"Áp lực lạm phát dâng cao từ những yếu tố liên quan đến chi phí đẩy là một trong những vấn đề được dự báo ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Như thường lệ, trong quý 1, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào dịp Tết, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu thường nhích tăng nên CPI quý 1 thường rất cao.
Cũng trong quý 1, những yếu tố khó lường như chiến sự Nga - Ukraine và tiếp sau đó, chính sách trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga gây thêm sức ép cho công tác quản lý giá. Tuy nhiên, theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, CPI quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công.
Hiện công tác quản lý giá vẫn đang nằm trong kịch bản và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm vẫn chịu rất nhiều yếu tố khó lường nên không được lơ là, chủ quan. Chúng tôi cho rằng chi phí đẩy hiện là thách thức lớn nhất và phải kiểm soát được vấn đề này thì lạm phát cơ bản sẽ đạt được mục tiêu.
Chi phí sản xuất tăng cao dẫn đến áp lực tăng giá hàng loạt hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trong nước có thể dễ dàng nhận thấy. Vòng xoáy lạm phát thứ nhất, thứ hai bắt đầu lan dần. Trong đó, theo đánh giá, đến thời điểm hiện nay, yếu tố khó lường nhất vẫn giá xăng dầu. Đây là yếu tố quyết định đến việc thực thi thành công các kịch bản điều hành giá.
Với kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, Cục Quản lý giá vẫn thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời để phân tích, đánh giá nguyên nhân, đưa ra những dự báo và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ đó, điều chỉnh linh hoạt các kịch bản điều hành và những giải pháp thực thi hiệu quả, hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, phải nhanh chóng kiểm soát được yếu tố lạm phát kỳ vọng. Yếu tố này tác động rất mạnh lên mặt bằng chung, tâm lý chung của thị trường. Nếu có thể kiểm soát được điều này sẽ là một thành công rất lớn.
Thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ ngành cũng rất tăng cường công tác cung cấp thông tin, tăng cường trao đổi, tham gia các diễn đàn trao đổi để cung cấp các thông tin đầy đủ kịp thời và trung thực nhất, nắm được diễn biến và nguyên nhân, để từ đó sẽ hạn chế được yếu tố lạm phát kỳ vọng".
"Chúng tôi nhận thức rất rõ vai trò của lực lượng quản lý thị trường trong việc tham gia bình ổn thị trường cũng như kiềm chế các hành vi vi phạm pháp luật trong đầu cơ, tàng trữ, găm hàng dẫn đến việc tăng giá bất hợp lý của các tổ chức, cá nhân.
Với xăng dầu, chúng tôi đã tăng cường giám sát 16.800 cây xăng. Trong quá trình kiểm tra xử lý, ngoài vi phạm về điều kiện kinh doanh như phòng chống cháy nổ, kiểm định cây xăng thì các hành vi chủ yếu thời gian qua là các cửa hàng lợi dụng giờ cao điểm, quản lý thị trường lỏng lẻo để bơm chồng số, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng dù vẫn có hàng, cố tình găm lại để đợi giá cả lên để bán ra, hoặc che bảng, thông báo cột bơm hỏng, tìm mọi cách để không bán hàng trong những thời điểm Chính phủ điều chỉnh giá.
Ngoài ra, một số đối tượng tìm các sản phẩm xăng dầu kém chất lượng bán hàng ra để thu lợi bất chính. Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã kiểm tra trên 150 vụ xử lý khoảng 50 vụ với số tiền trên 2,5 tỷ đồng.
Bên cạnh xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu khác cũng được tăng cường kiểm tra. Chúng tôi đã phối hợp với Tổng cục Hải quan trong việc xác định nguyên liệu đầu vào cũng như nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa khi xuất sang các nước có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài chính trong xác định giá, đặc biệt đẩy mạnh kiểm tra bán hàng có niêm yết giá
Để kiểm soát giá hàng hóa, tránh hành vi té nước theo mưa, tôi nghĩ có 5 hướng.
Thứ nhất, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo nguyên vật liệu cho các đơn vị sản xuất.
Thứ hai, nắm bắt được tình hình thị trường, trên cơ sở thực tế đó xây dựng chính sách quản lý điều hành về giá để tham mưu cho Chính phủ có những quyết định tốt nhất để ổn định giá cả.
Thứ ba, ý thức của người tiêu dùng trong vấn đề ứng phó với giá cả, lạm phát cần được chuyển biến, lựa chọn những sản phẩm phù hợp, đang sẵn có thay vì tìm các sản phẩm nhập khẩu…
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất là trong lĩnh vực quản lý giá, làm sao để tất cả nơi sản xuất kinh doanh được niêm yết giá, loại trừ những tổ chức cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá, đầu cơ, găm hàng tích trữ hàng dẫn đến khủng hoảng hàng cho người dân.
Thứ năm, tuyên truyền, các cơ quan chức năng phải cho người dân thấy các thông tin chính xác, kịp thời về chính sách của Nhà nước trong việc bình ổn thị trường kiềm chế lạm phát".
"Trong 3 năm qua, nhiều nước trên thế giới đã tung ra các gói kích thích kinh tế rất lớn, chưa từng thấy trong lịch sử. Điều này sớm muộn cũng ảnh hưởng tới lạm phát trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kích hoạt các biện pháp trừng phạt rất mạnh của Mỹ và châu Âu, gây tác động nghiêm trọng tới thị trường năng lượng.
Mỹ lại gặp khó khăn lớn do tác động của diễn biến hạn hán kéo dài, đẩy giá lương thực lên cao.
Tổng hợp cả ba yếu tố này, giá nhiên liệu trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng khoảng 55-58%, giá lương thực và thực phẩm tăng 24%, các vật liệu xây dựng cơ bản cũng tăng thêm trên dưới 17-35%...
Việt Nam cũng bị kéo vào vòng xoáy tăng giá này. Chúng tôi đã chạy một chương trình thường xuyên để đánh giá tác động của giá xăng dầu đến lạm phát tại Việt Nam. Theo đó, nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì lạm phát tăng thêm 0,48%, nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm xấp xỉ 1%.
Đấy chỉ là riêng yếu tố xăng dầu. Nếu cộng thêm tác động khác về giá vật liệu cơ bản, lương thực, thực phẩm, chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8-3,9%.
Điều đáng nói hơn nữa, tâm lý lạm phát đang bị kích hoạt lên khá mạnh trong dân chúng. Thực ra, những người đi chợ nắm khá rõ, nhưng những người không đi chợ lại bị kích hoạt tâm lý mạnh hơn. Họ nghĩ rằng hiện nay cái gì cũng tăng giá và tăng ghê gớm. Chỉ từ giá xăng dầu tăng kéo theo một loạt thứ mà trong đó tổn thương thực thể chưa chắc đã lớn bằng tổn thương tâm lý. Đây là điều mà Việt Nam cần chú ý trong công tác điều hành cũng như công tác truyền thông".
"CPI quý 1/2022 tăng 1,92% so với năm ngoái, đây là mức tăng cao nhưng mức này vẫn trong tầm kiểm soát. Đồng thời, tuy cao hơn mức tăng 0,29% của năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của các năm từ 2017-2020.
Điều đáng nói, số liệu trên diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải chịu bão giá xăng dầu. Một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ tháng 2 vừa qua chỉ số giá tăng 7,9%, Anh 6,22%, Đức 5,1%, Ý 5,7%. Qua đó có thể thấy, chỉ số giá tiêu dùng vẫn được kiểm soát tốt trong vòng xoáy giá vừa qua.
Về CPI thời gian tới, qua theo dõi, chúng tôi thấy một số vấn đề.
Thứ nhất, nguy cơ giảm tái đàn lợn, do giá thị lợn đang giảm mạnh.
Thứ hai, Việt Nam đang trở lại trạng thái bình thường mới, học sinh quay lại học tập, sản xuất kinh doanh mở lại sẽ tăng mức tiêu thụ lương thực thực phẩm, nhóm này do đó cũng sẽ tác động lên giá tiêu dùng nhiều vì nhóm hàng ăn chiếm đến 33,36%. Tôi đánh giá đây là nguy cơ tác động đến tăng giá tiêu dùng lớn nhất trong thời gian tới.
Thứ ba, giá sản xuất hàng hóa chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng từ quý 2-3 năm ngoái nhưng giá sản xuất hàng hóa chúng ta chưa tăng do cầu yếu. Đây cũng là áp lực tăng giá trong những tháng tiếp theo mà đặc thù nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn mà nguồn cung thế giới đứt gãy nên giá nguyên vật liệu tăng cao.
Thứ tư, giá xăng dầu sẽ phụ thuộc rất lớn vào cuộc chiến Nga- Ukraine. Mà cuộc chiến này lại không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai. Thậm chí, dù chấm dứt thì giá xăng dầu bình quân 2022 vẫn cao hơn 2021, xăng dầu tác động tất cả các chi phí đầu vào của kinh tế.
Từ những nguyên nhân này, chỉ số giá CPI năm 2022 sẽ có xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo, mức độ tăng phụ thuộc vào giá thế giới cũng như mức độ điều hành của Chính phủ.
Tôi nghĩ, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn có thể đạt được, nhưng khẳng định là công việc vô cùng khó. Mong rằng Chính phủ cũng như đơn vị chức năng ngân hàng nhà nước linh hoạt, với kinh nghiệm những năm trước, cần có quyết tâm lớn thì mới đạt được mục tiêu.
"Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước rất lưu ý trong việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu tiền tệ để giữ ổn định lạm phát không chỉ năm nay mà còn có thể kiểm soát được cả những năm tiếp theo.
Cụ thể, về tín dụng, cách đây hơn chục năm thì tốc độ tăng trưởng cao, nhưng gần đây đã được siết lại, trong đó, Ngân hàng Nhà nước luôn điều hành dẫn vốn đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…
Về thanh khoản, chúng tôi duy trì thanh khoản ổn định, nhưng cũng đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Để một mặt hỗ trợ được thị trường ngoại hối và tỷ giá, mặt khác cũng hỗ trợ việc giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cùng với Vụ Chính sách tiền tệ điều hành để ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá cũng có vai trò rất quan trọng, nó hạn chế sức ảnh hưởng tiêu cực từ việc hàng hoá thế giới tăng.
Với việc điều hành đồng bộ, có thể thấy diễn biến lạm phát thời gian qua đã được kiểm soát theo mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI chúng tôi đánh giá đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra của Chính phủ. Để giảm áp lực lạm phát từ cung tiền nhưng vẫn có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19, thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ giữ quan điểm dẫn dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vẫn tiếp tục giữ lãi suất phù hợp".
"Thông thường, lạm phát luôn tác động nhiều vòng đến nền kinh tế, có vòng 1, vòng 2, vòng 3 và nhiều hơn nữa. Trong khi đó, vấn đề năng lượng Việt Nam rất khó có thể kiểm soát được do vẫn phải phụ thuộc một phần vào thị trường quốc tế, thậm chí kịch bản xấu về năng lượng cũng không thể dự báo chính xác. Vì vậy, ảnh hưởng của các vòng sẽ bị đan xen, tác động kép lẫn nhau.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, giá xăng dầu ảnh hưởng rất mạnh tới một số mặt hàng của Việt Nam. Ví dụ xăng dầu chiếm 58,5% giá thành của các ngành luyện kim, phân bón, thép; 36,73% của thuỷ sản; 63,36% của vận tải.
Ngoài giá xăng dầu, vẫn còn một vấn đề phải tính đến nữa là việc Trung Quốc đang theo đuổi chính sách Zero Covid-19, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu. Thực tế ở Tp.HCM, nguồn cung của thị trường rất căng và giá thì khó đoán.
Từ các diễn biến trên, chúng tôi đưa ra kịch bản mô phỏng là: Nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân cả năm vẫn có thể ở mức 4%. Nhưng tính theo tháng và so với cùng kỳ, lạm phát sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8 và tháng 9, thậm chí cuối năm có thể lên trên 7%. Khi đó, nó sẽ gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực cho việc điều hành, kiểm soát lạm phát của năm 2023.
Do đó, việc đặt ra các mục tiêu là rất quan trọng để đảm bảo tính ổn định, minh bạch trong thông tin. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo tính linh hoạt với thị trường.
Tóm lại, với phần cấu phần giá năng lượng không thể lường trước, cùng một số yếu tố nguy cơ đang tiềm ẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới lạm phát, Việt Nam nên điều chỉnh phù hợp hơn, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đã quá cũ. Như vậy sẽ giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, đồng thời thể hiện tính linh hoạt và thị trường".
"Đối với sản xuất nông nghiệp, chi phí cho phân bón chiếm tỷ lệ vô cùng lớn, khoảng 40-45% giá trị đầu vào. Do đó, nếu giá phân bón tăng cao thì chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, và cuối cùng ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Hai năm trở lại đây giá vật tư sản xuất phân bón đã tăng “dựng đứng”. Cụ thể, do giá xăng dầu và các nguyên liệu hoá chất khác phục vụ sản xuất tăng khiến giá phân bón cứ đi lên mãi. Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine làm nguồn cung Kali khan hiếm. Giá mặt hàng này tăng lên hơn 100%.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều tàu chở Kali chưa cập bến tại Việt Nam mà hàng hoá trên đó đã được đặt hàng hết với giá rất cao.
Đó là những nguyên nhân dẫn đến giá thành sản xuất phân bón, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp đều tăng cao. Ngoài ra, chi phí logistics cũng tăng rất cao vì liên quan đến xăng dầu.
Với diễn biến như hiện nay, tôi tin rằng giá cả vật tư nông nghiệp sẽ đứng yên hoặc tăng tiếp.
Do đó, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm sao Chính phủ quản lý được giá cả và kiểm soát được nó cả về chất lượng lẫn số lượng, để đảm bảo chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp ổn định".
VnEconomy 08/04/2022 07:00
07:00 08/04/2022