Nasdaq lập kỷ lục dù Dow Jones trượt dốc, giá dầu tăng mạnh trước cuộc họp OPEC+
Lãi suất cao hơn lâu hơn đang là một mối lo phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/5) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với Nasdaq đạt đỉnh cao lịch sử mới nhờ lực tăng mạnh của cổ phiếu chip trong khi Dow Jones sụt điểm. Giá dầu thô tăng gần 3% trong lúc nhà đầu tư chờ cuộc họp sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,59%, lần đầu tiên chốt phiên trên 17.000 điểm, đạt 17.019,88 điểm. Động lực cho Nasdaq phiên này là mức tăng hơn 7% của cổ phiếu Nvidia. Hãng sản xuất con chip này tiếp tục chứng kiến giá cổ phiếu tăng chóng mặt sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 khả quan hơn dự báo vào tuần trước.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 chỉ tăng 0,02%, đạt 5.306,04 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 216,73 điểm, tương đương giảm 0,55%, còn 38.852,86 điểm, dưới áp lực từ cú giảm hơn 2,6% từ cổ phiếu hãng dược phẩm Merck.
Việc chỉ một số ít cổ phiếu, điển hình là Nvidia, “gánh” các chỉ số đang che đậy những vấn đề trên thị trường. Trong số 500 thành viên của S&P 500, có hơn 350 cổ phiếu giảm điểm phiên này. Các nhóm y tế, công nghiệp và tài chính đều chốt phiên với mức giảm hơn 1%.
Lãi suất cao hơn lâu hơn đang là một mối lo phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall.
Phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ ngày thứ Ba nhận được lực cầu ảm đạm từ nhà đầu tư. Sự ế ẩm này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức chủ chốt 4,5%. Gần đây, thị trường cổ phiếu thường chật vật mỗi khi xuất hiện mức lợi suất trái phiếu như vậy.
Cùng ngày, Chủ tịch chi nhánh Minneapolis của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Neel Kashkari, nói rằng ông muốn có “thêm nhiều tháng” dữ liệu cho thấy lạm phát xuống thang trước khi có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, nhà hoạch định chính sách tiền tệ này cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm lần nữa nếu áp lực giá cả tăng trở lại.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đang tiến gần tới hoàn tất một tháng tăng điểm mạnh, với cả ba chỉ số đều lập được kỷ lục mới trong tháng 5. Dữ liệu lạm phát yếu vào đầu tháng và mùa báo cáo tài chính quý 1/2024 đã mang lại sự phấn khởi cho nhà đầu tư và kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm giảm lãi suất. Từ đầu tháng tới nay, Dow Jones tăng 2,7%; S&P 500 tăng hơn 5% và Nasdaq tăng hơn 8%.
Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu ta là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu. Dữ liệu này là căn cứ để nhà đầu tư định hình kỳ vọng lãi suất, từ đó tác động tới định giá các tài sản trên thị trường tài chính.
“Nhà đầu tư đang cảm thấy hồi hộp và muốn chờ xem liệu lạm phát có giảm thêm về gần mục tiêu của Fed hay không”, Giám đốc đầu tư Gene Goldman của công ty Cetera Investment Management nhận định về tâm lý của giới đầu tư ở Phố Wall trong tuần này.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,11 USD/thùng, tương đương tăng 2,71%, chốt ở mức 79,83 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 1,12 USD/thùng, tương đương tăng 1,35%, chốt ở 84,22 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi sụt giảm vào tuần trước, trong bối cảnh thị trường chờ cuộc họp chính sách sản lượng dự kiến diễn ra vào ngày 2/6 của liên minh OPEC+. Hiện tại, một số thành viên trong nhóm đang thực thi kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày để hỗ trợ giá dầu.
Với việc giá dầu gần đây đương đầu áp lực giảm do triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bấp bênh, cộng thêm căng thẳng địa chính trị Trung Đông lắng dịu, OPEC+ được dự báo sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện đó cho tới hết năm nay.
Nhà phân tích Michael Hsueh của ngân hàng Deutsch Bank nhận định sẽ khó có chuyện OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu khi giá dầu Brent đang gần mức 80 USD/thùng hơn là 90 USD/thùng. Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil cũng cho biết ông không kỳ vọng “có bất kỳ thay đổi nào về sản lượng” trong cuộc họp tới của OPEC+.
Deutsche Bank giữ nguyên dự báo giá dầu Brent ở mức 83 USD/thùng cho quý 2 và 88 USD/thùng cho nửa sau của năm nay, trên cơ sở cho rằng OPEC+ sẽ không điều chỉnh chính sách sản lượng vào ngày 2/6.
Tuy nhiên, theo ông Hsueh, sau cuộc họp tháng 6, áp lực tăng sản lượng dầu đối với OPEC+ sẽ gia tăng và điều đó có thể đẩy giá dầu Brent xuống dưới mốc 80 USD/thùng. Đó là bởi Saudi Arabia hiểu rằng việc duy trì giá dầu cao hơn mức 75 USD/thùng - mức giá hoà vốn đối với các nhà khai thác dầu ở Mỹ - sẽ là không có lợi cho OPEC+ trong dài hạn vì sẽ làm gia tăng sức cạnh tranh của ngành dầu lửa Mỹ. Ông Hsueh cho rằng việc sản lượng dầu của Mỹ đã ổn định từ tháng 9 năm ngoái tới nay, thay vì tiếp tục lập kỷ lục, đã mang lại cho OPEC dư địa để có thể nâng sản lượng.