Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 1
Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 2

“Hàn Quốc và Trung Quốc là hai ví dụ thành công nhất về công nghệ, cả Hàn Quốc và Trung Quốc, đều có ngân hàng công nghệ hay ngân hàng công nghiệp tùy từng nước gọi. Họ thấy nhu cầu hết sức cần thiết và đã tạo ra cơ chế riêng - là ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực công nghệ. Ngân hàng này hoạt động theo cách thức: nguồn vốn do Chính phủ đưa vào và ngân hàng quản lý. Nhưng cách duyệt vốn (cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ vay vốn) khác với ngân hàng truyền thống khi dựa vào bất động sản (tài sản hữu hình) cùng kết quả kinh doanh và tài sản hữu hình mang tính tiên quyết.

Tuy nhiên, với ngân hàng công nghệ,  việc cho vay vốn cũng dựa trên kết quả kinh doanh nhưng ngân hàng không đòi hỏi phần tài sản hữu hình, tài sản cố định, vì đây là đặc thù của doanh nghiệp công nghệ.  Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, người ta có một hội đồng quốc gia của những người có kiến thức, hiểu biết và trách nhiệm với ngành, và hội đồng này quyết định việc rót vốn vào dự án.

Ngoài ra, ở Trung Quốc còn có quỹ. Trong lĩnh vực công nghệ, tư nhân năng động hơn nên Trung Quốc khuyến khích tư nhân đầu tư các quỹ tư nhân đầu tư vào venture (quỹ đầu tư mạo hiểm). Nói là đầu tư mạo hiểm nhưng các quỹ này siêu lợi nhuận, vì một người thành công thì vẫn bằng rất nhiều “ông” thất bại.

Trung Quốc khuyến khích các quỹ tư nhân bằng cách cùng đầu tư vào các quỹ tư nhân, cho quỹ tư nhân dẫn dắt, còn Nhà nước góp tiền, tất nhiên phải chọn lọc các quỹ để Nhà nước rót vốn. Nhà nước đầu tư vào quỹ, nếu quỹ thành công thì Nhà nước cũng không lấy tiền đó ra mà quỹ sẽ được sử dụng, nghĩa là Nhà nước đưa thêm vốn vào, hỗ trợ thêm để khuyến khích, còn quỹ chịu trách nhiệm.

Những nước muốn nắm bắt công nghệ thì phải thúc đẩy rất nhanh, chứ không thể để tự nhiên có được mà phải có định hướng của Nhà nước. Ngân hàng công nghệ chính là lời giải của Trung Quốc và Hàn Quốc, đây cũng là hai ví dụ rất điển hình. Nhờ vậy họ mới có được những đột phá về khoa học và công nghệ như hiện nay. Trong đó, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đều dựa vào ngân hàng công nghệ và những quỹ như vậy để phát triển.

Với Việt Nam, muốn phát triển và phát triển nhanh về khoa học công nghệ, theo tôi, phải có ngân hàng công nghệ, không có cách nào khác. Đây là điểm khó nhất mà Việt Nam phải giải, cũng là điểm mấu chốt cho sự phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia. Thực tế đã dẫn chứng ở trên, đó là những điển hình mà Việt Nam phải nghiên cứu rất kỹ. Cả quỹ mạo hiểm cũng vậy, cũng phải nghiên cứu kỹ để đưa vốn vào quỹ của tư nhân. Còn đường đấy là phải làm, chỉ có điều cách làm như thế nào thôi.

Mỗi một giai đoạn sẽ có một số quốc gia nổi lên. Giai đoạn này Việt Nam có cơ hội rất lớn, nếu Việt Nam không bắt nhịp được, không phá được “bức tường thành” để có ngân hàng công nghệ thì khó có thể phát triển tăng tốc và bền vững”.

Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 3

“Các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có tác động mạnh mẽ, giúp Việt Nam không ngừng đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính công vụ để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ mà trước hết là con người và thể chế, nhằm khai phóng mọi nguồn lực, mọi sức sáng tạo để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Quản lý khoa học chủ yếu và quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ, chăm lo đội ngũ, khuyến khích thúc đẩy nghiên cứu khoa học thông qua chính sách, chứ không phải chỉ lo các sự vụ hành chính về giao đề tài, về chia tiền, về hoàn tất các thủ tục thành lập các loại hội đồng, về nghiệm thu, đánh giá đề tài… Quản lý khoa học và công nghệ là nhằm phát huy được nguồn lực (cả nội lực và ngoại lực) và tạo ra động lực cho nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu; chấm dứt tình trạng hành chính hóa công tác quản lý nghiên cứu khoa học.

Việc quản lý các cơ sở nghiên cứu khoa học cần có đặc thù riêng, quan trọng nhất là tạo ra “khoảng trời tự do” đủ rộng cho đổi mới, sáng tạo, cho việc phát huy cao nhất bản ngã và trí tuệ của từng con người, của mỗi cá nhân.

Một vấn đề có ý nghĩa sống còn của phát triển khoa học và công nghệ là chấp nhận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong công tác quản lý khoa học và công nghệ. Nếu không, khoa học Việt Nam sẽ không thể phát triển để tạo cơ sở cho một nền kinh tế hội nhập có sức cạnh tranh cao trong tương lai, thoát khỏi việc lẩn quẩn trong “ao làng” để ra với “biển lớn”.

Đặc biệt, cần thành lập Quỹ nghiên cứu khoa học quốc gia đủ mạnh, nghĩa là đủ lớn về tiền bạc và đủ minh bạch trong quản lý tài chính, được tổ chức và vận hành độc lập, do một Hội đồng các nhà khoa học uy tín điều hành; không chịu sự quản lý hành chính và sự chi phối về tổ chức - nhân sự của một cơ quan chủ quản nào.

Việc phân bổ kinh phí nghiên cứu dựa vào tiêu chí duy nhất là chất lượng nghiên cứu, các công trình đã “trình làng” của nhà khoa học, của nhóm nghiên cứu, lấy đầu ra học thuật làm mục tiêu tối thượng. Kinh nghiệm hoạt động của Quỹ Nafosted, kinh nghiệm xác định nhiệm vụ và đánh giá các nhiệm vụ khi thực hiện dự án FIRST, là các bài học quý khi vận hành quỹ này.

Chúng ta cũng rất cần thí điểm để sớm chính thức hóa các quỹ rủi ro và quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ, huy động tối đa nguồn lực xã hội cho các loại quỹ này. Muốn vậy, Nhà nước cần phải đi trước, làm trước, là đầu tàu cho các loại quỹ rất cần thiết nhưng còn mới mẻ này ở Việt Nam.

Mẫu số chung của các trường đại học danh tiếng, các viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới là được đầu tư những khoản tiền “đủ lớn” cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ở Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, ngân sách dành cho khoa học và công nghệ đã giảm dần và năm thấp nhất chỉ có 0,82% tổng chi ngân sách, trong khi quy định phải đảm bảo thấp nhất là 2% tổng chi ngân sách. Năm 2022, tỷ lệ này có khá hơn, chiếm 1,01% chi ngân sách .

Như vậy, đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ còn chưa tương xứng, chưa đạt tới ngưỡng cần và đủ. Hiện nay, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, tính theo GDP, mới chỉ chiếm khoảng hơn 0,6% GDP. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp còn thấp hơn nữa so với nhu cầu, mới được khoảng 0,21% GDP nông nghiệp, trong khi con số này của Trung Quốc là 1,55%, Hàn Quốc là 3,4%... Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho “tam nông” mới đáp ứng khoảng 55% nhu cầu.

Đầu tư đã thấp nhưng lại dàn trải và thiếu trọng tâm, trọng điểm. Tôi cho rằng chúng ta phải sớm thay đổi chính sách đầu tư theo KPIs trên cơ sở thay đổi tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đặc biệt cần đẩy mạnh hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ theo hình thức khoán theo các sản phẩm trung gian hay sản phẩm cuối cùng; chấm dứt tình trạng, đề tài nào cũng phải có 1-3 kế toán với nhiệm vụ chủ yếu là hợp pháp hóa hóa đơn, chứng từ; chủ nhiệm nhiệm vụ lo hoàn tất thủ tục tài chính hơn là lo cho nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, cần rà soát, kiểm kê lại các phát minh, sáng chế, các công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín, để thấy được hướng đi và thành tựu của từng cơ sở nghiên cứu, từng nhóm nghiên cứu và từng cá nhân nhà khoa học; từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu mở về các nhà khoa học và các thành tựu khoa học và công nghệ quốc gia, làm cơ sở cho việc xác định nhiệm vụ và phân bổ kinh phí khoa học và công nghệ đúng và trúng, tiết kiệm tối đa ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư”.

Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 4

“Về nguồn lực tài chính đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ, hiện nay tại Đại học Quốc gia TP.HCM, việc cấp kinh phí vẫn theo dự toán từ các cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức khoa học trực thuộc trình lên và Đại học Quốc gia TP.HCM tổng hợp gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính xét duyệt để cấp kinh phí.

Cách cấp kinh phí theo hình thức này có những hạn chế bởi thời gian chờ đợi rất lâu, không tức thời. Ngoài ra, trong quá trình triển khai đề tài dự án nghiên cứu khoa học thường đi kèm với rủi ro, có thể không thành công. Tuy nhiên, trong quá trình làm, muốn chuyển hướng đi mới hoặc chuyển cho người khác cũng không được vì không đúng với phê duyệt ban đầu, nên phần lớn các trường hợp đều phải trả lại ngân sách kinh phí đề tài.

Do đó, tôi cho rằng để đột phá về mặt tài chính, cần nghiên cứu chuyển sang mô hình cấp kinh phí dạng block (gói tài trợ) đang được nhiều quốc gia phát triển áp dụng. Ví dụ mỗi năm trường đại học được cấp 100 tỷ đồng, khi đó nhà khoa học viết đề cương đề án sẽ ngay lập tức có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện, giải quyết vấn đề.

Cách cấp kinh phí này giúp nhà nghiên cứu linh hoạt điều chuyển nếu trong quá trình triển khai, phát hiện không thành công có thể điều chỉnh sang hướng đi mới.

Việc thẩm định, đánh giá, nghiệm thu, kết thúc đề tài vẫn còn tình trạng hồ sơ chứng từ, hóa đơn nhiều và phức tạp. Do đó, theo tôi từng bước cải cách thủ tục hành chính như giảm bớt thủ tục và giao quyền nhiều hơn cho thầy cô.

Hiện nay, các cơ quan chức năng liên quan sẽ giám sát, theo dõi quá trình thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên theo tôi, có một cách làm khác hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch hơn, đó là công khai các kết quả nghiên cứu và nguồn kinh phí được cấp cho nghiên cứu trên mạng xã hội.

Theo đó, sẽ công khai, minh bạch thủ tục tuyển chọn, xét duyệt, nhận xét của hội đồng, sản phẩm nhà nghiên cứu đăng ký, kết quả nghiệm thu, sản phẩm cụ thể, mức kinh phí được phê duyệt. Như vậy, cả xã hội sẽ cùng giám sát quá trình thực hiện và chi tiêu của đề tài nghiên cứu. Đây là cách giám sát hiệu quả và cần thiết giúp nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, chủ trì đề tài cũng như người làm nghiên cứu.

Về đổi mới sáng tạo, hiện nay, Luật Cán bộ, công chức, viên chức không cho phép các thầy cô giáo trong trường đại học mở doanh nghiệp khởi nguồn (doanh nghiệp spin-off). Spin-off là mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành trong quá trình làm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ, có phần sở hữu của trường đại học và phần sở hữu của Nhà nước.

Để làm được điều này, các thầy cô là những người nghiên cứu phát minh sản phẩm công nghệ phải là chủ doanh nghiệp. “Hồn cốt” doanh nghiệp spin-off chính là sản phẩm nghiên cứu, trí tuệ của các nhà khoa học. Tuy nhiên, theo quy định, viên chức không được tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp, do đó, các kết quả đề tài nghiên cứu không thể thương mại hóa. Để thương mại hóa, các nhà nghiên cứu phải đi “sân sau”, “đi vòng” để mở doanh nghiệp.

Trong thương mại hóa công nghệ, gắn kết cung cầu, không phải giữa doanh nghiệp và trường đại học không có tiếng nói chung mà với cách làm như hiện nay, các đề tài nghiên cứu chỉ đầu tư ngắn hạn từ 1-2 năm. Trong khi đó có những sản phẩm cần 5-10 năm mới có thể tìm ra kết quả mang lại giá trị lợi ích gia tăng cao cho doanh nghiệp.

Tôi cho rằng một trong những thách thức, vướng mắc giữa doanh nghiệp và trường đại học chính là việc nắm bắt cung - cầu. Nhà trường không năm bắt được nhu cầu doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp không biết kết quả nghiên cứu của trường. Ngoài ra, cần phải có các chương trình dài hơi, kiên trì bởi làm nghiên cứu không thể “ăn xổi ở thì”; đặc biệt cần có cơ chế chính sách chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”.

Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 5

“Chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại nên chia thành 3 loại hình doanh nghiệp và có chính sách riêng cho từng loại. Ví dụ loại A là doanh nghiệp lớn, loại B là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và loại C là doanh nghiệp khoa học và công nghệ - loại hình chuyên nghiên cứu triển khai thành phẩm từ bằng phát minh, sáng chế, đặc biệt về phương hướng chính sách, cho 3 loại hình doanh nghiệp nói trên.

Như vậy, Nhà nước chỉ cần có một số chính sách khuyến khích (incentives) như cho khấu trừ thuế đối với chi phí R&D là đã có tín hiệu hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng thành viên hầu hết là kỹ sư, nhà khoa học hiểu công nghệ, hiểu thị trường, chính sách bảo đảm sở hữu trí tuệ, là rất quan trọng đối với họ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cần được Nhà nước quan tâm nhiều nhất vì SMEs chiếm tuyệt đại đa số trong doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, trong lực lượng lao động. Ứng dụng công nghệ để SMEs hoạt động hiệu quả sẽ tăng năng suất của cả nền kinh tế nhưng SMEs nguồn lực và hiểu biết về thị trường, công nghệ có giới hạn. Lúc này chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo cần kết hợp với chính sách hỗ trợ, sẽ là trợ thủ đắc lực nuôi dưỡng SMEs nói chung. 

Ngoài ra, việc thực thi các chính sách cần công khai, minh bạch dễ áp dụng. Nhiều SMEs phản ánh làm thủ tục để xin vay vốn ưu đãi (lãi suất giảm vài điểm phần trăm so với lãi suất thông thường) nhưng hồ sơ xin và tư liệu liên quan phải chuẩn bị quá nhiều, phải đi lại nhiều lần, qua nhiều cửa, mất quá nhiều thai gian, công sức tính ra chi phí đi lại còn lớn hơn lợi ích từ lãi suất ưu đãi, do vậy mà nhiều SMEs đã không còn mặn mà sử dụng chính sách ưu đãi.

Để chính sách khoa học và công nghệ của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, tôi đề nghị phải sửa bốn điểm chủ yếu.

Một là, doanh nghiệp ngoài Nhà nước được khuyến khích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ như doanh nghiệp Nhà nước và mức trích lập tối đa 10% lợi nhuận trước thuế, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần kinh phí trích lập quỹ.

Hai là, chế độ ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (chứ không phải thuế chung chung). Cho đến nay rất ít doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi này vì thủ tục rất phiền hà, lượng tiền được miễn giảm không nhiều do luật thuế thu nhập doanh nghiệp hạn chế mức trần trích lập quỹ chỉ tối đa 10% lợi nhuận trước thuế.

Ba là, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia do Chính phủ lập để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ (không phải là quỹ của doanh nghiệp) với mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nhưng hơn 10 năm nay hầu như không hoạt động được vì luôn bị ép là quỹ tài chính ngoài ngân sách phải tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên qua hoạt động cho vay và bảo lãnh vốn vay để tạo ra lợi nhuận đảm bảo tự chi thường xuyên. Trong khi bộ máy nhân sự của quỹ không đủ điều kiện làm chức năng cho vay và bảo lãnh vốn vay như ngân hàng. Vì vậy, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chưa giúp được doanh nghiệp, dẫn đến không hiệu quả.

Bốn là, các doanh nghiệp cần tiếp cận với các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp bộ để có nguồn lực R&D và đổi mới công nghệ. Cần thay đổi tư duy ngân sách Nhà nước không hỗ trợ cho khu vực tư nhân để các doanh nghiệp tư nhân có thể được nhận hỗ trợ của nhà nước - kênh hỗ trợ duy nhất được phép đối với thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ở các nước tiên tiến, để ý tưởng khoa học và công nghệ được đầu tư và thương mại hóa, họ cũng phải chủ động đi tìm nhà đầu tư, chứ không hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Muốn tìm nguồn đầu tư có hiệu quả, kể cả nguồn tín dụng và chính sách thuế, nhiều doanh nghiệp phải hướng công nghệ của mình vào hướng doanh nghiệp xã hội vì cộng đồng. Các doanh nghiệp có chiến lược phát triển khoa học, công nghệ rõ ràng và khả năng ứng dụng cao đầy trách nhiệm xã hội, thể chế quản lý phải minh bạch mới phát triển bền vững”.

Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 6

“Thời gian qua, ngành nhựa nhận được sự đồng hành, sự quan tâm chú trọng đến vấn đề môi trường của Chính phủ, đặc biệt là việc thu gom và xử lý rác thải nhựa. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra khái niệm EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - Extended Producer Responsibility). Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu trong việc tái chế và xử lý các sản phẩm, bao bì thải bỏ.

Ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí tại Điều 75 Luật Đầu tư 2014 và các tiêu chí: (i) doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp, (ii) tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào hàng năm; (iii) tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp trên tổng số lao động.

Ngoài ra, sự đồng hành của các doanh nghiệp, hiệp hội đồng hành trong các hoạt động, diễn đàn uy tín về kinh tế xanh, đóng góp sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững từ các doanh nghiệp hàng đầu như: Coca Cola, Nestle, Lavie, Unilever, Suntory Pepsico để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như từ các Hiệp hội như: Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA); Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (VWRA).

Tuy nhiên, hiện nay còn gặp nhiều thách thức về phân loại rác thải (hầu hết chưa được phân loại tốt tại nguồn); các hoạt động thu gom, tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu làm thủ công ở các làng nghề, chưa tuân thủ công tác môi trường.

Bên cạnh đó, còn có thách thức về kỹ thuật. Việt Nam chưa có công nghệ tái chế phù hợp trong khi các công nghệ tái chế hiệu quả phải nhập khẩu từ nước ngoại với chi phí khá cao; bao bì chưa có tiêu chuẩn hóa và chưa thân thiên với công nghệ tái chế, chưa khuyến cáo phân rõ vật liệu dùng cho nắp chai, nhãn, keo để việc tái chế được thuận tiện và giảm chi phí, cũng như giảm hao hụt nguyên liệu trong sản xuất.

Với người tiêu dùng, thách thức đến từ việc người tiêu dùng chưa được truyền thông đúng về sản phẩm tái chế; người tiêu dùng vẫn chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm có bao bì từ nhựa tái chế”.

Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 7

“Xét theo mô hình đầu tư trực tiếp, hiện cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn nói chung đã khá hoàn thiện, quỹ đầu tư nước ngoài nếu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng hoạt động theo cơ chế này. Tuy nhiên, với quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam, chính sách hiện tại chưa thực sự có tính hỗ trợ tương xứng để thực hiện đầu tư trong nước hay đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, do lợi thế đàm phán, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ có khả năng yêu cầu công ty nhận đầu tư tái cơ cấu để chuyển công ty nắm vốn ra nước ngoài, tạo điều kiện hơn nữa cho việc thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài. Theo mô hình này, quỹ đầu tư trong nước rất khó có thể cạnh tranh để thực hiện đầu tư trong cùng sân chơi. Có một hiện trạng là phần lớn các quỹ đầu tư có một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn nội, nhưng vẫn lựa chọn mô hình lập quỹ đầu tư tại nước ngoài, để có thể vận hành thông suốt như một quỹ đầu tư nước ngoài.

Để có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam, chính sách để phát triển phải đảm bảo cả điều kiện cần và đủ.  Điều kiện cần là đảm bảo điều kiện vận hành không bị ách tắc cho quỹ đầu tư mạo hiểm của Việt Nam. Điều kiện về thành lập, điều chỉnh, cơ chế hoạt động, chế độ kế toán, thuế của quỹ đầu tư mạo hiểm… cần được đơn giản và đồng nhất hóa với hệ thống thủ tục hành chính thông thường của doanh nghiệp. Hiện Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã đặt ra nền móng cho hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, nhưng chưa đảm bảo các điều kiện cần này.

Điều kiện đủ là chính sách phải đem lại những ưu đãi riêng biệt cho quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam, ít nhất là tương tự, nếu không phải là ưu đãi hơn so với chính sách các nước khác. Các ưu đãi, hỗ trợ này có thể là ưu đãi về miễn giảm thuế cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tài trợ (grant) từ nhà nước và hoạt động cùng đầu tư của nhà nước (matching fund) cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Các chính sách này Việt Nam đã có chủ trương nhưng vẫn chưa được đưa vào thực tế”.

Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 8

VnEconomy 29/11/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2023 phát hành ngày 27-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc  - Ảnh 9

08:00 29/11/2023