng tôi nhận thấy đây chính là thời điểm lý tưởng để khu vực tư nhân đóng vai trò ngày càng chủ động và sâu sắc hơn trong việc kiến tạo giải pháp bền vững.

Một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt chính là vấn đề chất thải nhựa. Với quyết tâm mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến quan trọng, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương với mục tiêu giảm 75% lượng rác nhựa ra biển vào năm 2030 và xóa bỏ dần nhựa dùng một lần tại các khu vực ven biển. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong ASEAN áp dụng EPR bắt buộc, yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm quản lý vòng đời sản phẩm và bao bì của mình.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, từ năm 2020, Unilever Việt Nam cũng đã tiên phong hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để thành lập Mạng lưới Đối tác công – tư thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (PPC) cũng như nhiều hoạt động phát triển bền vững khác.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Hạ tầng phân loại rác tại nguồn chưa hoàn chỉnh, công nghệ tái chế,  đặc biệt là với nhựa dẻo còn hạn chế, trong khi chính sách chưa thực sự khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng vật liệu tái chế. EPR dù là một bước tiến lớn nhưng vẫn cần những điều chỉnh để hỗ trợ hiệu quả hơn cho ngành tái chế trong nước.

Để vượt qua những thách thức này, chúng tôi mong rằng Việt Nam có thể đẩy mạnh thúc đẩy đổi mới công nghệ và hỗ trợ các nhà sáng tạo trong nước thông qua những mô hình hợp tác đa bên giữa các học viện đào tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các tập đoàn toàn cầu.

Đồng thời, cần củng cố khung chính sách nhằm phát triển ngành tái chế chất lượng cao, đặc biệt là bổ sung cơ chế khuyến khích sử dụng nhựa tái chế trong các quy định EPR để đảm bảo đầu ra ổn định cho ngành tái chế trong nước. Việc sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo vệ môi trường từ nguồn phí EPR là rất quan trọng để tài trợ cho các công nghệ mới, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và thúc đẩy ứng dụng các giải pháp sáng tạo trong ngành tái chế. Đầu tư vào hạ tầng phân loại và thu gom rác tại nguồn cũng là nền tảng không thể thiếu để xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững.

Hành trình chuyển đổi xanh không thể chỉ được dẫn dắt bởi một bên, chỉ khi khu vực công và tư thực sự đồng hành, cùng cam kết và cùng hành động, thì đổi mới sáng tạo mới có thể trở thành động lực thiết thực cho phát triển bền vững”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 9

“Nông nghiệp xanh, bền vững đang trở thành yêu cầu cấp thiết trước tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. An ninh lương thực tương lai không chỉ gói gọn ở số lượng, mà phải là “Đủ - Đúng - Lâu dài”. Trong những năm gần đây, tôi nhận thấy có sự quan tâm rõ nét của các đối tác, khách hàng về quy trình sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chí về ESG hoặc chứng nhận quy trình canh tác bền vững. Tôi tin rằng đầu tư cho ESG và nông nghiệp bền vững chính là đầu tư cho tương lai, nơi mà chất lượng sản phẩm, sức khỏe của người tiêu dùng, quyền lợi của người nông dân và sự ổn định của hệ sinh thái cùng được đặt ở vị trí trung tâm.

Hòa nhịp với xu thế chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, chúng tôi chủ động tham gia và đồng hành cùng các chương trình canh tác bền vững do Chính phủ và các tổ chức quốc tế khởi xướng. Tiêu biểu là “Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao” do Chính phủ Việt Nam triển khai, hay Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu” do Đại sứ quán Úc và Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ, phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Đây là hướng đi chiến lược, nhằm tạo nên một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển hài hòa với môi trường sinh thái tại Việt Nam.

Chúng tôi không đi theo con đường chú trọng về sản lượng nhưng phải đánh đổi hoặc làm tổn hại đến các nguồn tài nguyên trong tương lai. Mô hình thực tiễn của Tân Long là mô hình làm từ “gốc đến ngọn”, từ sản xuất đến đầu ra thành phẩm để truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. 

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội to lớn và mang tính bước ngoặt trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực – thực phẩm, mở ra cánh cửa tiến tới một kỷ nguyên phát triển bền vững, bao trùm và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là xu thế tất yếu của thế giới, mà còn là động lực thúc đẩy Việt Nam định hình lại cách thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng thực phẩm theo hướng xanh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn. Nếu tận dụng tốt thời điểm này, chúng ta có thể xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế, đồng thời cải thiện sinh kế cho hàng triệu người dân nông thôn.

Với những thành quả đạt được từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, cùng với những mục tiêu rất khát vọng, chúng tôi cam kết sẽ không ngừng nỗ lực phát triển những mô hình nông nghiệp xanh - bền vững, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu chung là hệ thống thực phẩm bền vững và linh hoạt trong tương lai trong xu thế phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 10

VnEconomy 22/04/2025 11:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2025 phát hành ngày 21/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1365

Gợi mở chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững  - Ảnh 11

11:00 22/04/2025