Ông đánh giá thế nào về bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua?
Năm 2020, khá nhiều doanh nghiệp cho rằng khó khăn sẽ qua đi nhưng sang 2021, đặc biệt lần bùng phát dịch thứ 4 thì ảnh hưởng cực kỳ lớn. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực diện và nghiêm trọng tới việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Điều này thể hiện qua những con số như: số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường 9 tháng khá lớn (hơn 90.000 doanh nghiệp). Bên cạnh đó, chỉ số tăng trưởng trong quý 3 và một số chỉ số khác đều thể hiện bức tranh ảm đạm và rất khó khăn của doanh nghiệp.
Có thể nói, tác động của dịch bệnh với doanh nghiệp rất lớn. Khảo sát của VCCI tháng 9 vừa qua cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp rất cao, lên tới 93,9%.
Đáng lo ngại, một số trung tâm kinh tế lớn là động lực tăng trưởng của Việt Nam như TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước đều chịu tác động lớn. Trước đó Bắc Ninh, Bắc Giang – những vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc cũng trong bối cảnh này.
Vừa qua có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chuyển sản xuất sang quốc gia thứ ba để hoàn tất đơn hàng xuất khẩu của họ. Theo quan sát của ông, điều này có đáng lo ngại không?
Theo tôi, thực tế này cũng dễ hiểu. Bởi vì, để phòng chống dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, khi đó đơn hàng không được cung ứng nên nhiều đơn hàng tạm thời chuyển sang nước khác. Tất nhiên, điều này không vui gì, nhưng đó cũng là chuyện bình thường.
Ở các quốc gia khác trong khu vực cũng vậy khi chính phủ họ phong toả xã hội để phòng chống dịch. Song, tôi tin rằng chiều hướng này chỉ là tạm thời, ngắn hạn, Việt Nam sẽ nhanh chóng khống chế được dịch khi đó hoạt động sản xuất sẽ trở lại bình thường.
Việc điều chuyển đơn hàng cũng là bất đắc dĩ của cả doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Rõ ràng Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế về trung và dài hạn.
Hiện Chính phủ và chính quyền địa phương rất nỗ lực để nhanh chóng đưa sản xuất trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Phương châm của Chính phủ là phục hồi, củng cố lại đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta không nên bi quan hay quá nặng nề về vấn đề này.
Vậy trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần gì ở chính sách và Chính phủ cần làm gì cho doanh nghiệp, thưa ông?
Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu, đang thảo luận rất sôi nổi về những giải pháp phục hồi nền kinh tế. Rõ ràng là khó khăn chưa từng có, kinh nghiệm nhiều nước là cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế cũng phải lớn chưa từng có. Tôi có nhiều dịp tham gia các thảo luận này.
Nhiều kiến nghị cho rằng chúng ta nên đưa ra gói hỗ trợ mạnh dạn hơn, tích cực hơn, để doanh nghiệp và nền kinh tế mau chóng phục hồi. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tổng gói hỗ trợ trên GDP của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 2,2% - mức quá khiêm tốn. So với các nước khác như Nhật Bản, gói hỗ trợ của họ là 44%, các nước trong khu vực có cùng quy mô kinh tế như Thái Lan, Malaysia có tỷ lệ gói hỗ trợ là 17-18%.
Hiện nay, Quốc hội đã thông qua nhiều gói hỗ trợ quan trọng, nhưng thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, trực tiếp hơn nữa. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có chương trình hỗ trợ trực tiếp đến người dân và các hộ kinh doanh một lượng tiền nhất định và trên diện rộng. Có những chuyên gia kinh tế khuyến nghị nên giảm 50% các khoản phí phải nộp như BHXH, BHYT… trong một thời gian. Gói hỗ trợ cần đủ lớn, tỷ lệ doanh nghiệp thụ hưởng cao.
Hiện nay, một số gói hỗ trợ Chính phủ đưa ra đã rất có ích như sắp tới giảm thuế VAT 30% cho các doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành như du lịch, miễn một nửa các khoản phải đóng cho các hộ kinh doanh, người dân được nhận trợ cấp…. Song, tôi vẫn kỳ vọng chương trình hỗ trợ lớn hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần những chương trình để thúc đẩy nền sản xuất. Các chuyên gia khuyến nghị, hơn bao giờ hết cần những chương trình để kích cầu nhằm thúc đẩy nền kinh tế cũng rất quan trọng. Cụ thể như chương trình đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, đặc biệt những vùng kinh tế trọng điểm bị ảnh hưởng bởi đại dịch như TP.HCM, Đông Nam Bộ. Điều này rất quan trọng, vừa thúc đẩy đầu tư công vừa tạo đà cho quá trình hồi phục trong thời gian tới. Bởi những điểm nghẽn về hạ tầng của khu vực Đông Nam Bộ đã thấy rất rõ trong thời gian qua.
Hoặc có những khuyến nghị cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghiệp y tế của Việt Nam. Vì dịch bệnh bộc lộ điểm yếu cốt tử của Việt Nam là năng lực hệ thống y tế còn yếu. Để chung sống lâu dài với dịch bệnh, yêu cầu năng lực y tế Việt Nam cần tốt hơn. Cho nên để phát triển công nghiệp y tế Việt Nam, cần có chương trình vận động đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài. Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển y tế trong nước, để làm sao Việt Nam tự chủ được các thiết bị y tế.
Chính năng lực quốc gia về y tế là yếu tố đảm bảo sự an toàn cũng như thích nghi trong thời gian tới. Phục hồi kinh tế phải nhanh chóng để Việt Nam bắt nhịp vào nền kinh tế toàn cầu chứ không bị chậm trễ với thế giới. Bởi hiện nay, những thị trường lớn của Việt Nam hồi phục rất nhanh. Ở châu Âu, châu Mỹ, cuộc sống đang dần trở lại.
Để thu hút đầu tư cho hồi phục kinh tế, theo ông, môi trường đầu tư cần ứng xử thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Cá nhân tôi vẫn tin rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư trong trung và dài hạn. Vừa qua chúng ta đã đi bước dài trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tục đầu tư hành chính đã cải thiện rất nhiều. Nguồn nhân lực của Việt Nam đang tương đối thuận lợi; những chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư. Chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đã thành công, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thách thức trong thời gian tới là môi trường kinh doanh Việt Nam cần thuận lợi hơn nữa, giải quyết được khó khăn trước mắt. Mặc dù đã cải cách thủ tục hành chính, nhưng sự thuận lợi về môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn có khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực.
Nên Việt Nam vẫn phải duy trì, thúc đẩy một chương trình cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới để môi trường kinh doanh được nâng cấp ở mức độ cao hơn nữa. Những vấn đề hạ tầng, chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực là những vấn đề truyền thống, nhưng Việt Nam vẫn cần cải cách mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư vì mục tiêu của chúng ta là thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao.
Tôi rất tự tin vì hoạt động về cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, các quy định trong các luật đang là trọng tâm của Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới. Đây là một điểm yếu được chỉ ra trong những năm qua. Chưa bao giờ có một đạo luật sửa 10 luật hiện đang được Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sắp tới. Nội dung của đạo luật này là tập trung tháo gỡ các rào cản vướng mắc, phân cấp nhiều hơn cho chính quyền địa phương, điều này sẽ thúc đẩy đầu tư.
Bên cạnh cải cách khuôn khổ pháp lý, giải pháp nào để giữ chân doanh nghiệp nước ngoài?
Tôi rất ấn tượng với hoạt động của Chính phủ thời gian qua. Dù rất bận rộn nhưng Thủ tướng vẫn tổ chức tới 5 cuộc đối thoại với từng nhóm nhà đầu tư nước ngoài, mỗi cuộc đối thoại kéo dài 4-5 tiếng, điều này chứng tỏ Chính phủ rất lắng nghe và cầu thị. Thủ tướng có nói: Cơ hội đồng đều, rủi ro chia sẻ.
Còn ở địa phương, một số địa phương nói rằng áp lực từ doanh nghiệp cũng rất căng thẳng. Nên họ đã có những cách làm rất hay đồng hành cùng nhà đầu tư. Nổi bật như ở Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Đó là xu hướng quan tâm tới khó khăn của nhà đầu tư. Các địa phương đưa ra chương trình Invest Care (Tổ công tác chăm sóc các nhà đầu tư) do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phụ trách.
Đây không phải là phương thức xúc tiến mà tổ này có nhiệm vụ hỗ trợ nhà đầu tư, xem họ có khó khăn gì để đồng hành tháo gỡ. Bắc Ninh công bố Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp (Tổ phản ứng nhanh ba nhất) kể cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.
Trước đây, các tỉnh thành phố chỉ xem việc ban hành chính sách, quy trình đầu tư là xong nhiệm vụ. Nhưng nhà đầu tư bước vào thực chất lại rất khác với việc quy trình ban hành trên giấy. Vì vậy, giờ đây các tỉnh đưa ra các chương trình hỗ trợ các nhà đầu tư hiện có tại tỉnh. Đứng từ góc nhìn của nhà đầu tư xem họ gặp khó khăn gì, vướng mắc gì để giải quyết. Hay TP. Hải Phòng công bố công khai thủ tục của địa phương giảm một nửa so với Trung ương và để doanh nghiệp giám sát.
Nói một cách khác, để giữ chân các nhà đầu tư, nhiều địa phương đã quan tâm tới chất lượng thực thi chính sách hơn là ban hành chính sách và tuyên bố chính sách. Đây là sự chuyển đổi mạnh mẽ tại một số địa phương hiện nay.
14:36 13/10/2021