Khánh thành Nhà máy nhiệt điện BOT gần 2,8 tỷ USD tại Thanh Hóa
Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình…
Chiều 28/8, tại Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công ty TNHH điện Nghi Sơn 2 khánh thành đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Nhà máy được khởi công tháng 7/2018 tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW. Công trình được Chính phủ giao Công ty TNHH điện Nghi Sơn 2 làm chủ đầu tư. Tổng thầu dự án là Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam.
Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do liên doanh: Tổng công ty điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao và sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau 25 năm.
Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là một trong số rất ít các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng công nghệ siêu tới hạn với hiệu suất cao, góp phần làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ than, phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác. Sau khi đi vào vận hành chính thức, nhà máy sẽ cung cấp thêm khoảng 7,8 tỷ kWh điện hằng năm lên lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu dân sinh của khoảng 6 triệu hộ gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 là kết quả của sự hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Hàn Quốc.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trân trọng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn gắn kết chặt chẽ và mang lại nhiều thành công hơn nữa. Đồng thời, hy vọng Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục quan tâm đến dự án, đẩy mạnh quan hệ hợp tác về đầu tư, thương mại với Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực hiện đại hóa ngành năng lượng.
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được, đưa nhà máy vào sản xuất kinh doanh bảo đảm an toàn, hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (Chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2), cần tiếp tục chú trọng, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công nhân viên để từng bước làm chủ thiết bị công nghệ; trong quá trình vận hành sản xuất, cần tuân thủ đầy đủ quy trình quy phạm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sản xuất, nhất là an toàn cho người công nhân cũng như kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình vận hành sản xuất kinh doanh, bảo đảm huy động cao nhất công suất của nhà máy trong việc cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm hiệu quả kinh tế chung của nền kinh tế và nhà đầu tư.
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 tiếp tục quan tâm tới đời sống, việc làm của người dân vùng dự án, đặc biệt các hộ gia đình đã bàn giao mặt bằng để triển khai đầu tư xây dựng công trình; thực hiện thật tốt chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Trong quá trình phát triển kinh tế, thực hiện chủ trương của Đảng, tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trong chiều 28/8, tại xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường Vạn Thiện - Bến En.
Tuyến đường có chiều dài khoảng 12 km, là đường cấp 3 đồng bằng, có 4 làn xe với vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư 1.181 tỷ đồng. Dự kiến sau 4 năm triển khai, dự án hoàn thành và kết nối trực tiếp với cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 45, đường nối Nghi Sơn - Sao Vàng, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các huyện Nông Cống, Như Thanh; đặc biệt là thu hút đầu tư vào du lịch Bến En.