Chị bắt đầu khởi sự công việc kinh doanh bằng việc nhập khẩu trái cây cao cấp. Từ khi nào chị bắt đầu quan tâm tới trái cây Việt Nam?
Năm 2013, Công ty Mia Fruit ra đời, chuyên bán trái cây cao cấp nhập khẩu. Do công việc yêu cầu, tôi đã đi rất nhiều quốc gia để tìm nguồn hàng, nắm bắt quy trình sản xuất. Tôi nhận thấy ở các nước họ áp dụng công nghệ hiện đại vào trồng trọt, cây chưa ra trái đã có khách hàng, nên giá cả luôn ổn định ở mức cao.
Nhìn lại trái cây Việt Nam, chủng loại vô cùng phong phú. Có những giống trái cây đặc sản nếu canh tác đúng và kỹ càng, chất lượng không thua gì những trái cây đặc sản của Hàn Quốc hay Nhật Bản. Song, quá trình canh tác ở nước ta thô sơ, khó đảm bảo các tiêu chuẩn. Người nông dân lại giữ thói quen chạy theo sản lượng, mù mờ về thị trường nên hàng tràn chợ, đôi khi phải giải cứu...
Tôi nghĩ, không có gì là muộn, nếu chúng ta cùng thay đổi, cùng bắt tay vào làm thì trái cây Việt Nam có ngày sẽ đạt đẳng cấp như trái cây Nhật, Mỹ...
Vậy, bước đầu tiên để bắt tay vào làm của chị là gì? Chị chọn lựa trái cây nào của Việt Nam để bắt đầu xuất khẩu?
Sau gần 10 năm tôi đã gây dựng được mối quan hệ bạn hàng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… nên sẵn có lợi thế để mở rộng sang hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2020, dịch bệnh phức tạp, kênh tìm kiếm mặt hàng mới đưa về bán trong nước tạm thời gián đoạn. Chúng tôi đã quyết định đi khắp 63 tỉnh, thành phố để tìm hiểu sâu thêm về ngành sản xuất trái cây của Việt Nam, liên kết với các địa phương phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu.
Với sự hỗ trợ của các địa phương, chính trong thời gian này chúng tôi bắt tay vào xây dựng “Bản đồ trái cây Việt Nam” - nơi hệ thống hóa thông tin, dữ liệu, hình ảnh trái cây Việt Nam theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu vùng miền, được thể hiện trên nền tảng thương mại điện tử.
Tháng 9/2021, “Bản đồ trái cây Việt Nam” đã bước vào hội chợ trái cây lớn nhất châu Âu tổ chức tại Italia. Đầu tháng 11/2021, chúng tôi lại có mặt trong nhóm doanh nghiệp - doanh nhân tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP26, thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Cuối tháng 11/2021, “Bản đồ trái cây Việt Nam” cùng Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Nhật Bản...
Hiện đã bước sang giai đoạn 2, kết nối người nông dân với khách hàng trong nước và quốc tế. Thưa chị, mục tiêu tiếp theo của “Bản đồ trái cây Việt Nam” là gì?
Với góc độ của một doanh nghiệp, hiện nay chúng tôi tham gia vào quá trình tư vấn và định hướng cho bà con cũng như đưa sản phẩm ra thị trường. Mắt xích quan trọng nhất là xác định được xu hướng tiêu dùng hiện tại, để quay lại đóng góp ý tưởng nên trồng loại gì, theo tiêu chuẩn nào, để xuất sang thị trường nào, cần có nghiên cứu rất cụ thể. Tới đây, bản đồ trái cây sẽ bước vào giai đoạn kết nối hơn 800 doanh nghiệp lớn về ngành nông sản trên thế giới với khoảng 1.000 hợp tác xã sản xuất trái cây ở Việt Nam.
Mục đích của tôi là cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin như: sản lượng, mùa vụ, đặc điểm cũng như các tiêu chuẩn để giúp cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu kinh doanh trái cây Việt Nam từ quốc tế dễ dàng hiểu và đẩy nhanh cho hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài việc cung cấp dữ liệu chính xác thì hệ thống vận chuyển và lưu kho cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Thông qua bản đồ trái cây, chúng tôi hệ thống số hóa và mạng lưới để giải quyết và kiểm soát tỷ lệ hao hụt của trái cây từ lúc trồng tới khi đến tay người tiêu dùng, giúp nâng cao lợi nhuận và giá thành cho cả người mua và người bán.
Đã từng có thời điểm doanh thu của công ty tăng 300% mỗi tháng, vậy việc nhập khẩu trái cây cao cấp về Việt Nam và đưa trái cây Việt Nam ra thế giới, giờ đây việc nào cần ưu tiên hơn?
Hiện tại và trong tương lai, sứ mệnh của Mia Group là phải đưa trái cây Việt Nam ra thế giới để càng nhiều người biết đến càng tốt. Thực tế là từ năm 2021 trở đi, chúng tôi đã không mở rộng thêm hệ thống bán lẻ trái cây nhập khẩu mà chỉ duy trì công việc kinh doanh cùng với tập trung toàn lực để kết nối các vùng nguyên liệu trái cây trong nước đến với người tiêu dùng quốc tế.
Đội ngũ Mia Group đang bắt đầu một “cuộc chơi lớn” với lộ trình phát triển cụ thể như đầu tư công nghệ, đầu tư vào vùng trồng để có nguồn hàng đạt chuẩn. Sau đó từng bước đưa trái cây Việt Nam chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc cao cấp, hướng tới xuất khẩu, định vị lại thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nếu được nói về những dấu ấn của trái cây Việt trên chính “Bản đồ trái cây Việt Nam”, chị sẽ kể gì?
Tôi sẽ kể về “Mận hậu Ruby” Sơn La - được tuyển chọn từ những vườn mận được chăm sóc kỹ lưỡng nhất, cho trái ngọt nhất, kích thước đồng đều nhất theo như cái cách người Nhật chăm sóc cho chùm nho Mẫu đơn. Hay câu chuyện về những người dân trồng cam bóc Phủ Quỳ tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) giờ đây đã hình thành tập quán canh tác theo nhu cầu của khách hàng, nâng được giá thành sản phẩm... Có thể nói, với sự tham gia của 5 thành phần: Nhà nước - Nhà khoa học - Người nông dân - Nhà phân phối - Người tiêu dùng, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một tầm cao mới cho nông sản Việt Nam.
Với một “bà trùm” trái cây, loại trái cây nào gây ấn tượng nhất với chị?
Từ khi giới thiệu bản đồ trái cây một cách rộng rãi, đã có rất nhiều người hỏi tôi: mong muốn của tôi là gì? Tôi luôn luôn trả lời: tôi có giấc mơ tìm được quốc trái cho Việt Nam! Chúng ta đã có quốc phục là áo dài, quốc hoa là đóa sen hồng, còn quốc trái của Việt Nam sẽ là gì? Nếu được đóng góp ý kiến, miền Bắc tôi đề cử trái vải, miền Trung tôi đề cử trái thanh long, còn miền Nam tôi sẽ giới thiệu trái vú sữa.
Hiện tại, chưa có nước nào trồng được trái vú sữa ngon như ở Việt Nam. Người Việt mình lại theo tín ngưỡng thờ mẫu, là tôn vinh bầu sữa mẹ... Sắp tới, mong muốn của chúng tôi là mang công nghệ bảo quản và chế biến sâu về cho trái vú sữa Việt Nam, để loại trái cây này có thể đi xa được tới những thị trường khó tính.
Chị đã “vẽ” bản đồ cho trái cây Việt Nam, có bao giờ chị định thử “vẽ” bức chân dung Mia Group sau 5 - 10 năm tới hay không?
Đối với tôi “Bản đồ trái cây Việt Nam” giống như một công trình nghiên cứu trọn đời. Tôi mong bản đồ có thể được áp dụng trong giảng dạy cho các bé thiếu nhi, mong bạn bè quốc tế có thể hiểu về trái cây Việt Nam thông qua một cú nhấp chuột. Tôi cũng muốn tích hợp mô hình sàn đấu giá nông sản vào bản đồ, để cho thế giới thấy nông sản đặc sản Việt Nam thật ra không hề thua kém bất kỳ đâu… Bắt đầu khởi nghiệp với Mia Fruit, nhưng giờ đây tôi kỳ vọng sau 5 – 10 năm tới, Mia Group sẽ có vùng nguyên liệu đủ lớn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rau, củ, quả và các loại hạt tới các thị trường tiêu chuẩn cao trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Nói về nông nghiệp bền vững rất dễ, thực hiện mới khó…
Đúng vậy, nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, thì lĩnh vực nông nghiệp thực sự có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong cuộc đua này. Chính vì vậy, ngoài việc chuyển đổi số cho nông nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu các giải pháp canh tác bền vững, biến các phế phẩm trong trồng trọt trở nên có ích để nuôi dưỡng ngược lại cho đất, đưa công nghệ tiên tiến bổ trợ cho việc canh tác.
Cuối năm 2023, trong hệ sinh thái Mia Group đã có thêm Công ty TNHH Migreen, hướng đến việc xây dựng giải pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên, xử lý lượng chất thải từ nông nghiệp, tái sử dụng chúng một cách khoa học nhằm cải thiện tình trạng đất tại nhiều địa phương trở nên màu mỡ hơn.
Có thể nói, Migreen sẽ bắt tay vào thực hiện những bước đi đầu tiên trong một lĩnh vực rất khó khăn. Tuy nhiên quan điểm kinh doanh của tôi là cả chuỗi cung ứng, mỗi mắt xích đều được thụ hưởng lợi ích, thì mới có thể đi cùng nhau lâu bền. Đó cũng chính là con đường để kiến tạo tương lai bền vững.
VnEconomy 08/02/2024 14:06
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
14:06 08/02/2024