PGS.TS. Trần Văn Ơn, nguyên Trưởng bộ môn thực vật, Đại học Dược Hà Nội, đồng thời là cha đẻ của chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhận định, Việt Nam có hai lợi thế cực kỳ lớn về số lượng cây thuốc trong tự nhiên và tri thức sử dụng cây thuốc của các dân tộc.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, sâm Ngọc Linh... Đặc biệt, sau gần 30 năm triển khai, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, ngành y tế Việt Nam đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh).
Hiện thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh...
Sở hữu tiềm năng lớn, thị trường lớn và nhu cầu lớn, nhưng ngành dược liệu được đánh giá có giá trị hàng tỷ USD của Việt Nam đang thua thiệt ngay trên sân nhà. Lý do thua đau trên sân nhà theo PGS. TS Trần Văn Ơn lý giải, nhìn chung dù có nhiều cố gắng nhưng chúng ta vẫn đang sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu nguồn giống tốt, thiếu công nghệ trồng trọt và phân bón thích hợp với từng loại cây thuốc, thiếu công nghệ sơ chế/chế biến sau thu hoạch đồng thời cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đủ… Hậu quả là mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Song, nguồn dược liệu tự cung cấp trong nước chỉ chiếm khoảng 20 – 25%, còn lại là nhập khẩu và nhập lậu từ Trung Quốc.
Điều đáng nói, vì thị trường lớn, nhu cầu lớn, lợi nhuận lớn nên tình trạng nhập lậu dược liệu kéo dài qua nhiều năm cho tới nay cũng chưa có “thuốc chữa”. Những năm gần đây cơ quan chức năng liên tục bắt giữ những vụ nhập lậu dược liệu với số lượng rất lớn, chủ yếu hàng lậu được đánh về từ Trung Quốc qua các ngả đường khác nhau. Tháng 12/2019, tại cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang vụ nhập khẩu và vận chuyển trên 100 tấn hàng là dược liệu qua biên giới, nhưng khai là hoa quả khô. Tháng 6/2020, cơ quan chức năng Đà Nẵng tiến hành kiểm tra lô hàng chứa trong 5 container được vận chuyển trên tàu INSPIR, từ cảng HangPu (Trung Quốc) đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Kết quả đã phát hiện hàng hóa chứa trong 5 container phần lớn là thảo dược. Tổng trọng lượng khoảng 103 tấn.
Ngày 1/4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an ban hành kết luận điều tra vụ án buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh thành. Lâm Đình Hưng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hà Bắc, với vai trò cầm đầu đường dây buôn lậu, cùng 18 người khác đã tổ chức đường dây buôn lậu dược liệu thuốc bắc từ Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma. Theo xác minh, ông trùm Lâm Đình Hưng cùng những người liên quan đã vận chuyển gần 5.000 tấn thuốc bắc từ Trung Quốc về giao cho 288 khách hàng trên cả nước, với tổng tiền cước vận chuyển hơn 59 tỷ đồng, trong đó số tiền nhóm này đã thu được gần 30 tỷ đồng.
Trước thực trạng thị trường dược liệu bị chèn ép rất mạnh từ nguồn hàng nhập lậu không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có ít cơ hội tiếp cận các sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp Việt đã dần chuyển sự quan tâm, chú ý của mình sang lĩnh vực dược liệu.
Mặc dù đã thành công với thị trường sữa nhưng cách đây nhiều năm, TH True milk đã bắt đầu phát triển các vùng trồng dược liệu để từ đó cho ra các sản phẩm dược liệu phục vụ nhu cầu của hàng triệu khách hàng Việt. Tiếp xúc với VnEconomy, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết đã “ấp ủ” mối quan tâm mảng dược liệu từ rất lâu và rất tin tưởng hướng đi mới này sẽ đem lại những thành công lớn cho TH giống như các sản phẩm từ sữa.
TH đã bắt đầu với dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững” tại tỉnh Nghệ An, Tập đoàn TH đã phát triển vùng dược liệu tại Mường Lống, Na Ngoi (Kỳ Sơn), Yên Thành, Nghĩa Đàn.
Những cánh đồng, các thảo nguyên và những cánh rừng trong lành được sử dụng để trồng gấc, lạc tiên, rau má, bạch quả, hà thủ ô đỏ và nhiều loại dược liệu quý khác như Lan thạch hộc, Tam thất Bắc, Đương quy, Đẳng sâm, Bảy lá một hoa…
Sau một thời gian triển khai, dự án bảo tồn thảo dược của TH đã giúp đất hoang hóa được hồi sinh, phủ xanh đất trống, đồi trọc khô cằn, kiệt quệ trước đây.
Thành công với mô hình tại Nghệ An, Tập đoàn TH đang lập kế hoạch phát triển dự án ở Tây Bắc (Sơn La, Hà Giang), vùng Đông Bắc như Quảng Ninh và vùng Tây Nguyên (bao gồm Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng). Hoạt động này góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đệm quanh rừng, bảo vệ môi trường nơi cung cấp nguồn nước sạch và hệ sinh thái cho cả cộng đồng.
Để sản phẩm sản xuất đúng quy chuẩn, toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành các vườn ươm, nhân giống, vùng nguyên liệu, thu hoạch, chế biến thảo dược của TH đều được thực hiện theo công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của Cộng hòa liên bang Đức hoặc Israel. Đại diện Tập đoàn này cho biết, trong tương lai không xa, sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến tại một số địa phương nơi TH phát triển diện tích thảo dược lớn.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Cờ Đỏ Mộc Châu vốn trước đây chỉ chuyên trồng và xuất khẩu chè, năm vừa qua cũng đã bắt đầu hợp tác với các công ty dược. Bà Bùi Thị Kim Duy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cờ Đỏ Mộc Châu, cho biết tháng 11/2022, công ty cũng đã triển khai khu trồng dược liệu tại khu đất có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Cờ Đỏ Mộc Châu đã ký hợp đồng hợp tác với 4 công ty dược lớn nhưng vẫn để dành 1 phần sản lượng để bán hàng trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng. Bà Duy chia sẻ, mong muốn lớn nhất là có thể góp phần tạo ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe người dân từ nguồn dược liệu sạch. Hiện nay nhiều loại dược liệu đang được bán trôi nổi trên thị trường rất khó biết rõ nguồn nguyên liệu đã bị chiết xuất cạn kiệt, tinh chất nhiễm hóa chất do quá trình chăm sóc, chế biến không đảm bảo an toàn.
PGS. TS Trần Văn Ơn nhận định, về lâu dài, cần thiết phải nghiên cứu triển khai, chia sẻ và nhân rộng các mô hình phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, với vai trò của doanh nghiệp đầu tàu, liên kết với các tổ chức kinh tế như các hợp tác xã và công ty cổ phần tại cộng đồng. Trước mắt ưu tiên các địa phương, khu vực có thế mạnh về phát triển dược liệu và du lịch, như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng…
Hiện nay công nghệ chế biến đang là điểm yếu của không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dược liệu Việt Nam. Nếu khắc phục được điều này, cộng với các chính sách hỗ trợ đủ mạnh, nhiều chuyên gia tin rằng Việt Nam có thể khai mở “kho vàng” dược liệu dồi dào.
VnEconomy 14/02/2023 09:09
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7-2023 phát hành ngày 13-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
09:09 14/02/2023