Sáng kiến "Chi lương linh hoạt" hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19
Ngày 24/12, Hội nghị đối thoại về “Chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19” giữa Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và USAID đã diễn ra với sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế và hơn 50 đại diện đến từ các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh...
“Cải cách thủ tục hành chính, tìm ra các giải pháp khả thi, nhanh chóng, giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn xã hội hoá để phục hồi sau đại dịch” là mục đích chính của Hội nghị đối thoại được tổ chức sáng ngày 24/12 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và USAIS tổ chức.
Tại hội nghị, Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, đại diện cho Hiệp hội đã kiến nghị chính sách nhằm hỗ trợ hội viên phục hồi sản xuất, kinh doanh trong năm tới. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Quan hệ Lao động của Thủ tướng cũng đã đối thoại với các doanh nghiệp địa phương. Các bên đã llắng nghe, trao đổi, cùng bàn bạc trên một mục tiêu chung: Làm sao để cải cách thủ tục hành chính, tập trung tìm ra những giải pháp chuyển đổi số khả thi, nhanh chóng, dễ dàng triển khai cho các doanh nghiệp địa phương.
Buổi đối thoại có sự tham gia của nhiều chuyên gia và các đại diện đến từ cộng đồng doanh nghiệp. Đại diện cho công ty Nano Technologies Vietnam - thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, ông Mai Sơn đã giới thiệu về giải pháp Chi lương Linh hoạt, chương trình hỗ trợ tài chính - công nghệ giúp doanh nghiệp và người lao động phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 từ nguồn vốn xã hội hoá.
"Chi lương linh hoạt" là giải pháp công nghệ gây chú ý trên thế giới trong vài năm trở lại đây. Mô hình này kết nối với các doanh nghiệp, cho phép người lao động nhận sớm tiền lương ngay khi cần thông qua một ứng dụng điện thoại.
Nano Technologies đã phát triển ứng dụng "Chi lương linh hoạt" đầu tiên tại Việt Nam mang tên Vui App, tới nay đã phục vụ hơn 60.000 lao động.
Với Vui App, người lao động có thể nhận lương thường xuyên hơn, nhưng doanh nghiệp không phải chịu áp lực dòng tiền, không cần các thủ tục giấy tờ phức tạp. Đây được coi là xu hướng nhân sự hậu Covid-19 (theo đánh giá của KPMG).
So sánh với nhiều giải pháp khác, Ông Nguyễn Văn Thân đánh giá "Chi lương linh hoạt" là sáng kiến nhanh, khả thi và dễ triển khai nhất tại các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, giúp gắn kết đội ngũ, ổn định lại sản xuất sau Covid-19. Đồng thời đây cũng là một giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết nạn tín dụng đen.
Xem xét kĩ thực tế nghiên cứu và triển khai "Chi lương linh hoạt" trên Vui App tại nhiều doanh nghiệp lớn trong nước, Hội nghị đề xuất áp dụng thí điểm mô hình này cho các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình trong năm 2022. Đặc biệt, các nhà máy, công xưởng với đội ngũ lao động lớn được ưu tiên triển khai trước. Hy vọng giải pháp này sẽ hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và nâng cao đời sống người lao động cả về vật chất và tinh thần.
Kết thúc hội nghị, đoàn công tác của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tới thăm và làm việc tại hai doanh nghiệp là Công ty Hương Sen và Công ty CP Quốc tế Bảo Hưng. Lãnh đạo hai doanh nghiệp rất phấn khởi với mô hình Chi lương Linh hoạt và tiên phong tham gia dự án để hỗ trợ kịp thời cho người lao động.