Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương hoàn thiện hành lang pháp lý, đôn đốc để đẩy nhanh việc phát triển nhà ở cho công nhân. Trong đó, giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Để xây dựng và triển khai đề án, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai trong thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể”.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia; Nghiên cứu việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình; Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực, phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; nghiên cứu việc cho vay phát triển nhà trọ cho công nhân.
Các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; Thực hiện nghiêm quy định về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời có các cơ chế để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận rằng việc phát triển nhà ở xã hội hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành nhưng chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Đó không chỉ là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, mà còn là việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên, theo pháp luật về đất đai, chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn. Luật Nhà ở hiện hành cũng chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong khi trên thực tế nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam phát biểu: “Him Lam sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp của chúng tôi đã có, nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục”. Ông Minh cho biết: “Chúng tôi có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Rõ ràng, các doanh nghiệp đều có nghề, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố/ tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…”.
Để tháo gỡ vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes, Phạm Thiếu Hoa cho biết để đạt mục tiêu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội, Vinhomes đề xuất ba giải pháp.
Thứ nhất, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ. Còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không tham gia vào việc này.
Thứ ba, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu (tối thiểu 600 ngày), cần rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ. Song song với đó, chính quyền thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500, với tinh thần rút ngắn thủ tục hành chính, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư làm nhà ở xã hội bình đẳng, trung thực với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Cũng bàn về cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết với Chính phủ và các địa phương là chúng tôi sẽ đóng góp. Vấn đề là làm thế nào để đóng góp tốt? Làm thế nào để chúng tôi tham gia đầu tư được, kể cả việc thu hồi vốn, kể cả việc ưu đãi?… Chúng ta khuyến khích nhưng cũng phải để doanh nghiệp thực thi một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan”.
Theo ông Vũ Quang Hội, sau 25 năm phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ở thời điểm này là nền kinh tế tri thức gắn với các khu công nghệ cao rất nhiều. Chính vì vậy, đối tượng cần mở ra là trí thức, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia cao cấp… “Chúng ta mở rộng đối tượng để xây các khu nhà cao cấp hơn, để các chuyên gia có thể thuê dài hạn hoặc thuê-mua. Có như vậy chính sách này sẽ thu hút các doanh nghiệp lớn vào cuộc và cùng với chính quyền để thực hiện. Nhưng quan trọng nhất là Chính phủ phải có một nhóm xuống làm việc cùng với các doanh nghiệp để nghiên cứu những gì còn đang vướng mắc để cùng tháo gỡ”, ông Hội kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group, nhận định: Mặc dù chính sách hiện hành đã phần nào tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội nhưng chưa tháo gỡ được những khó khăn hiện nay. Do vậy, để thúc đấy phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số cơ chế, chính sách sau:
Về đối tượng được mua nhà ở xã hội, theo quy định 10 đối tượng là cá nhân mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định này trong thời gian qua đã hạn chế nguồn cầu về nhà ở xã hội. Do vậy, chúng tôi xin kiến nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó có nhu cầu với giá ưu đãi.
Với trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, cũng mong các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối với trường hợp này, doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, đồng thời, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
VnEconomy 10/08/2022 07:00
07:00 10/08/2022