Hoạt động du lịch quốc tế của Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng bị ảnh hưởng rất nặng nề trong năm 2021. Riêng tại TP.HCM, các chỉ số về phát triển ngành du lịch giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt từ cuối tháng 3 đến hết năm 2021, khách quốc tế đến thành phố là 0 lượt và có rất nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động.
Vì vậy. TP.HCM đề nghị Chính phủ tiếp tục phân cấp, uỷ quyền cho thành phố tiếp tục áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù trong thu hút đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét các nội dung như: Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 - 2023 cho các doanh nghiệp du lịch có doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng.
Chấp nhận được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của tất cả các chi phí phòng, chống dịch của doanh nghiệp như chi phí xét nghiệm Covid -19 và điều trị y tế (nếu có); chi phí ăn uống, sinh hoạt, đồ bảo hộ cá nhân. Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm đầu (kể từ khi doanh nghiệp phải chịu loại thuế này) và các ưu đãi khác theo Nghị định 31/2021 của Chính phủ.
Về tiền thuê đất, TP.HCM kiến nghị giảm 100% tiền thuế đất phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp du lịch và liên quan đến du lịch do lĩnh vực này chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất trong đại dịch. Về thuế giá trị gia tăng, giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng của 3 tháng cuối năm 2021, năm 2022 và 2023.
Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ mở rộng và hiện đại hóa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để du khách đến thành phố không mất quá nhiều thời gian cho việc làm thủ tục đến và đi. Giữ và tiếp tục quy hoạch để khai thác 1.800m cầu cảng tại khu vực Sài Gòn – Khánh Hội cho các tàu khách quốc tế, tàu nhà hàng và các phương tiện thủy phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tuyến du lịch đường thủy cũng như phát huy hình ảnh gắn liền với Sài Gòn – TP.HCM của Bến Nhà Rồng.
Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 đã có trên 30 triệu lượt khách tới Kiên Giang, doanh thu đạt gần 63.000 tỷ đồng. Số lượng các cơ sở lưu trú tăng nhanh về số lượng và chất lượng, tập trung ở các vùng trọng điểm như Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên.
Cuối năm 2020, Kiên Giang có 792 cơ sở lưu trú với gần 26.000 phòng. Ngoài ra còn nhiều khách sạn 4,5 sao tại thành phố Phú Quốc đang hoàn thiện và sắp đưa vào hoạt động.
Hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Kiên Giang, bảo tồn phát huy di sản văn hóa, giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động và tăng thu ngân sách.
Vì vậy, Kiên Giang mong muốn, trong Luật Đất đai nên có quy định riêng về sử dụng đất cho du lịch. Theo quy định của Luật Xây dựng, khu du lịch được coi là phân khu chức năng đặc thù giống như khu kinh tế, khu công nghiệp nên rất cần có chế độ quản lý, sử dụng đất đai riêng cho phù hợp với đặc thù của từng loại.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét miễn giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% cho các doanh nghiệp du lịch để giảm giá thành sản phẩm, các gói dịch vụ du lịch, góp phần kích cầu du lịch. Miễn giảm các loại phí môi trường cho doanh nghiệp du lịch và thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi ngành du lịch. Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú bằng giá điện sản xuất.
Đề nghị Chính phủ cho phép khách quốc tế khi đến thành phố Phú Quốc được phép tới các quần đảo thuộc Tp. Hà Tiên, Rạch Giá, huyện Kiên Lương và Kiên Hải tham quan du lịch và quay trở lại Phú Quốc để xuất cảnh (sau khi Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế).
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có hướng dẫn địa phương thành lập Quỹ phát triển du lịch. Hiện nay mới chỉ thành lập Quỹ tại Trung ương thực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Như vậy địa phương có được thành lập quỹ không? thành lập như thế nào, trực thuộc cơ quan nào, hoạt động ra sao? Đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể, thống nhất trên cả nước.
Vai trò, vị trí của kinh tế du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội TP.Hải Phòng được xác định là một trong ba trụ cột, đột phá chiến lược cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hải Phòng có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đề cao và thực hiện tốt thông điệp tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung hoàn thiện những công trình, dự án trọng điểm, đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư tốt nhất cả nước với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch. Các dự án lớn khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần thay đổi bước đầu diện mạo của du lịch thành phố.
Thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Trung ương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông nhiều hình thức tới các khu, điểm du lịch quốc gia.
Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông; cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên xem xét bổ sung quy định về việc quản lý đất đai đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel) để đảm bảo cơ sở pháp lý về huy động vốn đầu tư trong lĩnh vực du lịch và quyền hợp pháp của nhà đầu tư.
Hiện nay, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là hướng đi được nhiều địa phương áp dụng để mở rộng không gian du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm và góp phần cải thiện sinh kế người dân; phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương và xu hướng du lịch hậu Covid-19.
Vì vậy, đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là trong công tác triển khai quy hoạch về du lịch gắn với tổ chức không gian, lãnh thổ và các quy định liên quan tới quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự...
Bên cạnh đó, Trung ương chỉ đạo đoàn công tác tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng UNESCO để bảo vệ đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà tại Cộng hòa Pháp dự kiến vào 7/2022.
Để phục hồi và phát triển du lịch nhanh trở lại, bên cạnh nỗ lực vượt lên khó khăn của các doanh nghiệp, còn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các cấp quản lý ngành.
Theo tôi, nên tập trung cho công tác phục hồi giao thông vận tải. Nếu áp dụng các tiêu chí phân loại nguy cơ như chúng ta đang thực hiện thì nơi nào cũng là "vùng đỏ". Rất khó mở cửa bầu trời, trong khi nhu cầu trong nước không chỉ có khách du lịch, mà còn cần nhà đầu tư, chuyên gia, lao động, thương nhân...
Để phục hồi, phát triển du lịch thì các doanh nghiệp lữ hành phải đưa được khách di chuyển thuận lợi. Do đó, các quy định về ranh giới “vùng xanh”, “vùng đỏ” cần được xem xét lại.
Vấn đề quan trọng nhất hiện giờ là đảm bảo kiểm soát hành khách đi máy bay an toàn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng "hộ chiếu vaccine" để mở cửa du lịch và đón khách quốc tế.
Chúng ta cũng cần sớm có chính sách tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu được về nước. Học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, có thể chia ra ba mức ưu tiên khác nhau để tiếp nhận khách quốc tế là: (i) Mở cửa đơn phương; (ii) Bong bóng du lịch và (iii) Làn xanh đối ứng.
Chính phủ cũng cần tính toán để sớm triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam. Ở nhiều quốc gia trong Liên minh EU hoặc Philippines... luật về thẻ thông hành xanh hoặc tương tự còn được quốc hội thông qua nhằm ưu tiên giải quyết tính pháp lý.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm đó. Ngành du lịch nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước do một bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm.
Đối với các chính sách cụ thể, tôi đề nghị, Chính phủ tiếp tục xem xét giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp lữ hành; Giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xem xét trình chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách các địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tại các địa phương, thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động.
Chúng tôi là công ty du lịch đặc thù và không giống với nhiều công ty du lịch hiện nay đang hoạt động tại Việt Nam. Bởi ngành nghề kinh doanh của công ty là tập trung vào một loại hình du lịch mà không mở đại trà nhiều loại hình du lịch khác. Các sản phẩm du lịch nổi tiếng thế giới của chúng tôi bao gồm thám hiểm Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới.
Trước Covid-19, năm 2020, Oxalis đón khoảng 10.000 đến 15.000 lượt khách du lịch mỗi năm trong đó có 80% là khách du lịch quốc tế và 20% là khách du lịch trong nước.
Từ khi xảy ra đại dịch đến nay, toàn bộ khách quốc tế “đóng băng” và chỉ còn khách du lịch trong nước tham gia tour. Tính đến cuối tháng 11/2021, tình hình họat động Công ty đang có tín hiệu khả quan khi mỗi tháng có 15 đoàn khách tham gia tour trọn gói, khép kín. Trong khi lượng khách đặt tour Sơn Đoòng năm 2021 đã đạt 80% và chỉ vài tháng tới đây thì toàn bộ chỗ của năm 2022 sẽ được đặt hết.
Với chiến lược là tập trung khai thác chuyên sâu một loại hình, một địa phương. Các nhóm khách được bố trí theo nhóm nhỏ an toàn, hầu hết thời gian là trải nghiệm trong rừng và hang động tự nhiên và ít tiếp xúc với cộng đồng do đó mô hình của Oxalis đã được nhiều du khách trong nước yêu thích và trụ vững sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19.
Từ kinh nghiệm phát triển du lịch của mình trong thời đại dịch và đã trụ vững qua 2 năm dịch, tôi cho rằng ở bình diện rộng hơn, để các doanh nghiệp du lịch khác vượt qua khó khăn, Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay.
Chúng ta cần đầu tư một khoản tiền tương xứng để ngành du lịch chi tiêu trong việc quảng bá nhận thức điểm đến tại các thị trường mục tiêu nhằm tạo ra nhu cầu du lịch để giúp các doanh nghiệp du lịch bán được sản phẩm của họ đến khách hàng.
Ở các nước phương Tây có thu thuế lưu trú từ khách du lịch để phục vụ những lợi ích chung của khách du lịch bao gồm công tác quảng bá. Ở Việt Nam cũng có thể áp dụng hình thức trích 5-10% kinh phí từ các nguồn thu tham quan danh lam thắng cảnh trên toàn quốc để tạo một phần ngân sách phục vụ cho công tác quảng bá một cách bài bản.
Một khi công tác quảng bá được thực hiện tốt thì khách du lịch sẽ yên tâm và mạnh dạn đến Việt Nam du lịch.
Hiện nay, những chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch của Chính phủ đang rất tốt và kịp thời. Tuy nhiên, từ cấp Chính phủ đến địa phương cần tạo ra các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ, thuận lợi giúp cho du lịch hồi phục trở lại.
Việc nhiều địa phương đưa khách là F1 đi cách ly tập trung và áp dụng những quy định ngặt nghèo cho dù du khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine khiến khách du lịch rất rụt rè khi quyết định đi du lịch.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đầu tư ngân sách lớn hơn trong việc quảng bá tạo nhận thức điểm đến an toàn tới khách du lịch tại các thị trường chiến lược, thị trường tiềm năng nhằm giúp cho các doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận và mời gọi khách đến Việt Nam.
Theo tôi, một trong những điểm yếu lớn nhất của du lịch nông nghiệp Việt Nam là nguồn nhân lực. Hiện tại ở các cơ sở du lịch nông nghiệp, nông dân là những người tham gia chính, nên họ chỉ có khả năng phát triển sản phẩm đơn giản, có giá trị thấp, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường ở lại thành phố không có việc làm.
Để khắc phục tình trạng này, cần có các chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch nông nghiệp cho sinh viên. Các chương trình này có thể do các trường đại học, cao đẳng hay các dự án tổ chức giảng dạy.
Bên cạnh đó, tại mỗi vùng du lịch nên có các trung tâm đào tạo thực hành để tập huấn cho những người muốn khởi nghiệp du lịch nông nghiệp - nông thôn. Các trung tâm này có thể thuộc sự quản lý của các trường đại học, cao đẳng; trung tâm khuyến nông, hoặc đặt tại các cơ sở kinh doanh du lịch nông nghiệp thành công.
Sau các khóa học, cần cho người học đi thực tế để trao đổi với các cơ sở du lịch nông nghiệp- nông thôn, giúp tạo ra một đội ngũ làm du lịch ở vùng quê có chuyên môn cao. Đồng thời, cần đào tạo một đội ngũ những người trí thức ở các làng xã, thành người “kể chuyện địa phương”, để giới thiệu chiều sâu văn hóa, lịch sử của quê hương.
Trong chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, dịch vụ có khả năng đem lại lợi nhuận cao nhất là lưu trú, nhưng theo các quy định pháp luật hiện hành, thì nông dân và các chủ trang trại không được xây dựng cơ sở lưu trú đất nông nghiệp. Vấn đề này cần được giải quyết thì mới phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn và giảm thuế đối với những người khởi nghiệp du lịch nông nghiệp. Đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn an toàn về sản xuất, chế biến và môi trường đối với du lịch nông nghiệp-nông thôn.
VnEconomy 02/02/2022 14:00
14:00 02/02/2022