Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 1
Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 2

“Tọa đàm hôm nay diễn ra khi kinh tế quý 1/2024 đã đi qua với tốc độ tăng trưởng đạt mức cao so với cùng kỳ các năm 2020-2023. Dù đây không phải là mức tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là so với giai đoạn trước dịch Covid-19, nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức thấp. Dẫu vậy, áp lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm vẫn rất thách thức, nhiều khó khăn được doanh nghiệp phản ánh, trái ngược với những con số vĩ mô nhìn đầy tích cực, trong đó, nổi bật là những vướng mắc về thể chế. Bên cạnh đó, số liệu thống kê đã đánh giá đúng thực tế hay chưa?

Tình hình kinh tế quý 1/2024 còn những khó khăn do nhiều năm qua, nền kinh tế chậm phát triển. Kỳ vọng sự bứt phá mãnh liệt chưa thấy rõ, tuy nhiên, có nhiều tín hiệu đem lại sự lạc quan nhất định, triển vọng phát triển nền kinh tế một cách tiệm tiến là thấy rõ.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% như mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế các quý cuối năm cần đạt từ 5,85 - 6,28% ở kịch bản tăng trưởng 6% và từ 6,32 - 7,08% ở kịch bản tăng trưởng 6,5%. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn và chịu tác động từ những biến động bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu gần đây.

Bên cạnh đó, cần những định hướng cải cách, giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn cần tiếp tục được thực hiện”.

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 3

“Những vấn đề về nông nghiệp của Việt Nam chắc chắn vẫn là câu chuyện dài. Nông nghiệp là động lực của xuất khẩu Việt Nam nhưng để thật sự có những ngành hàng phát triển, có giá trị gia tăng cao, chúng ta phải đi vào cả vấn đề về nhân lực chất lượng cao và những vấn đề khác.

Với dệt may, năm 2023 thực sự là một năm vô cùng khó khăn của ngành dệt may. Quý 1/2024 có sự khởi sắc nhất định, tuy nhiên cũng còn rất nhiều thách thức, đặc biệt liên quan tiêu chuẩn kỹ thuật mới, nguồn năng lượng sạch để có thể sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính như châu Âu.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta nhìn bức tranh vĩ mô có thể có những chỉ số khởi sắc nhưng vẫn đầy lo lắng về những vấn đề ngắn hạn và vấn đề dài hạn như: chưa giàu đã già và làm sao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình… Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị rất nhiều nội dung sát sao, nếu những kiến nghị này thực hiện được sẽ gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển”.

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 4

“Trong quý 1/2024, khu vực nông nghiệp vẫn cho thấy động lực và dư địa khá tốt trong tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý 1 đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Trong đó, cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 44,4%); gạo 1,37 tỷ USD (tăng 12%); rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%)… Năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,3 tỷ USD và dự kiến năm 2024 khoảng 55-56 tỷ USD, đây là mục tiêu có thể đạt được. Tuy nhiên, sau chuyến công tác Nam Ninh (Trung Quốc) mới đây, chúng tôi thấy một số vần đề cần phải quan tâm thấu đáo hơn.

Thứ nhất, chúng ta quá yếu về logistics. Bước qua khỏi Lạng Sơn là đến Nam Ninh, phía nước bạn đầu tư rất bài bản hạ tầng tiếp nhận nông sản, xây dựng thành khu tập trung, thậm chí có cả không gian cho nông sản Việt Nam và có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Trong khi đó, từ phía chúng ta, các doanh nghiệp Việt chủ yếu giao hàng cho đối tác gần cửa khẩu, hoặc chờ thương nhân nước bạn sang thu mua nông sản. Doanh nghiệp thương mại nông sản nước ta vẫn còn e ngại trong khâu vận chuyển, thông quan nông sản, ngại đưa hàng vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Logistics ở đây không chỉ là việc của Chính phủ mà cần các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay tạo ra hệ sinh thái logistics nông sản. Cần các doanh nghiệp đầu tư vào kho lạnh, chế biến, kho cảng, đường sắt, hàng không và các dịch vụ đi kèm…

Thứ hai, lĩnh vực chế biến có dư địa rất lớn nhưng phát triển chế biến nông sản còn chậm. Nhiều loại nông sản khó bảo quản được lâu, khiến giá bán lên xuống thất thường. Ví dụ, sầu riêng năm ngoái tăng trưởng xuất khẩu và giá bán rất cao, nhưng hiện giá sầu riêng giảm do chúng ta yếu khâu chế biến, bảo quản. Do đó, rất mong cộng đồng doanh nghiệp đầu tư tổ hợp nhà máy chế biến để có vùng nguyên liệu gắn liền với các tổ hợp chế biến, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, phải thực thi tốt Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng, tháo gỡ những vướng mắc về đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, chúng ta không chỉ quan tâm đến chỉ số sản xuất, GDP, kim ngạch xuất khẩu, mà còn là tính chất xã hội ở nông thôn. Những người trẻ, người có trình độ cao lần lượt rời bỏ nông thôn, dẫn đến người trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn có trình độ thấp. Đây là thách thức lớn cho đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, đào tạo người lao động trong ngành nông nghiệp”.

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 5

“Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2024 rất phấn khởi, tăng 5,66% do tăng từ mức nền thấp so cùng kỳ, nhưng số liệu thống kê dường như chưa phản ánh đúng thực tế. Năng suất lao động Việt Nam là một chỉ tiêu Việt Nam rất mong muốn đạt được để tránh tụt hậu. Theo tính toán, trong quý 1/2024, năng suất lao động tăng đến 6%, trong khi năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 4,8 - 5,3%. Khi đó, Việt Nam chẳng mấy hóa rồng hóa hổ, bỏ quên nguy cơ tụt hậu xa hơn, sập bẫy thu nhập trung bình hay chưa giàu đã già. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7% giai đoạn 2021-2025 cần phải tăng tốc năm 2024, 2025, nhưng tăng tốc thế này rất nguy hiểm, nên giới chuyên gia phải đưa ra cảnh báo là điều cần thiết.

Nhiều tín hiệu báo động, không bình thường về tình hình đăng ký doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý 1/2024, cả nước giảm 14 nghìn doanh nghiệp, trong khi đó mục tiêu đặt ra đến năm 2025 cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp.

Những năm gần đây tổng cầu trong nước tăng thấp, cả nước vui mừng vì xuất siêu nhưng nguyên nhân chủ yếu do người dân thắt lưng buộc bụng, nên đem hàng hóa đi xuất khẩu, chủ yếu là bán sức lao động với giá rẻ, do đó, cần tránh lạc quan thái quá.

Vì vậy, việc xác định vị thế của Việt Nam rất quan trọng, cần tiếp tục lưu ý các nguy cơ và đưa ra giải pháp. Bên cạnh đó, cần lưu ý các động lực tăng trưởng, đặc biệt quan tâm tới doanh nghiệp khi có nhiều điểm bất thường, bao nhiêu giải pháp đưa ra không thực hiện được.

Bên cạnh đó, cần hết sức chú ý chuyển động dòng tiền, bao nhiêu tiền đổ vào tiền ảo, bất động sản, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, sau đó quay trở lại áp lực cho lạm phát, chưa kể lương tăng. Khi tích lũy tài sản, đầu tư tăng thấp hơn GDP, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2%, nhiều ngành tăng trưởng âm nhiều năm thì làm sao thúc đẩy tăng trưởng GDP, bởi vốn là yếu tố vật chất trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, trong ba tháng đầu năm, tỷ giá tăng nóng, cần hết sức thận trọng”.

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 6

“Hiện nay, có nhiều thuận lợi và điểm sáng trong quan hệ chính trị, ngoại giao của Việt Nam với nhiều quốc gia. Năm vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, nhân dịp này, lãnh đạo hai nước ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Tháng 3/2024, đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 50 công ty hàng đầu của Mỹ hoạt động trong nhiều lĩnh vực cũng có chuyến thăm Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Các doanh nghiệp Mỹ thấy rằng nền kinh tế Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển, nhân lực trẻ, dồi dào. Các chuyên gia Mỹ cho rằng Việt Nam có hai năm để nắm bắt cơ hội, không thể kéo dài hơn.

Thế nhưng, nhìn cơ hội đến rồi đi rất đáng tiếc đem lại nhiều nỗi trăn trở. Theo quan sát của tôi, các doanh nghiệp nước ngoài không nhất thiết phải làm việc với doanh nghiệp lớn của Việt Nam, thực tế cho thấy tập đoàn lớn ở Mỹ đa số khởi đầu từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chớp lấy cơ hội làm việc với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thị trường hàng không Việt Nam phát triển nhanh thứ 5 thế giới. Tập đoàn Boeing cam kết hỗ trợ hết mình, giúp các hãng hàng không, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, chúng tôi làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề an ninh quốc phòng trong lĩnh vực hàng không.

Để Việt Nam có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn, Boeing cũng hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề và chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên gia và nhận sinh viên thực tập tại Mỹ để các bạn trẻ có cơ hội làm việc, học hỏi, từ đó, tạo nguồn nhân lực cao cho Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng với ngành hàng không thời gian tới là phát triển nguồn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Đây là lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng lớn. Hàng không thế giới đòi hỏi tàu bay bắt buộc dùng nhiên liệu SAF từ năm 2050 để hiện thực hóa mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, trên thế giới dự kiến cần 6.000 nhà máy sản xuất nhiên liệu SAF được làm từ phụ phẩm, chất thải nông nghiệp như ngô, mía, sắn...

Hiện, nhiên liệu SAF mới đáp ứng 1% nhu cầu chuyến bay toàn cầu. Theo tính toán, mỗi tuần trên thế giới thành lập một nhà máy, vậy để có 6.000 nhà máy sẽ mất bao nhiêu thời gian để xây dựng xong?

Giống như đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, đây là cuộc đầu tư dài hạn sẽ đem lại lợi nhuận về sau và đem lại nhiều ý nghĩa tích cực, song có một điểm khác biệt: đầu tư điện mặt trời là lựa chọn, có thể đầu tư hoặc không, nhưng tàu bay sử dụng nhiên liệu SAF là điều bắt buộc. Hiện máy bay qua châu Âu không dùng SAF phải đóng phí và mức phí này càng ngày càng cao. Việt Nam có sẵn thế mạnh về nguyên liệu đầu vào, còn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất SAF “ăn thua” nhau ở công nghệ và chủ trương ủng hộ của Chính phủ, Boeing sẽ hỗ trợ Việt Nam để nắm bắt cơ hội này”.

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 7

“Ngành hàng gỗ trong 15 năm nay nổi lên là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn, cũng là ngành hàng trong top đầu về xuất siêu. Trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đem về 3,7 tỷ USD, tăng 23,6% cùng kỳ năm trước, mặc dù chưa cao như kỳ vọng nhưng cũng cho thấy xuất khẩu gỗ có dấu hiệu hồi phục. Ngược lại, nhập khẩu gỗ (chủ yếu là nhập gỗ nguyên liệu về để chế biến) đạt 536 triệu USD, tăng 10,3%.

Ngành gỗ trước đây được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, xuất khẩu nhiều, tạo ra nhiều công ăn việc làm, phần giá trị gia tăng người Việt Nam được hưởng cao hơn các ngành khác. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi thấy khả năng tối đa hóa lợi nhuận của ngành gỗ xuống thấp, không còn là “con gà đẻ trứng vàng” nữa. Hiện, doanh nghiệp gỗ đang gặp một số khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, phải đối mặt với phòng vệ thương mại. Chúng ta đang dần thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng chế biến và cung ứng sản phẩm gỗ cho các thị trường lớn. Chẳng hạn như Hoa Kỳ, trong tổng kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ nội thất của nước này hiện nay, Việt Nam đóng góp tới 38,6%. Ghế ngồi là ví dụ, trong 10 chiếc ghế mà Hoa Kỳ nhập khẩu thì có đến 4 chiếc ghế là từ Việt Nam. Điều này cho thấy chúng ta gần như thay thế Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ, cũng chính vì vậy mà Hoa Kỳ thường xuyên khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Thứ hai, chuyển đổi xanh, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho ngành gỗ. Từ 10-15 năm nay, chúng ta thực hiện rất nhiều việc để đảm bảo gỗ hợp pháp như quy định không gây mất rừng và không gây suy thoái rừng. Trong khi nhiều nước có vẻ như “đầu hàng” hoặc phản đối quyết liệt thì với Việt Nam lại là cơ hội, nếu chúng ta làm tốt thì sẽ mở rộng được thị trường.

Việt Nam đã đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2016 và nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu gỗ đầu vào từ Hoa Kỳ, EU và các nước khác. Những nước này tuân thủ và thực thi luật pháp rất tốt, nên chúng ta không lo lắng nhiều về nguy cơ lọt gỗ khai thác bất hợp pháp đưa vào chuỗi cung ứng.

Thứ ba, thách thức từ những quy định trong nước. Quy định về phòng cháy, chữa cháy làm khó các doanh nghiệp gỗ, thậm chí một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì không đáp ứng được quy định. Về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vẫn liệt kê sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm rủi ro cao và phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau, truy xuất nguồn gốc đến từng hộ nông dân trồng rừng.

Việt Nam có hàng triệu hộ nông dân trồng rừng, từ rừng trồng đến nhà máy sản xuất ra sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu có một hành trình rất dài, chuỗi rất phức tạp. Trong chuỗi đó, chỉ cần một mắt xích có vấn đề là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ “lãnh đủ”. Nếu chậm hoàn thuế, coi như bị “om” 10% giá trị xuất khẩu, không còn vốn để tái đầu tư sản xuất, khiến doanh nghiệp vừa mất thời gian chờ đợi, vừa mệt mỏi”.

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 8

“Ngành dệt may dành tới 85% năng lực cho xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 44 tỷ USD và là ngành có tỷ trọng xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Năm 2023, mặc dù là năm vô cùng khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 39,5 tỷ USD. Trong năm 2023, khó khăn nhất với ngành là giá xuất khẩu giảm 20-30%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 60%. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động, doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận đơn hàng giá giảm, quỹ dự phòng của doanh nghiệp cũng bỏ ra sử dụng hết, chấp nhận lỗ một phần để giữ chân người lao động.

Song rất mừng, từ quý 1/2024, xuất khẩu dệt may khởi sắc hơn, đơn hàng khá dồi dào, nhiều doanh nghiệp ký đơn hàng đến quý 3. Tuy mức giá xuất khẩu chưa được như mong muốn nhưng bắt đầu có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp dệt may chuyển từ trạng thái “cái gì cũng làm” sang trạng thái có lựa chọn nên ký hay không, ký bao nhiêu, không ký nhiều quá trong điều kiện giá vẫn còn thấp...

Ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 9,54 tỷ USD, tăng trở lại 9,6% so với năm 2023. Mục tiêu năm 2024 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD (nếu không có biến động quá lớn), bằng mức cao của năm 2022. Năm 2024 chưa phải là năm sáng sủa mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt. Đặc biệt là việc tăng phí từ vận tải biển do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ, khách hàng gây áp lực buộc doanh nghiệp dệt may phải chia sẻ. Bên cạnh đó là áp lực thời gian giao hàng lớn khi tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng.

Song, áp lực lâu dài với ngành dệt may đó là những yêu cầu thay đổi lớn từ các thị trường. Đơn cử như thị trường EU, họ đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, chiến lược dệt may bền vững, bắt đầu từ thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm dệt may bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững tức là phải tái chế lại được. Ngay cả với hàng tồn kho, các thị trường lớn cũng yêu cầu phải tái chế lại chứ không tự tiện sử dụng như trước đây.

Nhiều nhãn hàng đưa ra yêu cầu từ nay đến năm 2030 phải sử dụng 30% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đến năm 2050 con số này phải là 100%; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải có lộ trình thực hiện đến năm 2050. Chẳng hạn như nếu doanh nghiệp không làm được điện áp mái thì phải mua tín chỉ carbon,… điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Ngoài ra, vấn đề lao động cũng là khó khăn với ngành dệt may trong năm 2024. Đơn hàng hiện nay không thiếu nhưng thiếu lao động, bởi nửa đầu năm 2023, gần 80.000 lao động mất việc làm, lao động về quê tìm việc và không quay lại nữa. Các địa phương cũng có chính sách tuyển dụng lao động đi hợp tác nước ngoài. Thậm chí những chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội cũng tạo ra những biến động lao động…  Bên cạnh đó, các loại chi phí đầu vào sản xuất đều tăng như lương tối thiểu tăng nhưng giá sản phẩm không tăng.

Tôi cho rằng Nhà nước khi đưa ra chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội thì cần đẩy nhanh để giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, điều này cũng gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, cần chuyển sang quỹ khác như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, vì việc chuyển đổi này cần rất nhiều tiền”.

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 9

VnEconomy 22/04/2024 18:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nhận diện kinh tế quý 1/2024: “Mở lối” cho kinh tế cả năm   - Ảnh 10

18:00 22/04/2024