Tại tỉnh Bắc Kạn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Hồng Việt cho biết, để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, Trung tâm thực hiện đa dạng hóa các kênh thông tin, lên phương án tổ chức phiên giao dịch bằng hình thức trực tuyến trên fanpage, phỏng vấn online. Đồng thời, Trung tâm cũng thiết lập đường dây tư vấn, giới thiệu việc làm qua website, cập nhật liên tục các vị trí việc làm trống để người lao động lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Thống kê từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm tại bộ phận một cửa và hai điểm văn phòng huyện Chợ Đồn và huyện Ba Bể cho hơn 2.400 người. Vào thứ 4 hằng tuần, Trung tâm tổ chức tư vấn trực tuyến với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh và thông tin qua mạng xã hội facebook, zalo… Đồng thời, phối hợp các doanh nghiệp tìm hiểu, mở rộng thị trường ở các tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lớn và đi xuất khẩu lao động.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn sẽ tiếp tục đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm; phấn đấu đến cuối năm đạt mục tiêu 500 người có việc làm mới. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tại Ninh Bình, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã kết nối với các doanh nghiệp tuyển dụng hàng nghìn vị trí việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình thông tin, trong 6 tháng đầu năm, để hạn chế tập trung đông người do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm hướng dẫn tra cứu, tìm kiếm thông tin thị trường lao động thông qua trang web và điện thoại.
Ngoài ra, bằng việc đa dạng hóa các hình thức thông tin như: bản tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của tỉnh, hệ thống đài truyền thanh các cấp; phát tờ rơi tuyển dụng lao động...,Trung tâm đã đưa thông tin về thị trường lao động đến gần với người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ trực tiếp và ký hợp đồng tuyển dụng.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn các chương trình thuộc Đề án xuất khẩu lao động cho đối tượng là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Kết quả đã tư vấn được trên 1.600 người lao động, trong đó bộ đội xuất ngũ hơn 1.200 người. Mặc dù từ đầu năm tới nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thống kê của Trung tâm trong 6 tháng đầu năm, có 171 lượt doanh nghiệp đăng ký gần 53.000 chỉ tiêu tuyển dụng.
Song song với hỗ trợ kết nối thông tin thị trường lao động, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng thực hiện linh hoạt chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Hồng Việt cho biết, do đặc thù còn ít nhà máy, xí nghiệp, nên nhiều lao động của tỉnh đã đi lao động ngoại tỉnh, chủ yếu ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên…Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.500 lao động rơi vào cảnh thất nghiệp.
Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đến nay, đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 2.000 người.
Tương tự, tại tỉnh Ninh Bình, bên cạnh tư vấn việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đồng thời triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người lao động giải quyết bảo hiểm thất nghiệp. Thống kê của Trung tâm trong 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận trên 2.400 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, đã có hơn 2.000 người đủ điều kiện có quyết định hưởng. Ngoài ra, Trung tâm cũng tư vấn cho người lao động thất nghiệp học nghề chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động.
Lãnh đạo Trung tâm thông tin, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường lao động, thường xuyên cập nhật biến động lao động tại các doanh nghiệp. Với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bên cạnh giải quyết chế độ, Trung tâm sẽ liên kết với cơ sở dạy nghề trên địa bàn để tư vấn tuyển sinh các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu, giúp người lao động thất nghiệp được học nghề chuyển đổi việc làm.
Tại tỉnh Bắc Giang, nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid–19, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang đã sắp xếp, bố trí nhân viên trực trả lời điện thoại và tiếp nhận hồ sơ người lao động gửi đến qua đường bưu điện.
Thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều biện pháp như: tạm dừng giao dịch trực tiếp về việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; thiết lập đường dây nóng với các số điện thoại hỗ trợ, hướng dẫn người lao động và phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện chuyển phát nhanh, đảm bảo các hồ sơ, thủ tục hành chính về bảo hiểm thất nghiệp.
Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung tâm đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm, nhất là hoạt động hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Trước đó, cuối tháng 7 thực hiện chỉ thị của TP. Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn để phòng chống dịch, Trung tâm đã tạm dừng các giao dịch trực tiếp tại trụ sở chính, các cơ sở và các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh và chuyển sang giao dịch trực tuyến.
Dù vậy, chỉ tính riêng trong tháng 8, Trung tâm Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tư vấn và cung cấp thông tin thị trường lao động cho 6.845 lượt người lao động. Có 1.763 lao động được phỏng vấn kết nối việc làm; 682 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng.
Để thích ứng trước các diễn biến của dịch bệnh, ông Vũ Quang Thành cho biết, trung tâm sẽ triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp, sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục thực hiện công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung-cầu. Đồng thời tổng hợp dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối online cho doanh nghiệp và người lao động qua facebook, zalo…
16:09 21/09/2021