Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 1
Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 2

“Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 17 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI. Nhật Bản hiện đang là quốc gia có số vốn đầu tư cao nhất trong nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, một số dự án quy mô lớn đã đưa vào hoạt động, trở thành hạt nhân, tạo tác động lan tỏa trong tỉnh, khu vực và cả nước, như: dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 9,3 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,8 tỷ USD và nhiều dự án quan trọng khác.

Với tinh thần “Đẩy nhanh hợp tác, phát triển nhanh và bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh”, Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản và quan hệ hợp tác phát triển giữa tỉnh Thanh Hóa với các đối tác Nhật Bản. Đây cũng là sự kiện quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh nổi trội và hấp dẫn của tỉnh; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; các lĩnh vực, các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh; đồng thời là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thanh Hóa cam kết “Luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp”; cam kết giảm tối đa các thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động đảm bảo chất lượng, áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định; đồng thời, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại Thanh Hóa.

Với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, thu hút nguồn vốn đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Thanh Hóa vào trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Việt Nam, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.

Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 3

“Lý do các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu tư bởi vì Thanh Hóa có nguồn lao động dồi dào, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, trong đó phải kể đến hệ thống đường cao tốc. Hơn nữa, tại Thanh Hóa có thiết lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản (JAPAN DESK) và Khu kinh tế Nghi Sơn nên có thể nói Thanh Hóa là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư.

Trong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn quan tâm nhiều hơn đến tỉnh Thanh Hóa. Ví dụ điển hình là Tập đoàn bán lẻ AEON hiện đang có kế hoạch sẽ khởi công xây dựng khu trung tâm thương mại trong năm nay và dự kiến khai trương vào năm 2025. Nhân dịp này, tôi mong muốn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ và giúp đỡ từ phía chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Tôi hy vọng việc thực hiện thành công dự án này cũng sẽ tạo ra môi trường tốt cho việc kêu gọi đầu tư tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Việc cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng đóng một vai trò quan trọng. Do đó, tôi mong tỉnh Thanh Hóa sẽ tận dụng một cách hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật. Ví dụ như tại Nghi Sơn, phía Nhật Bản hiện nay đóng góp nhiều cho việc cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực điện lực. Nếu dự án nạo vét công trình tại cảng Nghi Sơn được thực hiện thì các loại tàu cỡ lớn có thể cập cảng và điều này sẽ xúc tiến đầu tư cho tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay tôi được biết Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã xúc tiến các thủ tục để vay vốn ODA. Tôi mong rằng dự án này sẽ được thực hiện sớm trong một ngày gần đây.

Thanh Hóa có nhiều danh thắng như Thành nhà Hồ, biển Sầm Sơn xinh đẹp… Thanh Hóa còn được biết đến là cội nguồn của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng với nghệ thuật đúc đồng, từ thời xa xưa đã tự hào vì có nền văn hóa độc đáo như vậy. Bên cạnh đó, nói đến Thanh Hóa người ta thường hay nhắc đến những món ăn nổi tiếng như nem chua và bánh cuốn tôm. Đó là những tiềm năng thu hút khách du lịch lớn đến với Thanh Hóa”.

Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 4

“Thanh Hóa luôn xác định việc thu hút FDI là đặc biệt quan trọng. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Nhật Bản thông qua một bộ phận hỗ trợ đầu tư một cách chuyên nghiệp là cánh cửa đầu tiên để các doanh nghiệp xứ Mặt trời mọc tìm đến với Thanh Hóa, cũng như người dân, doanh nghiệp Thanh Hóa tiếp cận với văn hóa và thị trường Nhật Bản. Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Nhật Bản, Thanh Hóa đã cho phép thành lập Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản (Japan desk) từ năm 2020.

Hiện nay bộ phận này đang hoạt động rất có hiệu quả, mang lại nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Thông qua cánh cửa đầu tiên này, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là người Nhật Bản đã đến với Thanh Hóa.

Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện 10 chương trình, dự án ODA với tổng vốn 45,5 triệu USD. Ngoài viện trợ ODA, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện 24 dự án viện trợ về các lĩnh vực y tế, nước sạch, giáo dục với ngân sách trung bình mỗi dự án khoảng 89.000 USD.

Bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hóa đã có gần 14 nghìn tu nghiệp sinh sang tu nghiệp tại các xí nghiệp của Nhật Bản, trong ngành nghề dệt, may công nghiệp, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí, chế biến, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng...

Năm 2022, khách du lịch Nhật Bản đến Thanh Hóa đạt 53 nghìn lượt, chiếm 21,6% tổng lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu du lịch đạt 17,7 triệu USD, chiếm 24,7% tổng doanh thu từ khách du lịch quốc tế.

Quan điểm của tỉnh Thanh Hóa là luôn mở cửa, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, yên tâm đầu tư lâu dài tại Thanh Hóa trên tinh thần hai bên “cùng thắng”.

Hiện nay, Thanh Hóa đang chỉ đạo Bộ phận hỗ trợ Nhật Bản mở rộng nhiều hình thức tư vấn, tiếp thị, quảng bá, hỗ trợ, cung cấp thông tin cả trực tiếp và trực tuyến để ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân Nhật Bản biết về Thanh Hóa, đến với Thanh Hóa và làm ăn lâu dài với Thanh Hóa. Đây chính là biểu hiện sinh động của đối ngoại kinh tế, ngoại giao nhân dân trong thời đại 4.0”.

Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 5

“Năm nay là một năm rất quan trọng đánh dấu mốc lịch sử kỷ niệm 50 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngày hôm nay tôi rất vui mừng khi Hội nghị kết nối Việt Nam - Nhật Bản 2023 được tổ chức tại Thanh Hóa.

Hiện nay, mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang là mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh châu Á. Mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng…

Đặc biệt, sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành quả đáng kể. Số lượng các doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản lên tới 2.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất châu Á, tăng gấp 3 lần so với 15 năm gần đây. Ngoài ra, số lượng người Việt Nam hiện đang cư trú và sinh sống tại Nhật Bản lên đến 490.000 người, đứng thứ hai trong tổng số người nước ngoài hiện đang sinh sống tại Nhật Bản. Họ cũng góp phần quan trọng rất lớn vào sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Trong lĩnh vực du lịch, việc đi lại giữa các nước bị hạn chế trong 3 năm gần đây do đại dịch Covid-19 nhưng đối với người Nhật thì Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn. Hiện nay bên phía Nhật Bản đã kiểm soát được đại dịch nên tôi hy vọng rằng hoạt động giao lưu giữa hai nước trên các lĩnh vực sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giao lưu địa phương cũng rất quan trọng. Trong đoàn giao lưu lần này có sự tham gia của các Thống đốc và Phó thống đốc các tỉnh Yamanashi, Niigata, Wakayama. Đại diện chính quyền của các tỉnh đến từ Nhật Bản cũng rất mong muốn được xúc tiến và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú như Khu di tích lịch sử Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và bãi biển Sầm Sơn kỳ thú thiên nhiên tươi đẹp. Hơn nữa tỉnh Thanh Hóa còn có khu kinh tế Nghi Sơn được trang bị hệ thống cảng biển hiện đại và nhà máy phát điện quy mô lớn. Do vậy, có thể thấy rằng tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác về mặt kinh tế, du lịch với Nhật Bản. Ngoài ra Thanh Hóa cũng là một một tỉnh được biết đến đã đưa được rất nhiều thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản làm việc”.

Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 6

“Là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Idemitsu Kosan đã tham gia hoạch định rất nhiều dự  án tại Việt Nam, trong đó có Thanh Hóa.

Tính đến thời điểm này, tập đoàn chúng tôi đã triển khai 8 dự án với tổng số nhân viên là 1.700 người, từ các dự án khai thác mỏ khí đốt khu vực phía Nam, đến các dự án kinh doanh các sản phẩm xăng dầu, chế biến và kinh doanh các sản phầm dầu nhờn, sản xuất nhiên liệu viên gỗ nén, xây dựng nhà máy phát điện năng lượng mặt trời…; trong đó, quy mô lớn nhất là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Dự án này được triển khai tại Khu kinh tế Nghi Sơn, bắt đầu vận hành thương mại từ năm 2018.

Hiện nay có khoảng 1.300 nhân viên làm việc để vận hành hệ thống này. Khi hoàn thành công trình nhà máy với quy mô lớn này, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều từ phía các cơ quan, ban, ngành của Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Thanh Hóa.

Nếu tính cả nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và nhà máy lọc dầu Dung Quất thì có thể cung cấp được khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Việc không còn phải phụ thuộc vào nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, mà thay vào đó có thể sản xuất được xăng dầu bằng công nghệ và kỹ thuật tự có là một điểm vô cùng quan trọng khi xem xét trên phương diện đảm bảo an ninh năng lượng.

Mặt khác, hiện nay toàn cầu đang phải đối mặt đối với vấn đề biến đổi khí hậu, đặt ra cho các nước phải có trách nhiệm trong việc nỗ lực phát triển xã hội không có khí thải CO2 và đảm bảo cung cấp an toàn năng lượng. Cụ thể là vừa phải giảm lượng phát thải CO2, vừa khai thác nguồn năng lượng có khả năng tái tạo và thay thế; đồng thời, chúng ta cần phải có công nghệ trong việc chứa chất thải CO2 và mở rộng diện tích bao phủ rừng...

Tập đoàn của chúng tôi đưa ra mục tiêu cho tới năm 2030 sẽ giảm 46% lượng phát thải khí CO2 so với năm 2013. Chúng tôi cũng đã công bố kế hoạch sẽ đưa các chính sách tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo và triển khai các công nghệ xử lý bể chứa dưới lòng đất... nhằm tạo ra sự cân bằng năng lượng về lượng phát thải và lượng xử lý đối với carbon trung tính.

Để đạt được mục tiêu này cần phải triển khai và khai thác một cách có hiệu quả các nguồn năng lượng hiện có và đưa công nghệ tiên tiến vào cơ sở sản xuất của các nhà máy lọc dầu, từ đó mới có thể giảm được nguyên liệu hóa thạch hướng đến nguồn năng lượng xanh”.

Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 7

“Theo Thống kê của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 10/2022, có trên 1,82 triệu người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, trong đó người lao động Việt Nam đông nhất, lên tới trên 250.000 người, chiếm 13,7%. Đa số lao động người Việt là thực tập sinh kỹ năng và đây là nguồn cung cấp quan trọng cho các ngành nghề đang thiếu hụt lao động trầm trọng của Nhật Bản.

Trong những năm qua, Thị trường Nhật Bản cùng với thị trường Hàn Quốc và Đài Loan (TQ) là các thị trường trọng điểm, truyền thống, luôn tiếp nhận lao động Việt Nam nói chung, lao động Thanh Hóa nói riêng với quy mô lớn nhất, chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thị trường Nhật Bản là một trong các thị trường được người lao động Thanh Hóa ưa thích, lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài do điều kiện làm việc tốt, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản về bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Với đặc điểm là tỉnh có dân số đông, nguồn lao động dồi dào (đứng thứ 3 cả nước về dân số, đứng thứ 5 cả nước về diện tích), Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng thực tập sinh cao nhất cả nước sang làm việc tại Nhật Bản (khoảng 14.000 người). Thực tập sinh Thanh Hóa sang Nhật Bản làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực là: sản xuất chế tạo, xây dựng, cơ khí, may mặc, điều dưỡng, hộ lý…

Lao động có trình độ tay nghề chiếm khoảng 60%; trong đó, có khoảng 5% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tham gia đi làm việc ở nước ngoài là kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên; còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề.

Thực tập sinh Thanh Hóa được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về tính cần cù, chăm chỉ, khéo léo, học hỏi và tiếp thu tay nghề nhanh.

Hàng năm, số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc tại Nhật Bản gửi về gia đình ước khoảng 20 - 30 triệu USD, tương đương 470 - 700 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình có con em đi làm việc ở Nhật Bản thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở ngoài đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức, kỷ luật, nên khi về nước có cơ hội việc làm và tự tạo việc làm tốt hơn; nhiều người lao động sau khi đi làm việc tại Nhật Bản về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại, góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với kinh nghiệm 10 năm làm việc trong lĩnh vực đào tạo và cung ứng lao động cho đối tác Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy lao động Thanh Hóa rất tiềm năng, phù hợp với nhiều ngành nghề tại Nhật Bản đang thiếu hụt.

Chúng tôi luôn duy trì và đẩy mạnh sự hợp tác với các nghiệp đoàn quản lý người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc liên kết với các trường, trung tâm dạy nghề, đặc biệt là đào tạo kỹ lưỡng trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản.

Để Nhật Bản trở thành điểm đến lý tưởng cho lao động nước ngoài, đặc biệt là các lao động tay nghề cao, Chính phủ Nhật Bản cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong thu hút lao động từ Việt Nam cũng như các nước khác, như tăng lương cơ bản, giảm thuế, tổ chức các kỳ thi đặc định tại Việt Nam”.

Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 8

VnEconomy 17/05/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2023 phát hành ngày 15-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hợp tác Thanh Hóa - Nhật Bản: Bồi đắp niềm tin, hợp tác “cùng thắng” - Ảnh 9

08:00 17/05/2023