“Dệt may là ngành xuất khẩu lớn, phụ thuộc chủ yếu vào tổng cầu thế giới, bởi sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm 5-6% tổng năng lực sản xuất của ngành dệt may, khoảng 50 tỷ USD/năm, đây là điểm đặc thù của ngành.
Từ cuối năm 2022, khi lạm phát thế giới lên cao, kinh tế thế giới bấp bênh và nhiều dự báo về khủng hoảng kinh tế, suy giảm hoặc đình lạm ở tất cả các quốc gia, trong top 5 mặt hàng người người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cắt giảm chi tiêu luôn có mặt hàng dệt may. Theo thống kê, năm 2022, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 760 tỷ USD, sụt giảm so với mức 805 tỷ USD của năm 2021. Đến năm 2023, dự báo khả quan, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 710 tỷ USD, thấp hơn cả năm 2019, thời điểm trước dịch. Nếu tình huống xấu hơn thì có thể sụt giảm dưới 700 tỷ USD, thậm chí thấp hơn năm 2016.
Tuy nhiên, một diễn biến đáng chú ý là cầu thế giới chỉ giảm khoảng 10%, riêng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm sâu nhất, gần 20%. Trong khi đó, những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới khác như: Bangladesh giảm khoảng 3%, Trung Quốc giảm 7%, Ấn Độ sụt giảm khoảng 10%.
Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy việc sụt giảm sâu kim ngạch xuất khẩu dệt may không phải do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi năm 2020, doanh nghiệp vẫn cạnh tranh tốt, sản xuất, năng suất, chất lượng tốt và phục vụ khách hàng tốt. Hạ tầng công nghệ của Việt Nam cũng ở mức khá, ngành may và sợi được đánh giá tốt, riêng ngành dệt, nhuộm ở mức trung bình. Rõ ràng, mức suy giảm này ảnh hưởng chủ yếu bởi các yếu tố vĩ mô.
Cụ thể, trong tất cả các quốc gia xuất khẩu dệt may, tỷ giá đồng Việt Nam giảm ít nhất trong 12 tháng qua. Tính từ tháng 5/2022 - 5/2023 tỷ giá đồng Việt Nam giảm khoảng 1,6%, trong khi đó, hai quốc gia lớn cạnh tranh trực tiếp là đồng Taka của Bangladesh giảm 20%, Thổ Nhĩ Kỳ - nhà cung cấp lớn cho toàn bộ thị trường châu Âu, giảm 21%.
Bên cạnh đó, về vốn vay, dù có nhiều đợt giảm nhưng vốn vay bình quân của doanh nghiệp vào khoảng 9,3%. Doanh nghiệp nhỏ nếu vay đầu tư dài hạn lên tới 14-15%, vay ngắn hạn cũng rất cao. Khoảng chênh lệch về lãi suất so với Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ lên tới 5%. Như vậy, riêng hai yếu tố vĩ mô về tỷ giá và lãi suất khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn hàng hóa thế giới khoảng 25%.
Ngoài ra, lương chiếm 20% giá thành ngành may. Thế nhưng, lương tại Việt Nam không thể giảm được bởi mặt bằng lương tối thiểu được quy định trong luật, mức đóng các loại bảo hiểm cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc.
Tổng hòa ba yếu tố về tỷ giá, lãi suất và tiền lương chi trả cho lực lượng lao động đông đảo, đang gây bất lợi cho doanh nghiệp và dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may suy giảm mạnh”.
“Lâm Đồng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, tỉnh có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của thị trường, nền kinh tế thế giới đang giảm tốc ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam, khiến sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng cũng chịu nhiều tác động. Là một địa phương đa dạng cây trồng, vật nuôi, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung triển khai một số giải pháp quan trọng để giữ vững tổng cầu trong thời gian qua.
Cụ thể, thứ nhất, rà soát lại những cây trồng chủ lực để tổ chức sản xuất quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa và nông nghiệp thông minh để nâng cao năng suất. Thứ hai, thực hiện liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp hạt nhân với các hộ nông dân. Thứ ba, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn.
Đặc biệt hơn, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rà soát tất cả các vùng sản xuất, những sản phẩm nông nghiệp không liên quan đến phá rừng, để chứng minh với các thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu thấy rằng nông sản Lâm Đồng phát triển bền vững, không liên quan đến mất rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại kết nối giao thương với các quốc gia.
Để tăng tổng cầu trong thời gian tới, với vấn đề tổ chức sản xuất, tôi cho rằng hiện vẫn còn nhiều mặt hàng xuất khẩu thô với tỷ trọng khá cao, do đó, cần tiến hành tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường đầu tư, chế biến sâu hơn để xuất khẩu, nâng cao giá trị nông sản Việt. Còn về bài toán vật tư nông nghiệp, chúng ta đang nhập khẩu khá lớn và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, do đó, cần sớm tự chủ nguồn nguyên liệu, tập trung nghiên cứu và sản xuất các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi…, góp phần giảm giá thành, đáp ứng kịp thời nhu cầu trong sản xuất và không cần phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu”.
“Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát hiện có khoảng 100 doanh nghiệp hội viên, với các nhà máy phân bố khắp các tỉnh, thành trên cả nước, hàng năm đóng góp vào ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hai năm đại dịch và đầu năm 2023, doanh nghiệp ngành đồ uống đều gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đều ghi nhận lợi nhuận và doanh thu sụt giảm khoảng 15%.
Nguyên nhân do doanh nghiệp nhiều ngành hàng phải cắt giảm lao động, tiêu dùng của người dân thắt chặt khiến tiêu thụ đồ uống sụt giảm. Về đầu vào, ngành đồ uống chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Âu. Thế nhưng, do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine gây đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu, khiến chi phí nhập khẩu tăng từ 15-30%, đẩy tăng giá thành và sản phẩm đến tay người tiêu dùng từ năm 2022 tăng lên khoảng 10%.
Một khó khăn nữa là Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt áp nhiều chế tài mạnh để hạn chế tiêu dùng đồ uống có cồn. Bên cạnh đó, ngành hàng đồ uống cũng phải chuẩn bị nguồn lực và kinh phí để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) liên quan đến trách nhiệm thu gom, tái chế. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó, nghiên cứu tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm ngành hàng đồ uống có cồn, bia, rượu; đồng thời, nghiên cứu bổ sung thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, sức tiêu dùng còn hạn chế và các doanh nghiệp, nền kinh tế đang phục hồi, hiệp hội đề xuất chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn 2023-2025, để tạo chính sách ổn định, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Liên quan đến việc thực hiện EPR, hiệp hội mong muốn chính sách khi ban hành sẽ gây tác động ít nhất tới doanh nghiệp, tránh tăng giá với người tiêu dùng”.
“Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, năm vừa qua, thị trường EU chững lại, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam, một mắt xích rất quan trọng. Theo khảo sát hàng quý của Hiệp hội EuroCham về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI), cho thấy chỉ số sụt giảm khá mạnh vào quý 3, 4/2022, phản ánh thị trường tiêu thụ sụt giảm mạnh.
Đến quý 1/2023, đà sụt giảm bắt đầu chững lại và le lói một số dấu hiệu cho thấy thời gian tới có thể chứng kiến sự phục hồi. Khi trò chuyện với một số doanh nghiệp lớn của châu Âu, chúng tôi cũng nhận được phản ánh tích cực khi một số đơn hàng bắt đầu quay trở lại và đặt nhiều hy vọng vào quý 3,4 năm nay. Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị trong trung hạn và dài hạn, để đón đầu thị trường.
Theo đó, thứ nhất, về xuất khẩu, hiện nay, EU đang đưa ra những tiêu chuẩn rất khắt khe và những quy định mới hướng đến mục tiêu phát triển bền vững có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như hoạt động xuất khẩu từ những quốc gia như Việt Nam. Chẳng hạn, quy định về cacbon hay chống phá rừng, sẽ ảnh hưởng đến các ngành nghề của Việt Nam, từ dệt may, da giày, thủy sản và những ngành hàng thế mạnh khác.
Như vậy, thời gian tới, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần ban hành khung chính sách hoặc những chương trình để hỗ trợ nâng cao năng lực và hiểu biết cho các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam, nhằm bắt kịp xu thế này. EU luôn đi đầu khu vực và trên thế giới về phát triển bền vững, Việt Nam một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nên không thể nằm ngoài cuộc chơi.
Thứ hai, về đầu tư, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu về đầu tư của các tập đoàn châu Âu. Quyết định đầu tư nhanh hay chậm và trong lĩnh vực nào phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính luôn là rào cản lớn nhất.
Thứ ba, Việt Nam cũng cần phải đáp ứng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng. Đây là một điểm mấu chốt và điều kiện tiên quyết được doanh nghiệp châu Âu quan tâm khi ra quyết định đầu tư. Sắp tới, doanh nghiệp Việt tham gia trong chuỗi cung ứng cũng sẽ phải sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất, khi đó, mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu”.
“Thống kê gần đây cho thấy ngành công nghiệp điện tử đóng góp lớn vào giá trị gia tăng nội địa, cân bằng cán cân ngoại hối và ngày càng chiếm vị trí then chốt trong nền kinh tế. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt 114,5 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và xuất siêu 11,2 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây, ngành đều ghi nhận xuất siêu.
Bắt đầu sang năm 2023, lạm phát các quốc gia tăng cao và nhu cầu tiêu dùng lại sụt giảm. Theo ghi nhận, trong quý 1/2023, các lô hàng máy tính trên toàn cầu suy giảm 29%, trong khi xuất khẩu máy tính của Việt Nam giảm 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, “sức khỏe” của doanh nghiệp suy giảm rất nhiều bởi các yếu tố bất ổn vì bệnh dịch, chiến tranh, hay do điều chỉnh chuỗi cung ứng, cộng thêm nhiều quy định mới và chính sách trong nước chưa theo kịp.
Thực tế cho thấy doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực thu đủ bù chi để đảm bảo lực lượng sản xuất, chờ nền kinh tế khởi sắc hơn.
Để giúp doanh nghiệp cầm cự trong giai đoạn khó khăn này, ba yếu tố mà doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp điện tử đang rất cần hỗ trợ, đó là vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.
Theo đó, thứ nhất, doanh nghiệp mong muốn có thể điều chỉnh mức phải đóng bảo hiểm phù hợp hơn như các doanh nghiệp trong khu vực, giúp doanh nghiệp có đủ khả năng chịu đựng. Bởi mức đóng các loại bảo hiểm đối với người lao động Việt Nam là trên 30%, tỷ lệ này gần như cao nhất trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc. Các nước lân cận như Malaysia, tỷ lệ này là 18%, Thái Lan 12%.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta rất tự hào về nguồn lao động dồi dào, trẻ, giá rẻ nhưng đây là lợi thế cạnh tranh tự nhiên, sẽ không tồn tại lâu dài.
Thứ ba, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc nâng cao năng lực công nghệ, với những chương trình hỗ trợ đặc thù và nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp tốt hơn”.
“Lượng khách du lịch nội địa năm vừa qua phá kỷ lục thời điểm trước dịch, đạt 108 triệu lượt khách nhưng năm nay khó đạt mục tiêu đề ra, bởi nhu cầu du lịch nội địa dần giãn ra. Phú Quốc là điểm nóng du lịch năm trước nhưng dịp nghỉ lễ vừa qua trở nên ế khách, không chỉ vì giá cao mà du khách sụt giảm nhu cầu du lịch trong nước và bắt đầu chuộng du lịch nước ngoài. Năm nay, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam bùng nổ, tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ, bởi chi phí rẻ hơn đi trong nước nhưng phải thừa nhận các nước làm rất tốt và dành nhiều ưu đãi, kéo khách Việt sang.
Với thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, có khả năng đạt mục tiêu 8 triệu khách nhưng tình hình hiện rất không ổn. Thị trường nguồn các nước vùng Đông Bắc Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông chiếm 70% lượng khách đến Việt Nam trước dịch nhưng hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê, khách Đông Bắc Á đến Việt Nam hiện chỉ còn khách Hàn Quốc, với 1,3 triệu khách đến Việt Nam 5 tháng đầu năm. Con số tưởng chừng rất vui nhưng đa phần là do doanh nghiệp Hàn Quốc tự làm, các doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào chuỗi kinh doanh của họ.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản khuyến khích người dân du lịch trong nước và không khuyến khích du lịch nước ngoài. Thông báo của các hiệp hội du lịch cho thấy Chính phủ Trung Quốc định hướng rất rõ ràng và chặt chẽ những quốc gia nào không được đi du lịch và đặt số lượng khách nước ngoài vào từng tỉnh, từng ngành, từng đơn vị. Xin visa vào Trung Quốc hiện rất khó khăn, bằng Hàn Quốc và Nhật Bản cộng lại. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ khách nội địa rất tốt, hứa hẹn một năm bội thu. Đón đầu thị trường Trung Quốc mở cửa, Vietravel chuẩn bị 400 chuyến bay charter (thuê chuyến) nhưng hiện chỉ thực hiện được 28 chuyến và hủy toàn bộ số chuyến còn lại.
Thị trường Tây Âu cũng là thị trường nguồn được đánh giá cao về khả năng chi tiêu nhưng khách Tây Âu cũng ưu tiên đi trong nội khối vì chi phí rẻ.
Điều đáng nói, chính sách nới visa mới được thông qua được đánh giá là quá chậm, đáng lẽ “mỏ neo” phải bật ra lúc mạnh nhất vào tháng 9/2022 khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì các cuộc họp liên tục gỡ khó cho thị trường du lịch. Tuy nhiên, mãi đến một năm sau mới ban hành chính sách mới. Như vậy, trong suốt thời gian đó, du lịch Việt Nam bị bỏ lại phía sau, coi như chậm chân và đây là một điều rất đau xót”.
“Mức chi tiêu cho dịch vụ F&B (ẩm thực và đồ uống) giảm khoảng 5%/tháng trong suốt 3 tháng vừa qua. Tuy nhiên, dù mức chi tiêu sụt giảm nhẹ do người dân thắt chặt hầu bao, song nhu cầu vẫn không hề suy giảm. Trong bối cảnh đó, phân khúc có mức giá phải chăng hơn các sản phẩm trước đây sẽ lên ngôi. Đó là lý do chuỗi trà sữa Mixue gây sốt trong thời gian vừa qua.
Về chi phí, theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hàng F&B, tiền thuê mặt bằng hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí hoạt động và có xu hướng tăng cao, trong khi đó, ngành ẩm thực lệ thuộc nhiều vào chỗ ngồi nên luôn có ngưỡng giới hạn về doanh thu. Cụ thể, hiện có rất nhiều mặt bằng hiện chào thuê 400 - 700 triệu đồng/tháng, bị giới hạn về diện tích và công năng, rất khó để có hiệu quả nếu thuần kinh doanh ẩm thực.
Dù vậy, nhiều đơn vị vẫn chịu chi giá cao cho những mặt bằng đẹp và hạch toán chi phí mặt bằng vào một phần của chi phí truyền thông marketing do tận dụng thêm “mỏ vàng” quảng cáo ngoài trời. Theo đó, nhiều chuỗi ẩm thực vẫn mong muốn sở hữu các cửa hàng trải nghiệm có quy mô, diện tích lớn (Flagship) hoặc các vị trí siêu đắc địa (Icon) để xây dựng uy tín và tăng độ nhận diện thương hiệu.
Nhìn chung, giai đoạn hiện nay khá thử thách với những đơn vị kinh doanh ngành F&B do những biến động thị trường, nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp ẩm thực chuyên nghiệp và các nhà đầu tư mới có tư duy bài bản và căn cơ với ngành dịch vụ ẩm thực này”.
VnEconomy 11/07/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2023 phát hành ngày 10-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
06:00 11/07/2023