Đại dịch Covid đã tác động nặng nề đến các ngành, lĩnh vực, đến các doanh nghiệp, trong đó có startup. Ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như hoạt động đầu tư cho startup thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Covid?
Có thể xem dịch Covid-19 như một cú hích cho nền kinh tế nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số để hiện đại hơn, nhanh gọn hơn, thân thiện hơn, bỏ bớt các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí vận hành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo toàn diện mọi ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Đại dịch cũng là cơ hội để các chủ thể trong hệ sinh thái nhận thấy tầm quan trọng của việc “mở” trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, trong liên kết hợp tác và “mở” trong tư duy, cách tiếp cận vấn đề. Tôi cho rằng chỉ khi liên kết, cộng tác với nhau, hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cho nhau thì các startup - trung tâm của hệ sinh thái - mới có thể nhanh chóng phát triển, trở thành các doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiến gần hơn với các cường quốc về khởi nghiệp.
Bối cảnh mới làm phát sinh những nhu cầu mới, những thị trường mới, nếu đủ nhanh nhạy và tỉnh táo thì các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tận dụng để khai thác và phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mới mà trên hết là một tư duy mới, triết lý mới cho sự phát triển.
Theo tôi, các lĩnh vực hỗ trợ làm việc từ xa, giảm thiểu các công đoạn trung gian, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, giáo dục, y tế, thanh toán trực tuyến… sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Kết nối đầu tư là một hoạt động quan trọng hàng đầu của TECHFEST Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các startup và giới đầu tư khởi nghiệp. Điểm nhấn hoạt động kết nối đầu tư của TECHFEST năm này có gì khác biệt, thưa ông?
Năm nay, hoạt động kết nối đầu tư hoàn toàn trực tuyến, kết nối 1-1 giữa nhà đầu tư và startup trên một số nền tảng như Zoom, TECHFEST 247... Đặc biệt, có một số hình thức thức kết nối đầu tư mới mở ra: Live pitching giữa nhóm startup tiêu biểu ở các lĩnh vực với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẽ cam kết đầu tư ngay tại sự kiện.
Điển hình trong khuôn khổ TECHFEST Việt Nam 2021 diễn ra Chương trình TECHFEST Connect 2021- Live Pitching dành cho 5 nhóm startup giải nhất và nhì của cuộc thi “Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp sáng tạo Edtech 2021” ngày 8/11/2021 và sự kiện Startup Pitching- Startup matching trong lĩnh vực smartcity ngày 6/11/2021.
Ngoài ra, nền tảng Adapter.vn cũng chính thức được sử dụng cho hoạt động kết nối đầu tư với các công cụ kết nối và hỗ trợ startup, nhà đầu tư và đơn vị khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Ông kỳ vọng gì về hoạt động kết nối tại TECHFEST năm nay khi thực hiện hoàn toàn online? Tham gia kết nối, các startup sẽ có được những lợi ích, hỗ trợ gì ngoài vốn? Ông đánh giá thế nào về vai trò của những vườn ươm, mentor, nhóm huấn luyện… để hỗ trợ các startup phát triển thành công không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế?
Tôi cho rằng kết nối đầu tư online giúp kết nối không khoảng cách. Đây là giải pháp ứng phó trước dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và kết nối của doanh nghiệp, tránh tiếp xúc trực tiếp.
Đến nay, đã có hơn 200 startup và gần 60 nhà đầu tư gồm các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước tham gia kết nối.
Đối với các startup khi tham gia kết nối đầu tư sẽ được hướng dẫn bởi nhiều mentor là lãnh đạo, quản lý cấp cao (là những mentor có kinh nghiệm) ở nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước.
Với các vườn ươm, mentor, nhóm hỗ trợ huấn luyện là chuyên gia hệ sinh thái, tôi cho rằng sự đồng hành của họ thể hiện nỗ lực truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, chung tay cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ trực tiếp cho startup bằng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng.
Những startup tham gia kết nối và nhận được hỗ trợ từ những kỳ TECHFEST năm trước hiện nay đang phát triển như thế nào, thưa ông?
Thực tế đến nay đã có nhiều startup “trưởng thành” từ TECHFEST Vietnam. Điển hình trong số đó phải kể đến Gostream, quán quân TECHFEST 2020, đã gọi vốn triệu USD từ VinaCapital Ventures; Zone startup Việt Nam vào đầu năm 2021.
Hoặc như Multiglass- quán quân TECHFEST 2019- đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên đến từ các nhà đầu tư thiên thần vào tháng 4/2021. Bên cạnh đó, startup này đã gặt hái thành công tại các cuộc thi khởi nghiệp trong nước và quốc tế, trở thành đại diện Việt Nam tham gia startup World Cup tại San Francisco và lọt Top 40 startup tiêu biểu tại ASEAN…
Gần đây, startup công nghệ giáo dục eJOY- Top 3 TECHFEST 2019 cũng vừa ký hợp tác đầu tư với BK Fund sau khi huy động vốn thành công vòng hạt giống.
Trước đó, quán quân cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia TECHFEST 2018- Abivin đạt được nhiều giải thưởng lớn như vô địch cuộc thi Startup World Cup 2019 diễn ra tại Mỹ; giải “startup về Logistics và Chuỗi cung ứng tốt nhất” tại Giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á…
TECHFEST năm nay có sự xuất hiện của nhiều làng công nghệ mới. Ông đánh giá thế nào về sự bắt nhịp của các startup với các xu hướng công nghệ mới? Những lĩnh vực nào đang và sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư? Theo ông tình hình dịch bệnh hiện nay, xu hướng cũng như tiêu chí lựa chọn startup để rót vốn của các nhà đầu tư có thay đổi?
Từ năm 2020 tới nay là thời gian thử thách để chứng minh năng lực của các startup với công nghệ mới ứng phó đại dịch. Tiêu biểu là những mô hình, sáng kiến thích ứng với bối cảnh mới và giải quyết vấn đề xã hội, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, giáo dục, y tế, thanh toán trực tuyến; đóng góp tích cực cho quá trình số hóa nền kinh tế.
Thực tế thời gian qua, Việt Nam vẫn ghi nhận những thương vụ đầu tư đạt giá trị cao, điển hình như VNLife: 250 triệu USD, Tiki: 94 triệu USD, KiotViet: 45 triệu USD, Axie Infinity: 152 triệu USD...
Riêng trong lĩnh vực Fintech, Công ty tư vấn YCB Solidiance dự đoán giá trị giao dịch của thị trường fintech Việt Nam sẽ đạt mức 22 tỷ USD vào năm 2025, tăng đột biến so với 9 tỷ USD đạt được năm 2019.
Tôi cho rằng mong muốn đầu tư ở mỗi nhà đầu tư là khác nhau, phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động và khả năng tài chính của họ.
Theo Bk Fund, VIISA, VIC, 500 Startups Vietnam, hiện nay xu hướng đầu tư dành cho startup thường nằm ở giai đoạn early stage và seed stage. Ngoài ra, theo Genesia Ventures, trong dịch bệnh, startup nào thể hiện được khả năng thích ứng linh hoạt với tình trạng và sự thay đổi của thị trường cũng là điểm cộng đối với nhà đầu tư.
Một số ngành đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm như: N2TP ở lĩnh vực Medtech, GIMO trong lĩnh vực Fintech được đầu tư bởi BK Fund hay Propzy trong lĩnh vực Proptech được đầu tư bởi FEBE Ventures. Bên cạnh đó, logistics cũng là mối quan tâm của nhà đầu tư…
Theo ông, cơ hội nào cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay? Ông có lời khuyên nào với những bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường và mong muốn của nhà đầu tư?
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp, các bạn trẻ khởi nghiệp có nhiều hơn các cơ hội kết nối, nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ mạng lưới mentor, cố vấn trong nước cũng như quốc tế, được kết nối với các cuộc thi quốc tế và các nhà đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, mong muốn của nhà đầu tư, các bạn trẻ khởi nghiệp nên tìm các mentor là các doanh nhân hỗ trợ biết cách tìm hiểu thị trường một cách bài bản, phát triển sản phẩm đúng hướng, đánh giá cơ hội và định vị doanh nghiệp mình trong tương lai.
Có ý kiến cho rằng, nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài là yếu tố quan trọng trong hành trình tăng trưởng của các startup. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh được ví như “mùa đông” của gọi vốn nước ngoài. Quan điểm của ông về điều này? Ông đánh giá thế nào về vai trò và sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước vào startup hiện nay?
Bối cảnh hiện nay là cơ hội để các quỹ đầu tư nội địa tham gia sâu vào thị trường đầu tư mạo hiểm. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để huy động nguồn lực không chỉ từ khối quỹ đầu tư, mà còn từ khối cá nhân, hay còn gọi là các nhà đầu tư thiên thần và khối doanh nghiệp.
Việc giảm áp lực cạnh tranh với các quỹ đầu tư nước ngoài giúp các quỹ nội địa có cơ hội được tiếp cận với nhiều startup có chất lượng hơn. Hiện tại, số lượng các quỹ đầu tư mới thành lập tại Việt Nam có xu hướng tăng. Nhiều quỹ đầu tư nội được thành lập mới để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các startup ở giai đoạn ươm mầm. Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã thành lập quỹ riêng để đầu tư hoặc tiến hành mua bán/sáp nhập các startup Việt như: hợp tác giữa FPT và Base.vn; Momo mua lại Pique...
Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 3 tại Đông Nam Á có doanh nghiệp mua lại nhiều startup nhất (xếp sau Indonesia và Singapore) với 22 thương vụ trong giai đoạn từ 2018 đến 6 tháng đầu năm 2021.
Tuy nhiên, nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và các doanh nghiệp, tập đoàn dành cho đầu tư mạo hiểm còn rất hạn chế so với tiềm năng. Nguyên nhân một phần là do kiến thức và kinh nghiệm thực tế làm việc, đầu tư cùng các startup của các nhà đầu tư chưa có nhiều; đồng thời chưa có cơ chế khuyến khích, thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư này.
Với sự “chậm lại” của nền kinh tế trong giai đoạn qua, việc các startup có những sản phẩm, dịch vụ mới, thể hiện khả năng thích ứng và đáp ứng với đại dịch trong bối cảnh bình thường mới sẽ là cơ hội dành cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.
VnEconomy 08/11/2021 15:24
15:24 08/11/2021