Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 1
Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 2

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam trong năm 2022?

Sự phát triển rõ nét nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam trong năm qua chính là việc ứng dụng có chiều sâu mô hình đổi mới sáng tạo vào các hoạt động dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo giáo dục, kinh doanh... Ngoài ra, những lĩnh vực dịch vụ như là thanh toán, tài chính, logistics cũng được ứng dụng rất sâu.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái của Việt Nam đang hình thành rất nhiều hiệp hội, các cơ sở về những lĩnh vực chuyên sâu đó. Các trường đại học cũng hướng đến đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với việc ra đời rất nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các chương trình huấn luyện. Mạng lưới cố vấn của chúng ta cũng phong phú hơn, đặc biệt là kiều bào ở nước ngoài.

Đấy là những nét cơ bản mà hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển trong trạng thái bình thường mới và giải quyết các bài toán lớn của nền kinh tế, đó là nền kinh tế chuyển đổi số, nền kinh tế ứng dụng những mô hình đổi mới sáng tạo.

Gắn với hoạt động Techfest thường xuyên, năm nay chúng ta hình thành 34 làng công nghệ, tăng 19 làng công nghệ so với năm 2021, chủ yếu là Blockchain, AI, kinh tế tuần hoàn, những mô hình đột phá trong giải quyết vấn đề môi trường, phát triển xanh và bền vững.

Chúng ta cũng chứng kiến sự vào cuộc của các tập đoàn, các hãng lớn về ứng dụng công nghệ xanh. Hệ sinh thái cũng có sự tham gia của các cố vấn đến từ 21 hiệp hội tri thức kiều bào ở nước ngoài trên 15 vùng lãnh thổ, quốc gia. Đấy cũng là một dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng rất tốt cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 3

So với các quốc gia phát triển trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đang ở đâu, thưa ông?

Đây là một câu hỏi khá hay. Chúng ta đang phấn đấu, cố gắng đến năm 2030 lọt vào top 15 các hệ sinh thái mới nổi của châu Á. Hiện nay trong Đông Nam Á thì chúng ta đang giữ vững ở vị trí thứ ba, sau Singapore và Indonesia. Đó là hai thị trường rất lớn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Chúng ta có nguồn nhân lực phải nói là phát triển năng động nhất. Các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế đánh giá mức độ năng động bắt kịp những cái mới, sức trẻ, trí tuệ của Việt Nam đang ở hệ số năng động nhất trong khu vực, tức là có tốc độ phát triển nhanh nhất. Còn mức độ gọi vốn hay mức độ xã hội hóa cho khởi nghiệp sáng tạo thì Việt Nam phải phấn đấu mới nâng tầm được hệ sinh thái lên.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 4

Nhìn lại năm 2022, những thành tựu gì của hệ sinh thái khởi nghiệp khiến ông tự hào và còn điều gì ông trăn trở nhất?

Năm 2022, chúng ta đã vượt qua được hậu quả của Covid-19. Tôi mừng nhất là có đến hơn 10 địa phương tổ chức được Techfest ở cấp vùng, cấp địa phương. Hệ sinh thái đã cuốn hút được rất nhiều chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp tham gia. Chúng ta cũng đã có một hệ sinh thái mở với báo cáo toàn cảnh của Việt Nam để công bố với thế giới, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân đã tham gia sâu, mạnh hơn.

Điều mà tôi còn trăn trở nhất là làm sao để hệ sinh thái phát triển theo chiều sâu. Tức là khi startup của Việt Nam đi ra quốc tế thì vẫn còn thiếu rất nhiều thứ. Việt Nam có trí tuệ, năng động, sáng tạo nhưng hệ thống mentor của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh. Những mô hình kinh doanh của Việt Nam muốn gọi vốn quốc tế thì so với các nước trong khu vực, khả năng, kỹ năng ngoại ngữ của chúng ta còn yếu. Sự va chạm trên diễn đàn lớn của startup Việt Nam chưa nhiều. Tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ có một đội mentor thực sự mạnh, có những chương trình huấn luyện chuyên sâu, các cơ sở đào tạo, các trường đại học của nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn nữa với chúng ta, để có những chương trình trao đổi startup, có các cuộc thi ở phạm vi quốc tế nhiều hơn.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 5

Theo ông, đâu là những yếu tố tiên quyết giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư quốc tế?

Trong thời kỳ hậu Covid-19, ta có thể thấy rất rõ là nhà đầu tư muốn chuyển hướng khẩu vị của họ. Họ nhìn vào những mô hình có độ tăng trưởng nhanh, có khả năng tạo ra dòng doanh thu sớm, vì thế giai đoạn hạt giống, giai đoạn vốn mồi của các nhà đầu tư thiên thần đang bị thiếu vắng. Việt Nam phải sớm hình thành mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, những quỹ đầu tư nội địa để chúng ta có thể tạo ra được môi trường nuôi dưỡng thế hệ startup trong thời gian tương lai.

Các nhà đầu tư quốc tế cũng quan tâm hơn tới các dự án có khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế, tức là giải quyết được vấn đề chung mà các thị trường khác đang gặp phải. Chúng ta cần đi cùng với những mô hình kinh tế mới và đã phát triển mạnh ở quy mô quốc tế bởi nhà đầu tư sẽ nhìn vào những startup có khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế nhiều hơn là chỉ nhìn thị trường Việt Nam.

Kể cả bài toán về nông sản, về đặc sản địa phương thì cũng phải xuất khẩu, phải có được thị trường quốc tế hay là phải đi cùng với du lịch, hấp dẫn được cả khách quốc tế hay có khả năng mang ra thị trường nước ngoài. Hay như mô hình chăm sóc sức khỏe cũng phải hướng đến chăm sóc cho thị trường người già, trẻ em, những người có thu nhập cao, những cái phân khúc thị trường mà quốc tế người ta đang quan tâm.

Thí dụ như hiện nay, ngay trong logistics, trên thế giới, các đơn vị đã phục vụ khách du lịch bằng xe điện, xe đạp điện như Uber đang đầu tư rất mạnh mẽ vào phân khúc này ở các nước châu Âu. Startup này đã triển khai xe đạp điện và xe tay ga cho thuê trên đường phố, vừa giúp người dùng giảm được chi phí, vừa giảm được độ tắc đường trong nhiều thị trường. Nhưng nếu Việt Nam phát triển mô hình ấy mà không gắn với tệp khách hàng lớn thì sẽ khó đi được toàn cầu.

Tôi thấy là logistics hay thị trường vận tải của Việt Nam cũng rất màu mỡ, nhưng cần phải gắn với chuỗi cung ứng lớn. Chúng ta cũng cần phải đi ra nước ngoài nhiều hơn, để biết được nhu cầu của các nhà đầu tư đang hướng vào đâu, từ đó vừa phát triển thị trường trong nước, vừa mở rộng mô hình kinh doanh gắn với thị trường quốc tế.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 6

Nhiều chuyên gia hay giới quan sát, thậm chí các quỹ đầu tư quốc tế, khá coi trọng chỉ số về số lượng startup kỳ lân và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá sự trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp của một quốc gia. Với Việt Nam, đây liệu có phải là một chỉ số nên được quan tâm hàng đầu không, thưa ông?

Đương nhiên là trong các chỉ số đầu tư, tính hiệu quả, sức hấp dẫn của các startup cũng như môi trường đầu tư luôn được quan tâm. Chỉ số kỳ lân của Việt Nam hiện nay trong mắt nhà đầu tư đang được đánh giá rất cao. Dù là thị trường mới nhưng trong thời gian Covid-19, Việt Nam đã tăng được gấp đôi số lượng startup kỳ lân. Trước đây chúng ta có VNG, VNPAY và giờ thêm Momo, Sky Mavis. Nếu tính đến số soonicorn, tức là những doanh nghiệp “cận kỳ lân”, thì Việt Nam cũng phải có khoảng 10 startup như vậy và dự đoán có thể tăng lên vài chục trong thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng của các kỳ lân hoặc là các tiệm cận kỳ lân công nghệ luôn là một thước đo. Tuy nhiên, đấy không phải là chỉ số duy nhất vì nhiều nhà đầu tư lại quan tâm những startup tiềm năng hơn, đó là các đội ngũ trẻ có khả năng nhìn ra được thị trường ngách. Khi đó, quy mô vốn có thể huy động từ nhà đầu tư sẽ nhiều hơn. Hay nói khác đi, đó là phân khúc gọi vốn khoảng 1 triệu USD đến vài triệu USD hiện đang rất được quan tâm.

Vì vậy, ta phải nuôi dưỡng nguồn từ các startup Việt Nam. Các startup tiềm năng sẽ quan trọng hơn là số lượng có thể đong đếm hiện tại. Trong 5 năm, trong 3 năm, trong 2 năm tiếp theo những lĩnh vực công nghệ nào, những startup nào mà có khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế thì chúng ta nên quan tâm để thúc đẩy.

Theo ông, lĩnh vực nào sẽ có khả năng có thêm nhiều startup kỳ lân?

Hiện nay, trong cả phạm vi khu vực và Việt Nam thì mọi người đang quan tâm thứ nhất là thị trường lao động. Thị trường lao động xuất khẩu với trí tuệ, chất xám cao, kể cả về phần mềm, trong đó có Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo) hay Metaverse (vũ trụ ảo) đều là lĩnh vực vô cùng tiềm năng; thứ hai là thị trường về tài chính, công nghệ tài chính và công nghệ logistics, công nghệ về thương mại điện tử. Đấy là các lĩnh vực mà tôi cho rằng là sẽ có tiềm năng xuất hiện các kỳ lân ở giai đoạn tới trong khu vực.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 7

Trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn”, suy thoái kinh tế toàn cầu và sự giảm tốc của lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng ra sao đến hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong năm 2023, thưa ông?

Năm 2023 thì chắc chắn là ảnh hưởng sẽ còn tiếp tục rõ nét khi mà nền kinh tế của khu vực cũng đang tái cơ cấu lại. Những mô hình truyền thống sẽ dần nhường chỗ cho những mô hình kinh doanh mới và công nghệ mới, vừa để thích ứng với đại dịch Covid-19 vừa tăng khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực. Khả năng gọi vốn chắc chắn vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng. Nhiều quỹ lớn ở phạm vi thế giới và khu vực cũng đang định hướng lại, do đó thị trường vốn, thị trường về hàng hóa, dịch vụ, về công nghệ cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, các vườn ươm, các tổ chức huấn luyện cần cập nhật những thông tin đó để hướng cho các startup cũng kịp thời thay đổi mô hình của mình để làm sao tạo ra dòng doanh thu dựa trên chính thế mạnh của mình.

Thế mạnh của Việt Nam bây giờ chính là trí tuệ trẻ. Nguồn nhân lực này nếu có cách huấn luyện tốt thì lại sẽ là một điểm hút vốn tốt. Các nhà đầu tư luôn nhìn đến con người và hệ sinh thái. Vì vậy, cần có cơ chế thí điểm để thúc đẩy các bạn ấy tạo lập được mô hình mà có thể áp dụng ngay ở Việt Nam.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 8

Là đơn vị chắp cánh cho hệ sinh thái khởi nghiệp, Cục Phát triển thị trường đã chuẩn bị thế nào cho viễn cảnh các yếu tố khách quan đầy thách thức với hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong năm 2023?

Năm 2023, chúng tôi dự kiến sẽ phát triển mạnh một số thị trường châu Âu và châu Úc cho các startup. Chúng ta đã thiết lập được khá tốt sự kết nối với thị trường ở châu Á. Nhưng người Việt đang ở châu Âu và châu Úc cũng khá lớn và họ chính là cầu nối rất quan trọng. Trong năm 2023, các chương trình trọng điểm mà chúng tôi sẽ thúc đẩy là liên kết với các cơ sở đào tạo, các vườn ươm, các trường đại học có chương trình đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt nhất. Chúng tôi cũng sẽ kết nối với các đơn vị của Việt Nam, các đơn vị làm sự kiện làm truyền thông cho startup hết sức chuyên nghiệp để đi cùng với nhau và khám phá, chinh phục một số thị trường trọng điểm của châu Âu, châu Úc trong năm 2023. Nếu làm được điều đó thì độ mở của hệ sinh thái Việt Nam sẽ lớn hơn và sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phát triển hệ sinh thái.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 9

Cục Phát triển thị trường và Techfest quốc gia sẽ có những sáng kiến hay đổi mới nổi bật và cụ thể nào trong năm 2023 để thu hút thêm được nhiều nguồn lực, đặc biệt là từ quốc tế để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam?

Chúng tôi sẽ kết hợp với một số đối tác đã kết nối ở trong Techfest quốc gia năm 2022, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng, các quỹ đầu tư và sẽ mời họ đi cùng các cơ sở đào tạo và cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực ngay từ khi chúng ta tổ chức những chương trình huấn luyện, đào tạo ở trong nước và có thể liên thông online/offline cùng với các tổ chức ở nước ngoài. Khi họ đã cùng đầu tư từ lúc huấn luyện, đào tạo thì khả năng cao họ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các vườn ươm của chúng ta tới những sân chơi lớn hơn, những thị trường lớn hơn. Có thể Techfest ở Úc, ở Pháp, ở Đức sẽ được triển khai trong năm 2023 để hệ sinh thái của Việt Nam quảng bá ra nước ngoài nhiều hơn.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 10

Nếu được đưa ra một thông điệp đầu năm mới dành cho các nhà đầu tư và các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, ông sẽ nói gì?

Tôi rất mong muốn chúng ta có thể liên kết quốc tế mạnh mẽ hơn, học ngoại ngữ tốt hơn. Tôi cũng kỳ vọng các nhà sáng lập nhìn ra thị trường quốc tế nhiều hơn. Từ đó, các mô hình khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có thể mang ra thị trường quốc tế để thuyết trình, để gọi vốn, tìm đối tác và liên kết. Tôi cũng rất mong muốn là các bạn sinh viên, học sinh các startup, founder (nhà sáng lập) người Việt ở nước ngoài hướng về Việt Nam để liên kết với các startup Việt Nam nhiều hơn, từ đó chúng ta có thể tạo lập được một hệ sinh thái người Việt khắp 5 châu. Chúng ta sẽ chinh phục được những thị trường lớn, những nhà đầu tư lớn khi bản thân người Việt chúng ta tạo được niềm tin với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 11

VnEconomy 24/01/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo - Ảnh 12

08:00 24/01/2023