"CGIAR là tập hợp của rất nhiều tổ chức, trong đó có những tổ chức đã hợp tác nghiên cứu khoa học với chúng tôi từ rất lâu. Đơn cử như, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã hợp tác với VAAS bắt đầu từ những năm 1970. IRRI có nguồn gen giống lúa rất lớn, trở thành đối tác để trao đổi quỹ gen. Tính đến nay, Việt Nam đã cung cấp hơn 3.900 loại lúa cho ngân hàng gen lúa quốc tế của IRRI. IRRI cũng đã cung cấp hơn 2.700 mẫu gen lúa để các viện thành viên của VAAS sử dụng làm vật liệu nghiên cứu và lai tạo giống mới. Ngoài ra, khoảng 100 dòng lúa của IRRI đã được công nhận là giống xác nhận tại Việt Nam.
IRRI đã hợp tác với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra nhiều giống lúa chịu hạn, chịu mặn. Cùng với đó là giải pháp điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, kỹ thuật canh tác cho sản xuất né hạn, né mặn. Theo dự báo về tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu và đánh giá rằng năm 2020 thiệt hại rất nghiêm trọng. Nhưng nhờ các giải pháp về mùa vụ, sử dụng giống ngắn ngày để né mặn, chúng ta ít bị thiệt hại, số liệu về sản lượng và năng suất thực tế cao hơn rất nhiều so với dự báo của quốc tế. Đấy là minh chứng cho kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp giữa VAAS và các viện thuộc CGIAR.
IRRI cũng hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ chuyển đổi ngành lúa gạo trở nên bền vững. Bằng những công cụ thân thiện với người dùng để tính toán phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo, cho phép tùy chỉnh các gói canh tác khác nhau cho các mùa vụ khác nhau và tính toán dấu chân carbon cho toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và bao gồm thất thoát. Một trong những sản phẩm khoa học rất tiêu biểu từ hợp tác này có tính ứng dụng rất tốt là hệ thống bản đồ thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
CGIAR cũng giúp đào tạo cho các viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở Việt Nam về kỹ năng nghiên cứu, những kỹ thuật về lai tạo giống lúa, về phương pháp đo đếm phát thải khí nhà kính, thiết lập bản đồ viễn thám… Trong lai giống, những công nghệ sinh học được các thành viên và đối tác của CGIAR chuyển giao đã hỗ trợ cho công tác chọn tạo, lai giống để rút ngắn thời gian cho ra giống mới"
"Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, nghiên cứu chăn nuôi của chúng tôi đã tiếp cận trực tiếp 5.000 tác nhân trong chuỗi giá trị quy mô vừa và nhỏ, gián tiếp 100.000 người thuộc các nhóm khác nhau: nông dân, cơ sở giết mổ, người bán lẻ, chính quyền địa phương và cộng đồng.
Trong hợp phần về sức khỏe vật nuôi, ILRI và các đối tác nghiên cứu hai bệnh quan trọng ở lợn là bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) và bệnh tai xanh. Dịch tả lợn châu Phi đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị lợn, làm giảm 20% tổng đàn lợn của Việt Nam vào năm 2020. ILRI phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ, đường lây truyền của ASF và xây dựng các kịch bản để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.
Một hoạt động khác là dự án Li Chăn (trong tiếng Thái Nghĩa là tốt đẹp, một dự án do nhiều trung tâm thuộc CGIAR cùng triển khai, tại nhiều quốc gia khác nhau). Tại Việt Nam, Dự án Li-chăn đã giúp chuyển đổi hệ thống (sinh kế, môi trường, công bằng và tiếp cận thị trường) để trao quyền cho các cộng đồng nông dân vùng cao thông qua các biện pháp can thiệp tổng hợp dựa vào chăn nuôi ở Tây Bắc.
ILRI tại Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào Đối tác Một sức khỏe Việt Nam (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì). Các nghiên cứu về an toàn thực phẩm của ILRI tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc động vật, chủ yếu là thịt lợn, đóng góp tới 60% lượng protein có nguồn gốc động vật. Nghiên cứu về an toàn thực phẩm của ILRI do Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và BMZ Đức tài trợ đã được thực hiện tại Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Nghệ An. Trong khi các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào sự hiện diện của các mối nguy (ví dụ như Salmonella), lần đầu tiên các nghiên cứu của chúng tôi ước tính gánh nặng bệnh tật do bệnh sinh ra từ thực phẩm (Salmonella trong thịt lợn) cũng như chi phí nằm viện liên quan, khoảng 200 triệu USD/năm. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, ILRI và các đối tác đã phát triển và thử nghiệm các biện pháp can thiệp chi phí thấp thành công tại cơ sở giết mổ và bán lẻ. Can thiệp bao gồm cung cấp thiết bị nhỏ, tập huấn nâng cao năng lực đi kèm với các biện pháp khuyến khích. Các hoạt động này sẽ bổ sung và hỗ trợ các luật về an toàn thực phẩm, thú y và chăn nuôi hiện hành ở Việt Nam nhằm thực hiện và giúp các bên tham gia chuỗi giá trị chăn nuôi tuân thủ tốt hơn. Chúng tôi cũng thực hiện nghiên cứu về các bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh dại, bệnh giun xoắn, bệnh sán dây lợn hay các bệnh do muỗi truyền, và nghiên cứu về kháng kháng sinh trong chăn nuôi".
"Trong gần 30 năm qua, CIAT đã thực hiện các nghiên cứu thích ứng nhằm cung cấp giải pháp cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ ở Đông Nam Á. Chăn nuôi bò sữa và bò thịt ở Việt Nam đang có nhiều dư địa phát triển, bởi nguồn cung còn quá thấp so với nhu cầu. Tuy nhiên, trở ngại cho chăn nuôi bò chính ở Việt Nam chính là thiếu thức ăn thô xanh. Những năm qua, các giống cỏ dùng làm thức ăn gia súc được sản xuất, giới thiệu bởi các chương trình nhân giống cây trồng của CIAT, thích nghi tốt với đất nghèo dinh dưỡng, trong điều kiện khô hạn kéo dài, cung cấp nhiều dưỡng chất và cho năng suất cao. Đến nay, hơn 500 loài cây làm thức ăn thô xanh đã được kiểm chứng được đông đảo nông dân nhân rộng trồng cấy. Các chương trình khuyến nông của Chính phủ cũng đã đưa những loại cỏ này vào kế hoạch tiếp tục nghiên cứu và phổ biến kết quả ở cấp quốc gia. Điều này có nghĩa là so với đồng cỏ tự nhiên, các loại thức ăn này sẽ giúp người nông dân cải thiện chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng và duy trì ổn định lượng thức ăn quanh năm cho chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu… Ngoài ra, các loài cây thức ăn thô xanh này đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển sinh thái học nông nghiệp thông qua việc cải thiện các đặc tính của đất và bảo tồn đất, cải thiện khả năng tái chế dưỡng chất trong đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đóng góp vào chiến lược giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học".
"ACIAR đã duy trì hợp tác nghiên cứu với Việt Nam trong 28 năm qua. Chúng tôi đã đầu tư 126 triệu đôla Australia (AUD) thông qua hơn 200 dự án tại Việt Nam. ACIAR và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã xây dựng chiến lược hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Australia giai đoạn 2017-2027. Giờ đây, đã không còn là quan hệ giữa nhà tài trợ và bên nhận tài trợ, mà chúng tôi đã phát triển thành mối quan hệ đối tác, đồng đầu tư, và trong giai đoạn tiếp theo có thể phát triển thành hợp tác ba bên. Bản chiến lược 10 năm đã khẳng định mong muốn của cả hai bên sẽ đồng tài trợ 75% tổng số dự án và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân để tạo cơ hội cho người dân nghèo ở khu vực nông thôn và thành thị thông qua các hệ thống kinh doanh nông nghiệp công bằng và có sự tham gia.
Về mối quan hệ hợp tác với CGIAR, tại Việt Nam từ 2016 - 2021, ACIAR đã đầu tư vào 14 dự án nghiên cứu do các trung tâm của CGIAR chủ trì thực hiện, với tổng giá trị gần 18 triệu AUD. Chúng tôi tính toán trong 5 thập kỷ qua, bình quân mỗi đồng đôla đầu tư cho CGIAR đã tạo ra các lợi ích trị giá cho nông dân trên toàn cầu cao gấp 10 lần. Nhiều trung tâm nghiên cứu CGIAR là đối tác lâu dài và hiệu quả của ACIAR tại Việt Nam".
"Tại Việt Nam, FAO đã và đang tập trung vào bốn lĩnh vực chính nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo. Một là, tăng cường an ninh lương thực tập trung vào xóa đói, suy dinh dưỡng và các mối quan tâm về an toàn thực phẩm. Hai là, phát triển bền vững các ngành nông nghiệp (bao gồm cả nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp), đóng góp vào tăng trưởng xanh quốc gia và các chiến lược khác về cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Ba là, phát triển nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bốn là, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước các thiên tai và các mối đe dọa.
Hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2026, người dân ở Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ thoát nghèo tốt hơn ở mọi khía cạnh và sẽ được trao quyền để vươn lên, phát huy các tiềm năng của mình.
Là một phần của hệ thống Liên hợp quốc, FAO sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện cách tiếp cận Một sức khỏe để cải thiện việc kiểm soát và ngăn ngừa các bệnh lây truyền từ động vật sang người, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giảm tình trạng kháng thuốc kháng sinh, cải thiện an toàn thực phẩm và nguy cơ đại dịch. Hỗ trợ các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng phục hồi và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cùng với đó là chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng sản xuất và tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững, nhằm nâng cao khả năng chi trả và khả năng tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người".
"WB đã làm việc với nhiều trung tâm CGIAR, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI). Thông qua hợp tác với IRRI, chúng tôi đã phối hợp thúc đẩy các thực hành sản xuất lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VNSAT). IRRI đã và đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp nông dân áp dụng sản xuất lúa gạo bền vững.
Qua hợp tác với ILRI, chúng tôi đã gặt hái được nhiều hiểu biết kỹ thuật trong quản lý chăn nuôi cũng như an toàn thực phẩm, qua đó giúp chúng tôi thiết kế dự án Năng lực cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm, thực hiện từ năm 2009 đến năm 2019.
Thế mạnh rõ nét của các trung tâm CGIAR là kỹ thuật chuyên sâu về các vấn đề phát triển thông qua các chương trình nghiên cứu kỹ chất lượng cao. Tại Việt Nam, các thiết kế kỹ thuật cho hai dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do WB tài trợ mà tôi đã đề cập trước đó đã được hưởng lợi một phần từ những hiểu biết và hướng dẫn kỹ thuật do ILRI và IRRI cung cấp. Thông qua các nghiên cứu, các tổ chức này đã cung cấp bằng chứng và phân tích khoa học cho những cải cách chính sách quan trọng thúc đẩy thực hành sản xuất lúa gạo và quản lý chăn nuôi bền vững".
VnEconomy 06/12/2021 14:05
14:05 06/12/2021