Trước sự tàn phá của “bão” Covid-19, tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm sâu ở mức âm 6,02%. Tuy nhiên, tăng trưởng quý 4/2021 đã bật tăng và kéo tăng trưởng cả năm lên 2,58%? Theo bà, đâu là những nguyên nhân giúp nền kinh tế phục hồi trở lại?
Năm 2021 là một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam. Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an sinh của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong ban hành những quyết sách kịp thời phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các hoạt động kinh tế dần trở về trạng thái “bình thường mới”, hành lang lưu thông giữa các tỉnh, thành phố đã cởi mở hơn.
Nhờ đó, nền kinh tế đã khởi sắc trở lại với mức tăng trưởng GDP quý 4/2021 phục hồi mạnh mẽ ở mức 5,22%, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP chung của năm 2021 đạt 2,58%.
Năm 2021, tăng trưởng GDP đã đi theo hình chữ V sau 2 quý tăng trưởng cao, 1 quý “rơi” thẳng đứng xuống mức âm 6,02% rồi bật tăng lên 5,22%. Đâu là những điểm tựa của nền kinh tế, thưa bà?
2,58% là mức tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn khi các nguồn lực phải ưu tiên cho phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, một số ngành, lĩnh vực có sự phục hồi và phát triển tốt đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng khi nền kinh tế gặp khó khăn. Ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn có đóng góp lớn cho xuất khẩu.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng kinh tế khi quý 4/2021 tăng 7,96% và cả năm tăng 6,37%. Ngành thông tin, truyền thông đang thực hiện cơ cấu lại nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nên tăng trưởng khá với tốc độ tăng quý 4/2021 đạt 8,09% và cả năm đạt gần 5,97%.
Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng lần lượt là 11,23% và 9,42%. Đặc biệt, dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đóng góp lớn cho tăng trưởng của quý 4/2021 và cả năm với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 92,66% và 42,75%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước và cũng là mức kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD, kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.
Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Nhiều ý kiến cho rằng kết quả tích cực trên có sự đóng góp rất lớn từ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 gây rất nhiều hệ lụy cho người dân và nền kinh tế. Bà nghĩ sao về điều này?
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động một cách kịp thời, đúng lúc.
Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ của các chính sách không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các giải pháp hỗ trợ không chỉ mang tính cấp thiết trong hiện tại, mà còn giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Bên cạnh những điểm tựa như bà nêu trên, năm 2021 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của ngành dịch vụ. Theo bà, triển vọng của ngành này trong năm tới sẽ như thế nào?
Giai đoạn 2016-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn đạt mức tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên năm 2020 chỉ đạt 0,73% và năm 2021 tiếp tục lùi sâu với mức tăng trưởng âm 3,76%.
Chịu tác động nặng nề nhất trong năm 2021 là du lịch lữ hành với mức tăng trưởng âm 59,9% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 157,3 nghìn lượt khách, bằng 4,1% so với cùng kỳ; sau đó là dịch vụ lưu trú, ăn uống với mức tăng trưởng âm 19,3%, doanh thu dịch vụ khác giảm 16,8% và doanh thu bán lẻ hàng hóa đứng thứ tư với mức tăng chỉ 0,15%.
Tuy nhiên, trong năm 2022, ngành dịch vụ sẽ có sự chuyển biến tích cực.
Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, tuy nhiên, với cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương đều thực hiện khoanh vùng nhỏ nhất, xử lý triệt để các ổ dịch; đồng thời, tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam đã đạt ở mức cao, do vậy hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ chắc chắn sẽ có mức tăng trưởng khá so với năm 2021.
Thứ hai, từ ngày 01/01/2022, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại và mở thêm, khách quốc tế có cơ hội đến Việt Nam và người Việt Nam có thể đi du lịch nước ngoài. Đây là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển. Đồng thời với việc mở rộng các hình thức vận chuyển (đường bộ và đường sắt), kết nối với thương mại quốc tế sẽ linh động hơn đối với cả hàng hóa và hành khách, ngành vận tải của Việt Nam cũng sẽ có kỳ vọng tăng trưởng cao trở lại.
Thứ ba, dự kiến trong năm 2022 sẽ có thuốc điều trị Covid-19. Đây chính là động lực lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam phục hồi trở lại sau đại dịch.
Năm 2022 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với Việt Nam khi tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo thấp hơn năm 2021, sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, sức ép lạm phát tăng cao. Vậy chúng ta cần phải làm gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 mà Quốc hội đã thông qua, thưa bà?
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6-6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội là thách thức rất lớn trong bối cảnh nước ta chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay. Năm 2022, các ngành dịch vụ thị trường chưa thể khôi phục hoàn toàn nhưng sẽ khả quan hơn năm 2021 nhờ việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới.
Do vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể dựa vào các động lực như nền kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được từ việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và cải thiện nhờ vào lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản ổn định, tạo tiền đề điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả hơn.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch với các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp, người dân được tiếp cận nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất giúp tăng trưởng kinh tế.
Cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 mũi tương đối cao, người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn.
Cùng với đó, những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn. Xu hướng phát triển và mở rộng đầu tư vào các ngành dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao sẽ nâng mức đóng góp của ngành y tế, giáo dục và ngành dịch vụ thị trường trong tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, tạo ra các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh mới tích hợp công nghệ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn.
Vậy, những rủi ro đặc biệt là rủi ro lạm phát mà Việt Nam phải đối mặt thì sao, thưa bà?
Năm 2022, chúng tôi đánh giá áp lực lạm phát là rất lớn. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong năm 2022, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên; lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như: xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.
Bên cạnh đó, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng. Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022…
Theo bà, chúng ta nên làm gì để có thể kiểm soát lạm phát trong bối cảnh này?
Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, chúng tôi đề xuất một số giải pháp.
Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.
Cùng với đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.
Chính phủ cần nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác với Chính phủ các nước giàu tài nguyên; hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.
VnEconomy 06/01/2022 18:00
18:00 06/01/2022